TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 75
  • Hôm nay: 487
  • Tháng: 7226
  • Tổng truy cập: 5140545
Chi tiết bài viết

Bài học từ mô hình công nghệ cao của Đài Loan

Nền kinh tế của chúng ta đang trăn trở với những bước phát triển cho phù hợp với thời đại sau 30 năm đổi mới thành công. Mặc dù là một quốc gia gần trăm triệu dân nhưng nền kinh tế Việt Nam chỉ đứng thứ 48 trên thế giới, do đó nếu không có những giải pháp phát triển mạnh mẽ thì khoảng cách với các nước công nghiệp sẽ ngày càng xa.

Một hoạt động khoa học tại khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: THÀNH HOA

Trong khi dự luật về đặc khu kinh tế - theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội - đang tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia và các nhà khoa học để hoàn chỉnh, thì việc học tập các mô hình phát triển khác cũng không phải là thừa.

Một trong những mô hình đó là Khu công viên khoa học Tân Trúc Đài Loan (Hsinchu Science Park), đầu tàu đưa kinh tế của lãnh thổ này liên tục phát triển vững chắc và cũng được xem là thành quả thời kỳ “Đổi mới lần thứ 2”.

Điều đáng nói, TPHCM là nơi có nhiều điểm tương đồng cho một dự án lớn như vậy.

Công nghiệp hóa lần 1: lộ thông tài thông

Mười năm sau khi rút khỏi Hoa lục vào năm 1949, chính quyền ở Đài Loan, lãnh thổ được Nhật trao trả sau Chiến tranh thế giới lần II, bắt tay vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa với chiến lược phát triển gồm các nội dung sau:

- Khai thác tiềm năng nông nghiệp, nông dân để phát triển công nghiệp (trong đó nông sản và công nghiệp nhẹ xuất khẩu là mũi đột phá).

- Ổn định cuộc sống người dân để tạo cơ sở cho sự phát triển công nghiệp. Nhưng khi du nhập thu hút đầu tư nước ngoài phải đảm bảo được vật giá, tiền tệ ổn định nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

- Tất cả cho xuất khẩu để tích lũy ngoại tệ với khu chế xuất Cao Hùng được thành lập nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa đến nhiều nước trên thế giới, nhờ vậy không những tích lũy được ngoại tệ mà còn tích lũy được kiến thức công nghệ, mở rộng được thị trường nước ngoài.

Để thực hiện được các nội dung chiến lược trên, Đài Loan còn cho xây dựng 10 công trình hạ tầng chiến lược gồm đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc (đường bộ) Bắc - Nam, sân bay, bến cảng, hệ thống viễn thông, mạng lưới điện phục vụ sản xuất, thủy lợi... Đây là phần đầu tư không thể thiếu và không chậm trễ ở bất cứ khâu nào, theo quan điểm “lộ thông thì tài thông”.

Thế là chỉ sau 20 năm, Đài Loan đã trở thành một vùng lãnh thổ phát triển nhanh nhất (NIC) của châu Á, cùng với Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore. Có thể nói là cuộc công nghiệp hóa lần đầu của Đài Loan rất thành công, với thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 đô la Mỹ.

Nhưng rồi tình hình thế giới thay đổi, khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ diễn ra cùng lúc với cuộc tranh giành thị trường trở nên khốc liệt, báo hiệu một cuộc đua về công nghệ mới bắt đầu.

Lúc bấy giờ giới lãnh đạo - phần lớn được đào tạo bài bản ở các nước phát triển - từ năm 1975 đã bắt đầu đề ra những ý tưởng mới, đó là bắt tay vào nghiên cứu một chương trình phát triển - được xem là cuộc đổi mới lần thứ hai của Đài Loan. 

Tiếp nối công nghiệp hóa là mô hình khu công nghệ cao

Cuộc nghiên cứu đã lôi cuốn cả lực lượng tinh anh của các bộ ngành, của giới nghiên cứu khoa học (viện nghiên cứu và trường đại học), đặc biệt là cả những doanh nghiệp đầu đàn trong nền kinh tế Đài Loan. Sau các cuộc tranh luận đi đến thống nhất, Viện Nghiên cứu công nghệ Đài Loan đề xuất cho ra mô hình khu công nghệ cao với một đề án gồm mục tiêu, cơ chế chính sách, phương hướng, các bước tiến hành... Đề án đã được phê duyệt với sự đồng thuận của mọi giới.

Ông Từ Hiền Tu, tốt nghiệp đại học tại Mỹ, từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học về công trình của trường Đại học Purdue ở Mỹ - được giao làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ Đài Loan. Còn các bộ trưởng như Giao thông, Tài chính, Kinh tế... đều là những người được đào tạo ở các trường nổi tiếng trong cũng như ngoài nước và từng có kinh nghiệm lãnh đạo nhiều năm ở các tổ chức kinh tế hay nghiên cứu, có thành tích cụ thể được nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, khi chọn địa điểm xây dựng mô hình kinh tế công nghệ cao thì ý kiến lại khác nhau. Nhưng khi nhìn nhận mục đích yêu cầu của đề án là “xây dựng nên một động lực cho cuộc cách mạng công nghệ mới tại Đài Loan” thì lại đạt được sự đồng thuận. Đó là sự tiếp nối của chương trình công nghiệp hóa vừa qua: từ công nghiệp điện tử, tự động hóa bước sang thời đại công nghệ thông tin, lấy công nghệ thông tin để khai thác các ngành công nghệ khác và tiến đến thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Do đó phương án này phải thỏa mãn các yếu tố:

- Khu khoa học công nghệ cao phải dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Vị trí phải là nơi có môi trường năng động sáng tạo (cần phải gần một thành phố phát triển).

- Phải có đội ngũ doanh nghiệp lớn để vừa là nguồn lực gắn kết vừa là môi trường lan tỏa. Đồng thời cũng là nguồn vốn tiềm năng hỗ trợ cho lực lượng sáng tạo khởi nghiệp.

- Thu hút được những người đầu đàn trong giới khoa học, tham gia đầu tư hình thành các doanh nghiệp cốt cán. Từ đó tạo ra những cụm ngành doanh nghiệp công nghệ kỹ thuật cao sau này.

Sau khi đặt lên bàn cân các yếu tố trên đây, thành phố Tân Trúc đã được chọn. Tân Trúc chỉ cách Đài Bắc khoảng 60 ki lô mét (đường xe lửa cao tốc chỉ cần 20 phút). Nơi đây có hai trường đại học nổi tiếng nhất Đài Loan cũng như châu Á, đó là trường Đại học Thanh Hoa và trường Đại học Giao Thông - được ví như hai trường đại học Berkeley và Stanford ở khu Silicon Valley của Mỹ.

Sau đó Bộ trưởng Tài chính Lý Quốc Đỉnh (tốt nghiệp ở Đại học Cambridge) cho thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm (Venturre Capital) để thu hút đầu tư và hỗ trợ lại cho các công ty công nghệ cao khởi nghiệp.

Năm 1979, Khu công viên khoa học Tân Trúc Đài Loan được thành lập với diện tích 632 héc ta và hiện đang mở rộng thêm năm khu mới với diện tích trên 350 héc ta.

Tại Tân Trúc hiện nay đang có 400 công ty công nghệ kỹ thuật cao với 120.000 lao động trình độ kỹ thuật cao, trong đó có trên 80.000 là kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ thuộc những ngành có ảnh hưởng với chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu như: ngành sản xuất chip IC, sản xuất quang điện, ngành máy tính và sản xuất linh kiện máy tính, cơ khí chính xác...

Trong 30 năm qua, Khu công viên khoa học Tân Trúc đã có được 61.322 bằng sở hữu trí tuệ có giá trị quan trọng. Nhờ đó mà vị trí của Đài Loan trong trận chiến khoa học công nghệ nắm giữ được vị trí quan trọng trên chuỗi giá trị kỹ thuật cao của thế giới. Có một thực tế là sự phát triển khoa học công nghệ cao của Trung Quốc hiện nay ở mọi lĩnh vực, một phần hết sức quan trọng là nhờ vào chính sách thu hút nhân tài từ Đài Loan suốt mấy chục năm qua.

Một trong những nhân tài nổi tiếng là nhà khoa học tài năng Trương Trung Mưu (Moris Chang) được mời về làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ Đài Loan. Năm 1978, ông thay mặt cho Bộ Kinh tế đứng ra hợp tác với Công ty Philip (Hà Lan) thành lập Công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) với vốn ban đầu 10 triệu đô la Mỹ, chuyên sản xuất chip logic, CPU, chip cho các loại điện thoại thông minh.

Đến năm 2014, vốn hóa của công ty lên đến 110 tỉ đô la Mỹ. Khách hàng của họ là những tên tuổi hàng đầu thế giới về công nghệ IT như Qualcom, Nvidia, Apple, Mediatek... Ngay cả Intel, Texas Instrument cũng thuê TSMC làm một số dịch vụ cho họ.

Các công ty con của TSMC hiện diện thành công ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ và châu Âu. Năm 2016, lao động kỹ thuật cao của họ lên đến 47.000 người, doanh thu 32 tỉ đô la Mỹ, lợi nhuận ròng 6,2 tỉ đô la Mỹ.

Với thành quả này, Đài Loan đứng vào hàng ngũ những tên tuổi lớn về khoa học công nghệ của thế giới bằng việc lựa chọn hướng đi đúng và phát triển bền vững với một lực lượng chất xám hùng hậu.

Đâu là bài học cho Việt Nam?

Trở lại với ước mơ hình thành các khu công viên khoa học công nghệ tại Việt Nam, có ba nơi hội đủ yếu tố để trở thành một Tân Trúc như Đài Loan - đó là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Riêng TPHCM, trở thành một trong những trung tâm khoa học công nghệ cho cả nước cũng có nhiều điểm tương đồng. Tuy cần phải phấn đấu thêm, nhưng xét ở điều kiện hiện hữu so sánh trong nước, TPHCM đã có khu công nghệ cao ở quận 9, nơi có nhiều trường đại học. Thành phố này lại có một đội ngũ doanh nghiệp lớn nhất nước và một đội ngũ trí thức lớn, cũng là nơi đột phá đi đầu trong công cuộc đổi mới của nước ta. Ban lãnh đạo hiện nay luôn ước mơ tiến đến một thành phố thông minh trong tương lai. Thế thì kinh nghiệm nêu trên có nhiều điều đáng cho chúng ta suy ngẫm.

Chúng ta còn thiếu những gì?

Chúng ta từng có một quá trình đổi mới 30 năm với tốc độ phát triển kinh tế cao, nhưng chưa xây dựng được một nền tảng phát triển công nghiệp. Là một thành phố được gọi là đầu tàu phát triển, nhưng vẫn chưa tìm ra một sự kết nối với các tỉnh lân cận. Trong khi đó, quy hoạch xây dựng các khu nhà cao tầng chen cứng các trục lộ, làm trầm trọng thêm nạn ách tắc giao thông đô thị. Còn giáo dục và đào tạo tài năng thì trong tình trạng chung của cả nước là chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Khắc phục được thực tế trên đây mới có cửa cho cho công nghệ 4.0 đến với chúng ta.

Theo TheSaigonTimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness