TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 67
  • Hôm nay: 1138
  • Tháng: 7877
  • Tổng truy cập: 5141196
Chi tiết bài viết

Bức tâm thư cay đắng của ông chủ nhà máy nước gửi nguyên Tổng Bí thư

Tròn 10 năm trước, Khu kinh tế Nghi Sơn rất cần nước nhưng không ai dám làm, ông Tào Quốc Tuấn đã bỏ cả nghìn tỷ đồng xây dựng Nhà máy nước sạch. Ròng rã 10 năm trồng cây đến ngày hái quả, nhà máy vừa vận hành, ông rơi vào cảnh sống dở chết dở...

Dốc sức đầu tư vào lĩnh vực “không ai dám làm”

Gửi nhiều lá đơn kêu cứu, kiến nghị suốt gần một năm qua không thấu trời xanh, mới đây ông Tào Quốc Tuấn đã viết bức tâm thư gửi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trình bày tình cảnh cay đắng của mình.

Nội dung bức thư cho biết, gần 15 năm trước, ông Tào Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh từ Vũng Tàu mang vốn liếng, tiền của về trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư các khu công nghiệp Tây Bắc Ga, Khu đô thị Đại lộ Lê Lợi, nhà máy ống cống bê tông ly tâm... ở Thanh Hóa.

Bức tâm thư cay đắng của ông chủ nhà máy nước gửi nguyên Tổng Bí thư

Phòng làm việc của ông Tào Quốc Tuấn có câu danh ngôn "không bao giờ thất bại" nhưng ông đã thất bại khi đầu tư trên chính quê hương mình

Năm 2007, khi Khu kinh tế Nghi Sơn được xây dựng, nhu cầu nước dự báo sẽ gia tăng. Có nước thì nhà đầu tư mới vào nhưng khổ nỗi đầu tư nước ngốn nguồn vốn rất lớn, các doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa không ai dám vào đầu tư. Theo lời đề nghị của lãnh đạo tỉnh, ông Tào Quốc Tuấn đầu tư, rót tiền qua nhiều năm lên tới cả nghìn tỷ đồng làm nhà máy nước 90.000m3/ngày đêm tại xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia. Đến năm 2010, nhà máy hoàn thành giai đoạn 1 với 30.000 m3/ngày đêm, phục vụ cho khu kinh tế Nghi Sơn và dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Từ tháng 2/2016 đến nay, Công ty Bình Minh khẩn trương đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy.

Theo quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Nhà máy nước sạch Nghi Sơn sẽ bảo đảm cấp nước cho khu vực Đông Nam khu kinh tế  Nghi Sơn đến năm 2025.Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch xây dựng đường ống nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa đủ nước cho nhà máy hoạt động.

Ngày 28-2-2013, Nhà máy nước Nghi Sơn đã ký hợp đồng cung cấp nước cho nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và từ đó đến nay đã cung cấp nước rất tốt cho nhà máy lọc hóa dầu.

Dự án oái oăm, “nhà máy mới bức tử nhà máy cũ”

Thế nhưng, sự việc oái oăm bất ngờ xảy ra khi ngày 10/6/2016,UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định cho Liên danh Công ty Anh Phát -Sông Chu đầu tư xây dựng thêm nhà máy nước 60.000m3/ngày đêm tại Hồ Quế Sơn, vi phạm quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lạ lùng hơn, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được phê duyệt một cách “siêu tốc” chưa từng có, chỉ 4 ngày sau khi nhà đầu tư có đơn đề nghị.

Bức tâm thư cay đắng của ông chủ nhà máy nước gửi nguyên Tổng Bí thư

Nhà máy nước sạch Nghi Sơn được ông Tuấn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng suốt 10 năm đến ngày hái quả thì có nguy cơ bị "bức tử"

Ông Tào Quốc Tuấn chua xót cho biết: “Họ đặt nhà máy nằm ở vị trí yết hầu, bóp nghẹt luôn nhà máy chúng tôi đã đầu tư. Nguy hiểm hơn, với nhà máy mới này thì nguồn cung nước cho khu vực bị thừa, Công ty chúng tôi sẽ phải san sẻ việc phân phối nước cho dự án lọc hóa dầu. Họ lại ở vị trí án ngữ nguồn nước thô. Nên với sự ra đời của nhà máy đó, gần như nhà máy chúng tôi đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị “bức tử”.

Theo ông Tuấn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo không trung thực với Chính phủ và các bộ ngành, lập lờ đưa việc mở rộng khu kinh tế Nghi Sơn với nhu cầu nước nói chung để xóa nhòa thực tế khu vực Đông Nam khu kinh tế đã có nhà máy nước sạch Nghi Sơn. Từ đó, tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch hệ thống cung cấp nước, bổ sung thêm một nhà máy nước tại khu vực Hồ Quế Sơn.

Trước nguy cơ bị bức tử như vậy, ông Tào Quốc Tuấn đã viết hàng chục lá đơn kêu cứu, kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.

Thủ tướng Chính phủ 6 lần chỉ đạo

Ngày 12/7/2016, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương giải quyết phản ánh, kiến nghị của Công ty Bình Minh. Nhưng trong khi yêu cầu của Phó thủ tướng còn chưa được giải quyết thì ngày 5/8/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có Công văn số 8695/UBND-THKH  gửi Chính phủ đề nghị bổ sung Nhà máy nước sạch tại hồ Quế Sơn vào Đồ án điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ngày 16/8/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 19/9/2016, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ  nêu rõ quan điểm: “Đề nghị cần đánh giá thực trạng cấp nước, nguồn cấp nước thô, phạm vi cấp nước, phân lại vùng cấp nước, đề xuất vị trí của từng nhà máy nước (Bao gồm nhà máy nước tại Hồ Quế Sơn). Công suất của nhà máy nước sạch (trong đó có nhà máy nước tại Hồ Quê Sơn) sẽ được xác định cụ thể trong quá trình nghiên cứu quy hoạch trên cơ sở đánh giá hiện trạng, tính chất chức năng của từng nguồn nước”. Có thể nói đây là một công văn thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự khách quan, khoa học, không thể vội vàng khi đưa ra chủ trương đầu tư thêm một nhà máy nước.

Bức tâm thư cay đắng của ông chủ nhà máy nước gửi nguyên Tổng Bí thư

Nhà máy nước Hồ Quế Sơn của Công ty Anh Phát - Sông Chu được triển khai xây dựng từ tháng 10/2016 bất chấp Thủ tướng chưa có ý kiến về việc bổ sung quy hoạch

Trên cơ sở đề nghị trên, ngày 5/10/2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 8373/VPCP-KTN  do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng ký nêu rõ: “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với  Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan khẩn trương đánh giá nhu cầu, khả năng cấp nước; thống nhất đề xuất giải pháp cấp nước nhằm đáp ứng tiến độ, nhu cầu cấp nước cho các dự án vận hành vào năm 2017 và các dự án đang triển khai tại Khu kinh tế Nghi Sơn; đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2016.

Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Xây dựng đã làm việc với các cơ quan liên quan và lấy ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng có văn bản số 2487/BXD-HTKT ngày 4/11/2016 do Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn ký gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chỉ đạo UBND tỉnh Thanh Hóa: “Khẩn trương hoàn chỉnh đề án quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn trình Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó xác định danh mục, tiến độ xây dựng các dự án cấp nước cụ thể cho Khu kinh tế Nghi Sơn. Đồng thời yêu cầu Thanh Hóa khẩn trương đầu tư đường ống dẫn nước thô 90.000m3/ngày đêm đảm bảo nguồn nước thô cho nhà máy nước tại khu vực phía Đông Nam khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo kiến nghị trên thì rõ ràng Bộ Xây dựng qua làm việc, nghiên cứu chưa đồng tình với việc bổ sung thêm nhà máy nước tại Hồ Quế Sơn vào điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế Nghi Sơn mà phải xác định danh mục, tiến độ xây dựng các dự án cấp nước cụ thể.

Bộ Xây dựng ban hành hai công văn trái ngược

Vậy mà bất ngờ chỉ 10 ngày sau, chính Bộ Xây dựng lại có Văn bản số 2559/BXD-HTKT do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký trình Thủ tướng Chính phủ với nội dung: “Đồng ý bổ sung nhà máy nước tại Hồ Quế Sơn vào điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn và giao cho tỉnh Thanh Hóa được chủ động chỉ đạo đầu tư nhà máy nước nói trên”. Văn bản này chẳng những trái ngược với chính văn bản Bộ Xây dựng đã ban hành trước đó chỉ 10 ngày mà còn chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8373/VPCP-KTN . Không những thế, ý kiến này còn có phần “vượt quyền” Thủ tướng khi đề nghị “giao cho tỉnh Thanh Hóa được chủ động chỉ đạo đầu tư nhà máy nước nói trên”. Có lẽ Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã quên rằng từ khâu đồng ý về nguyên tắc đến việc xây dựng một nhà máy còn cần phải thông qua sự thẩm định của rất nhiều bộ, ngành khác chứ không thể giao cho một địa phương “chủ động chỉ đạo”.

Bức tâm thư cay đắng của ông chủ nhà máy nước gửi nguyên Tổng Bí thư

Ồ ạt xây dựng như muốn đặt dự án vào sự đã rồi

Cùng một bộ chủ quản mà Thứ trưởng ký văn bản một đằng sau đó Bộ trưởng lại ban hành văn bản một nẻo khiến nhà đầu tư không khỏi bức xúc, hoang mang vì cách làm trên là thiếu khách quan, phản khoa học, bóp nghẹt quyền lợi nhà đầu tư, khiến Công ty Bình Minh bị chặn nguồn nước thô cấp cho nhà máy và thị trường bị thu hẹp có thể phá sản, lãng phí nguồn lực đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Nhận được bức tâm thư kêu cứu trên, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có ý kiến: “Kính chuyển đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ xem xét lại ý kiến về xây dựng Nhà máy nước tại Hồ Quế Sơn (Thanh Hóa). Nên xem xét kỹ ý kiến của 3 Bộ tại Văn bản số 2487 ngày 4/11/2016”.

Ngày 20/12/2016, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan và có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 11044/VPCP-CN nêu rõ: “Đồng ý về mặt nguyên tắc theo đề xuất của các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường về việc bổ sung dự án Nhà máy nước sạch tại Hồ Quế Sơn vào đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn. UBND tỉnh Thanh Hóa cập nhật dự án nhà máy nước tại hồ Quế Sơn vào đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn; Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc bổ sung quy hoạch phải đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của Khu kinh tế  Nghi Sơn và hiệu quả các dự án cấp nước đang đầu tư”.

Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu trên mới chỉ “đồng ý về mặt nguyên tắc” để bổ sung dự án vào đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch. Còn quy hoạch đó có trở thành hiện thực hay không còn phải thông qua Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là chưa kể việc bổ sung quy hoạch đó phải vừa đáp ứng nhu cầu cấp nước, vừa bảo đảm hiệu quả của các dự án cấp nước đang đầu tư (tức dự án của Công ty Bình Minh). Cho nên có thể hiểu là với việc bổ sung này, quy mô nhà máy nước mới đến đâu còn là một bài toán phải tính toán.

Hiểu sai chỉ đạo của Chính phủ, ồ ạt xây dựng trái phép

“Vậy nhưng bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cố tình hiểu sai chỉ đạo trên. Sau khi có Văn bản số 11044/VPCP-CN, UBND tỉnh và Công ty Anh Phát - Sông Chu đã tiếp tục cho dự án nhà máy nước ồ ạt triển khai xây dựng, bất chấp quy hoạch chưa được Thủ tướng phê duyệt, bất chấp dự án chưa được các bộ ngành thẩm định…Hiện nay, nhà máy nước chưa đảm bảo cơ sở pháp lý và kỹ thuật này đang được xây dựng với tốc độ chạy đua với thời gian như muốn đặt công việc vào sự đã rồi.

Nhà máy cũng là một hình ảnh thể hiện sự coi thường kỷ cương, phép nước khi một siêu dự án chưa đủ điều kiện lại ngang nhiên xây dựng “chui” mà không cơ quan nào xử lý. Cơ quan chủ quản về lĩnh vực xây dựng là Bộ Xây dựng cũng không có ý kiến gì trong khi chỉ một công trình Bệnh viện của Công ty Hợp Lực ở TP Thanh Hóa có sai sót về xây dựng trước đó không lâu thì Thanh tra Bộ Xây dựng về tận nơi làm việc, kiến nghị xử phạt hàng tỷ đồng”.

Một sự việc, một nhà máy đầu tư, một khối tài sản đồ sộ cùng nhiều tâm huyết của cựu đại tá công an, doanh nhân Tào Quốc Tuấn dù đã được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần có công văn chỉ đạo, dù được nguyên Tổng Bí thư bút phê mong lấy lại sự công bằng cuối cùng vẫn đi tới hồi kết là sự thua thiệt. Ước mơ mang toàn bộ vốn liếng, tâm huyết và trí tuệ cống hiến cho quê hướng khởi sắc của ông Tào Quốc Tuấn đang dần trôi theo dòng nước bạc bẽo cùng những xót xa, cay đắng  không thể nào tả xiết…

Quang Minh

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness