TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 59
  • Hôm nay: 231
  • Tháng: 6970
  • Tổng truy cập: 5140289
Chi tiết bài viết

Bài toán sinh kế vỉa hè lời giải từ thực tế Việt Nam

Bắt đầu bằng câu hỏi “Ai là chủ của vỉa hè?”

Giáo sư Annette Kim: Nhiều quốc gia quy định trách nhiệm quản lý vỉa hè cho chủ sở hữu đất tiếp giáp, mặc dù những người này không hề sở hữu nó. Những người này sẽ bị phạt nếu họ không giữ gìn một phần của vỉa hè. Vỉa hè luôn là một không gian mập mờ về chủ sở hữu. Một số nơi khác như Ý thì có giấy phép sử dụng vỉa hè. Chính quyền quy định một phần vỉa hè có thể được sử dụng cho mục đích thương mại chẳng hạn, nhưng phải thực hiện theo những cách thức nhất định.

Không có một câu trả lời chung cho mọi nơi. TP.HCM dạy cho chúng ta về một khả năng linh động hơn, về việc cho phép vỉa hè thành không gian dùng chung, trong đó mỗi nhóm có thể sử dụng cùng một không gian vào từng thời điểm khác nhau. Cần có một lối suy nghĩ sáng tạo hơn về vỉa hè.

Giáo sư Annette Kim. Ảnh Lê Quỳnh

Thực ra vấn đề của vỉa hè không nằm ở sở hữu vốn khó mà có thể được định nghĩa ra một chủ thể cụ thể, mà là quyền sử dụng: trong điều kiện nào, vào thời điểm nào, loại hình sử dụng nào có thể được chấp nhận. Chúng ta đã từng nói tới việc cần phải vẽ ra những làn ranh chính sách đủ rộng để bao trọn sự đa dạng của cuộc sống hoặc ngăn chặn tham nhũng (trong việc phân bổ quyền sử dụng vỉa hè - PV). Đây chính là những thách thức khi chúng ta thiết kế chính sách từ trên xuống, trong khi tình huống cuộc sống luôn thay đổi. Và đây là những gì đang diễn ra: các cửa hàng dọc theo vỉa hè, các hộ gia đình sống trong một khu phố hay bản thân phường đã luôn diễn giải các chính sách cho phù hợp với thực tế địa phương.

Theo bà, làm sao để giúp cho sinh kế vỉa hè của người bán hàng rong trở nên bền vững hơn?

Tôi đồng ý rằng đối với nhiều người, việc buôn bán hàng rong trên vỉa hè không phải là nghề nghiệp lý tưởng. Với một số người thì đây thực sự là lựa chọn của họ. Buôn bán trên vỉa hè là một phần của văn hóa. Tôi nghĩ, sự tương tác xã hội khiến cho một số người muốn gắn bó với vỉa hè, nhất là những người lớn tuổi. Thực tế, có những người không có việc làm lúc này và do đó họ có mặt trên vỉa hè để kiếm sống. Đây không phải là một tình trạng bất biến, thành phố rồi sẽ còn đổi thay, nền kinh tế rồi sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Nhưng việc kiếm sống của mọi người không thể chờ 10 năm. Do đó, chúng ta cần có những giải pháp trước mắt. Chúng ta cần tạo ra thêm nhiều việc làm nhưng chúng ta cũng cần đảm bảo quyền của mọi người có thể kiếm sống một cách hợp pháp ngay lúc này. Những người bán hàng rong cũng có nhiều tầng lớp khác nhau. Chúng tôi cũng thấy rằng, một số người bán hàng rong lâu năm có thể có quan hệ rộng khắp, và do đó họ có được quyền sử dụng không gian lớn và lâu dài. Ngược lại, những người khác thì phải di chuyển liên tục bởi họ không thể có được một chỗ cố định.

Trong nghiên cứu của mình, bà thường nhấn mạnh đến sự hợp tác xã hội trong việc sử dụng không gian vỉa hè. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, những người bán hàng rong vẫn bị xua đuổi. Bà nghĩ gì về thực trạng này?

Việc này xảy ra bởi chỉ đạo từ cấp cao hơn, không phải là hành động đơn phương của lực lượng chức năng địa phương. Thường thì các hoạt động trên hè phố thay đổi lên xuống theo những chiến dịch “đường thông hè thoáng” của thành phố. Tôi nhìn vào số liệu và thấy rằng các hoạt động trên vỉa hè giảm hẳn sau năm 2014 sau nỗ lực của thành phố. Tham gia các chiến dịch này là lực lượng chức năng ở ba cấp khác nhau nhưng không phải là lực lượng địa phương.

 

Buôn bán trên vỉa hè là một phần của văn hóa. Ảnh Lê Quỳnh 

Tôi muốn nói rằng, tôi không hề có ý định lãng mạn hóa các mối quan hệ hợp tác trên vỉa hè. Các mối quan hệ trên vỉa hè cũng rất phức tạp và vận động không ngừng. Có những vấn đề vẫn còn đó như người buôn bán hối lộ để có quyền sử dụng vỉa hè. Chúng ta vẫn cần có sự quản lý ở mức độ nào đó, bởi nếu chúng ta chấp nhận cho tham nhũng lộng hành thì nét đặc sắc của vỉa hè cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện nay ở quận 1, TP.HCM đang có kế hoạch thí điểm quy hoạch buôn bán vỉa hè, theo thời gian quy định tại một số tuyến đường. Kinh tế vỉa hè là một hoạt động phi chính thức, theo bà cần có chính sách như thế nào trong quản lý?

Singapore suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Quả thật tôi rất mừng mình đã rời khỏi đó. Quản lý không gian công cộng ở đó quá chặt, tới mức khó có thể tìm thấy sự sống động của cuộc sống. Tôi nghĩ, chúng ta cần dành một chút không gian cho sự lộn xộn vốn là một phần của cuộc sống. Không thể quản lý tất cả mọi thứ, và ngay cả việc quản lý cũng tạo ra những vấn đề mới như tham nhũng chẳng hạn.

Từ góc độ làm chính sách, liệu có những con số nào để chứng minh vai trò quan trọng của vỉa hè đối với xã hội và nền kinh tế?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nền kinh tế phi chính thức có thể tạo ra việc làm cho 30% dân số, và là một nguồn cung ứng thực phẩm quan trọng. Bên cạnh đó, những hoạt động trên vỉa hè đã là một phần tự nhiên của nền kinh tế Việt Nam. Buôn bán trên hè phố là cách mà con người ở đây đã làm trong cả 150 năm qua. Do đó, việc buôn bán trên vỉa hè đã được chấp nhận một cách tự nhiên trong xã hội, khác với các quốc gia khác nơi kinh tế vỉa hè không có vai trò đáng kể. Tôi vẫn luôn ấn tượng khi thấy ở Việt Nam, các tầng lớp cư dân khác nhau với mức thu nhập khác nhau có thể quây quần và cùng tham gia các hoạt động trên vỉa hè. Khi tôi tham gia vào ban giám khảo (cuộc thi quy hoạch khu trung tâm hiện hữu của TP.HCM - PV), một đại diện của Hội Kiến trúc sư lúc đó đã nhận định không chính thức rằng: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế vỉa hè. Tôi nghĩ rằng về mặt xã hội, ở Việt Nam, nền kinh tế vỉa hè đã được chấp nhận và có tính chính đáng của nó.

Vậy làm sao để hài hòa được lợi ích giữa người dân mưu sinh trên vỉa hè với quy hoạch không gian công cộng phục vụ cho sự phát triển của thành phố?

Đây là câu hỏi mà chúng tôi đã luôn thảo luận. Thực tế là chính xã hội Việt Nam đã thử rất nhiều cách khác nhau. Bản thân tôi đã làm việc với một số cơ quan của thành phố như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông - Vận tải... cũng như thực hiện một triển lãm tại TP.HCM để tác động vào quan điểm của công chúng. Ngay lúc này, ý tưởng của tôi là cần rất nhiều tác động khác nhau để tạo ra những câu chuyện tích cực, những câu chuyện thay đổi thái độ của mọi người về vỉa hè, rằng chúng ta vừa có thể phát triển vừa có thể giữ lại những nét văn hóa và truyền thống sinh hoạt, chứ không thể chỉ lựa chọn cái này hoặc cái kia. Cũng giống như một phát biểu gần đây nhân thảm họa cá chết ở miền Trung cho rằng chỉ có thể chọn thép hay chọn cá. Đó thực ra là cách tiếp cận hoàn toàn sai lầm bởi họ cho rằng để phát triển thì chúng ta phải hy sinh rất nhiều những thứ có giá trị với chúng ta.

Những mâu thuẫn trong việc sử dụng vỉa hè là một vấn đề có thực, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Vấn đề này cần phải được giải quyết thỏa đáng, bởi thực tế có rất nhiều người vẫn cần kiếm sống hằng ngày. Nếu chúng ta chỉ đơn giản là đuổi họ ra khỏi vỉa hè thì chẳng qua là đẩy vấn đề từ chỗ nọ sang chỗ kia, hoặc tệ hơn là tạo ra nguồn gốc của bất ổn xã hội. Mùa xuân Ả rập bắt đầu từ việc cảnh sát tịch thu phương tiện kiếm sống của một người bán rau trên phố khiến anh này phẫn uất mà châm lửa tự thiêu. Trung Quốc cũng phải đối mặt với các cuộc bạo động có nguyên nhân từ việc đối xử bất công với những người bán hàng rong. Thực tế là chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ: một lượng lớn những người lao động nghèo đang kiếm sống trên đường phố.

Bà có thể đưa ra giải pháp hay ví dụ cụ thể về nơi nào đó cho phép chia sẻ không gian vỉa hè mà vẫn quản lý tốt?

Chính là đây (cười)! Tôi đã rất ấn tượng khi thấy một phường ở TP.HCM vẽ sơn trên vỉa hè để phân ra đâu là nơi đậu xe, đâu là nơi hàng rong có thể buôn bán và dành ra chỗ ở giữa cho người đi bộ. Như vậy, phường đứng ra thương lượng và đảm bảo các nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên giờ đây tôi cảm thấy thành phố đã nhiệt tình quá mức trong nỗ lực làm đường thông hè thoáng. Tôi buồn khi thấy các vỉa hè ở trung tâm thành phố đã bị dẹp quá tay. Đó không phải là những gì mà du khách muốn nhìn thấy. Trung tâm thương mại phía trước tòa nhà UBND TP.HCM đã mắc một sai lầm lớn là thay vì có những cửa hiệu thú vị nhìn ra phố xá như thời còn là thương xá Eden, thì giờ đây chỉ là những bức tường trống rỗng. Họ vẫn có thể mang lại sức sống cho đường phố với những kiosk nhỏ. Một địa điểm nơi mà du khách thường lui tới giờ đã biến mất.

Như vậy Việt Nam phải tự tìm cho mình lời giải?

Đúng thế! Việt Nam không phải là Ấn Độ, nơi mà người ta có thể xây nhà trên vỉa hè, nhưng cũng không phải Singapore. Việt Nam ở khoảng giữa của hai quốc gia này. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần tìm ra một mô hình cho phép những thử nghiệm trên đường phố có thể diễn ra, bởi mỗi nơi mỗi khác, và không thể có một mô hình hay quy định đúng cho tất cả mọi nơi. Ví dụ như bệnh viện Nhi Đồng trong trung tâm thành phố là nơi mà nghiệp đoàn xe ôm ra đời để giải quyết việc tranh giành khách giữa các bác tài. Để giải quyết, họ cấp cho mỗi bác tài một con số để tuần tự nhận khách. Họ tự tổ chức với nhau vì nhu cầu thực tiễn. Ý tưởng của họ dần dần lan ra các phường khác, quận khác. Rồi sau đó chính quyền yêu cầu họ phải đăng ký ở quận và phải tham gia vào các nghiệp đoàn.

 

Ai là chủ của vỉa hè?. Ảnh Lê Quỳnh

Câu chuyện trên cho thấy những ý tưởng như vậy có thể nảy sinh từ cuộc sống, từ dưới lên. Thêm vào đó, Việt Nam có một hệ thống chính quyền nhiều tầng lớp (ở nhiều nước hệ thống này dừng ở cấp thành phố - PV) bao gồm quận, phường và tổ dân phố. Như vậy đã có sẵn một lực lượng thực thi luật pháp gần gũi với thực tiễn đời sống ở địa phương. Bất chấp những quy định ở trên, lực lượng này thường vận dụng luật theo cách phù hợp với với đặc điểm khu vực quản lý của họ. Ví dụ tại hẻm mà tôi từng sinh sống, có một bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn với một người con bị nghiện. Khu dân cư đồng ý cô ấy phải kiếm sống và họ lờ đi các quy định để cho phép cô ấy mở một quán bán cà phê trên vỉa hè, ngay trước cửa đồn công an phường. Mặc dù vẫn có những khúc mắc, mẫu thuẫn xã hội, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng vỉa hè Sài Gòn là không gian nhân bản và hợp tác, một trong những yếu tố chính làm nên sự hấp dẫn của TP.HCM.


Annette Kim lấy bằng tiến sĩ quy hoạch vùng và đô thị tại Đại học California ở Berkeley (Mỹ) năm 2002 với nghiên cứu “Tạo dựng thị trường: những cơ chế hỗ trợ thị trường phát triển đất đô thị TP.HCM”. Các dự án của GS. Annette Kim tại TP.HCM: Tuyến đi bộ du lịch trung tâm TP.HCM, giám khảo cuộc thi quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (2007-2008), đánh giá hoạt động thị trường bất động sản và áp lực đất đai tại TP.HCM - Dự án của Ngân hàng Thế giới - 2000-2001, thành viên nhóm nghiên cứu quy hoạch Nam Sài Gòn (1996). Cô đã xuất bản sách Học làm kinh tế tư bản: Các doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế chuyển đổi (NXB Đại học Oxford, 2008); Thành phố vỉa hè: Lập bản đồ không gian công cộng TP.HCM (NXB Đại học Chicago, 2014).

Theo Internet

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness