TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 13
  • Hôm nay: 1311
  • Tháng: 10013
  • Tổng truy cập: 5155278
Chi tiết bài viết

Bài toán phát triển mô hình đại đô thị

Những năm gần đây, nhiều khu đô thị mới tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam được hình thành với diện tích hàng trăm hécta, có đầy đủ những phân khúc như: chung cư, nhà phố, biệt thự, trung tâm mua sắm, đã làm thay đổi bộ mặt đô thị, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư, hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các dự án đại đô thị, trong đó có cả bất cập về luật pháp, chính sách quy hoạch cũng như về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhất là kết nối giao thông.

Một góc trung tâm TPHCM. Ảnh: HUY PHAN

Một góc trung tâm TPHCM. Ảnh: HUY PHAN

“Bát giác kim cương”

Trải qua quá trình hàng chục năm xây dựng, việc hình thành các khu đô thị mới là minh chứng thực tế nhất, cho thấy sự “thay da đổi thịt” của một vùng đất và giá trị gia tăng không ngừng đóng góp cho kinh tế địa phương về mọi phương diện. Tuy nhiên, tại hội thảo “Sức bật từ các đại đô thị” được tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM, TS Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, Bộ Xây dựng, cho rằng, thách thức hiện nay trong việc phát triển đô thị ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là tốc độ dịch chuyển dân cư, đô thị hóa nhanh, việc mở rộng ra các khu vực lân cận thiếu kiểm soát. Hệ thống giao thông vùng TPHCM thiếu đồng bộ, chưa hiện đại, thiếu liên kết. Đô thị hóa chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có vấn đề ngập lụt. Điều này dẫn tới hệ lụy mất dần đất nông nghiệp do đầu cơ, mất cân bằng phát triển giữa khu vực trung tâm và vùng ven, hạ tầng không đồng bộ, thiếu việc làm… 

Chính vì thế, từ năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2076/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050, với việc xác định vùng TPHCM (gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa  - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang) là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của cả nước, đầu mối giao thương quốc tế. Trong đó, TPHCM là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức sáng tạo. Theo TS Lê Quốc Hùng, 8 tỉnh thành: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang là đầu tàu của nền kinh tế và công nghiệp Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn bình quân chung cả nước; là “vùng lõi” sản xuất công nghiệp và cũng là trung tâm thu hút vốn FDI của cả nước. Việt Nam thu hút vốn FDI được 345 tỷ USD thì có hơn 173 tỷ USD đổ vào khu vực này và nơi đây tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ngày 30-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo Chính phủ và các địa phương trong vùng đã họp tại Bà Rịa - Vũng Tàu, một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong phát triển của Việt Nam. Theo đó, TPHCM cùng 7 tỉnh còn lại sẽ là “bát giác kim cương”; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ về đích sớm hơn ít nhất 10 năm so với cả nước, trong mục tiêu Việt Nam trở thành một vùng hùng cường vào năm 2035. Theo dự báo, tới năm 2050, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, trong đó vai trò của TPHCM cực kỳ lớn. 

Quy hoạch gắn với quỹ đất 

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, các điều kiện để phát triển đại đô thị là quy hoạch gắn với quỹ đất đai. Thông thường, một khu vực đại đô thị phải có quỹ đất 400-800ha, vị trí thuận lợi, đầy đủ cơ sở hạ tầng và năng lực chủ đầu tư đủ uy tín. Tuy nhiên, ở Việt Nam, một số đặc điểm vẫn chưa thể đạt tới các đại đô thị như thiếu đồng bộ, nơi chỉ có nhà ở mà thiếu trường học, cơ sở y tế, hoặc chỉ có một vài tiện ích. Tiếp theo là tình trạng quá tải (có thể bản thân khu đô thị không quá tải nhưng xung quanh quá tải), chất lượng hạ tầng bên trong chưa đúng với mong muốn của người dân. “Đơn giản như xử lý rác thải vẫn rất thủ công, không phải là hướng đi của tương lai, ngay cả việc phân loại rác thải, cũng chưa nơi nào làm tử tế”, TS Cấn Văn Lực nêu thực tế. 

Liên quan đến phát triển đại đô thị như TPHCM, TS Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT, cho rằng, để phát huy hết tất cả tiềm lực của TPHCM, việc quan trọng nhất là quy hoạch sử dụng đất như thế nào. Phải quy hoạch các trung tâm đô thị và đô thị vệ tinh theo nguyên tắc thị trường, bắt đầu từ việc hình thành các trung tâm thương mại sử dụng đất thương mại, dịch vụ; tiếp theo là khu vực văn phòng, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp sử dụng đất sản xuất, kinh doanh trong đô thị; đất nhà ở tập thể, chung cư và cuối cùng là đất nhà ở đơn lập theo mô hình hướng tâm, nhiều lớp hình thành vùng đô thị trung tâm, với vùng đô thị vệ tinh và các hạt nhân là khu vực kinh doanh, thương mại nằm ở lõi trung tâm đô thị. Phân tích cụ thể hơn, TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, quy hoạch sử dụng đất phải đi vào thực tế, phải đáp ứng nhu cầu sử dụng, khả năng chi trả doanh nghiệp (DN) và được hình thành một cách tự nhiên. Nó phải dựa trên sự hút vốn đầu tư của nhà nước, DN, sự tham gia ổn định sinh kế của người dân. “Khu đô thị có vẻ đẹp như thế nào đi chăng nữa mà không có DN thì không thể phát triển đại đô thị”, TS Nguyễn Đình Thọ khẳng định. Theo quan điểm của ông, quy hoạch đô thị TPHCM có thể tính đến việc quy hoạch và phân bổ hợp lý sử dụng đất, giữa đất đô thị và đất khu công nghiệp, đất nông nghiệp theo các trung tâm như trung tâm kinh doanh, thương mại, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, văn phòng, đất nhà ở tập thể, nhà ở xã hội, đất biệt thự đơn lập, khu sản xuất kinh doanh công nghiệp và dịch vụ; đất trồng rau, hoa màu ngắn ngày và đất trồng cây hàng năm, lâu năm. Tại các đô thị của TPHCM có thể tính đến việc phát triển ngành mũi nhọn là tài chính, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, giải trí, mạng lưới giáo dục và y tế chất lượng cao, quy hoạch không gian ngầm. Nếu không thực hiện tốt việc phát triển hệ thống ngầm, chúng ta sẽ gặp khó khăn. Quy hoạch mặt đất cũng phải đảm bảo giải quyết vấn đề giao thông. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, quy hoạch các đô thị phải gắn liền với việc xây dựng mạng lưới đô thị. Đơn cử, xung quanh các đô thị trung tâm như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… là việc hình thành các thành phố lân cận. Thời gian qua, đã chứng kiến việc hình thành nhiều khu đô thị hiện đại tại TPHCM như Vingroup, Phú Mỹ Hưng, Him Lam… nhưng vẫn còn nhiều dự án chậm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và tiện ích, nên không thu hút được người dân. Thậm chí, có những khu dân cư quy mô lên tới hàng chục, hàng trăm hécta nhưng vẫn nhếch nhác. Một trong những nguyên nhân là vướng đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. “Để phát triển các đô thị lớn, cần tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng. Từ đó, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch; đồng thời đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa khu vực trung tâm với khu vực ngoài trung tâm, để đô thị TPHCM phát triển nhanh, bền vững”, ông Lê Hoàng Châu đề nghị.

* Bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư Bộ GTVT: Tiến độ đầu tư các dự án giao thông chậm là trở lực phát triển của TPHCM

Quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối TPHCM gồm: hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị đều có sự gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng lớn đối với quá trình phát triển đô thị cũng như kết nối trực tiếp TPHCM với nội vùng và liên vùng. Trong đó, 5 tuyến quốc lộ đóng vai trò trục hướng tâm cho giao thông hỗn hợp vào tận trung tâm thành phố; còn 6 tuyến cao tốc đóng vai trò trục hướng tâm cho phương tiện cơ giới lưu thông với tốc độ cao, kết nối đến hệ thống đường vành đai. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm đều chậm so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và đang là trở lực đối với sự phát triển của thành phố về mọi mặt. Đơn cử, tiến độ đầu tư các tuyến đường vành đai, quốc lộ, cao tốc, hướng tâm đều chậm, dẫn đến nhiều tuyến đường nội thành phải đảm nhận cả vận tải nội vùng và liên vùng; các đô thị vệ tinh phát triển chậm do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến vùng lõi thành phố trở thành đô thị nén với mức độ ngày càng cao. Trong khi đó, hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn chậm được đầu tư, chưa hình thành hệ thống hoàn chỉnh, giao thông nội thành chủ yếu vẫn dồn lên hệ thống đường bộ; trong khi loại hình này không thể đảm nhận vận tải hành khách khối lượng lớn. Để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng các khu đô thị lớn cần sớm đầu tư hệ thống đường vành đai, tuyến cao tốc, đường sắt đô thị với cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất khi đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết hợp với phát triển đô thị.

PHAN LÊ - Theo Sài Gòn Giải Phóng

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness