TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 16
  • Hôm nay: 572
  • Tháng: 11021
  • Tổng truy cập: 5144340
Chi tiết bài viết

Chủ nghĩa tư bản và khủng hoảng tài chánh toàn cầu Vietsciences- Nguyễn Trường

Năm 1989, bức tường Bá Linh sụp đổ. Năm 1991, Liên Bang Xô Viết tan rã. Trong tác phẩm The End of History and the Last Man, xuất bản năm 1992, tác giả Francis Fukuyama chính thức tuyên bố Điểm Chung Cuộc của Lịch Sử. Văn hóa Tây phương toàn thắng ; trật tự thế giới mới sẽ dần dà được định hình theo mô hình Dân Chủ Tự Do. Và Chủ nghĩa Tự do về Chính trị và Kinh tế từ nay sẽ là mô hình duy nhất và tốt nhất cho nhân loại.

Trong mô hình nầy, mục tiêu tối hậu của các công ty là tối đa hóa doanh lợi cho giới đầu tư hay cổ đông. Lợi nhuận càng cao, giới lãnh đạo quản trị càng được tưởng thưởng hậu hỷ dưới hình thức thù đáp cao, nhất là với các chứng khoán hoặc cổ phiếu đặc biệt. Nhiệm vụ của chính quyền là giảm thiểu các biện pháp can thiệp  và kiểm soát, đẩy mạnh tư hữu hóa. Tất cả những việc khác sẽ được giải quyết tốt đẹp bởi bàn tay vô hình của thị trường tự do. Nói một cách ngắn gọn, thị trường cạnh tranh tự do là guồng máy phân bổ tài nguyên ưu việt, và là cơ chế phát triển kinh tế hữu hiệu nhất.

Theo nhóm Washington Consensus, giới lãnh đạo trong Bộ Ngân Khố, Cục Dự Trữ Liên Bang, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế giới, và một số trường đại học nổi tiếng Hoa Kỳ, sau chiến tranh lạnh, chủ nghiã tư bản tự do là hệ thống duy nhất đã vượt qua thử thách và thích hợp với thế giới ngày mai. Theo họ, toàn cầu hóa - tiến trình hội nhập các nền kinh tế và các đại công ty đa quốc gia qua mậu dịch và đầu tư quốc tế - là nguyên tắc chỉ đạo, là phương châm hành động. Họ chủ trương: quân bình ngân sách, giảm thuế, thị trường tự do, tư hữu hóa, bảo vệ quyền tư hữu, giảm thiểu vai trò của chính quyền... Tóm lại, mô hình nầy sẽ mang lại thịnh vượng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đưa đến dân chủ, hòa bình và ổn định.

Trong thực tế, với tình trạng chiến tranh khắp nơi, với hiện tượng hâm nóng toàn cầu, ô nhiễm môi trường, tình trạng nghèo đói dai dẳng trong nhiều vùng trên thế giới, và nhất là với chính sách đối ngoại của chính siêu cường Hoa kỳ, trật tự thế giới mới không còn đứng vững. Nếu toàn cầu hóa kinh tế là trào lưu bất khả kháng, nó cũng che dấu nhiều đợt sóng ngầm dẫn tới các cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng như cuộc khủng hoảng năm 1997 ở Á châu, và cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

 Cứu Nguy và Xã Hội  Hóa Chủ Nghĩa Tư Bản

Trong một bài bình luận ngày 25-10-2008, báo The New York Times viết, "gạt bỏ một lời khoa trương đùa cợt của Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy - chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ đã chấm dứt - là một việc làm dễ dàng, chỉ cần xếp nó chung với các lời phê bình của Pháp về thức ăn liền và văn hóa bình dân Mỹ"

Thực vậy, chính quyền Mỹ hiện nay đang nắm nhiều chứng khoán và cổ phần trong những ngân hàng lớn, kiểm soát một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới - AIG (American International Group), nhận bảo đảm hơn nửa số nợ có bất động sản thế chấp trong cả nước. Nói một cách khác, chính quyền đã nắm giữ và kiểm soát hệ thống tài chánh - mạch sống của chủ nghĩa tư bản.

Alan Greenspan, người luôn rao giảng chủ nghĩa tư bản kinh điển và nguyên chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang, tuần rồi, cũng đã phải thú nhận nhược điểm trong niềm tin sắt đá của mình trong hơn 40 năm qua: thị trường luôn tự động điều chỉnh. Ông nói:"Tôi đã sai lầm". Bối rối, ông ra trước Quốc Hội than phiền quan điểm kiên cường của ông về thế giới trước đây nay đã rạn vở và ông vẫn chưa hiểu bằng cách nào cuộc khủng hoảng đã xẩy ra. Đây chính là lúc giới trí thức phải lo lắng.

Vấn đề là chủ nghĩa tư bản phải chuyển hướng như thế nào. Trong một thế giới với những liên kết toàn cầu, Hoa Kỳ không thể đơn thuần trở lại với chủ nghĩa tư bản của các thập kỷ 1950s và 1960s khi luật lệ giám sát rất khắt khe và các công ty độc quyền được o bế đang khống chế thế giới các công ty. Tuy nhiên, Tổng Thống và Quốc Hội mới sắp tới sẽ có nhiều cơ may không thể bỏ qua để tái thẩm định những nguyên tắc và luật lệ chi phối một hình thức kinh tế thị trường vốn được buông lỏng và tự do thái quá từ thời Tổng Thống Ronald Reagan.

Sự gỡ bỏ giám sát tài chánh đã đem lại sinh động cho sinh hoạt kinh tế, khi thịnh vượng lúc thoái trào - gỡ bỏ rào cản đối với chuyển dịch tư bản, cho phép tự do giao dịch các sản phẩm tài chánh mờ ám, và thả lỏng các định chế tài chánh tự do vay nợ ngày một nhiều hơn.

Tiền vay nhẹ lãi từ Trung Quốc và Cục Dự Trữ Liên Bang đã thêm dầu vào lửa. Và các định chế tài chánh được buông lỏng tự do của Hoa Kỳ - các định chế trung gian môi giới, các qũy đầu cơ, và các ngân hàng phi- ngân- hàng (nonbank banks) - giữ một vai trò quan trọng trong những diễn biến đưa tới thảm họa.       

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng đòi hỏi phải rà soát, tư duy lại   các quy luật giám sát tài chánh. Tỉ suất vốn dự trử của các ngân hàng phải được tăng cao; các định chế tài chánh phải được tái giám sát. Và nhiều hình thức kiểm soát, khác hơn là buộc dây cương lên các ngân hàng Mỹ, cũng rất cần thiết. 

Chính quyền mới sắp đến phải tái lập ý niệm cơ hội đồng đều, cần đầu tư vào y tế, giáo dục và hạ tầng cơ sở. Một khế ước xã hội và vai trò của chính quyền trong khế ước đó cần được xét duyệt. Vượt qua những thách thức đó là một trách nhiệm khó khăn. Cứu cấp hệ thống tài chánh cũng chỉ mới là bước đầu.             

Khủng Hoảng Nhiều Mặt

Càng hiểu rõ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, người ta càng thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Hai ứng viên Tổng Thống trong quá trình vận động tuyển cử chỉ quan tâm đến những khó khăn của giai cấp trung lưu - các gia đình âu lo về công ăn việc làm, đến tiền nhà hàng tháng, tiền tiết kiệm hưu trí và học phí đại học cho con em.

Mỗi lần chỉ số Dow Jones sụt giảm, mối âu lo càng gia tăng. Mỗi công ty đóng cửa và mỗi phúc trình của chính quyền về số người thất nghiệp gia tăng làm họ thêm sợ hãi.

Chẳng ai biết phải làm gì để ổn định tình hình. Và cũng chẳng ai nói gì về người nghèo khó.

Nhưng nếu chúng ta đã thực sự rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ cuộc kinh tế đại khủng hoảng 1929-33, những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những người nghèo khổ và trung lưu hạng thấp (lower middle class). Có hàng triệu người như vậy, nhưng phần lớn chẳng ai biết đến. Đối với họ, một bước sụt thang là thêm một bước chìm sâu vào cảnh khốn cùng hơn nữa.

Trước hết, ít ra trong đoản kỳ, nhiều gia đình sẽ mất căn hộ đang ở, sẽ khó tìm được việc làm. Khi mất việc, nhiều gia đình sẽ mất bảo hiểm y tế... Tình trạng nầy sẽ là một gánh nặng vượt khỏi khả năng chịu đựng của các bệnh viện cung cấp các dịch vụ y tế căn bản, vốn đang đối mặt với bất trắc khả dĩ vở nợ.

Nạn kinh tế thoái trào cùng với dự phóng gia tăng trong số bệnh nhân không có bảo hiểm y tế sẽ làm cuộc khủng hoảng hiện nay thêm phần trầm trọng.

Hệ thống tài chánh Hoa Kỳ đã bị chìm đắm trong cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản vì từ lâu các nhà lãnh đạo đã không nghiêm chỉnh chú tâm đến các triệu chứng rõ ràng của căn bệnh đã di căn.

Hiện nay, nhiều triệu chứng đáng lo ngại cũng đã xuất hiện trong một số địa hạt quan trọng khác: hạ tầng cơ sở quốc gia xuống cấp, hệ thống giáo dục công lập bất cập, các chính sách năng lượng và y tế vô hiệu. Và không một cấp lãnh đạo nào đưa ra một phương án thích ứng.

Tóm lại, dấu hiệu suy thoái, mục rữa, đầy dẫy ở khắp nơi. Kể từ đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ chưa bao giờ phải cần đến một chính quyền cùng lúc có viễn kiến toàn cảnh và khả năng lãnh đạo trên nhiều mặt trận như lúc nầy.

Ngay từ đầu, khi cần chuyên viên giúp lèo lái Wall Street ra khỏi trì trệ, Henry Paulson, Bộ trưởng Ngân Khố, đã quay về Goldman Sachs tuyển chọn một số cộng tác viên cũ giàu kinh nghiệm về ngân hàng và tái cấu trúc các công ty.

Tháng 9-2008, sau khi chính quyền Bush quyết định cứu cấp tập đoàn bảo hiểm AIG với ngân khoản 85 tỉ USD (nay tăng lên khoảng 122 tỉ), Paulson cũng đã giúp chọn một giám đốc trong hội đồng quản trị Goldman Sachs vào chức vụ lãnh đạo AIG.

Vào đầu tháng 10-2008, khi cần người cầm đầu quỹ cứu trợ 700 tỉ, Paulson  lại tuyển chọn Neel T. Kashkari, 35 tuổi, một tay em - cũng thuộc nhóm Goldman Sachs - chỉ có kinh nghiệm trong ngành ngân hàng đầu tư.

Chính vì hầu hết các viên chức lèo lái các chương trình cứu trợ và giải quyết cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay đều xuất thân từ lò luyện Goldman Sachs, các ngân hàng và công ty tài chánh cạnh tranh đã đặt cho Goldman cái tên lóng: Government Sachs (Chính quyền Sachs).

Chính tầm cỡ cuộc khủng hoảng tài chánh và các phương cách can thiệp mang tính lịch sử của chính quyền đã đưa đến nhiều nghi vấn về vai trò của Goldman Sachs.

Các nhà phân tích tự hỏi tại sao Paulson lại không tuyển chọn một số trợ tá từ các ngân hàng cạnh tranh khác để giảm thiểu hình ảnh của Bộ Ngân Khố, trong thực tế, đã trở thành một bộ phận của Goldman. Một số khác đặt câu hỏi: Paulson và nhóm của ông đang lo cho quyền lợi của ai? Của những vị đang giám sát các xí nghiệp dịch vụ trên đường  phá sản, hay của các sở hữu chủ những căn hộ trung bình đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng?

Và câu trả lời có thể là những hành động của Paulson và câu lạc bộ các cựu nhân viên Goldman Sachs sẽ được mổ xẻ phân tích bởi Quốc hội mới vào mùa xuân sắp tới khi thảo luận vấn đề luật pháp, trình độ giám sát và chế tài các hình thức hoạt động dịch vụ tài chánh thiếu cẩn trọng, nghiêm túc.

 

Những Cam Go Trước Mắt

 Trong nhiều tuần lễ vừa qua, sự chao đảo trên các thị trường chứng khoán toàn cầu đã chiếm vị trí những tin hàng đầu của báo chí. Nhưng quan trọng và đáng lo hơn cả vẫn là những tin tức về thực trạng kinh tế toàn cầu. Trong thực tế, hiện nay, các biện pháp cứu nguy khu vực ngân hàng rõ ràng chỉ mới là bước đầu. Các khu vực kinh tế ngoài tài chánh còn cần cứu trợ cấp thiết hơn nữa.

Do đó, trái với các chính sách Tân Bảo Thủ, sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt kinh tế thật sự rất cần thiết qua gia tăng công chi dù phải tạm thời quên đi mục tiêu thăng bằng ngân sách.

Vào đầu tháng 10-2008, chỉ số tiêu thụ sụt giảm mạnh song song với chỉ số sản xuất kỹ nghệ. Tỉ lệ thất nghiệp vọt cao. Chỉ số kỹ nghệ chế biến của Ngân Hàng Dự Trử Liên Bang Philadelphia sụt giảm nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Tất cả mọi  dấu hiệu đều cho thấy nạn thoái trào kinh tế sẽ rất sâu đậm, tàn nhẫn,và lâu dài.

Tỉ suất thất nghiệp đã vượt quá 6%; tỉ suất khiếm dụng trên 10%. Đến nay, hầu như chắc chắn tỉ suất thất nghiệp sẽ lên quá 7%, và rất có thể trên 8%, cho thấy đây là cuộc thoái trào nghiêm trọng nhất trong vòng một phần tư thế kỷ.

Đợt thoái trào lần nầy cũng có thể dài lâu. Nhiều người còn nhớ những gì đã xẩy ra trong cuộc thoái trào lần cuối, tiếp theo sau sự kiện bong bóng kỹ thuật bùng nổ trong thập kỷ 1990s. Trên bề mặt, người ta những tưởng các biện pháp đối phó lần đó khá thành công. Lúc đó mặc dù nhiều người lo sợ Hoa kỳ có thể đánh mất  một thập kỷ tương tự như người Nhật, nhưng điều đó đã không xẩy ra. Cục Dự Trữ Liên Bang đã thành công đem lại sự phục hồi qua các biện pháp cắt giảm lãi suất.

Trong thực tế, Hoa Kỳ trong thập kỷ 1990s cũng chẳng mấy khác Nhật Bản. Cục Dự Trữ Liên Bang cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù sau nhiều lần cắt giảm lãi suất cho đến khi lãi suất quỹ liên bang xuống còn 1%, tỉ suất khiếm dụng vẫn tiếp tục gia tăng. Phải mất tới hơn hai năm trước khi thị trường công ăn việc làm mới bắt đầu được cải thiện. Và khi thực sự đạt được phục hồi, điều đó cũng chỉ nhờ ở việc Alan Greenspan đã phải chấp nhận thay thế bong bóng kỷ thuật bằng bong bóng bất động sản.

Hiện nay, bong bóng bất động sản cũng đã nổ tung, để lại đàng sau một thị trường tài chánh tơi tả. Ngay trong giã thuyết  những nổ lực giải nguy hệ thống ngân hàng và tái khởi động các thị trường tín dụng thành công - và hiện quá sớm để quyết đoán, và các kết quả ban đầu cũng chẳng mấy khả quan - điều đó cũng không thể đem lại nhiều hy vọng thị trường bất động sản có thể hồi phục sớm sủa. Do đó, Cục Dự Trữ Liên Bang lần nầy còn gặp nhiều thử thách hơn và cũng không mấy lạc quan.

Nói một cách khác, cũng không còn gì nhiều để Ben Bernanke có thể làm cho nền kinh tế. Ông ta có thể và cần cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa - nhưng không ai chờ đợi hành động đó có thể giúp được gì nhiều ngoài việc đem lại cho nền kinh tế một sự kích thích nào đó.

Đã hẳn, chính quyền liên bang còn có thể làm nhiều việc để giúp nền kinh tế, chẳng hạn kéo dài thời gian phụ cấp cho người thất nghiệp để giúp gia đình họ và cùng lúc đem tiền đến tận tay những người sẵn sàng đem ra chi tiêu, hay như ngôn từ của giới kinh tế gia, những người có khuynh hướng tiêu thụ biên tế cao. Chính quyền cũng có thể viện trợ khẩn cấp cho nhà cầm quyền các tiểu bang và các địa phương giúp họ tránh việc cắt giảm quá đáng chi tiêu công gây thất nghiệp và phương hại các dịch vụ công cộng. Chính quyền liên bang cũng có thể mua lại số tín dụng bất động sản, tái cơ cấu các điều kiện trả nợ hàng tháng giúp các gia đình nghèo giữ lại căn hộ đang ở đồng thời tránh nạn xuống cấp trong các khu gia cư lân cận.

Hơn nữa, nay cũng là lúc chính quyền cần phát động các chương trình nâng cấp các hạ tầng cơ sở cần thiết - lưu thông vận tải, giáo dục, y tế -  nhất là khi viễn ảnh chấm dứt  khủng hoảng chóng vánh hầu như quá mong manh.

Chính quyền mới sắp tới cũng phải mạnh dạn thay đổi chính sách, dành ưu tiên cho các công trình tái phục hồi kinh tế, dù phải tăng công chi và, như vậy, ngân sách càng khiếm hụt nhiều hơn.

Barack H. Obama vừa đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ, vị Tổng Thống thứ 44 và cũng là vị Tổng Thống hai dòng máu, người Mỹ gốc Phi châu đầu tiên, với thông điệp "Đổi Thay và Hy Vọng". Trong tình trạng phức tạp và rối reng của hiện tình thế giới, mọi người không phân biệt mầu da, tìn ngưỡng, sang hèn, Đông Tây Nam Bắc, đang khát khao "Hy Vọng" những "Đổi Thay" tích cực vì ổn định, hòa bình, thịnh vượng cho toàn cầu. Xin hãy cùng chung lời cầu nguyện!

(Có bổ sung đoạn cuối)

© GS Nguyễn Trường

Irvine, CA, USA

 

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness