TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 8
  • Hôm nay: 135
  • Tháng: 8837
  • Tổng truy cập: 5154102
Chi tiết bài viết

Dù đã bước vào tuổi 100

Dù đã bước vào tuổi 100, nhưng cụ Nguyễn Văn Trân vẫn còn minh mẫn lắm. Bằng giọng trầm trầm, câu chuyện cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng đồng hành cùng đất nước như thước phim quay chậm đã được cụ kể lại với Đại Đoàn Kết.

 

Cụ Nguyễn Văn Trân.

Thành lập Hội Ái hữu, làm báo Cờ Giải phóng

“Tôi là Nguyễn Văn Trân, sinh năm 1916 tại thôn Phù Xá, Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh trong một gia đình nghèo đông con. Năm 15 tuổi, tôi lên Hà Nội học nghề in. Tại đây, tôi đã gặp được ánh sáng của Đảng, gặp những người lãnh đạo của Đảng dìu dắt, tôi đã may mắn được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào tháng 3 năm 1936. Từ đó, tôi đã nguyện trọn đời đi theo cách mạng, đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí minh” - giọng ông chắc nịch. 

Những năm đó, Mặt trận Bình dân giành được thắng lợi ở Pháp, tình hình chính trị ở Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng có thuận lợi cho phong trào cách mạng. Một số tờ báo Bạn dân, Tin tức, Thời thế… được ra công khai tuyên truyền về chính trị, về Đảng Cộng sản. Ông Nguyễn Văn Trân đã viết bài tuyên truyền về Đảng và là một trong số các đảng viên đứng ra thành lập Hội Ái hữu. 

Khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, do nhiều nguyên nhân, phong trào cách mạng đi vào thoái trào. Các tờ báo của Đảng bị cấm hoạt động, một số đảng viên phải rút vào bí mật. Ông Nguyễn Văn Trân có tên trong sổ đen của Sở Mật thám Pháp. Ông được Trung ương bí mật đưa về làng Vạn Phúc-Hà Đông, tiếp tục cùng một số đảng viên khác in tờ Cờ Giải phóng. In được vài số thì cơ sở báo bị bại lộ. 

“Tôi và một thợ in tên là Viên bị bắt đúng vào ngày Tết ông Táo năm 1940” - ông nói. Hai ông bị địch đưa về phủ Hoài Đức rồi chuyển ra Sở Mật thám Hà Nội. Kể đến đây người chiến sĩ cộng sản một thời dừng lại, ông lặp đi lặp lại tới ba lần chuỗi ngày ông bị bắt và bị đi đầy ở Nhà tù Sơn La. “Ngay trong tối hôm đó, lần đầu tiên tôi biết thế nào là đòn tra tấn của địch” - ông kể.

Tuy nhiên, kẻ địch có tra khảo, tra tấn dã man đến mấy cũng không khai thác được gì từ người chiến sỹ cách mạng kiên trung này. “Tôi là người thất nghiệp, được người ta thuê in ấn thì làm chứ chẳng biết gì đảng phái, Cộng sản là gì hết”. Lần nào ông cũng trả lời như vậy. Tra tấn chán chê mà không khai thác được bất kỳ tin tức gì, mật thám Pháp đành đưa ông ra tòa kết án 10 năm tù khổ sai và đày ông lên Nhà tù Sơn La.

“Thủ lĩnh” của Nhà tù Sơn La

Thời Pháp thuộc, khắp dải đất hình chữ S, đâu đâu cũng nghe tiếng kêu oán thán “nhà tù nhiều hơn trường học”; roi vọt nhiều hơn tình thương; nước mắt nhiều hơn nụ cười”…Trong số những nhà tù kiểu Pháp, những bằng chứng sống tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Việt Nam thì Nhà tù Sơn La là một trong những ví dụ điển hình.

Tuy những chiến sĩ cách mạng bị tra tấn, hành hạ dã man, nhưng phong trào cách mạng không hề vơi bớt bởi có những người như ông Nguyễn Văn Trân. Tại đây, ông Trân thường xuyên lui tới các trại giam tập hợp và bồi dưỡng các tù nhân và kết nạp họ vào hàng ngũ của Đảng. Một chi ủy bí mật đã được thành lập ngay trong tù, do ông Nguyễn Văn Trân lãnh đạo.

Ông Trân còn được phân công viết và cất giữ tài liệu tuyên truyền về Đảng. Mọi thông tin đặc biệt đó được viết vào tờ giấy cuốn thuốc lá, tờ giấy chỉ to bằng bao diêm, được cất giấu bí mật, đến người ở cùng phòng cũng không hay biết. Từ ngày có tổ chức đảng ở đây, các cuộc đấu tranh trong Nhà tù Sơn La đã dấy lên mạnh mẽ.

Tháng 8 năm 1943, chi bộ nhà tù quyết định tổ chức vượt ngục cho 4 người gồm: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu và Nguyễn Văn Trân. Tuy nhiên làm thế nào để vượt ngục khi mà có tới 5 lần cửa có lính canh gác suốt ngày đêm? Nếu thoát khỏi nơi này cũng dễ bị lạc giữa rừng sâu, dễ bị làm mồi cho thú dữ. Trước đó, đã từng có nhiều người không chịu được cảnh lao tù đã vượt ngục. Khi địch bị bắt lại chúng đã chặt đầu bêu trước cổng nhà ngục để thị uy. 

Ngày 3/8/1943 ông Trân và 3 đồng chí đã tiến hành lần lượt các bước đánh lừa lính canh và vượt ngục. Các ông đã cải trang thành người Thái nhanh chóng nấp vào trong rừng sâu. Khi phát hiện có người vượt ngục, lính Pháp lùng sục khắp nơi. Chúng đã suýt bắt lại các chiến sĩ Cộng sản vượt ngục này ở bến phà Suối Rút.

Nhanh trí, ông Trân kéo các bạn vào một quán gần đó giả vờ mua hàng rồi lẩn vào trong đám đông nhốn nháo dưới bến phà. Bằng sự mưu trí, dũng cảm cùng sự may mắn, các chiến sỹ cách mạng đã thoát khỏi địa ngục trần gian về với tổ chức để nhận những nhiệm vụ mới. 

Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ

Sau cuộc vượt ngục, ông Nguyễn Văn Trân được Trung ương quyết định cho tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác dân vận. Ông sống trong lòng Hà Nội ở với công nhân, sinh viên. Với chiếc xe đạp, ngày ngày, ông đi khắp nơi để tuyên truyền cách mạng. Tháng 7/1944 ông nhận nhiệm vụ là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Trong thời kỳ này ông đã làm được nhiều việc lớn đó là tổ chức để đồng chí Văn Tiến Dũng vượt ngục thành công và tổ chức các phong trào hoạt động ở một số địa phương. Hai việc quan trọng mà Xứ ủy phải thực hiện ngay lúc bấy giờ là gây dựng tài chính và tổ chức sản xuất vũ khí.

Câu chuyện gián đoạn vì ông muốn kể lại những kỷ niệm đặc biệt một thời. Ông nói rằng, cách mạng cần có tiền để chuẩn bị khởi nghĩa, muốn vậy phải vận động sự ủng hộ của các nhà tư sản.

Ông kể: “Trong cuộc đời hoạt động cách mạng có rất nhiều chuyện đáng nhớ, nhưng lần bán tín phiếu của Chính phủ cho ông Bát Tiên tôi không quên được. Ông Bát Tiên là nhà tư sản lớn. Cuối năm 1943, được sự giới thiệu của anh em, tôi đến thẳng nhà ông ở Đình Bảng. Tôi giải thích cho ông về tình thế đất nước, xu thế cách mạng đang lên và kêu gọi mỗi người tùy khả năng công sức đóng góp cho cách mạng. Ông Bát Tiên không lưỡng lự, vào tủ lấy 5.000 đồng Đông Dương (lúc đó là lượng tài sản rất lớn) trao cho tôi. Tôi trao lại cho ông tờ tín phiếu kháng chiến, nhỏ bằng cái phong bì hiện nay, in đen trắng có dấu đỏ của Tổng bộ Việt Minh”.

Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Nguyễn Văn Trân được Đảng và Chính phủ cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ. Khi nhận nhiệm vụ này, ông đã khéo léo đưa được những đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng thành công tác của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ như: Xây dựng chính quyền mới các cấp, đắp đê chống lụt, vận động sản xuất chống nạn đói, tổ chức bình dân học vụ, tổ chức Tuần lễ Vàng, Quỹ Độc lập… 

Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Ông Nguyễn Văn Trân được Trung ương và Bác Hồ điều về làm Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội. Nhớ lại những ngày Hà Nội chuẩn bị kháng chiến, ông Trân kể: “Có lần Bác Hồ đã gọi tôi, đồng chí Hoàng Văn Thái cùng một số đồng chí ra báo cáo công việc. Bác hỏi: Các chú thấy tình hình quân Pháp thế nào? Nếu nổ ra chiến tranh liệu chúng ta có thể giữ được bao lâu? Phải cố giữ một thời gian để các tỉnh có thì giờ tổ chức và động viên quần chúng có kế hoạch đi vào cuộc kháng chiến”. Mọi người chưa ai kịp nói gì, Bác đặt luôn câu hỏi: “Liệu có giữ Hà Nội được 1 tháng không?”.

Đồng chí Hoàng Văn Thái đã nêu vấn đề: Để chiến đấu ở từng khu phố, từng căn nhà cần phải tổ chức giao thông liên lạc chặt chẽ giữa các lực lượng chiến đấu. Phải đục tường liên thông giữa các nhà trong các phố để khi tác chiến có thể di chuyển lực lượng nhanh chóng và kín đáo. Ý kiến này đã được người dân Hà Nội hoan nghênh ủng hộ và với tinh thần hăng hái, quyết chiến của quân dân Thủ đô có thể giữ Thủ đô được 1 tháng. Bác động viên chúng tôi rằng: “Dựa vào lực lượng nhân dân thì các chú có thể làm tốt công việc”.

Quả thật, dù tương quan lực lượng giữa ta và địch rất chênh nhau, lính Pháp gấp 3 lần quân đội cách mạng, nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô đã có những trận đánh vang dội khiến quân địch khiếp sợ.

Đầu năm 1953, Đảng, Chính phủ quyết định mở chiến dịch tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Trân được Trung ương cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng cung cấp. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó khi tổ chức tiếp tế đầy đủ, lương thực cho bộ đội để làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. 

Khi hòa bình lập lại ông lần lượt giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông-Bưu điện, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng… rồi lại trở về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội sau đó là lãnh đạo Viện Nghiên cứu Quản ký Kinh tế Trung ương…Dù ở bất kỳ cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
  

 Lục Bình

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness