TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 61
  • Hôm nay: 480
  • Tháng: 7219
  • Tổng truy cập: 5140538
Chi tiết bài viết

BÈO BỌT SÓNG THẦN

Thế kỉ mới bắt đầu, tại hoạ đã ập tới : hơn 200 000 người chết và mất tích, hàng triệu người tản cư, nhiều thành phố thành bình địa, địa hình địa vật bị đảo lộn. Cơn sóng thần 26.12.2004 đứng hàng đầu trong danh sách những thiên tai lớn của lịch sử nhân loại, nghiêm trọng hơn trận động đất năm 1755 ở Lisboa (60 000 người chết), núi Krakatoa phun lửa năm 1883 (37 000 người chết), hay cơn sóng thần năm 1923 ở Đông Kinh (150 000 người thiệt mạng)... Con số nạn nhận ở Nam Á vẫn tiếp tục tăng, nhưng yếu tố gây ấn tượng mạnh nhất là tính chất toàn cầu hoá : thiên tai xảy ra tại một vùng biển nhất định, nhưng đã làm thiệt mạng người dân của gần 80 nước trên toàn cầu. Đương nhiên, các nước ở ven Ấn Độ Dương là nạn nhân hàng đầu của sóng thần, nhưng đến một nước như Thuỵ Điển, dân số 20 triệu, mà mất tới 2 000 sinh mạng, người ta hiểu tại sao cả thế giới cảm thấy bức xúc trước biến cố này. Tại hoạ không tiền lệ thì phong trào cứu trợ cũng vô tiền khoáng hậu : trong vòng mấy tuần lễ, chính phủ các nước, các tổ chức phi chính quyền, nhân dân khắp các nước trên thế giới đã huy động những phương tiện vật chất và tài chính ở một quy mô chưa từng thấy. Phải chăng hành tinh này đã thật sự trở thành “ làng toàn cầu ”, nhân loại đã thật sự nhập tâm lời tiên tri của John Donne : “ Con người chẳng ai tự mình là một cô đảo ; mỗi người chúng ta là một mẩu của lục địa, một phần tử của tổng thể (...) cái chết của người nào đi nữa cũng là mất mát của tôi bởi tôi là thành phần của nhân loại ; cho nên, đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện cầu cho chính người đấy ”.

Image result for tsunami wave

Song chai nước đầy một nửa cũng là chai nước vơi một nửa. Sự kiện đang diễn ra cũng có thể lí giải một cách bi quan, nhất là khi ta phải chứng kiến những khía cạnh “ gánh xiếc ” của phong trào cứu trợ nhân đạo, những cảnh tượng lố bịch nặng phần trình diễn của những chính phủ, cũng như sự bất cập của chính quyền sở tại. Chẳng hạn :

* Cũng như các thiên tai khác, trận sóng thần đã bộc lộ hai bộ mặt của nhân tình thế thái. Bộ mặt trong sáng là sự liên đới quốc tế, lòng vị tha không biên giới, sự đùm bọc, cống hiến, thậm chí hiến thân. Và phải nói, về mặt này, người nghèo khó nhiều khi lại là những người rộng rãi nhất. Mọi người đều nghe thấy những điển hình : trong những nhà giam ở Pháp, tù nhân đã tổ chức lạc quyên ; bên Anh có những trẻ em tự nguyện đem bán đồ chơi Nô-en ; ở Thái Lan, hay Indonesia, những người dân khuynh gia bại sản sau cơn hồng thuỷ vẫn mở rộng cửa đón tiếp du khách ngộ nạn... Còn bộ mặt hắc ám cũng không thiếu những điển hình : những tên moi của trên tử thi, bọn đầu nậu buôn trẻ mồ côi... Rồi những vụ buôn bán khai thác đau thương (những mẫu áo T-shirt “ tsunami ”, những băng video và đĩa CD “ best of tsunami ”... lại có cả một dây chuyền tửu quán quảng cáo rùm beng “ quý khách uống một li sâm banh, bản quán sẽ bỏ mấy xăng tim vào quý cứu trợ ”). Cũng không thể không nói tới sự lãnh cảm, bất nhân của những ông bà du khách ca cẩm “ thế là mất toi chuyến đi nghỉ ” hoặc bình thản tiếp tục cuộc truy hoan “ 3S ” (Sea, Sex & Sun : tắm biển, chơi gái/trai, phơi nắng) ở cách những túi xác người vài trăm mét là cùng...

* Cũng như trong các thiên tai xảy ra từ khi có thế giới phát triển và thế giới chậm tiến, thiệt hại do cơn sóng thần vừa qua gây ra cũng bị phân phối không đồng đều. Tính trong thế kỉ XX, tổng cộng số nạn nhân động đất lên tới hai triệu trên toàn thế giới. Nhưng nếu so sánh những thiên tai cùng quy mô, thì thiệt hại lại tuỳ thuộc nơi xảy ra thiên tai là ở nam hay bắc bán cầu : ¾ thiệt hại vật chất là ở các nước phát triển, nhưng 85 % nạn nhân lại là người thuộc thế giới thứ ba. Một thí dụ tiêu biểu : trong thập niên 90, một cơn bão lớn đánh vào Bangla Desh, gây ra 2 tỉ đô la thiệt hại và 300 000 nạn nhân ; cũng trong thập niên, một cơn bão tương đương ở Florida gây ra 16 tỉ đô la thiệt hại vật chất và... 20 người chết. Khác biệt không phải do những nhân tố địa vật lý, mà do khả năng đề phòng (nếu không ngăn ngừa được) rủi ro của mỗi nước – hay nhóm nước (vùng Thái Bình Dương có một hệ thống dự báo sóng thần, vùng Ấn Độ Dương thì không) ; sau đó là khả năng của mỗi nước trong việc xử lí hậu quả nhân sự và y tế (vì thiếu vắng những cơ sở hạ tầng ở Nam Á, nên cứu trợ bị dồn ứ và chậm đi tới nạn nhân) ; cuối cùng là khả năng “ đề kháng ”, nghĩa là phục hồi và tái thiết sau đó (về điểm này, thiết tưởng không cần nhiều lời về sự chênh lệch giữa các nước phát triển và các nước chậm tiến) – điều này tự nhiên dẫn tới vấn đề : phát triển theo mô hình nào ? Cách đây không lâu, có người đã xuýt xoa ca ngợi “ mô hình châu Á ”. Giờ đây chắc họ phải sững sờ trước sự kém phát triển về cơ sở hạ tầng. Ở Thái Lan chẳng hạn, tình trạng này là hệ quả tất nhiên của “ chủ nghĩa tư bản du lịch ” phát triển quá mức. Ngay từ trận động đất năm 1755 ở Lisboa, J.-J. Rousseau đã nhận thức sáng suốt : “ Phần lớn những tai hoạ vật chất là do chúng ta mà ra (...). Các vị hãy thừa nhận với tôi đi : một thành phố như vậy với hai vạn ngôi nhà 6, 7 tầng, đâu phải do Thiên nhiên sắp đặt ? Nếu dân cư thành phố được dàn trải ra, nhà cửa thông thoáng hơn, chắc chắn thiệt hại sẽ bớt đi nhiều, thậm chí không đáng kể ”. Ở bán đảo tây nam Thái Lan, người ta đã thẳng tay phá rừng đước suốt dọc bờ biển, biến thành bãi tắm và xây nhà “ chân bỏ xuống nước ” ; dân chúng nông thôn đổ dồn ra bờ biển để kiếm công ăn việc làm trong dịch vụ du lịch ; đường sá, cầu cống không được bảo trì... tất cả những điều đó, bây giờ Thái Lan phải trả giá. Đây không phải chỗ diễn thuyết về ý thức hệ, nhưng rõ ràng, vì quyền lợi chung, chính sách quốc gia nhất thiết phải dự kiến các rủi ro, định lượng và xếp đặt thứ tự ưu tiên.

* Cũng như chính sách phát triển, chính sách viện trợ phải nhắm sự lâu bền, không thể tiến hành như một chương trình TV “telethon” một sớm một chiều. Tiền lệ chua chát còn nhãn tiền : một năm sau trận động đất ở Bam (Iran), chưa tới 10 % trong số tiền hứa viện trợ của các nước được giải ngân. Lần này, chính phủ các nước hứa giúp Nam Á, tổng cộng lên tới 2-3 tỉ đô la. Vẫn là câu chuyện cái chai nửa đầy nửa vơi. Cái chai quả là vơi khiến ông Jan Egeland, người Na Uy, phó tổng thư kí Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo, buộc phải lên tiếng than phiền về sự “ bủn xỉn ” của các nước giàu, mà đứng đầu là siêu cường số một và duy nhất đã tỏ ra keo kiệt cũng hơn đời. Ban đầu, Hoa Kỳ đưa ra con số 15 triệu đô la, chưa bằng số tiền dân Mĩ bỏ ra mỗi ngày để nuôi chó nuôi mèo ; rồi 35 triệu, tức là bằng một nửa chi phí cho hội hè đình đám nhân dịp tổng thống Bush II bắt đầu nhiệm kì thứ hai ; cuối cùng, đứng trước nguy cơ hình ảnh nước Mĩ bị bêu riếu khắp thiên hạ, tổng thống đành thêm một con số không trên ngân phiếu, nhưng còn bày ra một “ liên minh nhân đạo ” tất nhiên là do Mĩ đứng đầu. Dù rằng “ liên minh quân sự ” ở Irak đang khốn đốn, nhờ sáng kiến của “ W ” Bush, tên sen đầm quốc tế (tạm thời) biến hoá thành người cấp cứu tiên phong, lợi dụng “ thời cơ tuyệt vời ” này để phô trương khả năng “ thương cảm ” của nước Mĩ (hai cụm từ vừa kể là của bà cô Condie Rice khi ra điều trần trước Thượng viện). Cùng một lúc, quốc hội Mĩ đã thông qua thêm 85 tỉ đô la (trong đó 18 tỉ được giải ngân ngay tức thì) cho cuộc phiêu lưu ở Irak, sau khi 350 tỉ trước đây đã tiêu cạn túi. Cái chai nửa vơi, nửa đầy ?

Hơi bị vơi, nếu chúng ta nhìn những con số nợ công cộng và các ngân sách tái thiết của 5 nước bị thiệt hại : hơn 300 tỉ đô la, nghĩa là riêng tiền lãi hàng năm phải trả đã lên tới từ 20 đến 30 tỉ. Khủng bố, cúm gà, bây giờ là sóng thần... Nếu không xoá bỏ, thì ít nhất các nước chủ nợ cũng phải gia hạn và định lại lịch trả nợ. Phải hi vọng rằng 19 nước thành viên của Câu lạc bộ Paris, sau cuộc họp thượng đỉnh ngày 12-1 vừa qua, sẽ đi tới một quyết định cụ thể. Có cần phải nhắc lại rằng, trước thềm thế kỉ mới, cộng đồng quốc tế đã long trọng cam kết “ xoá đói giảm nghèo ” trước năm 2015 ? Đó là những “ mục tiêu thiên kỉ ” : xoá đói cho 300 triệu sinh linh, mang lại nước uống cho 350 triệu người, cứu sống 30 triệu trẻ em... Thách thức còn nguyên đó, nhưng trong vòng 10 năm, vẫn có thể thực hiện. Theo bản báo cáo Sachs (*), chỉ cần các nước giàu nhân đôi ngân sách viện trợ phát triển : từ 0,25 % như trung bình hiện nay, lên 0,58 % ngân sách. Nói cụ thể, bình quân mỗi người Pháp đóng góp mỗi năm 125 euros. Nhiều quá sao ? Phản ứng sau thiên tai 26-12 đã trả lời dứt khoát : công dân các nước giàu tán thành viện trợ cho các nước nghèo, một khi họ thấy rõ sự cần thiết. Sự cần thiết ấy không cần phải chứng minh dài dòng : mỗi năm, những trận “ sóng thần ” thầm lặng (nạn đói, cùng khổ, bệnh dịch...) gây ra số tử vong gấp mười lần cơn sóng thần ngày 26 tháng 12.

Nguyễn Quang

(*) Báo cáo “Millenium Project”, do Jeffrey Sachs điều hợp, 17.01.2005.


SÓNG THẦN / TSUNAMI

Trung tâm địa chấn ở ngoài khơi phía bắc đảo Sumatra, Indonesia.

Tiếng Việt dùng chữ sóng thần để tả con sóng biển khổng lồ tràn ngập vào các vùng bờ biển Ấn Độ Dương ngày 26.12.2004. Tiếng Pháp thông dụng là raz de marée, tiếng Anh : tidal wave, tiếng Hán : hải khiếu 海啸(tiếng gầm của biển). Nhưng cả thế giới càng ngày càng phổ biến dùng cái tên chung gốc Nhật, tsunami, để chỉ hiện tượng thiên nhiên đó. Tsunami tiếng Nhật viết ra, đọc theo âm Hán Việt, là tân ba 津波. Tân là cảng, ba là sóng, sóng đánh vào các cảng. Nhật là nước phải chịu nhiều tsunami nhất thế giới nên cũng là nước có nhiều nghiên cứu nhất về nó. Danh từ tsunami đã du nhập tiếng Anh-Mỹ và từ ngữ quốc tế từ năm 1946, sau cơn động đất tại cực bắc Thái Bình Dương, gây ra sóng thần lớn ở đảo Hawaii, là nơi có nhiều người Mĩ gốc Nhật cư trú.

Một sự chuyển dịch, trượt qua nhau đột ngột của hai mảng thạch quyển, gây ra động đất dưới biển, hay sự bùng ra của một quả núi lửa dưới biển, có thể làm cho một khối nước biển khổng lồ chuyển động theo từng đợt sóng, với một vận tốc lớn (500 - 800 km/giờ), và độ dài sóng cũng rất lớn (400 –500 km). Ở ngoài khơi, chiều cao của sóng không đáng kể, thường dưới 1m, và người đi tàu có thể không biết là con sóng vừa đi qua chỗ tàu mình. Ngược lại, khi vào tới vùng biển nông, gần bờ, khối nước ùn lại, chiều dài sóng giảm đi, cường độ tăng lên, có khi tạo thành những con sóng cao vài chục mét đổ vào bờ, gây thiệt hại khủng khiếp là vì vậy. Nhưng cũng chính vì thế mà chỉ cần biết trước một thời gian ngắn là sắp có tsunami đổ bộ, thì việc di tản dân cư ở vùng biển vào sâu vài chục, vài trăm mét trong đất liền, có thể hạn chế rất nhiều số người thiệt mạng. Một hệ thống quốc tế báo động về tsunami ở Thái Bình Dương đã được thành lập từ năm 1965, đặt ở Ewa Beach, thuộc Hawaï (Mỹ), quy tụ 25 quốc gia. Tại Ấn Độ Dương hệ thống báo động tương tự chưa có, nên mặc dù trung tâm địa chấn của trận động đất ngày 26.12 (gần bờ biển Indonesia) cách Sri Lanka và bờ đông Ấn Độ cả ngàn cây số, gần hai tiếng đồng hồ sau khi động đất nổ ra tsunami mới ào tới, mà chính quyền hai nước này không được báo động kịp thời để di tản dân chúng.

Theo Cơ quan điều tra địa chất Mỹ (USGS), trận động đất ngày 26.12 ngoài khơi biển Indonesia có cường độ 8,9 độ richter, là trận động đất lớn thứ 5 kể từ năm 1900. Trung tâm địa chấn nằm ngoài khơi bờ biển phía tây của mũi bắc đảo Sumatra, cách Banda Aceh 250 km về phía nam - đông nam, và 320 km về phía tây của Medan. Vùng này là nơi hội tụ của 4 mảng thạch quyển, bao gồm: mảng Ấn Độ và Australia di chuyển về phía tây, mảng Sunda và Âu Á chạy về phía đông. Sự di chuyển chéo chân nhau đã tạo ra ứng suất kéo, tích lũy lên mảng Burma, khiến nó có nguy cơ phân tách.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness