TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 9
  • Hôm nay: 541
  • Tháng: 8380
  • Tổng truy cập: 5153645
Chi tiết bài viết

Vấn nạn lớn nhất của Obama trong việc thúc đẩy TPP

Một số vấn đề đặt ra trong xử lý mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế

- Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Từ một quốc gia bị kìm hãm trong cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thiếu thốn đủ thứ, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, mức tăng trưởng GDP hằng năm luôn đạt loại khá. Bên cạnh thành tựu kinh tế, đất nước còn luôn giữ được ổn định chính trị, dân chủ ngày càng được phát huy, vị thế chính trị trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được, nhất là về kinh tế, có thể còn cao hơn nữa nếu chúng ta xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế.

 Những hạn chế, khiếm khuyết trong đổi mới kinh tế và trong xử lý mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị

Có thể thấy, hạn chế, khiếm khuyết, trước hết, trong đổi mới kinh tế là việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa hoàn chỉnh. 

Về mặt lý luận, sau nhiều tranh luận, vấn đề sở hữu nhà nước và đi cùng với nó là thể chế quản lý còn nhiều lúng túng. Về mặt thực tiễn, doanh nghiệp nhà nước vẫn là không gian ẩn chứa không ít tiêu cực. Chúng ta đã xác định, Nhà nước là chủ sở hữu một số lực lượng sản xuất quan trọng nhất, như tài nguyên, đất đai, các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng có một nghịch lý là, nhiều tập đoàn kinh tế quan trọng, do Nhà nước nắm giữ, thường có những biểu hiện tiêu cực, như độc quyền, kém hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, trong khi việc sử dụng tài nguyên, đất đai lại rất lãng phí, bị lợi dụng vì “lợi ích nhóm” và cá nhân. 

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém nói trên là do thể chế pháp lý đối với doanh nghiệp nhà nước còn có nhiều vướng mắc, chưa rạch ròi. Bên cạnh đó, các thể chế có vai trò quan trọng trong quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, như ngân hàng, tài chính, thị trường chứng khoán, cùng các công cụ điều tiết, như tiền tệ, giá, lãi suất, tỷ giá, thuế,... hoạt động kém hiệu quả, có xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, trái với kỳ vọng của Nhà nước. Cùng với đó là chậm đổi mới thể chế quản lý đối với một số lĩnh vực kinh doanh quan trọng, như xi-măng, sắt thép và đặc biệt là xăng dầu, điện. 

Thứ hai, sự phát triển kinh tế còn thiếu ổn định và bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. 

Mức độ cải thiện kinh tế của các tầng lớp dân cư, các vùng, miền, các ngành, nghề chưa đồng đều, chưa công bằng, dẫn đến nguy cơ xung đột lợi ích cao (rõ nhất là giữa người nông dân thuộc diện có đất thu hồi và giới kinh doanh bất động sản; giữa người sản xuất nông, lâm, thủy sản và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu;...).

Trong vòng 10 năm qua, nền kinh tế không đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định như mong muốn và tiềm năng cho phép. Tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt được trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 1997 (trung bình là 8,5%/năm, cao nhất là 9,2% vào năm 1995) đã suy giảm trong các năm tiếp theo và đến nay, sau nhiều cố gắng chỉ đạt khoảng 5,4%/năm. Nền kinh tế sau khi hội nhập quốc tế đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trong các năm 2008 - 2011, đến nay chưa hoàn toàn hồi phục. Sự sụt giảm nhu cầu trao đổi của các thị trường Mỹ, châu Âu thời kỳ khủng hoảng cũng kéo theo sự sụt giảm trong sản xuất, xuất khẩu của các ngành kinh tế trong nước. Trong khoảng 15 năm qua, trên lĩnh vực sản xuất, Việt Nam chưa có được một chiến lược sản phẩm nào đạt thương hiệu toàn cầu, từ công nghiệp tàu thủy, công nghiệp ô-tô, đến công nghệ thông tin; từ sản xuất lúa gạo, đến thủy sản, trái cây,... Nền kinh tế chứa đựng sự thiếu ổn định, chắc chắn, nhiều yếu tố ảo, rủi ro cao. Ví dụ, thị trường chứng khoán sau bùng nổ ảo, chỉ số VN-Index đạt tới 1.000 điểm năm 2007 đã nhanh chóng rơi xuống còn chưa đến 500 điểm trong mấy năm gần đây. Thị trường bất động sản bùng nổ những năm 2009 - 2010 nay rơi vào khủng hoảng thừa với tài sản ứ đọng tới 120.000 tỷ đồng cùng hàng nghìn căn hộ, trong khi người có nhu cầu thực sự về nhà ở lại không thể tiếp cận được. 

Trong những năm qua, mặc dù tiếp tục nhận được các nguồn vốn FDI và nguồn ODA khá lớn, song sức bật, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn thấp. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô, như hiệu quả đầu tư, khả năng cạnh tranh, môi trường kinh doanh,... vẫn không tăng trưởng tương xứng. 

Tình hình đó có nguyên nhân gì? Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu hay do thể chế kinh tế thị trường ở nước ta chưa hoàn chỉnh? 

Về mặt khách quan, không thể phủ nhận sự tác động của suy thoái kinh tế thế giới tới kinh tế trong nước, song đó chỉ là nguyên nhân thứ yếu, bởi lẽ, có những nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu hơn nhưng không bị ảnh hưởng nặng nề như Việt Nam, và nếu có bị ảnh hưởng thì thời gian khôi phục nhanh hơn và vẫn có nhịp độ tăng trưởng cao, chẳng hạn như nền kinh tế Trung Quốc. Về mặt chủ quan, không thể phủ nhận thể chế kinh tế thị trường ở nước ta chưa thật sự hoàn chỉnh, song đó cũng chỉ là nguyên nhân thứ yếu, bởi lẽ trên thế giới có những nước mà thể chế kinh tế thị trường ở đó hoàn chỉnh hơn, như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ai Len, Bồ Đào Nha,... trong các năm 2010 - 2012 vẫn rơi vào khủng hoảng nợ công trầm trọng. 

Nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế trước hết là do bản thân giới doanh nhân. Đó là tầm nhìn, thói quen kinh doanh ngắn hạn; sự thiếu đoàn kết, làm ăn nhỏ lẻ; kém nỗ lực vươn lên; thiếu kinh nghiệm và tri thức kinh doanh hiện đại;..., tóm lại là văn hóa kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, mỗi doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế còn rất hạn chế, là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế một cách bền vững. Cộng hưởng với điều này là văn hóa tiêu dùng của người dân, trong đó có những thói quen, phong trào tiêu dùng có tính chất “đám đông”, nhiều khi làm cho quan hệ cung - cầu trên thị trường trở nên khó đoán định, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. 

Nguyên nhân tiếp theo là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hoàn chỉnh, chưa đủ khả năng điều tiết bằng các công cụ kinh tế đối với sản xuất, kinh doanh, dẫn đến môi trường kinh doanh chưa lành mạnh, vừa có hiện tượng cạnh tranh thiếu công bằng, vừa có hiện tượng độc quyền; khả năng rủi ro, thiếu an toàn cho người kinh doanh cao. Chẳng hạn, pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu cho người sản xuất, kinh doanh chưa được hoàn chỉnh, và điều quan trọng hơn, việc thực thi pháp luật này ít có hiệu lực, khiến cho người có sáng chế, người sản xuất ra sản phẩm có thương hiệu tốt bị thua thiệt, giảm sút động lực kinh doanh. Những vụ, việc từng xảy ra với một số thương hiệu, như nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên và gần đây là cà phê Buôn Ma Thuột,... là những ví dụ điển hình. Tình trạng này xảy ra trong nhiều ngành, đặc biệt là ngành xuất bản sách và ấn phẩm văn hóa, với rất nhiều vụ xâm phạm bản quyền tác giả. 

Tuy nhiên, tất cả những nguyên nhân nói trên chỉ là những nguyên nhân thứ yếu. Có thể khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến sự hạn chế, khiếm khuyết trong đổi mới kinh tế là do chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Nói cách khác, những hạn chế, khiếm khuyết về thể chế kinh tế có thể được khắc phục nếu từ phía chính trị có chính sách, pháp luật đúng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đó một cách quyết liệt, hiệu quả. Việc tạo ra các thể chế của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, trước hết là những chính sách, chiến lược đúng cho phát triển kinh tế, tự bản thân các doanh nghiệp không thể làm được, mà phải do Nhà nước, nghĩa là từ phía chính trị. Có thể nêu một số yếu kém về chính trị ảnh hưởng tới phát triển kinh tế như sau:

Một là, Nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò, chức năng đối với phát triển kinh tế thị trường theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Mặc dù đã có đổi mới tư duy về vai trò, chức năng của Nhà nước, song Nhà nước vẫn chưa thực hiện tốt vai trò, chức năng mà kinh tế thị trường yêu cầu. Cụ thể, Nhà nước chưa làm tốt việc xây dựng và thực thi pháp luật để tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển. Đặc biệt, Nhà nước chưa làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược và việc quản lý sự phát triển theo quy hoạch, chiến lược đó. Trên nhiều lĩnh vực, Nhà nước có xây dựng quy hoạch, chiến lược, song tính khoa học và thực tiễn của chúng không cao. Nhìn vào các lĩnh vực kinh tế, hầu như không có một chiến lược nào được thực hiện tốt đẹp và trọn vẹn, từ công nghiệp, nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ, du lịch,… Một ví dụ điển hình: là nước hàng đầu về xuất khẩu gạo, song cho đến nay Việt Nam vẫn bị động với thị trường gạo thế giới, luôn ở thế yếu so với các nước khác; người nông dân Việt Nam luôn chịu nhiều thua thiệt, rủi ro. Việt Nam không tạo được hệ thống liên kết vững vàng trong sản xuất, xuất khẩu gạo, lại càng không chiếm lĩnh được vị thế làm chủ, hoặc ít nhất là tác động mạnh vào thị trường, điều tiết giá gạo theo chủ ý. 

Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu bắt đầu diễn ra vào năm 2008, gây nên suy thoái ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, song nó cũng là thước đo đánh giá sự vững vàng hay không của các công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước Việt Nam và độ lành mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Trong nhiều năm và cho đến nay Nhà nước vẫn can thiệp mang tính hành chính vào nền kinh tế, nhất là can thiệp vào việc kinh doanh các loại hàng hóa đặc biệt, như xăng dầu, điện, sắt thép, than; can thiệp vào tỷ giá ngoại tệ và đồng Việt Nam, tỷ lệ lãi suất ngân hàng và gần đây là thị trường vàng. Năm 2013, sự điều hành của Chính phủ thông qua công cụ tài chính và ngân hàng đã giúp cho lạm phát được kìm hãm ở mức 6,8%/năm, trong khi GDP đạt 5,4%/năm, được coi là một thắng lợi trong quản lý nền kinh tế. Sự can thiệp như vậy đã góp phần bình ổn giá cả hàng hóa trong một thời điểm nhất định, song về dài hạn, sự can thiệp bằng những quy định về giá sàn, giá trần, bằng quota xuất - nhập khẩu đối với một số mặt hàng trong thời gian dài sẽ làm biến dạng bộ mặt thật của nền kinh tế, khiến cho quy luật giá trị không phát huy được chức năng điều tiết sản xuất của nền kinh tế. 

Những yếu kém, khiếm khuyết nói trên là do năng lực của Nhà nước còn hạn chế, nhưng sâu xa hơn là do tư duy chính trị còn có điểm lúng túng, chẳng hạn như trong việc xác định những gì Nhà nước cần sở hữu hoặc tác động, những gì có thể để cho xã hội điều chỉnh. Sự lúng túng và chậm chạp trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là hậu quả của tư duy chính trị này. Cho đến gần đây chúng ta mới thừa nhận sự hoạt động kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn cho đất nước của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Hai là, tình trạng quan liêu, lãng phí, tham nhũng trong bộ máy nhà nước còn nặng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. 

Có thể khẳng định, đây là nhân tố ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động kinh tế nói chung và việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng. 

Tình trạng quan liêu dẫn đến nhiều quy định, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế không sát thực tiễn, không mang tính khả thi; nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội thiếu sự điều chỉnh và quản lý bằng pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý phát triển và trật tự đô thị. 

Tình trạng lãng phí làm mất đi những nguồn lực to lớn mà hoạt động của tất cả các thành phần kinh tế tạo ra cho đất nước. Sự đầu tư mang tính phong trào của các địa phương, từ sản xuất mía đường, xi-măng, đến xây dựng cảng biển, sân bay, khu đô thị,... không có quy hoạch, hoặc bất chấp quy hoạch là hậu quả trực tiếp từ yếu tố chính trị. Chỉ riêng tồn đọng trong đầu tư bất động sản đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, cùng hàng nghìn héc-ta đất sử dụng không hiệu quả. Nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước được sử dụng khối tài sản khổng lồ, nhưng không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nhất là trong khâu đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dẫn đến thua lỗ, phá sản, gây lãng phí lớn tài sản của đất nước. Bên cạnh những lãng phí trong đầu tư kinh tế, lãng phí trong đầu tư cho hoạt động phi kinh tế cũng không giảm. Những hô hào tiết kiệm trong tổ chức lễ hội, kỷ niệm, đón nhận huân chương,... vẫn không có tác dụng cũng bởi chưa khắc phục được tư duy chính trị phô trương, hình thức, chạy theo thành tích. 

Tình trạng tham nhũng không chỉ làm thất thoát một số tài sản công nhất định (theo tính toán của tổ chức quốc tế, sự thất thoát này lên tới hàng tỷ USD mỗi năm), mà nguy hiểm hơn, còn hủy hoại bộ máy công quyền, làm mất đi những cơ hội đầu tư phát triển, suy giảm động lực phát triển và sự nghiêm minh của Nhà nước pháp quyền trong quản lý kinh tế. Tham nhũng đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp lách luật, làm sai pháp luật kinh doanh. Không những thế, sự bắt tay mờ ám giữa một số doanh nghiệp với một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước trong xây dựng chính sách, ban hành các quy định có lợi cho một số doanh nghiệp đã làm cho việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, quy hoạch,... không được nghiêm túc, thậm chí méo mó. 

Những điều nói trên làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam thiếu ổn định, hay thay đổi bất thường. Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh các quốc gia, thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong 5 năm gần đây không những không được cải thiện mà còn suy giảm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh quốc gia thấp. 

Bài toán chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng (kể cả tham nhũng qua chính sách) vẫn chưa có lời giải thật sự hữu hiệu. Những biện pháp mạnh mẽ, cần thiết nhằm khắc phục các căn bệnh này vẫn chưa được thực hiện. 

Ba là, thể chế dân chủ chưa phát triển đúng mức cần thiết.

Tại sao những hạn chế, yếu kém nói trên vẫn kéo dài? Có lẽ, một trong những nguyên nhân chính là do sự kiểm soát của xã hội đối với quyền lực nhà nước vẫn còn hạn chế, hay nói cách khác, thể chế dân chủ chưa phát triển đến mức có thể kiểm soát được mọi hoạt động của Nhà nước trong quản lý, điều hành nền kinh tế. Mặc dù đã tích cực phát huy dân chủ, công khai hóa, phòng, chống tham nhũng, nhưng trên thực tế, tính công khai trong hoạt động cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan hành pháp, vẫn còn mờ nhạt; các cơ quan nhà nước ở các cấp không đủ sức mạnh để kiểm soát lẫn nhau; các cơ quan dân cử, cao nhất là Quốc hội, nhiều khi không kiểm soát được đúng mức đối với hoạt động của các cơ quan hành pháp; sự phản biện và áp lực từ bên ngoài đối với Nhà nước (chẳng hạn, qua báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội) có tác dụng chưa cao. 

Thể chế dân chủ trong hoạch định chính sách phát triển và quản lý kinh tế của các cơ quan hành pháp từ Trung ương đến địa phương còn hạn chế, nhất là đối với việc ban hành các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế và các văn bản quản lý kinh tế. Có không ít văn bản quản lý kinh tế vừa mới ban hành đã bị dư luận phản đối, phải thu hồi. 

Bốn là, phương thức cầm quyền của Đảng còn lúng túng. 

Trong mô hình chính trị có duy nhất một đảng cộng sản cầm quyền, sự kiểm soát của đảng đối với nhà nước, nhất là về mặt nhân sự, phải rất mạnh mẽ; sự thanh lọc của đảng đối với các cá nhân yếu kém phải rất nhanh chóng. Trên thực tế, các đợt chỉnh đốn, “tự phê bình và phê bình” trong Đảng ta thời gian gần đây chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, trong khi niềm tin của nhân dân đối với Đảng có sự suy giảm đáng lo ngại. Vấn đề sâu xa ở đây là việc xử lý mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ trong Đảng còn lúng túng, nhất là trong công tác cán bộ. Điều quan trọng nhất đối với sự cầm quyền của Đảng là việc lựa chọn con người cho bộ máy nhà nước, nhưng lựa chọn theo nguyên tắc nào, cơ chế nào - công khai hay kín, cá nhân chịu trách nhiệm hay tập thể chịu trách nhiệm,... là những điều chưa có câu trả lời dứt khoát. Có thể nói, phương thức cầm quyền của Đảng còn lúng túng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những yếu kém về chính trị nói trên, hay nói cách khác, là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những hạn chế, khiếm khuyết trong đổi mới kinh tế.

Yêu cầu và giải pháp đổi mới chính trị nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới kinh tế

Từ những thành công và hạn chế của đổi mới chính trị và kinh tế sau gần 30 năm qua, có thể thấy, vai trò của chính trị đối với phát triển kinh tế là cực kỳ to lớn, đồng thời, đổi mới kinh tế có vai trò quan trọng đối với đổi mới chính trị.

Chính trị và kinh tế có sự độc lập nhất định, song không thoát ly hoàn toàn với nhau. Ngược lại, tuy có ảnh hưởng lẫn nhau, song giữa chính trị và kinh tế vẫn có ranh giới nhất định. Chính trị với nghĩa là hệ thống chính trị thì không thể lấn sân kinh tế, không can thiệp tới mức làm sai lệch “cơ chế thị trường”, làm sai lệch sự điều chỉnh các quy luật của thị trường đối với hoạt động của các chủ thể kinh tế. Song, với nghĩa là chính sách và tổ chức thực hiện chính sách,chính trị có thể thúc đẩy và tạo cơ hội cho kinh tế phát triển. Ngược lại, kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn lực và môi trường tâm lý thuận lợi cho các hoạt động chính trị và cũng đặt ra yêu cầu đổi mới chính trị. Song, xét về bản chất và nhìn nhận một cách khách quan, kinh tế cần có ranh giới nhất định và ranh giới bắt buộc trong quan hệ với chính trị. Bởi vậy, giới doanh nghiệp không được can thiệp tiêu cực, “can thiệp xấu” vào hệ thống chính trị bằng những hành vi, quan hệ mờ ám với giới chính trị, làm sai lệch chính sách, tạo nên những bất công, bất bình đẳng trong kinh doanh. 

Để thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhất là đối với đổi mới kinh tế, yêu cầu đặt ra đối với đổi mới chính trị là: Xây dựng nền dân chủ đi đôi với thiết lập một cách vững chắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi hoạt động của xã hội đều được pháp luật điều chỉnh một cách công bằng, bình đẳng. Hình thành hệ thống quản lý nhà nước về kinh tế có hiệu lực, hiệu quả, có trách nhiệm, có khả năng đề xuất được các mục tiêu, các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khả thi trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị phải động viên được các lực lượng xã hội dành tâm huyết, sức lực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước hội nhập quốc tế thành công; tạo được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế và môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế của đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu nói trên, trong những năm tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: 

1- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước là tất yếu khách quan, là nguyên tắc đã được hiến định, nhưng phải bảo đảm cho các cơ quan nhà nước hoạt động theo đúng nguyên tắc pháp quyền, có sự phân công quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng, đặc biệt là quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh quan trọng nhất, như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Nhà nước phải trong sạch, minh bạch, chịu sự giám sát và phán xét của nhân dân; Chính phủ phải năng động, hoạt động có hiệu quả. 

Điều quan trọng nhất là Nhà nước phải luôn hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế một cách khoa học, có tính khả thi. 

2- Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, trong sạch, có đủ năng lực đề ra đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn cho đất nước; có đủ uy tín lãnh đạo, dẫn dắt các giai cấp, tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội tập trung sức lực phát triển đất nước. 

Điều khác biệt giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới là nhân dân Việt Nam tin tưởng và trung thành với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Song, Đảng không nên vì sự tin tưởng và trung thành đó, mà lơi lỏng việc thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, nghiêm túc đặt hoạt động của mình trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, gắn bó với nhân dân, đặc biệt là với giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức. 

3- Xây dựng Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân thật sự đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân, cho các giai cấp, tầng lớp nhân dân giám sát các hoạt động và phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; động viên, tổ chức nhân dân thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội./.

Vũ Hoàng CôngPGS, TS, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

  

Vấn nạn lớn nhất của Obama trong việc thúc đẩy TPP

ZachCarter & Dana Liebelson/Hufftington Post

Lê Quốc Tuấn dịch Việt Ngữ

 Trong nỗ lực giành ủng hộ cho một hiệp ước thương mại mới đang gây tranh cãi ở châu Á, tổng thống Barack Obama đã đưa ra một lý do chính khiến thỏa thuận này là rất quan trọng: để kiềm chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

 "Ngay lúc này, Trung Quốc muốn làm nên luật chơi cho khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới" trong Thôngđiệp Liên bang của mình vào tháng trước ông Obama đã nói, "Điều đó sẽ công nhân và các doanh nghiệp của chúng ta vào thế bất lợi. Tại sao chúng ta để cho điều đó xảy ra? Chúng ta nên làm ra luật lệ. Chúng ta nên tạo ra một sân chơi bình đẳng."

 Chủ đề ấy tạo nên tiếng vang trong giới công nhân Mỹ, những người đã nhìn thấy các nhà máy phải đóng cửa và tiền lương trì trệ ở quốc nội trong những năm qua kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và trở thành một cường quốc về sản xuất. Nhưng uy tín quả giao bóng của Obama xoay quanh những nỗ lực ngoại giao khó khăn và dường như không có gì hứa hẹn: việc cải cách cơ cấu kinh tế và chính trị của một số quốc gia nhỏ hơn ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam.

 Trong số 11 quốc gia đàm phán với Mỹ về Thỏa ước Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, không một nước nào có quan hệ gần gũi với Trung Quốc là Việt Nam. Giống như Trung Quốc, nước không tham gia vào cuộc đàm phán, Việt Nam có một chính phủ cộng sản độc đảng và một hồ sơ dày cộm các vi phạm về nhân quyền. Việt Nam cũng có một số tiêu chuẩn lao động yếu kém nhất thế giới.

 Hậu quả là, Việt Nam đã trở thành một điểm đến ngày càng phổ biến cho các doanh nghiệp có bản doanh tại Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc thường xuyên ký hợp đồng với các nhà máy ở Việt Nam, khiến đa phần lại phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Hàng dệt may, một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của Việt Nam phải nhập khẩu khoảng một nửa số sợi và vải từ láng giềng phía bắc.

 Điều đó có nghĩa là các tiêu chuẩn lao động cao hơn ở Việt Nam sẽ tạo ra chi phí cao hơn cho giới trung gian Trung Quốc. Vànếu thỏa ước TPP ép buộc Việt Nam và các quốc gia châu Á khác phải cải thiện các quyền của giới lao động thì điều ấy có thể gây áp lực chính trị cho các cải cách của chính phủ Trung Quốc.

 Mặt khác, một thỏa thuận yếu thế cho phía Việt Nam sẽ không kiềm chế được sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, ngoài ra lại còn tăng sức mạnh hơn cho nước lớn này.

 Chính quyền Obama nhận thức được kích thước của các thách thức.

 "Ở Việt Nam chẳng hề có quyền lao động", Bộ trưởng Lao động Mỹ Thomas Perez nói với tờ HuffPost. "Nếu trở ngại là Việt Nam phải trở thành nước Mỹ trong năm năm tới, tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra. Nếu trở ngại là đi từ chỗ không có quyền lao động đến một loại tương tự như các phương án bảo vệ lao động của Mỹ và châu Âu thì tôi nghĩ rằng đó chỉ là một kỳ vọng không thực tế."

 Căn cứ vào những chia sẻ chung về lịch sử gần đây giữa hai nước, việc tạo áp lực lên chính phủ Việt Nam về những vi phạm nhân quyền là một hành động tế nhị của các nhà đàm phán Mỹ. Và trong suốt các cuộc đàm phán TPP, Việt Nam đã chiến đấu chống lại các yêu cầu về một quyền lao động mạnh hơn.

 Lê Đăng Doanh, một cố vấn kinh tế cao cấp của tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ do Mỹ tài trợ hồi mùa thu năm ngoái rằng các yêu cầu của TPP là "cực kỳ khó khăn."

 Để thỏa ước TPP có thể thực hiện được bất kỳ sự khác biệt nào trên mặt trận lao động, nó sẽ phải trân trọng các quyền hình thành và tổ chức công đoàn của người lao động. Việt Nam chỉ có một liên minh chính thức được hoạt động, mà các nhà phê bình nhìn thấy là thường liên minh chặt chẽ với giới chủ hơn là người lao động.

 "Việt Nam đã cho thấy không có dấu hiệu nhượng bộ về điều này," đề cập đến việc hợp pháp hóa các công đoàn ôngDoanh nói với Đài tiếng Nói Hoa Kỳ: " Liên quan đến vấn đề này Việt Nam không bao giờ muốn có thay đổi."

 Chính quyền Obama không muốn công bố công khai các ngôn từ quy định của TPP và thỏa thuận này vẫn đang được đàm phán. Nhưng dù cho các điều kiện mạnh mẽ có lợi cho giới lao động có thể được hình thành rõ ràng trong thỏa thuận, việc thực thi chúng cũng sẽ là một trở ngại lớn.

 Nước Mỹ đã có một thành tích nghèo nàn về việc thực thi quyền con người và các điều kiện lao động theo các hợp đồng thương mại. Một báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO-Government Accountability Office) năm 2009 cho thấy việc thực thi các điều khoản lao động Mỹ là "có mục đích và rất hạn chế" với các "giámsát tối thiểu." Một báo cáo của GAO từ tháng 11 năm 2014 cho thấy tình hình đã không được cải thiện nhiều. Trong khi Bộ Lao động đã mang lại được một số ít các trường hợp về quyền của người lao động theo các thỏa thuận thương mại trước đây, nhưng đã mất nhiều năm để điều tra và vẫn chưa được giải quyết.

 "Một trong những lời chỉ trích mà chúng ta đã nghe, đặc biệt là từ những người bạn của chúng ta trong Đảng Dân chủ và tôi đồng ý với họ, là chúng ta cần phải hành động nhanh hơn," Pereznói với tờ HuffPost.

 "Tôi nghĩ đó là lời chỉ trích rất công bằng, vì rõ ràng là không phải mất đến sáu năm. Không nghi ngờ gì là những khiếu nại này rất phức tạp nhưng trì hoãn công lý thông thường chính là hoàn toàn phủ nhận nó"

 Về cơ bản, lời kêu gọi mới nhất củaObama cho một thỏa thuận có tiêu chuẩn cao là sự lặp lại một hiệp ước phòng thủ lâu đời của Mỹ với các quốc gia bất hảo. Năm 2009, dân biểu Paul Ryan (CH-Wis.),Nay là Chủ tịch Uỷ ban Chính sách và Tài chính Hạ viện, bảo vệ một thỏa thuận thương mại tự do với chính phủ Bahrain sách nhiễu quyền con người, nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ "đòi hỏi những điều như tính thượng tôn pháp luật và cưỡng chế thi hành các hợp đồng, quyền phụ nữ phải được cải thiện theo hướng công khai, minh bạch và dân chủ."

 Hai năm sau lời bình luận của Ryan,chính phủ Bahrain tiến hành cuộc đàn áp tàn bạo những người biểu tình trong vụ Mùaxuân Ả Rập, với các báo cáo cho thấy chế độ này đã bắn giết, truy tố các thành viên công đoàn, tra tấn các bác sĩ và bỏ tù một nhà lãnh đạo phe đối lập vì "kích động" các cuộc biểu tình trên Twitter.

 Thực tế là, thỏa thuận vối Bahrain đã ngăn chặn loại đàn áp này. Nhưng sau khi nhận được khiếu nại vi phạm thương mại chính thức từ AFL-CIO, chính quyền Obama đã mất hơn hai năm mới khởi sự cuộc đàm phán chính thức với chính phủ của Bahrain. Gần bốn năm sau cuộc đàn áp ban đầu, các trường hợp ấy vẫn còn nguyên chưa được giải quyết trong khi Bahrain tiếp tục truy tố các nhà hoạt động nhân quyền. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, năm ngoái chính phủ Bahrain đã có "tiến bộ đáng kể về vấn đề sa thải các nhà lãnh đạo công đoàn trong tình trạng bất ổn dân sự."

 Các vấn đề thực thi chắc chắn sẽ phát sinh với TPP.

 "Chúng ta đang đối phó với các nước thử thách trong TPP," Thượng nghị sĩ Ben Cardin (DC-Md.) cho biết trong một buổi điều trần vào tháng Giêng. "Brunei, nơi có quan ngại về tính hợp pháp của cộng đồng ĐTLA –đồng tình Luyến Ái về nhân quyền.

  Các kỷ lục về lao động ở Brunei, Malaysia và Việt Nam là rất nghi ngờ. Và việc chống tham nhũng, họ có thể ra luật nhưng không có các cơ chế - công tố viên độc lập và các tòa án - để mang lại cho chúng ta niềm tin rằng họ sẽ thực thi được các đạo luật ".

 Perez cho biết chính quyền Obama đang cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán lần này so với các hiệp định thương mại trước đây. Thỏa thuận cuối cùng, theo Perez, sẽ phủ nhận những lợi ích kinh tế của các nước trong hiệp ước thương mại cho đến khi vấn đề lao động và môi trường được giải quyết. Đó sẽ là một sự thay đổi đáng kể so với các thoả thuận khác trong quá khứ.

 "Tôi rất hoan nghênh nếu bạn muốn so sánh thành tích của chính quyền Obama với chính quyền Bush trong việc thi hành,” Perez nói. "Họ (Bush) đã chẳng làm được điều gì."

 Nhưng nhiều nhà hoạt động nhân quyền vẫn còn hoài nghi, trong đó có John Sifton, giám đốc bộ phận châu Á của Human Rights Watch. "Bản thân đất nước sẽ tự mở ra cho quyền tự do phát biểu. Bản thân họ sẽ cho phép có quyền tự do lập hội, đoàn thể, tổ chức công đoàn, thật thế sao ? Chuyện này hết sức lớn. Không chỉ ngạc nhiên mà gần như một cuộc cách mạng" Sifton cho biết.

 Cưỡng chế các vi phạm thương mại ở nước ngoài đã được cải thiện kể từ khi Obama nhậm chức. Tuy nhiên, như các báo cáo của GAO cho biết, việc cưỡng chế đã tập trung vào các tranh chấp mà một nhà sản xuất của Mỹ nộp đơn khiếu nại. Một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Mỹ sẽ có độngcơ khuyến khích để nhắm mắt làm ngơ với những lạm dụng lao động ở Việt Nam và các quốc gia TPP khác.

 Háo hức với hàng may mặc giá rẻ hơn ở nước ngoài, nhiều nhà bán lẻ của Mỹ đã ủng hộ việc cấp cho Việt Nam các lợi ích thương mại mở rộng. Mặc dù những vấn đề tồn đọng của ngành công nghiệp dệt may Mỹ từng dấy lên lo ngại, rằng khu vực đó đã bị tiêu hao và chịu ảnh hưởng hạn chế trong chính trị hành pháp. Còn đối với Việt Nam, ngành công nghiệp dệt may là nguồn xuất khẩu có ý nghĩa kinh tế nhất của họ đối với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc,theo một báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội năm 2014 cho biết.

 Elizabeth Cline, tác giả cuốn"Overdressed": Chi phí quá cao của hàng thời trang giá rẻ là âm thanhcảnh báo cho bất cứ hy vọng nào về tác động của thỏa thuận thương mại. "Để có thể nhìn thấy việc thực hiện thực tế của các tiêu chuẩn lao động, các hình phạt đối với việc vi phạm pháp luật mới có thể không chỉ bỏ mặc trong tay các nhà sảnxuất và nhà máy trong các quốc gia châu Á, nhưng chủ yếu là phải ở nơi các nhà bán lẻ và công ty Tây Phương nhập khẩu các mặt hàng này, cô nói.

 Từ một quan điểm nhân quyền, các ngành công nghiệp may mặc tại Việt Nam là đặc biệt đáng lo ngại. Theo một báo cáo của Bộ Lao động năm 2014, lĩnh vực này dựa vào cả hai nguồn lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, trong khi bản báo cáo năm 2014 của Bộ Ngoại giao ghi nhận đã có buôn bán lao động trong ngành dệt may.

 "Một số trẻ em Việt Nam là nạn nhân của lao động nô lệ và cưỡng bức trong các hãng xưởng vận hành trong nhà ở các gia đình nơi khu đô thị, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc không chính thức gần Thành phố Hồ Chí Minh và trong các nhà máy tư nhân làm gạch ở nông thôn," theo báo cáo của Bộ Ngoại giao. "Các chiến thuật thường gặp nhất là cho nam giới thu hút phụ nữ trẻ và thiếu nữ vào mối quan hệ hẹn hò trực tuyến. Sau khi đạt được sự tin tưởng của các nạn nhân, họ thuyết phục di chuyển đến một vị trí mới,nơi sau đó nạn nhân bị buộc phải lao động hay buôn bán tình dục"

 Theo ghi chú từ bản báo cáo, "không hề có trường hợp nào của một nạn nhân buôn người lao động Việt đạt được những bồithường tại các tòa án".

 Tuong Vu, một chuyên gia về Việt Nam tạiĐại học khoa Khoa học chính trị của tiểu bang Oregon, nói về  chính phủ Việt Nam, "Họ ban hành luật lệ và các quy định nghe có vẻ rất tốt đẹp, nhưng sau đó chẳng hề thi hành."

 Obama tranh luận rằng đưa Việt Nam vào thỏa thuận TPP ít nhất sẽ là tốt hơn so với hiện trạng.

 "Tôi không biết sẽ tốt đẹp ra sao cho giới lao động để chúng ta phải làm hỏng mất thỏa thuận này khi yêu cầu Việt Nam cải thiện luật pháp về tổ chức và an toàn lao động của họ," tổng thống nóitrong tháng trước Hội nghị Kinh Doanh Bàn tròn (Business Roundtable), một nhóm vận động đại diện cho các CEO của công ty. "Ý tôi là, chúng ta không nên trừng phạt họ bằng việc loại họ ra khỏi bằng cách nào đó. Hãy đưa họ vào".

 Dĩ nhiên, nếu chỉ đạt một cải thiện nhỏ thì rất khác xa với lời kêu gọi làm thay đổi quyền lực kinh tế năng động giữa Mỹ và Trung Quốc của Obama.

 Trong khi việc Trung Quốc đang nắm giữ khoảng 8 phần trăm nợ quốc gia của Mỹ thường được lưu ý để làm nổi bật ảnh hưởngngày càng lớn của đất nước này, sức mạnh thực sự của Trung Quốc là các chuỗi cung ứng. Nhiều mặt hàng thiết yếu được bán tại Mỹ hiện hoặc làm tại Trung Quốc hay phụ thuộc vào các công ty gia công của Trung Quốc, vốn cũng sẽ phải dùng đến sản phẩm của họ từ các nước khác - như Việt Nam.

 "Thực tế là, điều này sẽ không đạt được các mục tiêu chiến lược mà chính quyền nói là rất quan trọng," BarryLynn, giám đốc Markets, Enterprise and Resiliency Initiative tại New America Foundation cho biết.

 "Càng ngày, chính các công ty Trung Quốc sẽ định đoạt nơi chốn mà mọi việc sẽ phải đi đến. Và cái ý tưởng cứ mày mò xung quanh những con số này sẽ tạo được tác động lớn là ngây thơ."

 http://www.huffingtonpost.com/2015/02/05/obama-worker-rights_n_6615974.html

 

Năm 2015: Năm thực hiện những cam kết

Nhóm phóng viên Tia Sáng


TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu 
Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Năm 2015, Việt Nam nỗ lực thực hiện những cam kết chính trị và chính sách về hội nhập, cải cách, tái cấu trúc, cải thiện môi trường kinh doanh, giữ vững các thành quả ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, giúp nền kinh tế nắm bắt các cơ hội và vượt qua thách thức từ tình hình mới. Đó là quan điểm của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong cuộc trao đổi với nhóm phóng viên Tia Sáng.

- Những năm gần đây, tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu mà Nhà nước ta đặt ra nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Về cơ bản chúng ta đã làm được những gì?

- Từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu có những chuyển hướng chính sách rất cơ bản nhằm nâng cao ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tính bền vững và hiệu quả trong cách thức tăng trưởng và phát triển kinh tế bằng cách phân bổ lại các nguồn lực cơ bản như vốn, lao động, tài nguyên, đất đai, v.v. trong đó tập trung vào ba vấn đề lớn là doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng và đầu tư công. Đến nay, chúng ta đã tái cơ cấu ngân hàng gắn liền với quá trình ổn định kinh tế vĩ mô, bước đầu lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng như xử lý một số ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu qua VAMC (công ty quản lý tài sản có chức năng tái cơ cấu nợ xấu ngân hàng, mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại), hạn chế dần vấn đề sở hữu chéo gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp, v.v. Bên cạnh đó, lộ trình thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã rõ hơn và gắn lộ trình này với một cơ chế thưởng phạt mạnh mẽ, ít nhiều đã cải thiện được tính minh bạch của nó. Đối với đầu tư công thì bên cạnh Chỉ thị 1792/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, Việt Nam đã thông qua được Luật Đầu tư công, bắt tay xây dựng đầu tư công gắn liền với kế hoạch trung hạn chứ không phải từng năm, nâng cao hiệu quả, tính khả thi, minh bạch trong phân bổ, sử dụng nguồn vốn, và trách nhiệm của các bên liên quan.

- Theo ông tiến độ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế như vậy liệu đã đạt yêu cầu?

- Nhìn chung quá trình tái cấu trúc nền kinh tế diễn ra chậm. Khi thực hiện mới thấy đây là những vấn đề phức tạp và khó khăn đan xen lẫn nhau, đòi hỏi một phí tổn không nhỏ cả về tài chính và xã hội để xử lý, và đặc biệt cần sự đổi mới sâu sắc về tư duy. Ví dụ như vấn đề vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế vẫn đang vướng mắc vì khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa hoàn thiện, chúng ta chưa giải quyết được những phức tạp lịch sử để lại về định giá đất, rồi vấn đề tìm đối tác chiến lược, thay đổi cung cách quản trị, thay đổi công nghệ, thu hẹp lực lượng lao động, v.v. Những chậm trễ này nếu để kéo dài sẽ làm giảm lòng tin từ các nhà đầu tư. Liên quan đến cải cách khu vực DNNN, không ít nhà đầu tư, nghiên cứu nước ngoài khi gặp tôi vẫn hỏi dò ‘các ông có chơi thật không?’, ‘có thật sự muốn làm không” và ‘có làm được hay không?’

- Sự chuyển đổi trọng tâm chính sách kể từ năm 2011 đã đem lại kết quả tích cực gì trong năm 2014, tạo đà thuận lợi cho nền kinh tế năm 2015?

- Sau ba năm đi vào ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế và chú trọng ổn định vĩ mô, đã có những dấu hiệu cải thiện đáng kể như lạm phát thấp (năm 2014 chỉ hơn 1,8 %), cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế lành mạnh hơn, dự trữ ngoại tệ tăng, đồng tiền Việt Nam ít nhiều ổn định, đem lại niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đặc biệt  đánh giá nhìn nhận này còn thể hiện qua các chỉ số định mức tín nhiệm của các tổ chức quốc tế. Liên quan đến sản xuất kinh doanh, có thể thấy mức độ phục hồi của nền kinh tế khá lên ít nhiều, đặc biệt ở hai chỉ số: chỉ số PMI (purchasing manufacturing index) từ tháng 9/2013 đến tháng 12/2014 đều trên 50, thể hiện nền sản xuất công nghiệp chế biến đang có chuyển biến tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP (index industry products) theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng có xu hướng tăng dần so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng kinh tế còn thể hiện ở mức tăng xuất khẩu- năm 2012-2013 tăng 14-15%, năm 2014 tăng khoảng 13,6%. Đáng lưu ý là tăng xuất khẩu năm 2012 -2013 chủ yếu dựa vào khu vực FDI, nhất là xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động của Samsung, còn xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng dưới 3%. Nhưng năm 2014, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã tăng khoảng 10%.

- Các dấu hiệu nào cho thấy những tồn tại và thách thức cho kinh tế Việt Nam năm 2015?

- Đó là cơ hội kinh doanh chưa cải thiện nhiều do tổng cầu vẫn khó “hứng khởi” mạnh trở lại. Chỉ số tiêu dùng dù vẫn tăng nhưng chỉ bằng một nửa so với những năm sau gia nhập WTO - trước đây tăng trưởng tiêu dùng sau khi trừ yếu tố giá cả trên 10%, hai-ba năm trở lại đây chỉ còn 5 hoặc 6%, năm 2014 vào khoảng 6,5 hoặc 6,6 %. Kinh tế thế giới phục hồi yếu và năng lực cạnh tranh, uy tín doanh nghiệp Việt Nam chưa cải thiện. Một số mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu giảm cả về giá cả và số lượng (tuy trong năm 2014, tổng xuất khẩu nông nghiệp đã có tiến bộ, nhất là hàng thủy sản). Việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, dù ngân hàng nỗ lực tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ khá lớn. Nguyên nhân khó tiếp cận vốn là do bên cạnh cơ hội kinh doanh hạn chế, nhiều dự án có tính khả thi chưa cao, và đặc biệt là vấn đề nợ xấu vẫn nhức nhối. 

Lòng tin của doanh nghiệp là yếu tố quyết định đầu tiên ảnh hưởng đến dòng tiền đổ vào sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân. Nếu có lòng tin thì nhà đầu tư sẽ bớt đầu cơ, bớt găm giữ tài sản để tập trung vào sản xuất kinh doanh, vào nền kinh tế thực. Lòng tin này phụ thuộc nhiều vào cam kết chính trị và thực thi chính sách trên thực tế của Nhà nước. Việt Nam có nhiều cam kết chính trị mạnh mẽ, ví dụ về ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập, trong đó đặt các mục tiêu khá rõ ràng cho năm nay. Vì vậy, năm 2015 là năm Nhà nước cần hiện thực hóa những cam kết này để củng cố lòng tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

- Những xu hướng biến động hiện nay của tình hình thế giới và khu vực sẽ tác động ra sao tới kinh tế Việt Nam?

- Chủ trương hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta biết nắm bắt, tuy nhiên việc hội nhập cũng khiến bất kỳ chuyển động nào của thế giới đều ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý nhất là tình hình địa chính trị một số khu vực trên thế giới hiện đang trong giai đoạn bất ổn và rủi ro cao, như ở Ukraina, khu vực Trung Đông, biển Hoa Đông, và đặc biệt là biển Đông, nơi tác động trực tiếp nhất đến Việt Nam. Bên cạnh đó, cú sốc về giá dầu với tác động đa chiều đối với mỗi nền kinh tế, tùy thuộc là nước xuất hay nhập (ròng) dầu và sự phụ thuộc ngân sách vào nguồn tài nguyên này. Đối với Việt Nam, tác động của giá dầu giảm khiến ngân sách nhà nước gặp khó khăn nhưng lại có lợi cho đa số các doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhìn chung là mặt tích cực nhiều hơn mặt tiêu cực. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua nguy cơ rủi ro tài chính, trong bối cảnh các nước phát triển như EU và Nhật Bản vẫn đang vật lộn với khó khăn, và việc Mỹ thay đổi chính sách tiền tệ, dừng gói QE3 (quantitative easing) đẩy đồng USD lên giá (cùng với tăng trưởng phục hồi khá mạnh của kinh tế Mỹ) có thể dẫn đến sự dịch chuyển khó lường của các dòng vốn, ảnh hưởng đến quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đang phát triển.

- Chính sách kinh tế vĩ mô nào cần được chú trọng để giúp kinh tế Việt Nam tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức trong năm nay?

- Trong bối cảnh lạm phát thấp, chính sách kinh tế vĩ mô có thể được linh hoạt hóa để hỗ trợ quá trình phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, vì vậy đối với chính sách tiền tệ, có thể để mức tăng tín dụng cao hơn những năm trước. Nhưng cần kiên trì quan điểm nhất quán là giữ cho được thành quả mà chúng ta đã đạt được về ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là một trong những tiền đề quan trọng cho quá trình phân bổ nguồn lực hiệu quả, bởi kinh tế vĩ mô bất ổn thì hoạt động đầu cơ sẽ được khuyến khích hơn là đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, về hệ thống ngân hàng, cần xử lý hai vấn đề nợ xấu và tương quan lãi suất với tỷ giá; về chính sách tài khóa, cần giải quyết vấn đề khó khăn về ngân sách. Và điều luôn cần chú trọng là nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

- Xin ông làm rõ hơn hai vấn đề về nợ xấu và tương quan lãi suất với tỷ giá?

- Việc xử lý nợ xấu đã được bắt đầu thông qua việc thành lập VAMC và hiện đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp lý cho xử lý tài sản đảm bảo, vận hành thị trường mua bán nợ để các giao dịch diễn ra suôn sẻ, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia. Ứng xử lãi suất và tỷ giá năm 2015 phức tạp hơn. Trong bối cảnh đồng USD lên giá, tỷ giá cũng cần độ linh hoạt nhất định, thì việc xử lý không khéo chính sách lãi suất và tỷ giá sẽ xảy ra hiện tượng tái đô la hóa, hoặc có sự chuyển dịch quá mức tiền đầu tư vào các tài sản tài chính khác hơn là gửi tiết kiệm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng có thông điệp giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 10% song đây là nhiệm vụ không đơn giản, rất cần sự phối hợp giữa hai chính sách tiền tệ và tài khóa, nhất là khi Bộ Tài chính cần phát hành giá trị trái phiếu năm 2015 lớn hơn năm 2014.

- Thâm hụt ngân sách nhà nước là vấn đề tồn tại từ vài năm nay và năm 2015 sẽ càng thêm khó khăn do xu hướng giảm giá dầu, vậy đâu là giải pháp khả thi?

- Trong ngắn hạn thì xu hướng giảm mạnh giá dầu ảnh hưởng lớn đến ngân sách nhà nước nhưng đồng thời nó giúp giảm chi phí đầu tư sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, góp phần tích cực vào đà phục hồi kinh tế. Vì vậy chúng ta phải có cách ứng xử phù hợp với tầm nhìn chung đối với nền kinh tế, bên cạnh cách xử lý tác động tiêu cực ngắn hạn đối với ngân sách. Không nên giải quyết vấn đề ngân sách bằng cách tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu dầu bởi nó vắt kiệt thêm tài nguyên, vả lại đây là cách không căn cơ. Cũng không nên lạm dụng việc tăng thuế (vào mặt hàng xăng) bởi chính sách này không làm giảm chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh một cách tương ứng, và do vậy làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, giải pháp tốt hơn cả là cải thiện môi trường kinh doanh, tận dụng lợi thế giá xăng dầu giảm và thực hiện những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp để nền kinh tế phục hồi tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn, qua đó tăng khả năng đóng thuế của doanh nghiệp.

- Như đã nói, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển là điều rất quan trọng. Vậy cụ thể hơn Nhà nước cần làm gì?

- Để thực sự có bước đột phá tiếp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2015 rất cần làm ba việc. Một là hiện thực hóa nhanh các luật như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua năm 2014. Cùng với đó là tạo điều kiện pháp lý đủ để góp phần xử lý nhanh hơn vấn đề nợ xấu. Hai là đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP nhằm giảm thiểu chi phí giao dịch và chi phí cơ hội cho doanh nghiệp. Cùng với đó là gắn trách nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp. Ba là tăng cường sự minh bạch, khả năng giải trình cao của chính sách cũng như sự tương tác có trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Năm 2015 cũng là năm chuẩn bị Đại hội Đảng. Quyết tâm, nguồn lực cũng có thể bị sẻ chia. Hy vọng, nỗ lực cải cách và phát triển sẽ đồng hành cùng quá trình này để đem lại những tín hiệu tích cực hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!                

Nhóm PV thực hiện

Ba mặt hạn chế có thể ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam

1. Tình trạng thâm thụt ngân sách vẫn còn ở mức rất lớn. Việt Nam từng mong muốn sẽ giảm dần tình trạng thâm thụt ngân sách nhưng trên thực tế, hai năm gần đây vẫn phải chấp nhận mức thâm thụt cao. Năm 2014, con số thâm thụt ngân sách là 5,3% GDP còn năm 2015 sẽ cố gắng duy trì ở mức 5% GDP.  Thâm hụt ngân sách càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh áp lực chi (cả chi thường xuyên và chi đầu tư) rất lớn, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, và nguồn thu vẫn lệ thuộc không ít vào khai thác và xuất khẩu dầu, dù mức độ phụ thuộc đã giảm nhiều – như trong những năm 1990, dầu mỏ có thể chiếm tới 25% thu ngân sách, nay còn trên dưới 10%. Tính trung bình, giá dầu giảm 1 USD thì hụt thu ngân sách giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Lưu ý là ngân sách gần đây gần như không còn tiết kiệm, nghĩa là thu cơ bản chỉ đủ bù chi thường xuyên (lương, trả nợ), trong đó chi thường xuyên không thể giảm nhanh, cho dù chúng ta có nhiều nỗ lực cắt giảm một số khoản liên quan đến chi đảm bảo hoạt động hành chính. Gắn liền với thâm hụt ngân sách là vấn đề an toàn nợ công: mặc dù nợ công vẫn dưới ngưỡng Quốc hội cho phép, vào quãng 65% GDP năm 2014, nhưng tốc độ tăng của nợ công trong những năm gần đây là cao, dòng tiền chi trả nợ nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

2. Hệ thống tài chính ngân hàng tuy đã trải qua quá trình cải cách và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tránh được sự đổ vỡ của hệ thống nhưng vẫn chưa thực sự lành mạnh. Vấn đề nợ xấu còn nhức nhối, sở hữu chéo vẫn tương đối nghiêm trọng, hệ thống ngân hàng chưa đáp ứng được những yêu cầu, thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro, hệ thống giám sát tài chính hữu hiệu hơn.

3. Sau nhiều giai đoạn bất ổn, lòng tin vào sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa vững chắc, dễ bị biến động. Điều này thể hiện qua một số thời điểm của năm 2014, như khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển chủ quyền của Việt Nam, chúng ta thấy sự rung lắc đáng kể của thị trường chứng khoán, thị trường ngoại tệ, tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng có sức dư chấn rất mạnh.

 

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness