TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 65
  • Hôm nay: 710
  • Tháng: 7449
  • Tổng truy cập: 5140768
Chi tiết bài viết

4 rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu năm 2018

Kinh tế thế giới năm 2017 đã có sự phát triển đồng đều mọi lĩnh vực ở các châu lục. Theo dự báo của cả IMF và OCDE thì xu hướng trên sẽ được tiếp nối trong năm 2018. Tuy nhiên, hai tổ chức này cũng chỉ ra 4 nguy cơ đe dọa nền kinh tế thế giới trong năm tới.

Trong báo cáo mới nhất (công bố ngày 10-10-2017) về triển vọng kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,6% trong năm 2017 và 3,7% trong năm 2018. Các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục là lực đẩy chủ yếu của kinh tế toàn cầu, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ.

Dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ nhích lên 6,6% trong năm 2017 và ước tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra trước đó, lên 6,2% năm 2018. Các dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cho năm nay và năm tới được giữ nguyên ở mức 7,2% và 7,7%.

Đối với nền kinh tế Mỹ, IMF vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 2,3% trong năm 2017, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 1,6% của năm 2016, nhờ kỳ vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ. IMF đã nâng dự báo mức tăng trưởng 2017 của nền kinh tế Nhật Bản lên 1,2%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó và giữ nguyên mức dự báo 0,6% vào năm 2018.

Kinh tế Mỹ phục hồi khá chậm một phần do kinh tế, thương mại, tài chính Hoa Kỳ có sự ràng buộc lớn với các nước Eurozone.

Với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), IMF cho rằng sự phục hồi mạnh hơn và Eurozone đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu cách đây gần một thập niên, bất chấp những tác động thất thường của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Eurozone từ 1,9% lên 2,1% trong năm 2017 và từ 1,7% lên 1,9% trong năm 2018. Kết quả này phản ánh sự gia tăng xuất khẩu và nhu cầu nội địa mạnh nhờ chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Đáng chú ý là kinh tế Anh được dự báo tăng trưởng mạnh ở mức 2% trong năm 2017, do nền kinh tế này đã hoạt động tốt hơn dự kiến kể từ khi các cử tri bỏ phiếu rời khỏi EU, song hiệu ứng tiêu cực từ sự kiện này chắc sẽ tác động muộn hơn. IMF dự báo tăng trưởng của Anh sẽ đạt 1,5% trong năm tới.

Trong khi đó báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) cho rằng kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 3,5% năm 2017 và 3,6% năm 2018 trong bối cảnh những tín hiệu về đà tăng trưởng được củng cố của nền kinh tế thế giới đã xuất hiện trong thời gian gần đây. OCDE cho rằng kinh tế Nga đã hồi phục và tăng trưởng khoảng 1,9% trong 2017 và 2018, tuy nhiên đến năm 2019 thì giảm còn 1,5%.

Nhìn chung, báo cáo của IMF và OCDE đều nhìn nhận sự tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2017 và dự báo đà tăng trưởng này sẽ tiếp nối trong năm tới. Theo OECD, thời gian qua kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu cải thiện: đầu tư, thương mại cũng như công nghiệp thế giới đều có bước nhảy vọt; niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng được khôi phục; triển vọng sáng sủa đối với hầu hết các nước sản xuất nguyên liệu nhờ được hưởng giá dầu và nhiên liệu tăng.

Tuy nhiên cả IMF và OCDE đều cho rằng vẫn chưa thể lạc quan và tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn đứng dưới mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 và dưới tốc độ cần thiết để thoát ra khỏi “bẫy” tăng trưởng trung bình.

Theo báo cáo của OCDE, các “điểm đen” vẫn xuất hiện nhiều trên phạm vi toàn thế giới như bất ổn chính trị gia tăng; lực lượng lao động già, các bất bình đẳng về lợi ích, mất cân đối giữa nguồn cung và cầu; xuất hiện ngày càng nhiều yếu tố tiềm ẩn dễ bị tổn thương trên thị trường tài chính quốc tế…

Về phần mình, IMF đưa ra 4 nguy cơ cụ thể với kinh tế thế giới năm 2018. Đó là  chủ nghĩa bảo hộ, việc bãi bỏ quy định về tài chính toàn cầu, giảm thuế và nợ công của Trung Quốc.

Ngày 13-12-2017, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã thất bại sau 3 ngày nhóm họp ở Buenos Aires (Argentina). Bộ trưởng của 164 thành viên WTO không đạt được một thỏa thuận nào về thương mại toàn cầu. Mỹ bị chỉ trích có thái độ "cứng nhắc".

Trên hồ sơ đánh bắt cá, WTO đã không vượt qua được sự chống đối của Ấn Độ. Trước chính sách bảo hộ của một số quốc gia, như Mỹ và Ấn Độ, mục tiêu được đa số các thành viên WTO đề ra cho hội nghị ở Buenos Aires lần này là nhằm duy trì một chính sách mậu dịch cởi mở trong khuôn khổ luật lệ nghiêm túc. Thế nhưng, liên quan đến một số chủ đề, các bên đã có một bước thụt lùi. Chẳng hạn trên vấn đề tích trữ lương thực giúp các nước nghèo, trên vế thương mại qua ngả Internet, hay đánh bắt cá trái phép, trên cả 3 vế này, WTO đã không đạt được đồng thuận.

Trưởng đoàn đàm phán của Pháp, ông Jean-Baptiste Lemoyne, quốc vụ khanh đặc trách về châu Âu, xem hội nghị tại Argentina lần này là một bước ngoặt. Ông tuyên bố: "Buenos Aires phải đánh thức công luận. Chúng ta không hài lòng về kết quả của cuộc họp, vậy thì cần đề xuất những giải pháp để WTO vận hành tốt".

Đây cũng là quan điểm của cựu Ngoại trưởng Argentina, Susana Malcorra, chủ tọa hội nghị lần này. Bà nhắc lại vai trò của WTO trong nỗ lực đóng góp cho hòa bình, đặc biệt là khi nhìn vào lịch sử của thế kỷ 20.

Chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới nổi lên sau khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ với chính sách “nước Mỹ trên hết”. Để bảo hộ mậu dịch, Mỹ dựng lên nhiều hàng rào thuế quan, nhưng các nước làm ăn với Mỹ không ngại gì việc trả đũa.

Kinh tế châu Âu vững đà khôi phục.

Theo IMF, trong năm 2018 và cả những năm sau đó, chính sách bảo hộ của Mỹ có nguy cơ tạo ra cuộc Đại khủng hoảng mới, như đã từng biết trong những năm 1930 với hậu quả là hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người mất việc làm.

Nguy cơ thứ hai liên quan đến quy định tài chính. Từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, G20 đã thành lập Diễn đàn ổn định tài chính (FSB) để xây dựng một bộ quy tắc quốc tế nhằm tăng cường tính lành mạnh trong hệ thống tài chính quốc tế. Tuy nhiên, ý định của Mỹ nhằm xem xét việc tuân thủ các luật lệ trên đang là mối quan ngại lớn nhất.

Ông Donald Trump đã cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ kỳ hạn 6 tháng để báo cáo về vấn đề này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mukuchin, đã nêu rõ trong một cuộc hội đàm với Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF, rằng "quá nhiều quy định có hại cho kinh tế Mỹ". Liệu điều này có nghĩa là Mỹ sẽ giảm nhẹ quy định đối với các ngân hàng của họ và cản trở công việc của FSB?

Một số người cảnh báo rằng điều đó sẽ lại tạo ra nguy hiểm như trước khi xảy ra cuộc khủng tài chính năm 2008. Mark Carney, Giám đốc FSB, cảnh báo nếu không có sự hợp tác giữa các nước về quy định tín dụng sẽ đặt toàn bộ hệ thống ngân hàng vào vòng nguy hiểm khi một ngân hàng lớn hoặc một công ty bảo hiểm lớn bị phá sản.

Gần 10 năm đã trôi qua nhưng sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9-2008 vẫn còn nguyên tính thời sự. Một sự kiện tương tự như vậy chỉ có thể dẫn đến hàng triệu người mất việc làm và khiến tăng trưởng toàn cầu bị suy yếu.

Nguy cơ thứ ba: thuế. Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định hạ thấp thuế suất cho các công ty Mỹ từ 35% xuống 15% sẽ khuyến khích các nước trên thế giới cũng “phá giá” thuế để thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ Anh trong khi đàm phán ra khỏi Liên minh châu Âu, đã không che giấu ý định để giảm thuế cho doanh nghiệp.

Trong khi OCDE và nhóm G20 cố gắng chống gian lận và trốn thuế trong giới tỉ phú và các tập đoàn đa quốc gia, các chính phủ lại sắp tham gia vào một cuộc đua hạ thuế tới mức thấp nhất! Một cuộc đua như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động kinh doanh. Liệu thế giới có phải xử lý cùng lúc một cuộc chiến thương mại và chiến tranh thuế?

Nguy cơ thứ tư: nợ công Trung Quốc. Tất cả các chuyên gia đều đồng ý trên một điểm: một cuộc khủng hoảng tài chính khác đang ngấp nghé bùng lên. Trong mắt nhà đầu tư, David Baverez, làm việc tại Hong Kong, tác giả cuốn “Paris - Pékin Express”, Nhà xuất bản Francois Bourin (2017), Trung Quốc có nguy cơ là ngòi nổ: Tài chính Trung Quốc ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trên thế giới và có ảnh hướng lớn với phần còn lại của toàn cầu. Có điều, nợ của Trung Quốc đã tăng quá nhanh trong 10 năm qua. Có thể nói là nợ Trung Quốc đã tăng nhanh nhất trên thế giới - đặc biệt là từ 2008 tới nay.

Theo các thống kê mới nhất, nợ của Trung Quốc tương đương với 250% GDP của nước này. Gần 95% trong số đó do các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ. Đây vừa là cái may, nhưng cũng là một mối nguy hiểm. Bởi vì một mặt, thì Bắc Kinh không sợ bị các chủ nợ nước ngoài gây áp lực. Ngược lại, trong trường hợp các con nợ mất khả năng thanh toán, thì các ngân hàng có nguy cơ bị phá sản.

Theo thẩm định của IMF, Trung Quốc hiện đang ngồi trên núi nợ 1.500 tỷ USD. Nếu như khoản nợ này bị mất giá 50%, thì thiệt hại sẽ lên tới 750 tỷ. Đây chính là khoản tiền hồi tháng 9-2008 đã bị cuốn trôi trên thị trường Mỹ sau vụ Lehman Brothers phá sản.

Mộc Thạch (tổng hợp) - Theo CAND

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness