TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 29
  • Hôm nay: 286
  • Tháng: 12890
  • Tổng truy cập: 5158155
Chi tiết bài viết

THUYẾT "LÃNH ĐẠO TỪ PHÍA SAU" HAY TRÒ "XUỴT CHÓ BỤI RẬM"

Chiến lược của Tổng thống Barack Obama ở Libya đã được một trong số các cố vấn của ông gọi là học thuyết “lãnh đạo từ phía sau”.

Cuộc chiến tại Libya đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt trong phương thức hành động của Mỹ. Nếu như ban đầu, Mỹ đưa phương tiện chiến tranh tham gia chiến dịch không kích, thì sau đó ít ngày đã quyết định chỉ đóng vai trò hỗ trợ và nhường vị trí dẫn dắt cho Pháp và Anh.
“Núp bóng giật dây”
Giới quan sát nhận xét không phải vì thế mà Mỹ vắng mặt trong cuộc chiến Libya mà thực tế vẫn cùng các đồng minh tiếp tục sứ mệnh. Có điều, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là của các nước Arab, đã "làm tốt” sứ mệnh và vai trò của mình trong việc đưa tin có chủ đích, giúp Mỹ kín đáo hơn mà vẫn thực hiện được mục tiêu của mình.
Chính nhờ tất cả những nỗ lực đó mà, theo nhà phân tích Abed Charef, cuộc cách mạng ở Libya diễn ra tốt đẹp cho dù những người làm cách mạng hiệu quả nhất không xuất hiện. Cuộc chiến Libya cho thấy những góc độ rất khác nhau, trong đó quan trọng nhất là chiến lược mới của Mỹ.
Phân tích trên tờ Le Quotidien d’Oran, ông Abed Charef nhận xét thực tế đằng sau hình ảnh các chiến binh nổi dậy đầy quyết tâm là bộ máy quân sự đáng sợ của Mỹ đã giúp đè bẹp quân đội Libya. Việc bộ máy chiến tranh của NATO được huy động và sự tham gia của Pháp, với một Tổng thống Nikolas Sarkozy thích thể hiện khi được người khác phân cho một vai thú vị, và quân nổi dậy thích được người khác nói về mình, đã cho phép che giấu vai trò trung tâm của quân đội Mỹ trong việc lật đổ ông Gaddafi.
Chỉ có một số nhà phân tích nói đến điều này khi nhấn mạnh đến vai trò quyết định của sự yểm trợ của Mỹ và vị trí bao trùm của cỗ máy chiến tranh của Mỹ. Nếu không có các vụ không kích chính xác vào thời gian đầu cuộc xung đột, nếu sau đó không có máy bay không người lái cảnh giới và tấn công và nếu không có các mạng lưới chỉ huy và kiểm soát trong suốt quá trình chiến sự, phe nổi dậy gần như chắc chắn đã bị đè bẹp.
Sự thay đổi thái độ của Mỹ tương phản với quá khứ khi quân Mỹ đổ vào Iraq hay Afghanistan để rồi phải đối mặt với một đội quân kháng chiến mà họ không thể thắng nổi.
Lúc đó người ta mới nhận ra rằng hỏa lực của những chiếc pháo đài bay B52 và sức tàn phá của hỏa lực xe tăng Abrams không thể phá nổi một nền dân chủ. Do đó, một thập kỷ sau, Mỹ buộc phải tính chuyện rút quân dưới hình thức này hay hình thức khác, để lại đằng sau tình hình đầy bất ổn ở Baghdad cũng như ở Kabul.
Đó là thời của Tổng thống George W. Bush, khi nước Mỹ ném bom trước rồi xác định mục tiêu và tìm hiểu xem ai là nạn nhân sau. Nước Mỹ nay đã sang trang, không còn nói gì đến các biểu tượng nổi tiếng nhất của mình, như Dick Cheney và Donald Rumsfeld.
Như vậy, nước Mỹ đã bỏ cú sốc trực diện để thực hiện một phương thức mới có thể tinh tế hơn song không phải vì thế mà ít đáng sợ hơn về phương diện hiệu quả. Được thử nghiệm từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, phương thức này dựa trên ba yếu tố vừa có hiệu quả vừa có hiệu lực khi được sử dụng.
Mỹ và EU cùng chia "miếng bánh" Libya.
Để thực hiện phương thức này, trước hết phải có một cuộc nổi dậy nội bộ ở bên trong một nước Arab. Cuộc nổi dậy đó là điểm xuất phát của chiến dịch. Tầm quan trọng, quy mô và nơi nổ ra cuộc nổi dậy không quan trọng mà chỉ cần hiển hiện rõ ràng và được khai thác triệt để trên các phương tiện truyền thông.
Bắt đầu từ đó trở đi, cuộc can thiệp của Mỹ mới bắt đầu, nhưng càng kín đáo càng tốt. Đó là yếu tố thành công thứ hai. Mỹ biết dân chúng các nước Arap có thái độ thù địch với mình và tất cả những gì đến từ nước Mỹ đều đáng nghi ngờ. Cuộc can thiệp kiểu như vậy diễn ra nhẹ nhàng với sự xuất hiện ở tuyến đầu của các tác nhân khác như Pháp, Anh, thậm chí các nước Arab như Qatar.
Những sự việc trên bị che lấp hoàn toàn thông qua chiến dịch tuyên truyền của giới truyền thông của chính các nước Arab. Và đó có thể là thắng lợi chính của phương thức mới của phương Tây.
Kế hoạch thông tin phục vụ cho các chiến dịch quân sự quy mô này không phải do các phương tiện truyền thông phương Tây thực hiện, mà là của các nước Arab, đứng đầu là Al Jazzeera. Vai trò trung tâm của Al Jazeera và các phương tiện truyền thông khác trong cỗ máy quân sự ở Libya là ở chỗ họ chỉ đóng vai trò thứ yếu trong một cuộc chia chác mà các tác nhân chính lại giấu mặt.
Đối với chuyên gia Fred Kaplan, trong trường hợp Libya, ai cũng hiểu là "thay đổi chế độ” mới chỉ là bước đầu chứ không phải đoạn kết của lịch sử. Lần này (đây là sự khác biệt lớn giữa Libya hậu Gaddafi và Iraq hậu Saddam Hussein), người Libya cầm cương. Bởi đó là cuộc chiến của họ và sắp tới sẽ là thắng lợi của họ chứ không phải của phương Tây.
Tính đúng đắn của chiến thuật mới
Ban đầu, thái độ của ông Obama về cuộc chiến tại Libya đã bị phe Cộng hòa chỉ trích. Các thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham khen ngợi đồng minh Anh, Pháp và một số nước khác, cũng như các đối tác Arap, đặc biệt là Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất đã đi đầu trong cuộc xung đột Libya.
Hai ông còn nói thêm rằng nước Mỹ tự hào về vai trò của nước này trong chiến thắng trước Gaddafi, song cũng tỏ ý lấy làm tiếc vì thắng lợi đó không được nhanh chóng vì Mỹ thất bại trong việc sử dụng toàn bộ khả năng của lực lượng không quân của mình.
Theo ông Fred Kaplan, trước hết phải nói rằng sáu tháng, nếu là thời gian dài hơn sự chờ đợi của một số đông người, nhưng lại không phải là quá mức đối với một chiến dịch nhằm lật đổ một nhà độc tài đã thành công trong việc duy trì ở quyền lực trong gần 42 năm.
Nếu Tổng thống Barack Obama tung ra chiến dịch không kích ồ ạt, nếu ông đưa bộ binh Mỹ vào và nếu Gaddafi đầu hàng hay chết dưới đống đổ nát của dinh ông ta, thì thế giới – và có thể cả quân nổi dậy Libya – có lẽ đã nổi giận trước một "cuộc xâm lược của đế quốc” và đòi Mỹ phải thiết lập lại trật tự, rồi phê phán Mỹ nghiêm khắc nếu Mỹ không làm được như thế.
Sáu tháng sau khi cuộc chiến xảy ra, Mỹ đã đạt được mục tiêu của mình là lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi, trong khi chiến phí bỏ ra chỉ ở mức không đáng kể. Với những chiến công mới như tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden (điều Tổng thống W. Bush đã không làm được) và tiếp theo là góp phần lật đổ chế độ của ông Gaddafi (điều mà Ronald Reagan cũng đã không làm được trước đây), Tổng thống Obama cho công chúng Mỹ thấy sự lựa chọn về chiến lược của mình đã đúng.
Nhiều tờ báo đã ví von “Ronald Reagan không hạ được Gaddafi, Bush không hạ được Bin Laden nhưng Obama đã hạ được cả hai” để đánh giá về thành công này của Tổng thống Obama.
Kiến Văn

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness