TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 86
  • Hôm nay: 276
  • Tháng: 7015
  • Tổng truy cập: 5140334
Chi tiết bài viết

Bác sĩ Việt giỏi không kém bác sĩ nước ngoài sao ngoại tệ vẫn chảy đi?

Trong khi nhiều quan chức phát biểu “tay nghề bác sĩ Việt Nam không thua gì bác sĩ nước ngoài”, thì ngoại tệ vẫn tiếp tục chảy đi. Và trong số những người ra nước ngoài chữa bệnh có bản thân người phát biểu và người thân của họ.

mo-tim-so-sinh-o-viet-nam-anh-thanh-hao

Mổ tim sơ sinh rất phát triển ở Việt Nam, nhưng bao giờ bệnh viện trong nước mới hút được bệnh nhân nước ngoài đến chữa bệnh? Ảnh: Thanh Hảo.

Sách trắng do phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố tháng 3/2016 cho thấy năm 2015 người Việt chi 2 tỷ  USD để ra nước ngoài chữa bệnh, gấp đôi con số năm 2013.

Nhiều người tiếc nuối con số mất mát này, nhưng giữ sao được khi bệnh viện Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Ngán với bệnh viện trong nước

Tháng 10/2015, trong khi chơi tập thể lực sau giờ làm, anh P.Q.H, 43 tuổi, chủ một tiệm càphê lớn tại quận 11, TPHCM, thấy đau ngực.

Anh vào khám tại một bệnh viện công gần nhà. Bác sĩ cho anh chụp phim, mang phim về cho bác sĩ xem, vừa nhìn thấy, ông nói ngay: “Sao bây giờ mới đến, hơi căng rồi vì phổi anh có khối u”.

Sau vài ngày mất ăn mất ngủ vì “lời phán” của bác sĩ, anh H. ra nước ngoài chữa bệnh. Ở đây ai cũng tươi cười, niềm nở với anh.

Sau khi làm một số xét nghiệm, bác sĩ cho biết khối u phổi anh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Gặp lại H. giữa tháng này, anh cho biết sức khoẻ đang tiến triển tốt.

Anh nói: “Ra nước ngoài chữa bệnh tốn tiền thật, nhưng bác sĩ nước ngoài luôn cho mình niềm tin để vượt qua bệnh tật,  điều ít thấy ở bác sĩ Việt Nam. Ở lại chữa trong nước, có lẽ tôi khó có được như ngày nay”.

Nhiều lý do để người Việt ra nước ngoài chữa bệnh, từ sợ cảnh quá tải, dịch vụ kém đến khả năng chuyên môn thấp.

Không thể phủ nhận những nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trong nước trong vài năm gần đây nhằm “giữ chân” khách hàng, nhưng những nỗ lực này vẫn manh mún và không đồng bộ.

Tại TPHCM, trong ba năm qua một số bệnh viện tư nhân Việt Nam ra đời với cơ sở vật chất hoành tráng, đẹp đẽ không thua gì “khách sạn 5 sao”, nhưng đáng tiếc là chúng vẫn “vắng như chùa bà đanh”, mỗi ngày phải bỏ vài tỷ đồng để bù lỗ.

Bà T.T.L, 58 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM, người đầu năm nay đi Singapore trị ung thư gan, chia sẻ: “Bệnh viện tư Việt Nam đẹp thật nhưng không có bác sĩ giỏi. Vào bệnh viện công có bác sĩ giỏi, nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, chầu chực mệt mỏi. Ung thư là bệnh cần chữa nhanh và tích cực, bệnh viện trong nước khó đáp ứng chuyện này”.

“Trâu chậm uống nước đục”

Một tháng vài lần, TS.BS Đỗ Nguyên Tín, một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về tim mạch can thiệp nhi lại đi chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện nước ngoài.

Anh từng đi dạy cho đồng nghiệp tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, xa hơn như Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ. Không mời anh đến được, bác sĩ nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc lặn lội qua bệnh viện Nhi Đồng 1 “thỉnh giáo” để về nước hành nghề.

Có lần BS Tín tâm sự chân tình: “Bác sĩ Việt khéo tay, nước ngoài mời sang giảng dạy vì chẳng qua mình làm trên nhiều bệnh nhân, có nhiều bệnh khó, bệnh hiếm mà người ta không có. Chứ thật tình trình độ cơ bản của bác sĩ Việt chưa giỏi, không kể khả năng sử dụng tiếng Anh còn hạn chế”.

Tháng 12/2005, đại hội Đảng bộ TPHCM từng xác định dịch vụ y tế chất lượng cao là một trong chín nhóm ngành dịch vụ cần tập trung đột phá để mang lại tăng trưởng GDP cho thành phố. Nhưng mười năm qua, ý tưởng táo bạo này rơi vào quên lãng. Nguồn tiền chảy ra nước ngoài ngày càng nhiều.

Thật ra ở một số bệnh viện như bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, bệnh viện Chợ Rẫy người ta vẫn thấy cảnh nhiều bệnh nhân nước ngoài chữa bệnh, nhưng phần lớn họ là người… Campuchia.

Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy, nói: “Kiếm được bao nhiêu tiền từ họ đâu, thậm chí nhiều trường hợp vì quan hệ hữu nghị hai nước, bệnh viện còn chữa miễn phí nữa”.

Một hạn chế khiến bệnh viện trong nước không hút được khách nước ngoài để kiếm ngoại tệ là thiếu cơ sở vật chất.

Tháng 11/2013, theo chân đoàn bác sĩ Việt Nam đi chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp, người viết ghé đến một bệnh viện của Hat Yai, thành phố xa xôi phía Nam Thái Lan, chứng kiến phòng mổ đa năng hybrid hiện đại ở đây mà ngỡ ngàng.

Một bác sĩ Thái Lan cho biết: “Gần như các bệnh viện lớn của chúng tôi đều có phòng mổ như thế”.

Cuối năm qua, Việt Nam mới tính đến chuyện trang bị phòng mổ hybrid cho hai bệnh viện lớn phía Bắc. Người trong ngành ai cũng biết tính ưu việt của phòng mổ này, giúp hạn chế tối đa nhiễm khuẩn bệnh viện, nâng cao an toàn điều trị trong các lĩnh vực tim mạch, thần kinh, chấn thương chỉnh hình, ghép tạng.

Do không có phòng mổ này, việc can thiệp tim mạch ở nhiều bệnh viện trong nước hiện nay có thể xem như đang “đi dây”, bởi nếu có sự cố, vận chuyển bệnh nhân sang phòng mổ mất nhiều thời gian, bệnh nhân gặp nhiều nguy cơ.

Sau Singapore, Thái Lan những năm trước đây, giữa tháng này, một số bệnh viện Malaysia đã có mặt ở TPHCM quảng bá du lịch y tế.

Cảnh “trâu chậm uống nước đục” đã rõ, nhưng không biết chúng ta còn chịu “uống nước đục” đến bao giờ?

Nghịch lý là trong khi một số nhà quản lý và chuyên gia y tế Việt Nam “lạc quan tếu” với phát  biểu “tay nghề bác sĩ Việt Nam không thua gì bác sĩ nước ngoài”, thì ngoại tệ trong nước vẫn tiếp tục chảy đi.

Và trong số những người ra nước ngoài chữa bệnh có bản thân những người phát biểu và người thân của họ.

Phan Bình Yên - Thế Giới Tiếp Thị

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness