TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 27
  • Hôm nay: 679
  • Tháng: 10957
  • Tổng truy cập: 5156222
Chi tiết bài viết

Người mang bí số TQ2

Cho đến bây giờ, sau ba mươi lăm năm kết thúc chiến tranh, tôi mới biết rõ quê hương bản quán và họ tên thật của ông, một cán bộ điệp báo thuộc Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) từ 43 năm trước (1967) được cấp trên cử vào chiến trường miền Nam, đi công khai bằng đường hàng không tới Campuchia, rồi từ đó bay sang Sài Gòn (sào huyệt của ngụy quyền miền Nam) để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng - hỗ trợ một yêu cầu nghiệp vụ của Cụm tình báo chiến lược B48.

Vị phái viên và mục tiêu tiếp cận

Thời đó tôi làm công tác cơ yếu (ghép 2 cụm từ cơ mật và trọng yếu), kiêm luôn nhiệm vụ tổng hợp tin tức từ các cơ sở bí mật nội thành. Vì vậy, mọi thông tin về đơn vị đều được biết sớm. Nếu là tài liệu từ cấp trên gửi về qua VTĐ (vô tuyến điện), cơ yếu tiếp nhận trước, dịch nội dung rồi báo cáo lãnh đạo cụm; nếu là báo cáo của các cơ sở bí mật nội thành thì là người thứ hai được tiếp cận - lãnh đạo cụm xem xong, chuyển bộ phận cơ yếu nghiên cứu, mã hóa rồi điện về trung tâm.

Cuối năm 1967, đơn vị nhận được điện khẩn từ Hà Nội gửi vào với nội dung vắn tắt: "Cử người đón "TQ2". Thời gian, mật khẩu và địa điểm như đã thống nhất. Nhiệm vụ quan trọng số 1 của các đồng chí trong năm 1967 là dứt điểm bằng được "L19". Kết quả báo cáo gấp về trung tâm".

Nhân vật "TQ2" đã gợi sự tò mò trong tôi - Hẳn là một người rất quan trọng, cao siêu về nghiệp vụ mới được giao đảm nhận việc này. Quả là chui vào hang cọp. Là người có trách nhiệm trực tiếp mã hóa những báo cáo của cụm về trường hợp "L19" gửi trung tâm nên tôi càng thầm nể phục vị cán bộ  nào đó được cấp trên tin tưởng giao cho nhiệm vụ này.

"L19" là một cán bộ cao cấp của ngụy quân Sài Gòn, hiện đang giữ chức vụ Phó cục trưởng một cục nghiệp vụ trong Bộ Tổng tham mưu. Nghe như tương lai sẽ được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng. Nhà ở ngay trong khu sĩ quan cao cấp. Cha của "L19" là người có cảm tình với cách mạng, quê ở Lái Thiêu. Trong báo cáo của cụm thường gọi là "ông già miệt vườn".

Ông có nhiều bạn bè tập kết ra Bắc, đã trở về Nam và ông đã tìm gặp họ đề xuất nguyện vọng xin được kéo con trai ông trở về với cách mạng. Theo lời "ông già miệt vườn" thì con trai ông chưa đến nỗi nào, dẫu là cán bộ cao cấp của quân đội quốc gia, nhưng không phải loại ác ôn, nợ máu với đồng bào. Vì hoàn cảnh mà nó phải vậy.

Đã nhiều lần ông ca cẩm, than phiền, trách cứ mà nó đều làm thinh. Rất tiếc là ông không đủ trình độ để thuyết phục nó. Nếu như đằng mình (ý ông nói tổ chức cách mạng) có cán bộ gặp gỡ chỉ cho nó đường hay, lẽ phải, cứu giúp nó thì ông mang ơn suốt đời...

 

Tác giả gặp lại một số giao thông viên  bí mật của J22 tại Hà Nội (5/1997). Bìa trái (đứng) - Bà Vũ Chi Lan (Tư Thu), người từng đưa đón TQ2 thời gian hoạt động tại Sài Gòn


Nỗi niềm của "ông già miệt vườn" chẳng biết cách nào đó đã lọt tới tai lãnh đạo "B48". Sau khi tiến hành thẩm tra, xác minh và đi tới kết luận: Tình cảm và nỗi lòng của "ông già miệt vườn" là thật. Nhất là sau khi tiếp xúc ông, càng khẳng định điều đó. Vì vậy, lãnh đạo đơn vị đề ra phương án tiếp cận "L19" nhằm thuyết phục, cảm hóa, xây dựng anh ta trở thành cơ sở bí mật của đơn vị. Đây là mục tiêu lý tưởng mà công tác tình báo nhằm vào.

Song, cái khó khăn bậc nhất vẫn là tìm người thực hiện. Người có khả năng thì đều nằm trong căn cứ, không thể hợp pháp vào thành. Vì vậy, phải báo cáo xin chỉ đạo của trung tâm. Việc cử "TQ2" vào với danh nghĩa phái viên nhằm hỗ trợ đơn vị thực hiện kế hoạch trên, biểu hiện sự quan tâm, sâu sát của cấp trên.

Người khách mới ở khu cách ly

Các căn cứ của tình báo, an ninh thời kháng chiến chống Mỹ, dù lớn hay nhỏ, khi xây dựng cũng đều thiết kế có một khu cách ly dành cho cán bộ hoạt động hợp pháp trong thành mỗi khi có yêu cầu phải về căn cứ. Có thể là tổ trưởng điệp báo, điệp báo viên, cơ sở bí mật hoặc giao thông viên hợp pháp.

Chỉ ai được giao nhiệm vụ mới được vào khu vực cách ly. Đó gọi là quy chế cự ly ngăn cách, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách. Cố nhiên, khách ở trong khu vực cách ly cũng phải bố trí hầm và lán riêng, không ai được tiếp xúc với nhau. Khách về căn cứ phải hóa trang, ngụy trang kỹ đề phòng tình cờ gặp ai trên đường cũng không biết rõ dung nhan.

Thời gian đó, căn cứ bám trụ của đơn vị ở khu rừng Vĩnh Lợi, địa bàn giáp ranh 2 huyện Bến Cát và Châu Thành, Bình Dương, cả đơn vị chỉ duy nhất có tôi quê miền Bắc, lại làm ở  bộ phận cơ mật - cái nghề được tuyển chọn, thử thách rất kỹ, anh em chúng tôi thường vui đùa - "đó là những người ba đời ăn củ chuối".

Vì vậy mà tôi may mắn được lãnh đạo thi thoảng cho vào khu vực cách ly, một số lần được trực tiếp gặp khách. Dường như lãnh đạo có ý để khách có điều kiện tìm hiểu về miền Bắc, đồng thời giúp tôi có dịp tiếp cận, tìm hiểu tình hình đô thị để khi cần có thể vào hoạt động hợp pháp trong thành.

Người đầu tiên tôi được gặp gỡ đó là giao thông viên hợp pháp Tư Thu. Chị hơn tôi mười mấy tuổi, coi tôi như đứa em út trong nhà. Năm 1954 chị tập kết ra Bắc, công tác ở Trường Đại học Sư phạm, mấy năm sau được tổ chức Trung ương quyết định điều về công tác tại Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (tên ngụy trang của Tổng cục II bây giờ).

Thời đó, Cục Tình báo được ưu tiên số 1 trong việc tuyển người. Bất kể cán bộ ở cơ quan, ngành nào, nếu tình báo tìm hiểu thấy người đó có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì làm báo cáo đề xuất và được giải quyết luôn. Mãi sau này tôi mới được biết tên thật của chị là Vũ Chi Lan. Thời kháng chiến chống Pháp, chị công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh Thủ Dầu Một.

Chồng là anh Võ Thế Đại, Tỉnh ủy viên tỉnh Thủ Dầu Một. Hai anh chị cưới nhau được mấy tháng thì chị lên đường tập kết ra Bắc, anh bám trụ địa bàn hoạt động, tới năm 1958 bị địch bắt đày đi Côn Đảo cho tới những năm đầu thập niên 60 không có tin tức gì.

Sau một khóa huấn luyện nghiệp vụ tình báo, chị được cử vào chiến trường "B" và trở thành giao thông viên "gạo cội" của B48 với nhiệm vụ chuyển tài liệu và đưa đón cán bộ hoạt động hợp pháp, cơ sở bí mật từ Sài Gòn về căn cứ. Ngoài chị Tư Thu tôi còn được gặp một số nhân vật bí mật nữa. Và tới bây giờ là vị khách mới này. Rất có thể đó là một cơ sở bí mật nội thành được đưa về căn cứ để trực tiếp nhận nhiệm vụ quan trọng.

Xuất phát từ cung cách đón tiếp của đơn vị mà tôi đoán vậy. Tôi được phân công hàng ngày mang cơm vào khu cách ly và ăn cùng khách. Tối, vào ngủ cùng lán để giúp khách việc căng võng và hướng dẫn khách xuống hầm đề phòng có phi pháo. Đó là một người có vóc dáng to cao dềnh dàng, cao hơn tôi cả một cái đầu. Tính tình vui vẻ, xởi lởi, tuổi chừng trên dưới bốn mươi. Sau lời chào của tôi, ông ngước nhìn vẻ ngỡ ngàng.

- Ủa!... chú em là người Bắc hả! Quê ở đâu ta?

- Dạ, em tên là Dương, Thái Dương, quê ở Sơn Tây. Em mới vô được hơn một năm. Tết này là 2 cái tết ở chiến trường.

- Cha!... thiệt may cho tôi, hôm nay lại được tiếp kiến người con của đất hai vua, người từ nơi "xứ Đoài mây trắng". Biết đâu lại còn là hậu duệ của thi sĩ Tản Đà!...

Chừng bấy nhiêu thôi, tôi đã thấy mê ông - một cán bộ điệp báo nội thành, người con của Nam Bộ thành đồng chính hiệu mà hiểu sâu về miền Bắc như vậy.

Thời ấy, chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn chưa căng thẳng, tôi và khách thống nhất căng võng ngủ ở lán cho thoáng. Một đêm với 2 người dù mới gặp, nhưng có vẻ tâm đầu ý hợp cho nên có biết bao điều tâm sự. Ấy là còn vì nguyên tắc, tôi không dám hỏi nhiều về ông. Song, chắp nối lại cũng có thể hiểu sơ sơ - quê ông ở miền Tây Nam Bộ. Ở vùng có địa danh "Cù lao Ba xã".

Thời đó nghe vậy chứ thực tình tôi chưa xác định địa danh đó ở tỉnh nào. Ông đi bộ đội đánh Tây. Ở đơn vị chủ lực, năm 1954 tập kết ra Bắc. Yêu một cô gái quê kém ông mấy tuổi. Hẹn nhau sau 2 năm tổng tuyển cử, thống nhất đất nước sẽ làm đám cưới. Ở đơn vị chiến đấu mấy năm thì được Cục II tuyển chọn, huấn luyện nghiệp vụ rồi đưa vào chiến trường.

Tới chi tiết này, ông vui đùa nói với tôi: "Bây giờ, ở chiến trường đánh Mỹ này, chú Thái Dương là cựu binh. Còn anh Hai trở thành tân binh mới toe. Vì anh ở ngoài kia mới vô được mấy ngày...". Tôi bỗng sững người, lạ nhỉ, sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế? Phải chăng, ông chính là "TQ2"?...

Chuyến đi đặc biệt

Tôi được ở cùng khách thêm một ngày nữa rồi ông rời căn cứ để vào thành. Tới lúc đó mới biết tên ông là Thăng (Hai Thăng). Tất nhiên đó chỉ là tên dùng ở căn cứ. Việc đón và đưa Hai Thăng đi đều do giao thông viên "gạo cội" Tư Thu đảm nhiệm. Hôm ấy chị diện áo dài trắng, bóp đầm trắng, ra dáng quý phái cùng "đức lang quân" về thăm quê ở miệt vườn Lái Thiêu.

Theo kịch bản, Tư Thu đưa phái viên về thẳng nhà "ông già miệt vườn". Tối hôm đó, phái viên và ông già bàn kế hoạch tiếp xúc "L19". Sáng hôm sau, hai "cậu cháu" (quan hệ ngụy trang giữa Hai Thăng và cha của "L19") đáp xe đò đi Sài Gòn và về thẳng nhà "L19". Hai Thăng ngồi chờ tại phòng khách.

Ông già lên lầu gặp con trai. Mươi, mười lăm phút sau, "L19" xuất hiện trong bộ mông-ta-gút màu cánh kiến, thật ăn ý với nước da bánh mật của anh ta. Hai người gật đầu chào nhau. "L19" ngồi đối diện Hai Thăng, nhẹ nhàng chuyển ly nước lọc về phía khách. Không khí im lặng nặng nề bao trùm căn phòng. "L19" để hai tay trên bàn, mặt hơi cúi xuống. Bỗng nhiên anh ta ngẩng lên nhìn Hai Thăng, giọng uy nghiêm, đe dọa:

- Nè! Tui hỏi thiệt, ông có biết ông đang ngồi ở đâu không? - Anh ta chỉ tay về phía chiếc điện thoại, nhếch miệng cười - Tôi chỉ cần nhấc ống nghe là ông bị bắt liền.

Hai Thăng khẽ cười, ngả lưng vào thành ghế, gương mặt quắc thước hơi ngước lên, đôi chân mày lưỡi mác nhíu lại gần nhau, ném cái nhìn xói vào mắt "L19":

- Câu hỏi và những điều anh vừa nói không xứng tầm một sĩ quan cao cấp của quân đội "Việt Nam Cộng hòa" như anh. Ngài Cục phó nên biết rằng, tôi là phái viên đặc biệt, được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử vô đây, rời vùng giải phóng, ngay từ khi đặt chân lên vùng đất tạm thời do chính quyền Sài Gòn kiểm soát là tôi luôn có thể bị bắt, cần chi phải đợi tới lúc này.

"L19" cũng từ từ ngả lưng vào thành ghế, lại liếc Hai Thăng, đầu gật gật:

- Hiểu!… Tui hiểu chớ… nhưng mà nè… tôi hơi tọc mạch một chút, muốn hỏi ngài phái viên, bên phía Việt cộng, ông giữ chức vụ gì mà dám vô đây gặp một sỹ quan tầm cỡ như tui?…

- Ồ!… Hai Thăng khẽ thốt lên - một câu hỏi đầy chất ngạo mạn của một sỹ quan quân lực "Việt Nam Cộng hòa" - Hai Thăng dựng thẳng lưng, hai tay nhịp nhịp xuống bàn rồi chậm rãi - "Lịch sử, nói về những cuộc tiếp xúc, thương thuyết giữa hai phía, người ta đã rút ra một nguyên tắc gì nhỉ?... À!.. đó là "đối tướng, đối binh". Ngài Trung tá, Cục phó thừa hiểu, một khi cấp trên cử tôi vô tận sào huyệt đối phương để gặp anh… thực ra, vì nể tình ông già nên mới có cuộc tiếp xúc này, còn việc chính của tôi là để gặp những người còn là cấp trên của anh. Vậy chẳng lẽ người ta lại cử một người mà trình độ về mọi mặt lại chỉ bằng hoặc kém hơn đối phương! Phải vậy không?..

"L19" ngồi thừ ra, khuôn mặt chữ điền chùng xuống, hai khóe mắt rưng rưng. Bỗng nhiên anh ta đứng dậy, cúi gập người, nắm chặt tay Hai Thăng, miệng lập bập:

- Anh… Anh Hai! Xin anh bỏ qua cho những lời khiếm nhã vừa rồi. Thiệt tình thằng em… chỉ là giỡn với anh.

Hai Thăng vội xua tay:

- Không có chi, không có chi… hãy ngồi xống, còn nhiều chuyện tôi cần nói với anh - "L19" ngồi xuống, ngước nhìn khách, một cái nhìn e ngại.

Trầm ngâm giây lát, Hai Thăng tiếp lời, chất giọng trầm ấm của anh không phải chỉ dành cho người đối diện mà còn là tự sự với chính mình:

- Chiến trường đang diễn biến phức tạp, do Mỹ ồ ạt đưa quân vào. Điều đó càng thể hiện thế yếu của họ. Thể hiện sự lúng túng về chiến lược, tạo mâu thuẫn ngay trên chính trường nước Mỹ, càng lộ rõ bộ mặt xâm lược, bị thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ lên án. Chiến tranh vệ quốc chống ngoại xâm là chính nghĩa.

Chính nghĩa tất thắng, có chăng chỉ còn là thời gian. Lương tri thời đại, loài người tiến bộ, kể cả nhân dân Mỹ ủng hộ chính nghĩa Việt Nam. Vậy hà cớ gì, những người mang dòng máu Việt lại thờ ơ với thời cuộc, nhẫn tâm đứng về phía kẻ thù của dân tộc. Cách mạng rất hiểu, rất cảm thông với những số phận bị xô đẩy do thời cuộc, bởi cuộc sống…

Với họ, vẫn có thể suy nghĩ lại khi thời gian còn chưa quá muộn. Vẫn có thể làm một việc gì đó có lợi cho cách mạng để chuộc lại lỗi lầm quá khứ ngay trên mảnh đất họ đang sống, ngay trong lòng cái thể chế phi nghĩa kia…

Sự im lặng lại bao trùm căn phòng. "L19" thẫn thờ thả tầm mắt vào một góc trần nhà, lâu lắm anh ta mới cúi xuống nhìn Hai Thăng, hai mắt đỏ hoe, nghẹn ngào: - "Anh Hai!.. Việc này ông già đã nói với tôi. Có điều… ngặt cho hoàn cảnh, một gánh nặng gia đình, bố mẹ già, một vợ và chín đứa con. Tất cả cuộc sống của họ đều trông vào tôi. Nếu tôi có bề nào thì… xin anh, xin Cách mạng hiểu cho… Tôi thề sẽ không làm điều gì có hại cho Cách mạng. Sẽ không để tay mình vấy máu đồng bào".

- Hiểu, tôi hiểu hoàn cảnh mới thực lòng nói vậy để anh suy nghĩ. Cách mạng không ép bất kể người nào. Có điều, ta cần sòng phẳng với nhau, thể chế Sài Gòn giống như một cỗ máy, thiếu mấy cái đinh ốc, sót mấy mối hàn trong động cơ điện thì cỗ máy đó làm sao vận hành được. Vì vậy tội ác đâu phải chỉ ở những người cầm súng trực tiếp bắn vào đồng bào mình. Thế thôi! Ông già còn nghỉ lại đây với các cháu. Cứ suy nghĩ kỹ, có gì thì nói lại với ông già. Bây giờ tôi phải đi vì nửa giờ nữa có một cuộc hẹn.

Rời nhà "L19", Hai Thăng ra bến xe đi thẳng về Lái Thiêu. Không ngờ chỉ nửa giờ sau đó "ông già miệt vườn" cũng về tới. Ông nắm tay Hai Thăng nghẹn ngào:

- Chú Hai! Mong chú và cách mạng bỏ qua cho tôi, bởi vô phước mới sinh ra một thằng con như vậy… Nó đã làm mất công tổ chức, phụ lòng của chú… Tôi vô cùng mắc cỡ với đời.

Hai Thăng lựa lời an ủi ông già rồi theo Tư Thu về căn cứ ngay chiều hôm ấy. Một buổi chiều buồn đối với Hai Thăng và cả người được giao nhiệm vụ đón anh. Đẫu chưa được biết nội dung, song với con mắt nghề nghiệp, Tư Thu cảm nhận đó là một chuyến đi không thuận buồm xuôi gió với đồng nghiệp của mình.

Lời giải cho một bí số

Những tình tiết trong chuyến đi đặc biệt của Hai Thăng như nêu trên chỉ mấy ngày sau là tôi được biết. Vì khuôn khổ bài viết nên không thể nêu hết được. Nó được tổng hợp trong báo cáo của Hai Thăng gửi về Trung tâm; thông qua điện chỉ đạo, động viên của cấp trên; qua tâm sự của nhân vật đóng vai "phái viên" và người tháp tùng trong các chuyến đi của anh là chị Tư Thu.

Sau chuyến đi đặc biệt ấy, Hai Thăng trở về căn cứ B48 chờ nhận nhiệm vụ mới. Cố nhiên đó là những ngày buồn của "phái viên". Nỗi niềm trong anh được giải tỏa sau khi nhận được điện của cấp trên với nội dung: "Hoan nghênh tinh thần khắc phục khó khăn, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp trên của các đồng chí. Việc không dứt điểm được "L19" là chuyện bình thường. Đâu phải trận ra quân nào cũng giành chiến thắng. Dẫu sao, từ vụ này ta đã thu được nhiều thông tin bổ ích. Đó là tình cảm của quần chúng  trong vùng địch tạm chiếm đối với Cách mạng, trong đó có cả những sỹ quan quân đội Sài Gòn. Những người bên kia chiến tuyến đâu phải tất cả đều chống đối Cách mạng. Đây là một kênh thông tin giúp ta nghiên cứu phục vụ công tác binh, địch vận đạt kết quả tốt hơn…".

Chiến trường miền Đông Nam Bộ ngày càng sôi động, ác liệt. Hơn một năm sau, cấp trên quyết định nhập cụm B48 vào B49, chuyển căn cứ về bắc Bến Cát. Anh Hai Thăng được điều động thành lập một cụm mới, đảm nhận trách nhiệm cụm trưởng. Địa bàn bám trụ tại nam Bến Cát. Tôi chính thức xa anh từ ấy. Chưa đầy nửa năm sau, tôi lại nhận quyết định về H67, chia xa đất Bình Dương về mật khu "C" thuộc địa bàn Trảng Bàng - Tây Ninh.

Giữa năm 1969, tôi bàng hoàng, đau xót nhận được tin Hai Thăng đã hy sinh. Thương tiếc người đồng chí, người anh tôi vô cùng ngưỡng mộ, cảm phục, có lúc tự trách cho sự vô tâm của mình, sao hồi đó không xin anh một tấm hình làm lưu miệm! Rồi còn bao điều day dứt nữa cứ bám mãi theo tôi, từ quê hương bản quán, hoàn cảnh gia đình, tới họ hàng và tên thật của anh… tôi đều mù tịt.

Phải gần 41 năm sau tính từ ngày gặp gỡ, mọi day dứt trong tôi về anh mới được giải tỏa. Số là tháng 4 năm 2008, tôi nhận được thư của một người là Nguyễn Cao Minh, giới thiệu là em út của anh Hai Thăng, nhân đọc bài của tôi viết về nữ giao thông tình báo Vũ Chi Lan (Tư Thu) đang trên báo An ninh Thế giới, trong đó có phần nói về phái viên Hai Thăng, tôi mới vỡ lẽ.

Thì ra Hai Thăng là bí danh. Tên thật là Nguyễn Thăng Quang, tuổi Kỷ Tỵ (1929). Nguyên quán xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình có tới 10 người con (5 trai, 5 gái). Trong 5 người con trai thì có tới 3 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Qua bài viết này, tôi vô cùng biết ơn Nguyễn Cao Minh đã giúp tôi giải tỏa những điều day dứt bấy lâu. Không phải chỉ có thế, những tình tiết trong thư đã giúp tôi lý giải chính xác hơn về vị phái viên mang bí số "TQ2" ngày ấy. Thì ra con số 2 thức là thứ hai, T. là Thăng; còn chữ Q., tức là Quang (Hai Thăng Quang).

Tên người và bí số ấy đã trở thành những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức tôi.

 

Hà Nội, tháng 12/010

Theo Khổng Minh Dụ (ANTG cuối thán

J22 và ngày 30-4

J22 là mật danh của Phòng Tình báo Bộ Tham mưu B2 (Quân giải phóng Miền Nam) thời kì kháng chiến chống Mỹ. Những chiến công thầm lặng mà vĩ đại của J22 đối với ngày toàn thắng 30-4-1975 cho đến nay vẫn còn ít người được biết đến.

Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược , nhất là từ giữa năm 1965, khi quân đội viễn chinh Mỹ trực tiếp, ào ạt tràn vào Việt Nam thì hiệu suất phục vụ về tài liệu, tin tức tình báo có giá trị của J22 được nâng lên rõ rệt. Với những điệp viên có tài như: Phạm Xuân Ẩn, trong vỏ bọc bình phong là phóng viên Báo Time của Mỹ thường trú tại Sài Gòn; Đặng Trần Đức nằm trong cơ quan Đặc ủy Trung ương Tình báo ngụy; Vũ Ngọc Nhạ với vị trí cố vấn tôn giáo cho tổng thống ngụy và nhiều chiến sĩ tình báo khác "cài" trong Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Quốc hội của ngụy... thì các tài liệu, tin tức có giá trị về âm mưu, chương trình, kế hoạch hoạt động của địch được các điệp viên của J22 thu thập và chuyển  ra cho cấp trên khá đều đặn.

 

Quân giải phóng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy ngày 30-4-1975. Ảnh Tư liệu

Trong thời gian này, Mỹ-ngụy có hàng loạt kế hoạch tuyệt mật với kí hiệu AB. Cứ vào khoảng tháng 11 hằng năm, viên Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam và Tổng Tham mưu trưởng ngụy cùng kí vào bản chương trình hành động hỗn hợp liên quân Mỹ-ngụy cho năm tới. Văn bản này được gọi tắt là kế hoạch AB.

Điều thần kì là mỗi khi chúng kí xong thì chưa đầy tuần sau, nguyên bản kế hoạch đó đã có ở Văn phòng Bộ tham mưu Miền và Bộ Tổng tham mưu của ta tại Hà Nội, từ AB 145, AB 146, AB147 và đều đều như vậy những năm tiếp theo. Các kế hoạch đột xuất khác có giá trị chiến lược như kế hoạch ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam bằng cuộc đảo chính Xi-ha-núc, mở rộng chiến tranh sang Cam-pu-chia, chiếm cảng Xi-ha-nuc-vin, bịt kín Đường 9-Nam Lào … nhờ tài liệu, tin tức tình báo của J22 mà ta biết trước để tìm cách đối phó.

Sau những thất bại liên tiếp về quân sự, chính trị, ngoại giao, nhất là sau chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, buộc Mỹ phải kí Hiệp định Pa-ri với ta. Theo hiệp định đó, ngày 27-3-1973, tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam.  Bởi vậy, trên chiến trường chỉ còn quân ngụy với sự tăng viện vũ khí, phương tiện chiến tranh của Mỹ, nên thế chủ động hoàn toàn đã thuộc về ta.

Để chuẩn bị cho những trận đánh lớn, nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, cấp trên rút một số cán bộ trong các đơn vị ra Bắc học tập. Trong số đó, J22 được cử 2 người là Thượng tá Sáu Trí, Chỉ huy trưởng J22 và tôi-Nguyễn Văn Tàu, Phó chính uỷ J22. Anh Sáu Trí vào học ở Học viện Quân sự, còn tôi học tại Học viện Chính trị, lúc ấy sơ tán ở Đông Anh (Hà Nội). Khoá học dự kiến là hai năm nhưng mới được một năm thì chiến trường diễn biến mau lẹ.

Tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên, hiện tượng hoảng loạn trong ngụy quân xuất hiện. Tiếp đó, Huế rồi  Đà Nẵng được giải phóng, thời cơ nghìn năm có một xuất hiện. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Dù mới qua nửa khoá học, nhưng số cán bộ từ B2 ra được lệnh trở về chiến trường. Ai cũng hăm hở lên đường để kịp dự trận đánh quyết định cuối cùng.

Ô tô theo đường Hồ Chí Minh đưa anh Sáu Trí và tôi trở về chiến khu Lộc Ninh. Vừa đến nơi, anh Sáu Trí được phân công vào ngay nội thành Sài Gòn nắm cơ sở điệp báo cao cấp, còn tôi xuống Củ Chi nhận nhiệm vụ Chính uỷ Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 đang áp sát Sài Gòn. Lúc này, nhiều đơn vị thuộc Lữ đoàn đã vào “lót ổ” sẵn trong nội đô.

Xin nói vài nét về Lữ đoàn Đặc công biệt động 316. Theo chỉ thị của Bộ Tham mưu B2, tháng 10-1974, J22 phải rút cán bộ, chiến sĩ ra làm nòng cốt thành lập Lữ đoàn đặc công biệt động chuẩn bị cho hành động chiến lược khi thời cơ đến. Phiên hiệu Lữ đoàn 316 được đặt để nghi binh. Chỉ huy lữ đoàn đến các tiểu đoàn (gọi tắt là các Z) đều là cán bộ Phòng Tình báo Miền. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng J22 được cấp trên chỉ định làm Lữ đoàn trưởng; đồng chí cán bộ tình báo lão thành Mười Khánh làm Chính uỷ, khi tiến đánh Sài Gòn thì tôi về thay.

Lữ đoàn đã có những trận đánh tiêu biểu như trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc (trên xa lộ Hà Nội hiện nay) từ khuya ngày 27-4-1975 và giữ cầu cho đến khi đại quân của ta có xe tăng dẫn đường đi qua lúc 10 giờ sáng ngày 30-4, sau đó tiến vào Dinh Độc lập. Để giữ được cầu trong những ngày lịch sử ấy, đơn vị Z33 đã chấp nhận thương vong đến 50 đồng chí.

Hay như trận đánh chiếm cơ quan Tổng Tham mưu ngụy lúc 9 giờ 30 phút sáng 30-4 làm rối loạn sự chỉ huy của địch trước khi đại quân tiến vào là do Đơn vị Z28 thuộc Lữ đoàn 316 thực hiện. Tôi xin chỉ sơ lược những chiến công của Lữ đoàn Đặc công biệt động 316-đơn vị hành động của J22, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Từ khi lọt vào Sài Gòn anh Sáu Trí ở tại nhà đồng chí Ba Lễ, một cán bộ điệp báo thuộc cụm tình báo A.20. Lúc ấy, đồng chí Ba Lễ đang là nghị sĩ có uy tín trong Quốc hội Sài Gòn.

Sáng 30-4, đại quân ta từ 5 hướng áp sát Sài Gòn. Ngụy quyền Dương Văn Minh lúng túng tìm cách đối phó. Có sự tranh luận gay gắt giữa hai phái chủ chiến và chủ hoà trong nội các ngụy. Nhận được thông tin của anh Ba Lễ và anh Tô Văn Cang (một cơ sở tình báo của ta có uy tín trong phái chủ hoà), Tổng thống Dương Văn Minh biết được sự có mặt của anh Sáu Trí trong Sài Gòn, Theo chúng, anh Sáu Trí là một cán bộ tầm cỡ trong Mặt trận Dân tộc

Giải phóng Miền, nên Tổng thống Dương Văn Minh liền cử hai người đến nhà anh Ba Lễ gặp anh Sáu Trí hỏi ý kiến xin lập Chính phủ liên hiệp 3 thành phần. Anh Sáu Trí trả lời: Các ông đến nước này rồi thì chỉ có đầu hàng vô điều kiện là sáng suốt nhất. Trong giờ phút đầy biến động đó, anh Sáu Trí, anh Ba Lễ, anh Tô Văn Cang cùng đi chung một xe ô tô vào Dinh Độc lập với ý định tiếp tục khuyến dụ Dương Văn Minh đầu hàng. Đang nói chuyện thì xe tăng quân ta (Lữ đoàn 203) húc sập cửa dinh tiến vào.

Lúc này xảy ra một chuyện. Chẳng là thấy các chiến sĩ xông vào bắt nội các Dương Văn Minh, cứ trừng mắt nhìn anh Sáu Trí đứng lẫn trong đó. Không ngờ, đến khi một người  chỉ huy của Quân giải phóng tiến vào, nhận ra anh Sáu Trí (vì hai người vừa cùng học ở Học viện Quân sự ngoài Hà Nội) thì tủm tỉm cười: “Đi đâu cũng đụng ông tình báo này”. Lúc đó, các chiến sĩ mới vỡ lẽ vì sao trong hàng ngũ quân ngụy khi nãy, anh Sáu Trí lại nhẹ nhàng nhắc các chiến sĩ cần làm tốt quy định xử lý tù binh. Khi Dương Văn Minh được chở đến Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời đầu hàng thì anh Sáu Trí ở lại được phân công soạn thảo “Quân lệnh số 1” nhằm ổn định tình hình.

Những đóng góp thầm lặng của Phòng Tình báo J22 góp công trong ngày 30-4 còn nhiều chuyện nữa, chỉ xin nêu hai sự kiện tiêu biểu:

Chuyện thứ nhất: Từ đầu tháng 4-1975, khi tình thế quân ngụy đã vô cùng bi đát, Nguyễn Văn Thiệu cử một phái đoàn đại diện Quốc hội Việt Nam Cộng hoà sang thuyết phục Quốc hội Mỹ tăng viện để cứu chế độ Thiệu khỏi sụp đổ. Phái đoàn do ông Đinh Văn Đệ, Phó chủ tịch Quốc hội là trưởng đoàn. Ông Đệ là cán bộ điệp báo của J22. Ông còn có người em là Đinh Văn Huệ, lúc ấy là Chính trị viên Tiểu đoàn giao thông vũ trang của J22. Nay cả ông Huệ, ông Đệ đều đã ngoài 80, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo lời ông Đệ kể lại, trong chuyến đi Mỹ, ngoài việc ngoại giao thông thường tại các buổi họp chính thức, thực hiện chỉ thị của Thủ trưởng J22, ông đã tiến hành những cuộc vận động riêng lẻ với các nghị sĩ Mỹ có tầm cỡ để họ không ủng hộ Tổng thống Mỹ có thêm những hành động chi viện cho Thiệu. Kết quả là Quốc hội Mỹ buộc Tổng thống chỉ được viện trợ thêm tiền chứ không được can thiệp quân sự một lần nữa vào Việt Nam.

Chuyện thứ hai: Đến giữa tháng 4-1975, trước thời khắc ta chuẩn bị tiến công giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị nêu vấn đề và yêu cầu tình báo trả lời: Nếu ta đánh lớn vào Sài Gòn, liệu Mỹ có cho quân đổ bộ  vào cứu ngụy hay không ? Giải đáp thoả đáng câu hỏi này là công của đồng chí Nguyễn Văn Minh, một cán bộ điệp báo của J22. Từ lâu, anh Minh là thượng sĩ giữ hồ sơ mật của Văn phòng Tổng Tham mưu trưởng quân ngụy. Lúc đó, có lá thư của Tổng thống Mỹ gửi cho Thiệu, đại ý: Cuộc chiến tranh tại Việt Nam coi như đã chấm dứt đối với Mỹ, chỉ chi viện thêm 700 triệu đô la còn tuỳ quân ngụy định liệu. Thiệu đã sao bức thư này, gửi cho Tổng Tham mưu trưởng. Anh Minh nhận được hồ sơ này, ngay lập tức chép lại và gửi ra cho chỉ huy Miền. Nhờ tài liệu này, Bộ Chính trị nắm được điểm yếu của địch, càng củng cố quyết tâm thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa trong tiến công vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền.

Với thế áp đảo về lực lượng, được Bộ Tổng tư lệnh huy động tối đa; được sự hỗ trợ của các đoàn thể, sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân, quân ta chiếm Sài Gòn rất nhanh, rất gọn, ngoài sự tính toán của địch. Theo tin tức tình báo ta thu được, không phải địch không có ấm mưu đối phó vào giờ chót nhưng mọi việc đã trễ vì quân ta tiến quá nhanh. Từ trưa 30-4, Sài Gòn đã trở về tay nhân dân một cách êm đẹp và nguyên vẹn. Năm 2000, J22 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong J22 còn có 2 cụm tình báo và 16 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Anh hùng LLVT nhân dân (báo QĐND)

Đám cưới dưới hầm bí mật

"Chuyện đã cách nay trên 4 thập niên. Nói chính xác là 41 năm tính tới thời điểm tôi ngồi viết những dòng này. Tại mật khu "C" giữa rừng Bời Lời xơ xác. Chàng rể là Vũ Minh Lĩnh, Đài trưởng VTĐ (vô tuyến điện). Quê ở Kim Bảng - Hà Nam. Cô dâu là Nguyễn Thị Hoa, nhân viên cơ công (thợ sửa chữa vô tuyến điện). Quê ở Tân Trụ - Long An. Cả hai đều công tác tại H67 (Cụm Tình báo Chiến lược, thuộc Đoàn J22 Cục Tình báo (Cục 2), nay là Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng".

Kênh liên lạc ưu việt

Giữa năm 1969, tôi được cấp trên điều từ cụm B49, căn cứ đóng quân ở khu vực Bến Chùa thuộc Bến Cát - Bình Dương về công tác tại H67 thì Lĩnh và Hoa đã có thâm niên bám trụ tại mật khu "C" tới mấy mùa lá rụng.

Sau tết Mậu Thân, địch phản kích mãnh liệt trên toàn chiến trường miền Nam. Nếu chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn là trọng điểm tấn công hủy diệt của địch, thì rừng Bời Lời trở thành vùng trọng điểm của trọng điểm. Không ngày nào là không có càn quét, bom đạn, xe ủi cày bới, xe tăng chà xát, cả cánh rừng mênh mông biến thành một nông trường đất đỏ. Mọi sinh vật đều không thể tồn tại trên mặt đất. Tất cả đều phải sống theo hình thức "độn thổ". Mọi sinh hoạt, ăn, ngủ, làm việc đều ở dưới hầm. Mỗi bộ phận công tác phải xây dựng hầm ở và làm việc riêng, phân tán nhiều hướng theo kế hoạch bố phòng phục vụ bám trụ và phối hợp chiến đấu khi giặc càn tới.

Theo yêu cầu nhiệm vụ, H67 phải bám trụ tại mật khu "C" để giữ liên lạc với cấp trên, vì tất cả các cụm tình báo thuộc J22 đang trong thời điểm phải chuyển căn cứ bám trụ khỏi địa bàn Đông và Tây Bắc Sài Gòn để bảo toàn lực lượng. Hầu hết tin tức quan trọng từ các lưới điệp báo nội thành đều thông qua bộ phận Vô tuyến điện (VTĐ) của H67 để báo cáo về trung tâm. Vì vậy, các phiên liên lạc của bộ phận điện đài đã phải tăng thời lượng gấp hai, ba lần.

Nghề tình báo, công tác thông tin liên lạc giữ vị trí cực kỳ quan trọng. Báo cáo gửi về trung tâm được thực hiện bằng nhiều hình thức: chuyển giao trực tiếp, qua "hộp thư chết" (địa điểm bí mật giấu tài liệu), qua điện đài… Song, hình thức thông tin qua điện đài là ưu việt nhất. Nó đảm bảo thời gian nhanh nhất, bí mật nhất, an toàn nhất, bởi mỗi bức điện được phát lên không trung đều thông qua mã hóa của bộ phận cơ yếu. Vì vậy, có thể nói 100% các bức điện được phát lên không trung đối phương đều thu được hết, nhưng họ mù tịt nội dung. Đó là chiến công tuyệt vời của ngành cơ yếu Việt Nam.

Tuy nhiên, liên lạc qua VTĐ có cái nhược điểm cơ bản của nó là dễ lộ địa điểm phát sóng. Chỉ cần thông qua phương pháp giao hội 3 điểm là đối phương có thể xác định được nơi đặt đài phát. Nếu hoạt động trong lòng địch, địa điểm đặt máy sẽ bị phong tỏa, bị bắt tức thì; nếu ở vùng căn cứ, sẽ bị phi pháo hủy diệt.

Bản tin tối khẩn

Mười năm công tác ở chiến trường "B". Có một thời gian rất dài tôi đảm nhiệm công tác cơ yếu và tổng hợp báo cáo của các lưới điệp báo nội thành, nên rất rành về độ khẩn của các bức điện. Nó được quy định thành 3 chế độ: khẩn, thượng khẩn và tối khẩn. Những bức điện có chỉ định chế độ tối khẩn thì bằng mọi giá, bộ phận VTĐ phải phát đi ở phiên liên lạc gần nhất với thời gian nhanh nhất. Những phiên liên lạc như thế, anh em trinh sát phải đảm nhận trách nhiệm theo dõi máy bay trinh thám của địch nhằm chống kế hoạch giao hội mục tiêu; nhân viên cơ công phải túc trực cùng hiệu thính viên, đề phòng trục trặc kỹ thuật là sửa ngay. Vì vậy, anh em thường đùa vui "điện đài gắn bó với cơ công như bóng với hình" là vậy.

Lần ấy, có một báo cáo ngắn nhưng hàm chứa nội dung rất quan trọng của một cán bộ nội thành, ký bí danh là Hai Trung (người của đơn vị bạn). Cụm trưởng Bảy Vĩnh đã chỉ đạo chế độ tối khẩn. Ông còn chua thêm "phải lên sóng với thời gian sớm nhất". Bộ phận cơ yếu đã mã hóa thành 5 bức điện, mỗi bức chừng 100 nhóm điện. Giờ liên lạc vào 10 giờ đêm. Đúng vào cái đêm pháo địch từ các cứ điểm Chà Rầy, Đồng Dù… thay phiên nhau dội tới, dấu hiệu của một trận càn lớn sẽ diễn ra vào ngày hôm sau. Bầu trời mật khu không mấy lúc ngớt tiếng máy bay trinh thám, thành thử có 5 bức điện mà nhịp ma níp của Vũ Minh Lĩnh phải ngừng tới mấy chục lần.

 

Đài trưởng Vũ Minh Lĩnh, hàng đứng (bìa trái) và tác giả, hàng ngồi (giữa)

Sang tới bức điện cuối cùng thì sự cố xảy ra, máy mất tín hiệu. Cơ công Nguyễn Thị Hoa mày mò tìm mãi mà không ra "bệnh lý". Bỗng dưng Vũ Minh Lĩnh vọt lên khỏi miệng hầm trong lúc pháo địch vẫn nổ ì ầm trên đó. Mọi người ngơ ngác nhìn theo mà không kịp ngăn cản. Mấy phút sau Lĩnh trở lại, đầu tóc đầy bụi đất, nhe răng cười: "Nó xơi tái cái cột ăng ten. Nếu không… thì có mà đến tết cũng không liên lạc được". Nhịp ma níp lại vang lên cho tới nhóm điện cuối cùng.

Tình huống bất ngờ

Cuối tháng 12 năm đó, đơn vị nhận được chỉ thị của J22: "Các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ di chuyển căn cứ khỏi vùng trọng điểm. H67 nhanh chóng chuyển căn cứ bám trụ về Bến Tre. Địa điểm cụ thể do đơn vị tự quyết định sau khi đã khảo sát địa hình. Đường chuyển quân rất khó khăn, phức tạp, cần chọn những đồng chí sức khỏe tốt, biết bơi lội, số còn lại chuyển anh em về "R" nhận nhiệm vụ mới… Toàn đơn vị với quân số gần 20 người (trừ số giao thông viên hợp pháp và cán bộ nội thành). Cấp ủy và lãnh đạo cụm họp gấp bàn về nhân sự. Hầu hết nằm trong danh sách về địa bàn mới, số về "R" chỉ 3-4 người, trong đó có cơ công Nguyễn Thị Hoa. Sau khi công bố danh sách, người đi thì vui mừng, hồ hởi, còn người chuyển về "R" thì vẻ mặt buồn thiu. Nói thế, nhưng quan sát kỹ "đoàn hùng binh" tôi vẫn nhận ra một gương mặt có vẻ trầm tư, đó là Đài trưởng Vũ Minh Lĩnh.

Tôi đã có ý định gặp riêng để tìm hiểu tâm tư đồng đội, thì tối hôm đó Lĩnh sang hầm tôi. Phải đắn đo lâu lắm cu cậu mới cất thành lời: “Có một việc em xin ý kiến anh… thú thực, em và Hoa yêu nhau… vì chia tay đột ngột quá nên chúng em muốn được công khai việc này trước đơn vị. Nhờ anh nói giúp với chú Bảy cụm trưởng” - “Cha!... vậy mà giữ kín thế. Nói với ông Bảy thì dễ ợt. Quan trọng là các cậu định công khai như thế nào?”...

Lặng im giây phút, Lĩnh lại rủ rỉ: "Đơn vị chỉ có mấy anh em miền Bắc, em coi anh như anh cả, nên như thế nào nhờ anh tính giúp".

Sáng sớm hôm sau tôi gặp Cụm trưởng Bảy Vĩnh ngay. Tôi vừa dứt lời, thì ông khẽ cười rồi phán luôn: "Chúng nó đã yêu nhau thì trước khi chia tay cho tổ chức cưới luôn. Đánh Mỹ lâu dài, đời cha đánh chưa xong thì đời con, đời cháu đánh tiếp".

Tôi ngỡ ngàng nhìn cụm trưởng: "Anh Bảy nói tổ chức cưới ngay ở đây?" - "Chứ sao! Cần chi phải cầu kỳ. Nói thế, nhưng cũng phải chu đáo một chút để chúng nó đỡ tủi thân. Việc này tôi giao đồng chí tổ chức thực hiện".

Quả là một tình huống quá bất ngờ. Một cuộc họp đột xuất giữa các bộ phận công tác và Đoàn thanh niên. Khi được thông báo tin này, anh em rất vui và nhất trí với phương án mỗi người ủng hộ một tháng phụ cấp tiêu vặt để mua quà tặng cô dâu. Phụ cấp bình quân mỗi người chỉ có mấy chục đồng tiền Sài Gòn lúc đó, tương đương với mấy chục ngàn bây giờ. Ấy vậy mà cũng đủ mua được một đôi hoa tai tới một chỉ rưỡi (1,5 chỉ) vàng 24 kara hẳn hoi. Vì vàng thời đó rất rẻ. Tiền còn lại cộng với đơn vị tặng một ít cũng đủ mua mấy gói bánh quy, mấy gói kẹo, mấy gói thuốc ruby và một ít chè… Nghĩa là đủ lễ bộ một đám cưới đời sống mới. Việc này cụm trưởng giao cho chị Tư Chiến, giao thông viên hợp pháp thực hiện.

Đám cưới của họ được tổ chức vào tối hôm sau, ở ngay dưới hầm "hội trường" của đơn vị. Đó là căn hầm bí mật được xây dựng rộng rãi, đủ sức chứa cho gần 20 người. Bàn ghế được bện bằng cây rừng và trải áo đi mưa lên trên. Bánh kẹo bày luôn xuống mặt bàn, bởi làm gì có đĩa. Chè (trà) pha luôn vào nồi nấu cơm, rồi múc ra bát ăn cơm của mỗi người. Cái khó nhất của công tác tổ chức lúc ấy là việc trang trí phòng cưới. Nhất định là phải có khẩu hiệu dán hai bên vách hầm và phải có bình hoa. Cái khoản khẩu hiệu, tiếng thế nhưng cũng không khó lắm, chỉ cần mấy tờ giấy màu và mấy viên phấn trắng là xong. Việc này cũng giao cho bộ phận giao thông đảm nhiệm.

Tôi nhận phần viết khẩu hiệu. Thực tình cái khoản viết phăngtêdy trên giấy khổ to tôi trình bày "hơi bị được". Sau khi ghim hai khẩu hiệu lên vách hầm, một bên là "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ"; và một bên bằng hai câu lục bát: "Lĩnh Hoa xây dựng gia đình - Vui trong duyên mới thắm tình Bắc Nam". Ngắm hai khẩu hiệu, mọi người đều tấm tắc khen, có người còn bốc lên đậm màu hài hước: "Đẹp, đẹp thiệt. Sau này đất nước hòa bình, anh Ba chỉ cần đi viết khẩu hiệu thuê cho các đám cưới cũng đủ sống…".

Cái nhiêu khê nhất còn lại, đó là bình hoa cưới. Đào đâu ra hoa giữa cánh rừng xơ xác bởi đạn bom của địch hủy diệt tới bao lần. Cũng may, chiều hôm ấy là một buổi chiều yên tĩnh, không có bom, pháo. Anh em bung ra nhiều hướng để tìm hoa, với tinh thần gặp hoa gì cũng hái, kể cả hoa mua. Sau hơn  một giờ tìm kiếm, anh em đem về được mấy bó hoa, nhưng toàn là hoa mua.  Rất mừng là cánh về sau cùng lại vớ được mấy cành mai nhỏ, loại mai nở sớm. Có lẽ đó là những cành mai may mắn còn sót lại ở rừng mật khu.

Tuần trăng mật của họ vẻn vẹn có 2 ngày. Tới ngày thứ 3, đúng chuyến giao liên, cô dâu Nguyễn Thị Hoa lên đường về "R" và cách một ngày sau đó, chúng tôi, cố nhiên là có cả chú rể Vũ Minh Lĩnh từ biệt rừng mật khu, từ biệt chiến trường miền Đông Nam Bộ về địa bàn mới, vùng sông nước Bến Tre, xa xôi tít tắp.

Bao năm gắn bó với chiến trường miền Nam, trong ký ức tôi đã hằn sâu bao kỷ niệm, trong đó có kỷ niệm về đám cưới của  đồng đội tôi ngày ấy.

Bây giờ, sống giữa phố thị phồn hoa, giữa cảnh đất nước thanh bình, tôi từng tham dự hàng trăm đám cưới ở nhiều nhà hàng, hội trường, khách sạn sang trọng, ở cái thời người ta đua nhau chạy theo mốt cưới, với dẫy đầy sự xa hoa, lãng phí, có những lúc trong tiệc vui mà tôi như kẻ mộng du, thả hồn về nơi phương trời xa lắc để nhớ về đồng đội mình, nhớ về những đám cưới nơi chiến trường máu lửa.

Theo Khổng Minh Dụ (ANTG)

Trong thời khắc lịch sử

Theo nhà báo Bùi Thanh, ngay trong thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975, cái tên TP.HCM đã chính thức xướng lên trên sóng phát thanh Sài Gòn, cùng thời điểm phát đi lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh.

Người “buột miệng” phát ra thông điệp ấy là cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Trong buổi phát thanh đặc biệt đó, anh liên tục thông báo, liên tục trấn an đồng bào và kêu gọi anh em công chức, nhân viên các cơ quan hãy trở lại nhiệm sở để giúp cho sinh hoạt ở Sài Gòn trở lại bình thường… Nguyễn Hữu Thái lúc đó nói: Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng…” - nhà báo Bùi Thanh, trong bài “Thứ tư, tháng tư, ngày 30…” (Tuổi Trẻ ngày 29-4-2005).

 

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness