TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 66
  • Hôm nay: 710
  • Tháng: 7449
  • Tổng truy cập: 5140768
Chi tiết bài viết

Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục

Kỳ thi Đình năm 1472 có một bài thi được xem là kiệt tác, không chỉ giúp người làm bài thi này đỗ trạng nguyên, mà còn giúp nhà vua vận dụng trị quốc, chống tham nhũng vô cùng hiệu quả, khiến nạn tham nhũng đang hoành hoành từ trên xuống dưới bị đẩy lùi, những quan lại vốn có thói quen nịnh bợ cũng không còn đất dụng võ nữa.

Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục

(Tranh minh họa qua vietnamgiapha.com)

Thời kỳ cực thịnh về giáo dục

Khi vua Lê Thánh Tông mới lên ngôi đã nhận được rất nhiều lời ca thán từ dân chúng về bè lũ quan lại như sâu mọt đục khoét của dân. Rất nhiều quan lại được cất nhắc nhờ nịnh bợ và quà cáp hối lộ, những kẻ nịnh thần thăng quan nhờ quà cáp hối lộ chắc chắn là vì mình chứ chẳng vì dân, đó là nguyên nhân chính khiến lòng dân oán thán. Vì vậy, nhà vua nhìn nhận rằng nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất cần phải tiêu diệt.

Trong buổi thiết triều, nhà vua nhấn mạnh vào việc chống tham nhũng. Vua cũng rất chú ý đến giáo dục để có thêm những hiền tài mới nhằm phục vụ cho giang sơn xã tắc. Chính vì chú trọng đến giáo dục nên thời vua Lê Thánh Tông được xem là giai đoạn cực thịnh về giáo dục.

Nữ trạng nguyên duy nhất của nước Việt

Cảnh trường thi thời xưa. (Tranh qua nghiencuulichsu.com)

Theo quy định vào thời ấy, các sĩ tử đỗ cao trong kỳ thi Hương mới được chọn vào thi Hội, vượt qua thi Hội mới được chọn vào thi Đình. Kỳ thi Đình rất đặc biệt, được tổ chức ngay trong sân điện của vua nên được gọi là thi Đình. Trong khi thi Hương và thi Hội thì thí sinh phải qua 4 kỳ thi, còn thi Đình chỉ làm một bài văn sách nên nó còn được gọi là “Đình đối sách văn”. Bài văn sách thi Đình do vua trực tiếp ra đề, phê bài, và xếp hạng.

Các sĩ tử vào đến thi Đình thì đều được xem là thông sử học và văn học. Kỳ thi Đình đòi hỏi thí sinh còn phải hiểu biết tình hình giang sơn xã tắc, vận dụng trí tuệ của mình nhằm lý giải đồng thời đề ra kế sách nhằm giải quyết những vấn nạn mà giang sơn gặp phải.

Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục

Trường thi thời xưa. (Ảnh qua lichsuvn.net)

Bài văn sách của sĩ tử Vũ Kiệt năm 1472 được xem là kiệt tác và giúp Vũ Kiệt đỗ trạng nguyên. Có lẽ đây là một bài văn mà hậu thế đến ngày nay vẫn cần phải học hỏi.

Địa linh sinh nhân kiệt

Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” và “Đại Việt sử ký toàn thư” thì trạng nguyên Vũ Kiệt sinh năm 1452 ở xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc thôn Cửu yên, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Vì làng quê ông có tên nôm là Vít nên dân gian vẫn gọi ông là Trạng Vít. Người dân nơi đây vẫn còn nhớ câu ca từ xưa:

Làng Vít có chợ, có sông
Có dinh quan Thượng, có đồng cờ tiên.

Trước làng Vít có hai con sông giao nhau: con sông từ chùa Dâu chảy về hợp lưu với con sông Cổ (sông Tào Khê) tạo thành thế “Lưỡng thủy giao tiền” (hai con sông giao nhau ở trước làng). Ngày nay trước cửa làng vẫn còn dấu tích gò Thần Đồng và gò Bút, tạo nên vùng đất địa linh sinh nhân kiệt.

(Tranh qua Ybook.vn, sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Tập 18: Lý Thường Kiệt)

Dùi mài kinh sử. (Tranh minh họa qua Ybook.vn, sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

Trạng nguyên Vũ Kiệt được sinh ra và lớn lên trên vùng đất này. Thuở nhỏ ông đã nổi tiếng là thông minh và sáng dạ. Năm 1472, lúc 20 tuổi, Vũ Kiệt đã vượt qua thi Hương và thi Hội, được vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình tại sân điện, diện kiến đức vua.

Tại kỳ thi Đình này, vua Lê Thánh Tông ra đề thi hỏi về sách lược “Đế Vương trị quốc”…

Phép chống tham nhũng

Vua Lê hỏi rằng:

Trẫm lo lắng cho cái thói tham lam làm đổi thay phong tục, nên đặt chức đình úy để xét tra những điều gian dối của bọn quan lại, thưởng người liêm khiết để khuyến khích làm việc tốt. Thế nhưng, người có chức vị vẫn không trong sạch, gió thổi bóng theo.

Bọn quan lại nhỏ tự làm những điều ô nhục, ngày càng tràn lan. Dân càng nghèo mà đóng góp ngày càng lắm, pháp luật càng nghiêm mà kẻ gian ngày càng nhiều. Việc quân cơ, việc chính sự biến đổi rối rắm.

Của cải xuất kho lại rơi vào tay bọn tham nhũng, thật chẳng có lúc nào mà quá như lúc này. Hãy nêu lên cái nguyên nhân sinh ra những tệ hại ấy và bằng cách nào để sửa đổi và có tin là sửa đổi được không?

Vũ Kiệt trả lời rằng: (trích lược)

Thần cho rằng câu hỏi của bệ hạ là muốn để tâm làm trong sạch mọi dòng vẩn đục và mong muốn các quan noi theo đó để làm chuẩn mực.

Thần nghe lời giải thích trong kinh Xuân Thu “sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan…”

Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được.

Con người sinh ra không thể không có sự ham muốn, nếu con người không làm chủ được sự ham muốn ấy thì sẽ sinh ra rối loạn…

Vả lại gần đây, con người sống lâu trong thời bình, nên có phần sơ suất về màng lưới ngăn cấm trong đời sống hàng ngày.

Trong khi làm việc công thì thường dùng quà cáp, tết nhất, dùng của đút lót làm lễ vật hàng ngày, giày dép, quần áo diêm dúa, tiêu pha hoang phí, tệ tham nhũng tích tụ thành thói quen, điềm nhiên cho đó là việc thường.

Thần thấy tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tín cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa đưa ra bộ mặt của đám tiểu nhân được…

Thần thấy trong Kinh lễ có câu “đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính” là có ý nói những việc làm của quan cấp cao thực để cho cấp dưới xem xét và noi theo…

Lấy lý mà nói thì bọn tiểu lại, trộm cướp còn tự thay đổi trước sự giáo hóa của quan lệnh trong ấp, huống hồ lại đối với các bậc quan trên…

Nhưng phép luật ngày nay thì người làm quan lớn hoặc ban ơn để tỏ rằng mình là người hiểu biết, hoặc rêu rao cái danh để cho cấp dưới cầu cạnh, sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh đều trái với lẽ phải, khinh trọng thiên lệch. Khi tìm được chỗ hở thì gây ra tệ lậu bán buôn, hoặc không giữ chắc của công, hoặc lấy của công để vun vén cho mình.

tham nhũng

Vua Lê Thánh Tông trọng dụng trạng nguyên Vũ Kiệt. (Tranh minh họa: Trí Thức VN)

Sau khi phân tích Vũ Kiệt đưa ra hướng khắc phục: (trích lược)

Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị giao cho họ trọng trách…

Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết và nêu từng việc để biết được sự liêm khiết của họ. Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ, để điều trần tâu lên chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng ưu đãi và quan trưởng cũng được ban thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và trưởng quan cũng tùy theo đó mà xử phạt. Làm như vậy, con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được.

Nếu như các bậc trưởng quan chẳng phải là người tốt mà là muốn bọn quan lại cấp dưới phải sống trong sạch, thế chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho dòng trong!

Kế sách chấn hưng giáo dục

Nhà Vua hỏi rằng:

Sách xưa có câu: “Thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính”. Nhưng hiện tại nho sinh lại cảm thấy xấu hổ khi đến học thầy, cốt làm những chuyện họa may hoặc qua tuần, qua tháng lại đổi thầy. Một nho sinh mà chưa bao giờ biết gò mình trong việc tu chỉnh, khi đạt được danh vọng ở triều đình thì ít tuân theo lễ nghĩa. Đạo làm thầy bị bỏ rơi sao mà lâu thế, làm thế nào để cứu vãn được…

Vũ Kiệt đã làm bài rằng: (trích lược)

Thần nghe: Cái học của người xưa nhất thiết phải có thầy, người thầy làm nhiệm vụ truyền đạo, thụ nghiệp nêu lên những chỗ nhầm lẫn, giải thích những điều tôn nghi trong sách vở. Các ngành, các nghề, ngay cả những nghề vụn vặt cũng không thể không có thầy được, huống hồ người theo học đạo Nho?…

Là kẻ sĩ phải thấy rằng mình được vinh hạnh, càng chăm lo việc thực học. Trong lúc chưa thành đạt thì sống theo đạo lý thông thường để chờ thời gặp mệnh. Không để mất phẩm chất riêng của mình. Lúc đã được tin dùng thì phải giữ đúng danh vị và làm việc thực sự, không thể để mất cái điều mà mình hằng mong muốn, như thế mới có thể được.

Ông cũng nêu ra thực tại trong nền giáo dục: (trích lược)

Nhưng cũng có khá nhiều người làm thầy, tư chất kém cỏi, văn vẻ vụng về. Cái mà người học trò cần có là sự uyên bác nhưng người thầy lại có kẻ nông xoàng, tài cán thô thiển. Đạo làm thầy không vững như thế thì còn lạ gì khi thấy sĩ tử xấu hổ việc đi học?…

Tâm thật đã mất trước khi ra làm quan rồi, thì sau khi ra làm quan còn tìm sao được tiết tháo và phong độ của họ…

Từ đó Vũ Kiệt nêu ra phương hướng: (trích lược)

Thần mong bệ hạ: Đạo làm thầy phải được tuyển chọn kỹ càng. Việc nuôi dạy sĩ tử phải được nghiêm nghị đúng hướng…

Tìm nhân tài trước hết phải chú ý đến mặt đức hạnh, phế truất kẻ phù hoa…

Nếu như dùng lời gian dối để trau truốt thì dứt khoát không dùng. Người dám nói thẳng… thì có thể thu nhận.

Theo sách “Văn hiến Kinh Bắc” thì bài “Văn sách thi Đình” của Vũ Kiệt được triều đình coi là kiệt tác nhằm trị quốc, an dân. Bài thi này cũng là chuẩn mực cho những đời sĩ tử sau này.

Giang sơn toàn thịnh

Vua Lê Thánh Tông tham khảo phép trị quốc này của Vũ Kiệt nhằm bổ sung cho bộ luật Hồng Đức, tăng thêm sức mạnh chống tham nhũng cho bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to nhất đầu triều xuống đến địa phương.

Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục

Thông báo sắc lệnh của vua. (Tranh minh họa qua kienthuc.net.vn)

Đồng thời qua các năm vua Lê Thánh Tông cũng ban các sắc chỉ, cụ thể như sau:

  • Năm 1475, định lệnh cấm vơ vét xoay tiền trong các việc xây dựng sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét xoay tiền thì trị tội như luật xoay tiền.
  • Năm 1478, trong sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong địa hạt, người nào tham ô lười biếng thì tâu lên để định việc giáng chức.
  • Năm 1487, xét quan lại thấy tham nhũng thì bãi chức sung quân ở Quảng Nam.
  • Năm 1483, trong sắc chỉ ân xá của nhà vua những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch không được hưởng khoan hồng của nhà vua.

Như vậy, vua Lê Thánh Tông đã coi nạn quan tham ngang hàng với tội đại nghịch, những tội làm tổn hại đến nền móng nhà nước.

tham nhũng

Trừng phạt tham quan. (Tranh minh họa qua kholichsuvietnam.blogspot.com)

Chủ trương chống tham nhũng, chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh được thực hiện từ các quan to nhất đầu triều xuống dưới, khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ nữa, nạn tham nhũng đang tàn phá đát nước bị đẩy lùi và dẹp bỏ.

Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục

Vua xử lý công việc triều đình. (Tranh minh họa qua kienthuc.net.vn)

Lịch sử cho thấy thời kỳ vua Lê Thánh Tông là thời kỳ toàn thịnh của Đại Việt, đất nước phát triển rực rỡ về mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và quân sự.

Giang sơn hùng mạnh thì không chỉ lân bang không dám ngó ngàng đến, mà lãnh thổ bờ cõi còn được mở rộng khi vua Lê Thánh Tông thực hiện các cuộc tiến quân về phía Nam và phía Tây, chinh phục Chiêm Thành, Ai Lao và Bồn Man.

Những thành tựu trị quốc, chống tham nhũng kiệt xuất đã đưa Đại Việt trở thành quốc gia hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Là hiền tài của đất Việt, tên tuổi của Vũ Kiệt còn được lưu lại trên Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội hay Văn Miếu ở Bắc Ninh. Tài năng cùng phép trị quốc của ông được các hậu thế nhiều đời sau này truyền tụng.

Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục

Trạng nguyên vinh quy bái tổ. (Tranh minh họa qua newvietart.com)

Thời nay, nhiều người cho rằng xã hội và tư tưởng xưa kia là “lạc hậu”, gán cho chúng cái mũ “phong kiến”, khiến những tinh hoa trong văn hóa truyền thống bị bài xích. Trong khi đó, thực trạng tham nhũng lại tràn lan, và nền giáo dục cũng không có một hướng đi đúng đắn cho vấn đề đạo đức. Thậm chí việc bỏ tiền lo lót cho quan lại, hay việc biếu xén thầy cô để con có thành tích học tập cao lại được xem như một điều “tất nhiên”, “rất đỗi bình thường”.

Nếu như áp dụng phép trị quốc của vua Lê Thánh Tông và của trạng nguyên Vũ Kiệt, thì hẳn là nhiều quốc nạn sẽ được dẹp bỏ.

Trần Hưng - Theo Trithucvn

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness