TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 58
  • Hôm nay: 412
  • Tháng: 7151
  • Tổng truy cập: 5140470
Chi tiết bài viết

Bành trướng quá sức: Thách thức thực sự của Trung Quốc

Tác giả: Gordon Chang | Biên dịch: Trần Quang

Khi giới thiệu Chiến lược an ninh quốc gia mới của mình, Nhà Trắng của Tổng thống Trump đã xác định Trung Quốc là một cường quốc “theo chủ nghĩa xét lại”, một “kình địch” và “đối thủ cạnh tranh”. Trong suốt 68 trang, Chiến lược an ninh quốc gia liệt kê hành vi thù địch của Bắc Kinh và cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ và những nơi khác là “độc hại”. Làm như vậy là hợp lý.

May mắn thay cho Mỹ và đối lập với lẽ phải thông thường của Washington, nhà nước Trung Quốc nhìn có vẻ hùng mạnh trên thực tế lại đặc biệt dễ bị tổn thương vào thời điểm này. Thứ nhất, nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nợ. Cùng lúc đó, Bắc Kinh đang bị kéo căng quá mức, chủ yếu do tầm nhìn bành trướng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Các hành động khiêu khích của Trung Quốc đang khiến các nước khác xa lánh, củng cố một liên minh đang phát triển nhằm chống lại Bắc Kinh. Việc Tập Cận Bình không ngừng theo đuổi quyền kiểm soát tuyệt đối tại quê nhà đã làm suy yếu các thể chế của Trung Quốc. Người dân Trung Quốc đang bồn chồn.

Câu chuyện kể phổ biến về Trung Quốc ngày nay tương tự với câu chuyện của Liên Xô vào đầu những năm 1970. Khi đó, người Mỹ tin rằng họ phải điều chỉnh để thích ứng với Moskva. Tuy nhiên, trong vòng 2 thập kỷ, đế chế Xôviết đã sụp đổ từ bên trong. Trump chắc chắn không phải là Ronald Reagan, nhưng vị tổng thống hiện thời, giống như người tiền nhiệm nổi tiếng của ông, có bản tính ngoan cố và sẵn sàng phá bỏ thông lệ. Hơn bất cứ lúc nào khác trong thập kỷ này, Mỹ đang ở vị thế có thể đòi hỏi Bắc Kinh phải tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn đã được thiết lập.

Thoạt nhìn, sự trỗi dậy phi thường trong 4 thập kỷ của Trung Quốc đem lại cho Bắc Kinh một lợi thế quyết định đối với Washington. Và hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng lợi thế đó sẽ chỉ nới rộng theo thời gian. Theo một báo cáo được Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh tại London công bố vào tháng 12/2017, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua kinh tế Mỹ vào năm 2032.

Một số người cho rằng dự báo năm 2032 là quá thận trọng. Vào năm 2011, nhà phân tích Jim O’Neill của tập đoàn Goldman Sachs cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2027. Vào năm 2016, một nhà quan sát đã sử dụng dữ liệu của tổ chức Conference Board để dự báo rằng năm diễn ra sự thay đổi này trên thực tế sẽ là năm 2018.

Các nền kinh tế lớn chi phối các nền kinh tế nhỏ hơn, nhưng đừng trông đợi tổng bí thư Trung Quốc sẽ ra lệnh được cho tổng thống Mỹ vào bất cứ thời gian nào trước mắt. Trước hết, hầu như không có khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua kinh tế Mỹ vào năm 2032, chứ chưa nói tới năm 2018 hay 2027.

Trung Quốc đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nợ có hệ thống. Nước này đã tránh được một cuộc suy thoái vào năm 2008 chỉ bằng cách bắt tay thực hiện một trong những chiến dịch chi tiêu lớn nhất và dài nhất trong lịch sử, một nỗ lực gồm 2 phần. Trước tiên, đã có một kế hoạch kích thích kinh tế chính thức, một sáng kiến trị giá 586 tỷ USD và kéo dài trong 2 năm. Thứ hai, Bắc Kinh đã buộc các ngân hàng nhà nước phải mở rộng tín dụng, chủ yếu cho các thực thể nhà nước, trong một đợt chi tiêu chưa từng có. Tất cả các bộ phận của nhà nước đều được huy động tham gia chương trình đầy nhiệt huyết này. Lin Zuoming, khi đó là Tổng giám đốc của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc, đã công khai than phiền vào đầu năm 2009 rằng các quan chức đã buộc doanh nghiệp nhà nước này vay tới 49,2 tỷ USD từ 12 ngân hàng Trung Quốc, tuyên bố rằng ông lo ngại về việc phải làm gì với số tiền đó.

Trong 5 năm kể từ năm 2009, các ngân hàng Trung Quốc đã mở rộng một lượng tín dụng gần tương đương với lượng tín dụng trong toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ, ngay cả khi vào cuối năm 2008, nền kinh tế Trung Quốc có quy mô chưa bằng 1/3 quy mô nền kinh tế Mỹ. Và chiến dịch cho vay tiêu dùng đã được tiếp tục kể từ cuối giai đoạn 5 năm đó.

Các nhà kỹ trị ở Bắc Kinh từ lâu đã sắp đặt các kết quả, và đó là những gì họ đã làm trong năm 2008. Khi họ chế ngự các lực lượng thị trường tại Trung Quốc, họ đã ngăn chặn sự điều chỉnh mà đã quét qua các nền kinh tế thị trường vào cuối thập kỷ vừa qua. Thế nhưng do các quan chức Trung Quốc quyết tâm tránh một cuộc suy thoái tại quê nhà, những sự mất cân bằng cơ bản trong nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên lớn hơn.

Sự mất cân bằng nghiêm trọng nhất là tình trạng nợ nần của nước này. Trong năm 2008, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc, một tham số tiêu chuẩn cho tính bền vững của nợ (khả năng chi trả nợ của một quốc gia mà không cần sự hỗ trợ) là 130%. Hiện nay, không có sự nhất trí nào về con số, nhưng nhiều người cho rằng nó có thể ở trên mức 300%, và một số người tin rằng con số này đã vượt qua ngưỡng 400% sang ngưỡng rất cao một khi cái được gọi là các khoản nợ “bị che giấu” được tính đến.

Giờ đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tiếp tục tích lũy nợ để giữ mức tăng trưởng. Tuy nhiên, đất nước họ đang không tăng trưởng theo tốc độ 6,7% như Cơ quan thống kê quốc gia công bố năm 2016. Vào giữa năm 2017, Ngân hàng thế giới đã phát hành một biểu đồ tiết lộ nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 đã tăng trưởng ở mức 1,2%. Con số đó, một mức thấp đáng kinh ngạc đối với một số người, lại nhất quán với chỉ báo đáng tin cậy nhất về hoạt động kinh tế Trung Quốc: tổng tiêu thụ năng lượng chính. Trong năm 2016, tham số đó đã tăng 1,4%.

Kể cả ở mức tăng trưởng 6,7% – hay 6,9% như được công bố cho năm 2017 – Trung Quốc đang mắc nợ nhanh gấp 3 lần so với tốc độ nước này sản xuất sản lượng kinh tế. Bắc Kinh có thể, ít nhất trong một thời gian, tiếp tục tích lũy nợ với tốc độ điên rồ như vậy, vì họ kiểm soát các bên cho vay và bên đi vay lớn, thị trường và tòa án.

Fraser Howie, đồng tác giả cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản đỏ: Nền tảng tài chính mong manh của sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc”, nói với tờ National Interest: “Có vẻ như Trung Quốc nghĩ rằng nước này có thể thoát khỏi các vấn đề nợ hiện nay của mình giống như cách họ đã làm trong những năm 2000. Nhưng nền kinh tế thế giới hiện rất khác, Trung Quốc khi đó đã hưởng lợi từ làn sóng tăng trưởng toàn cầu và việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), điều không còn có sẵn nữa”.

Tuy vậy, như Howie nhìn nhận, Bắc Kinh vẫn “ngập trong tín dụng”. Các nhà kỹ trị Trung Quốc tiếp tục nói về “thoái nợ” và đôi khi thực sự tìm cách làm chậm lại tăng trưởng tín dụng, nhưng họ không duy trì các nỗ lực của mình vì việc cắt giảm nợ liên tục sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Các sáng kiến mới nhất của Bắc Kinh cho thấy sự tuyệt vọng: giới thiệu các khoản vay đáng ngờ để bán cho người tiêu dùng và hạn chế việc bán căn hộ để ngăn chặn giá trị lao dốc.

Nhà nghiên cứu Michael Pettis của Đại học Bắc Kinh nói với tờ Fortune vào cuối năm 2017 rằng kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, đã có “ít nhất hơn 20 điều kỳ diệu tăng trưởng đầu tư kéo dài cả thập kỷ” tương tự như của Trung Quốc. Ông lưu ý rằng tất cả đều hứng chịu một “sự điều chỉnh khủng khiếp”, và trong số những tiền lệ trong lịch sử này, không tiền lệ nào có “những sự mất cân bằng ở mức sâu và nợ ở mức cao” như của Trung Quốc hiện giờ.

Tới một thời điểm nào đó, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải “điều chỉnh”, vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bất chấp tất cả quyền lực của họ, vẫn chưa viết lại các quy tắc kinh tế. Và vì họ đã ngăn chặn những sự điều chỉnh trên thị trường trong một thời gian quá dài (Bắc Kinh tuyên bố năm 1976 là năm cuối cùng GDP của Trung Quốc suy giảm), sự suy thoái không thể tránh khỏi hẳn phải rất nghiêm trọng.

Sự suy thoái nghiêm trọng đó có thể xuất hiện dưới hình thức một sự sụp đổ – có lẽ là gay gắt nhất trên thế giới- hoặc nhiều thập kỷ suy thoái hoặc sự đình trệ giống như suy thoái. Cho dù nền kinh tế có điều chỉnh như thế nào, thì Trung Quốc cũng không có khả năng bắt kịp với nền kinh tế Mỹ lớn hơn và hiện đang hồi sinh vào bất cứ thời điểm nào trong nửa thế kỷ này.

Và sự điều chỉnh của Trung Quốc có thể đến sớm. Tại Đại hội toàn quốc thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được tổ chức vào tháng 10/2017, Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã công khai suy ngẫm về việc Trung Quốc đang trải qua Thời điểm Minsky – thời điểm mà giá trị tài sản sụt giảm đột ngột, báo trước một sự sụp đổ của thị trường.

Những bình luận khác thường của lãnh đạo ngân hàng trung ương phản ánh mối quan ngại của người Trung Quốc, cả giới tinh hoa cũng như người dân bình thường. Mối quan tâm đó được thể hiện rõ trong dòng tiền mặt rời khỏi nước này. Theo Bloomberg, dòng vốn thực từ Trung Quốc đổ ra nước ngoài trong năm 2015 đã lên đến 1.000 tỷ USD. Trong năm 2016, có vẻ như dòng vốn ra nằm đâu đó trong khoảng 1.100 tỷ USD. Trong năm 2017, dòng vốn ra đã giảm mạnh, nhưng chỉ vì các nhà kỹ trị Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn ngặt nghèo, mà nhiều trong số đó không được công bố chính thức.

Không chỉ tiền đang “chảy” khỏi Trung Quốc, mà còn cả chính người dân nước này. Các cuộc khảo sát – một số do các cơ quan nhà nước của Trung Quốc thực hiện – lần lượt cho thấy gần một nửa tầng lớp giàu có của quốc gia này có kế hoạch di cư trong khung thời gian 5 năm tới.

Làn sóng di cư mới này, được thể hiện trong sự xuất hiện ngày càng nhiều khuôn mặt Trung Quốc tại các thành phố lớn trên thế giới, phản ánh không chỉ nỗi lo lắng về thất bại sắp tới của nền kinh tế. Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc đi theo những phương hướng đặc biệt đáng lo ngại. Việc ông không ngừng theo đuổi quyền kiểm soát đã làm rối loạn Đảng Cộng sản, đảo ngược các bước đi trong nhiều thập kỷ để thể chế hoá nền chính trị Trung Quốc. Trong suốt nhiệm kỳ của ông, đã có những tin đồn về những nỗ lực đảo chính bất thành, với tin đồn gần đây nhất xuất hiện vào tháng 12/2017.

Đồng thời, tham vọng của Tập Cận Bình – chúng ta có nên gọi nó là tham vọng ngông cuồng hay không? – đã dẫn đến việc Trung Quốc kéo căng quá mức ở nước ngoài – từ các khu vực biên giới tới các địa điểm xa xôi. Một chính sách đối ngoại ngày càng khiêu khích, được thể hiện bằng chủ trương khôi phục lãnh thổ, đang đẩy các nước khác vào liên minh để bảo vệ họ khỏi chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.

Nhóm quan trọng nhất như vậy là “Bộ tứ”, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã có thể phá hoại hợp tác chặt chẽ giữa 4 quốc gia này, nhưng sau nhiều năm Trung Quốc có hành động khiêu khích, những người bạn này đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Và họ đang thu hút các nước khác, đáng chú ý nhất là Việt Nam.

Bắc Kinh có thể chọc tức Hà Nội mà không phải hứng chịu hậu quả lâu dài, nhưng họ không thể mong đợi điều tương tự với New Delhi. Khi nhìn về hướng Đông, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ từng không nhìn xa hơn eo biển Malacca. Nhưng giờ đây họ tuyên bố rằng cả Biển Đông và biển Hoa Đông đều có vai trò thiết yếu đối với an ninh của Ấn Độ. Sự thay đổi đó, điều có nghĩa là Ấn Độ đang phát triển các mối liên kết với khu vực Đông Á, là phản ứng trực tiếp trước sự khiêu khích của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh bờ biển của Ấn Độ.

Mỹ và các nước bạn bè đang hình thành một sự kết hợp hùng mạnh. Chiến lược an ninh quốc gia của Trump tuyên bố: “Cùng với nhau, Mỹ và các đồng minh và đối tác của chúng ta đại diện cho hơn một nửa GDP toàn cầu. Không đối thủ nào của chúng ta có liên minh có thể so sánh được”. Chẳng hạn, Trung Quốc có một đồng minh chính thức: nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nước này chỉ có một người bạn lớn là Nga, nhưng Nga cũng yếu, và về một số khía cạnh nào đó là một gánh nặng đối với các nguồn lực đang bị kéo căng quá mức của Bắc Kinh. Vào một thời điểm khi Trung Quốc cần bạn bè, nhà lãnh đạo tối cao của nước này dường như quyết tâm lựa chọn các đối tác yếu ớt và khiến các nhà nước hùng mạnh xa lánh.

Cuối cùng, xã hội Trung Quốc đã bồn chồn, bất ổn, dễ thay đổi và tức giận trong một thời gian. Tập Cận Bình đã khiến tình hình trầm trọng hơn bằng cách khuyến khích cái mà sử gia Arthur Waldron thuộc Đại học Pennsylvania gọi là một “phản xạ chống phương Tây hung dữ”. Sự bài ngoại đó làm nền tảng cho mục tiêu của Tập Cận Bình là tạo ra “sự tự tin vào nền văn hóa của chúng ta”, một yếu tố trong sáng kiến “Bốn tự tin” của ông.

Như một phần của nỗ lực đó, truyền thông Trung Quốc đã cổ vũ việc phá hủy các biểu tượng được coi là của nước ngoài, chẳng hạn như ông già Noel trong thời gian gần đây. Nhắc tới Trung Quốc của Tập Cận Bình, Waldon nói với The National Interest: “Tất cả chúng ta đều biết rằng hận thù sắc tộc và sự bài ngoại là thuốc độc thuần túy, không bao giờ nên động tới, nhưng có những thời điểm khi những tình cảm hợp lý như vậy gây khó chịu cho một chính phủ quân phiệt. Khi đó chính phủ sẽ với tới tủ thuốc, lôi ra một chai thuốc thù hận sắc tộc có dán nhãn hình đầu lâu xương chéo trông rất đáng sợ, nghĩ rằng ‘một vài giọt này sẽ có hiệu quả’, khi họ tìm cách kích động số dân chúng bình tĩnh trở thành một đám đông chìm trong sự căm hận mang tính bản năng và sự phá hoại”.

Tóm lại, đây là những gì Mao Trạch Đông đã làm, ngoại trừ việc Mao sử dụng cụm từ “các lực lượng hữu khuynh”, Tập Cận Bình lại nhắm tới những người không phải là người Trung Quốc. Sự tôn kính của Tập Cận Bình dành cho nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được thể hiện rõ vào đầu nhiệm kỳ của ông hồi cuối năm 2012, cho thấy ông nghĩ rằng Trung Quốc nên nhìn về một trong những giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử nước này để tìm kiếm nguồn cảm hứng.

Nói ngắn gọn, Trung Quốc đã đi qua điểm chuyển hướng. Nhà báo Douglas Bulloch viết trên tờ Forbes rằng “Điều thực sự bất thường về năm 2017 là câu chuyện Trung Quốc đã đảo ngược một cách đột ngột như thế nào”. Khi năm đó bắt đầu, Trung Quốc có vẻ như sẽ sở hữu cả thế kỷ. Giờ đây, nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc đang thoái lui vào một thời kỳ nguy hiểm.

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Trung Quốc hiện nay đang sinh sống – hoặc đang chuẩn bị sinh sống – ở bất cứ đâu ngoại trừ Trung Quốc.

Vậy Washington có khả năng làm gì? Mỹ có thể châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính tại Trung Quốc, nếu nước này lựa chọn làm vậy. Chính quyền Trump có thể thực hiện được điều đó bằng cách không làm gì khác ngoài thực thi luật pháp Mỹ. Các ngân hàng Trung Quốc đã rửa tiền cho Triều Tiên thông qua New York trong nhiều thập kỷ. Vào cuối tháng 6/2017, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã đưa ngân hàng Dandong vào diện “mối quan ngại rửa tiền chính” căn cứ theo Mục 311 của Đạo luật Yêu nước, theo đó áp đặt cái về cơ bản là một án tử hình đối với ngân hàng nhỏ này của Trung Quốc. Ngân hàng đó không còn có thể thực hiện các giao dịch bằng đồng USD, đồng tiền chủ đạo của thế giới.

Chính quyền Trump rõ ràng có ý định đưa ngân hàng Dandong vào diện trừng phạt nhằm phát đi tín hiệu đối với Trung Quốc rằng hãy ngừng rửa tiền cho Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh dường như đã hiểu được thông điệp này khi vào tháng 9/2017, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ra lệnh cho các ngân hàng thương mại cắt đứt một số mối quan hệ với Triều Tiên, nhưng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy mệnh lệnh này đã bị phớt lờ.

Chuyên gia về các biện pháp trừng phạt Joshua Stanton nói với trang web The Hill vào tháng 12/2017: “Các khách hàng Trung Quốc vẫn đang vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc bằng cách mua than từ Triều Tiên. Họ gần như chắc chắn thanh toán cho Triều Tiên thông qua hệ thống tài chính của chúng ta, sử dụng một ngân hàng Trung Quốc. Các tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ đã ám chỉ các ngân hàng lớn của Trung Quốc có liên quan tới các thương vụ mua than từ Triều Tiên”. Và bằng chứng cho thấy các thực thể của Trung Quốc đã chuyển dầu cho Bình Nhưỡng kể từ tháng 10/2017, một lần nữa đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các ngân hàng Trung Quốc.

Stanton, người điều hành trang mạng One Free Korea, cho biết: “Nếu Chính quyền Obama sẵn sàng áp đặt các khoản phạt nặng đối với các ngân hàng lớn nhất của châu Âu vì đã vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran, thì Chính quyền Trump phải sẵn sàng buộc các ngân hàng Trung Quốc chịu trách nhiệm vì đã vi phạm luật pháp Mỹ và cả các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc”.

Khi xem xét tất cả các dấu hiệu, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc sẽ là mục tiêu chính của việc áp đặt trừng phạt mới theo mục 311. Ngân hàng Trung Quốc, 1 trong 4 ngân hàng lớn của Trung Quốc, bị nêu tên trong một báo cáo của Liên hợp quốc năm 2016 vì đã tiến hành hoạt động rửa tiền tại Singapore cho Bắc Triều Tiên. Rõ ràng ngân hàng này đã tham gia hoạt động phạm tội này tại các địa điểm khác, đặc biệt tại các thành phố của Trung Quốc giáp biên giới với Triều Tiên.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung Quốc, vốn có hoạt động kinh doanh tại Mỹ, có lẽ không phải là ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc tham gia rửa tiền cho Bình Nhưỡng. “Vinh dự” đó có lẽ được trao cho Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc và là ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo lượng tài sản.

Tác động của việc bị đưa vào danh sách trừng phạt theo Đạo luật Yêu nước đối với một thể chế lớn của Trung Quốc có thể làm rung chuyển hệ thống ngân hàng của Trung Quốc, gây bất ổn cho thị trường Trung Quốc và cuối cùng gây mất lòng tin vào nền kinh tế Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng chịu áp lực khác của Mỹ. Tháng 8/2017, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã khởi động một cuộc điều tra về việc Trung Quốc liên tục ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, căn cứ theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Các cuộc điều tra này cho phép áp đặt các biện pháp khắc phục đặc biệt, chẳng hạn như thuế quan toàn diện. Cũng có một cuộc điều tra về nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, căn cứ theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962. Tháng 11/2017, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi động các cuộc điều tra chống bán phá giá và thuế nhập khẩu chống bán phá giá căn cứ theo Đạo luật Thuế quan năm 1930.

Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương trước hành động của Mỹ. Vào năm 2016, thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ với Trung Quốc đã lên đến 347 tỷ USD, chiếm tới 68% thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc, một con số gây kinh ngạc. Từ mọi thông tin đã có, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ đã nới rộng trong năm 2017 khi thặng dư của nước này với Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục, trong khi thặng dư chung của nước này lại giảm xuống.

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ làm suy yếu câu chuyện kể thường xuyên được nghe rằng Bắc Kinh có thể làm tổn hại đến nền kinh tế Mỹ bằng các biện pháp trả đũa. Đúng là 2 nước “ngày càng gắn chặt với nhau”, như tờ China Daily nói với chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ nên ngại ngần trước việc sử dụng sức mạnh của mình. Thứ nhất, các quốc gia có thâm hụt thương mại hầu như không có gì để mất từ các cuộc chiến thương mại. Vì vậy các quốc gia có thặng dư thương mại, chẳng hạn như Trung Quốc, thường do dự trước việc duy trì xích mích thương mại.

Hơn nữa, có những lý do khác để Bắc Kinh chùn bước trước một cuộc chiến với Washington. Mỹ không có một nền kinh tế hướng đến việc bán hàng cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại có nền kinh tế hướng tới việc bán hàng hóa cho Mỹ.

Cuối cùng, GDP của nền kinh tế Mỹ trong năm 2016 đã đạt mức 18.620 tỷ USD. Trung Quốc tuyên bố GDP năm 2016 của nước này là 10.830 tỷ USD. Các bên tham chiến lớn hơn có những lợi thế mang tính quyết định trong các cuộc chiến thương mại, đặc biệt là khi khoảng cách lại lớn đến như vậy.

Đương nhiên là Bắc Kinh có các quân bài của riêng mình. Chẳng hạn, Trung Quốc có thể sử dụng khoản nợ của Mỹ mà nước này nắm giữ – khoảng 1.190 tỷ USD – để gây ảnh hưởng đến Washington. Kể từ giữa năm 2007, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nói về việc sử dụng “lựa chọn cực đoan”: bán nợ của Mỹ để trừng phạt Washington. Vào tháng 1, các quan chức Trung Quốc rõ ràng đã xì xào với Bloomberg rằng họ có thể ngừng mua nợ của Mỹ.

Cục quản lý ngoại hối quốc gia của Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này, và Trung Quốc chưa bao giờ sử dụng lựa chọn cực đoan vì lý do chính đáng. Thứ nhất, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã và đang bán các nghĩa vụ nợ của Bộ Tài chính Mỹ kể từ năm 2014 để bảo vệ đồng nhân dân tệ của mình, như một chiến thuật nhằm giảm dòng vốn ra. Kể từ đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm tới gần 900 tỷ USD theo các báo cáo chính thức, và còn nhiều hơn nữa theo các tính toán không chính thức. Vì vậy, Bắc Kinh, vì những lý do của riêng mình, đã bán nợ bằng đồng USD trong thời gian đó, trong khi Mỹ vẫn không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, bán nợ không hẳn là một vũ khí hiệu quả. Các thương vụ bán nợ bằng đồng USD – tất cả các nghĩa vụ nợ quốc gia của Mỹ đều được định giá bằng đồng tiền của chính nước này – sẽ giúp Trung Quốc có được đồng USD. Nếu Bắc Kinh định bán nợ để nhắm tới Washington, họ sẽ phải chuyển đổi tiền USD thu được thành các tài sản được định giá bằng các đồng tiền khác. Điều này có nghĩa là giá trị của các đồng tiền này sẽ tăng vọt, do áp lực được tạo ra từ các thương vụ mua của Trung Quốc. Và điều này cũng có nghĩa là ngân hàng trung ương của các nước đó sẽ phải mua đồng USD để đưa đồng tiền của nước họ trở lại mức trước khi các thương vụ của Bắc Kinh diễn ra. Tóm lại, các hành động của Trung Quốc hầu như không có tác động trong dài hạn đối với giá trị của đồng USD. Tuy nhiên, các thương vụ mua liên tục của Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc nợ của Mỹ sẽ được các bạn bè của Mỹ nắm giữ, thay vì Trung Quốc.

Bắc Kinh quả thực có ảnh hưởng đòn bẩy đáng kể đối với các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc – các doanh nghiệp này luôn gần giống với các con tin – nhưng quyền lực của Trung Quốc không đáng kể như vẻ bề ngoài. Trong thời kỳ Tập Cận Bình nắm quyền, Bắc Kinh đã tấn công các doanh nghiệp nước ngoài theo những cách thức đặc biệt mang tính cướp bóc, nên họ đã phải chịu nhiều thiệt hại. Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn để gây thiệt hại cho họ, nhưng dù thế nào thì họ rất có khả năng sẽ làm như vậy khi Tập Cận Bình tìm cách đóng lại các cơ hội thị trường cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Trong bất kỳ trường hợp nào, Chính quyền Trump không hề bất lực. Họ luôn có thể tiến hành trả đũa nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn tại Mỹ, và trong trường hợp Trung Quốc chính thức tịch thu tài sản, họ có thể đóng băng các nghĩa vụ nợ của Mỹ mà Trung Quốc tích trữ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn có thể đưa ra những lời đe dọa vô nghĩa – và họ sẽ làm như vậy – nhưng họ đang không nắm trong tay lá bài tẩy.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có một lợi thế quan trọng, nhưng đó là một lợi thế mà chính người Mỹ đã trao cho Bắc Kinh. Và đó là một lợi thế mà người Mỹ có thể lấy lại bất cứ khi nào họ chọn.

Trung Quốc có một vị trí đặc biệt trong trí tưởng tượng của các nhà hoạch định chính sách Washington, mà điều này trên thực tế đem lại cho Bắc Kinh quyền lực. Kể từ thời Nixon, người Mỹ đã tin rằng việc đưa Trung Quốc vào hệ thống quốc tế – trật tự thế giới tự do – là một trong số các mục tiêu quan trọng nhất của họ. Qua thời gian, họ cũng dần tin rằng Mỹ có lợi ích trong việc duy trì sự cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhận thức đó đang thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, hầu như không còn ai tin vào cái mà nhà báo James Mann tại Washington đã đặt tên là “Câu chuyện tưởng tượng Trung Quốc”, một cái tên phù hợp. Giờ đây, Bắc Kinh đã gây thất vọng cho những người từng chấp nhận ý niệm – và những người đã đặt chính sách của Mỹ dựa trên ý niệm đó – rằng sự phát triển kinh tế liên tục cuối cùng sẽ dẫn tới một Trung Quốc đóng vai trò là một “cổ đông có trách nhiệm”, một khái niệm nổi tiếng được Robert Zoellick đặt ra năm 2005.

Chính trong bối cảnh này, Chiến lược an ninh quốc gia của Trump đem lại một mối đe dọa đối với một Trung Quốc ngày càng xáo động và bất ổn. Tổng thống Mỹ nhìn nhận thế giới đang ở trong trạng thái “cạnh tranh không ngừng”, thay vì hợp tác. Cách tiếp cận của Chiến lược an ninh quốc gia là tin xấu đối với một Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào một nước Mỹ tiếp tục duy trì các chính sách hào phóng từ nhiều thập kỷ trước.

Khi ngày càng nhiều người tại Washington nhận ra điều đó, Trung Quốc sẽ đánh mất sự ủng hộ then chốt của Mỹ. Chiến lược an ninh quốc gia viết: “Một cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các tầm nhìn tự do và đàn áp về trật tự thế giới đang diễn ra tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Khi quan điểm về Trung Quốc thay đổi, những nhận thức của người Mỹ về chính đất nước họ cũng sẽ thay đổi. Waldron nhận định: “Sự suy thoái và sa sút của Mỹ là một chủ đề thường trực, không chỉ trong giới báo chí nước ngoài hay thù địch, mà còn cả trong giới báo chí Mỹ. Bernard Baruch luôn nói rằng “Đừng bao giờ đánh giá thấp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”. Khi tôi nghiên cứu triển vọng, tôi không thấy sự suy thoái của Mỹ. Đó là một ảo tưởng luôn tái diễn trong giới trí thức chính sách đối ngoại”.

Một luận điểm cuối: Quan điểm thường được chấp nhận rằng Trump đang rút khỏi thế giới lại mâu thuẫn với Chiến lược an ninh quốc gia của ông. Ngay cả khi Mỹ muốn từ bỏ vai trò lãnh đạo trên toàn cầu, ý niệm rằng Mỹ đang đánh mất khả năng gây ảnh hưởng đối với Trung Quốc là sai lầm. Nghịch lý là sự rút lui của Mỹ có thể sẽ tăng cường ảnh hưởng đòn bẩy của nước này.

Mỹ đang ở trong thời kỳ hồi phục, điều hiển nhiên từ nền kinh tế đang hồi sinh của nước này. Đồng thời Bắc Kinh, hăm hở muốn có được ảnh hưởng toàn cầu, đang vội vã lấp đầy cái nước này coi là một khoảng trống. Theo Evan Osnos của tờ The New Yorker, Thiếu tướng Jin Yinan thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc được cho là đã nói rằng: “Khi Mỹ rút lui trên toàn cầu, Trung Quốc sẽ xuất hiện”. Như chúng ta có thể thấy từ bình luận hân hoan của Thiếu tướng Jin Yinan, Trung Quốc đang dàn trải nguồn lực quá mức.

Người Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể tiến tới sân khấu trung tâm, như Tập Cận Bình mạnh bạo tuyên bố trong báo cáo dài 3 tiếng 23 phút của ông tại phiên khai mạc Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017. Sân khấu trung tâm ư? Tới một thời điểm nào đó, Bắc Kinh sẽ không thể thực hiện đầy đủ các cam kết và do đó khiến cho bản thân trở nên dễ bị tổn thương. Sử gia Paul Kennedy thuộc Đại học Yale đã gọi đó là “Sự dàn trải quá mức của đế quốc”, và Bắc Kinh hiện đang ở trong tình trạng này, nhưng ở mức độ xấu hơn nhiều.

Gordon G. Chang là tác giả cuốn The Coming Collapse of China. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness