TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 221
  • Hôm nay: 733
  • Tháng: 7472
  • Tổng truy cập: 5140791
Chi tiết bài viết

Các nhà kinh tế giải thích lý do khủng hoảng xảy ra cứ 18 năm/lần

Nền kinh tế Hoa Kỳ đã vận hành theo một chu kỳ cố định trong suốt gần 200 năm qua. Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu chu kỳ này tiếp diễn, chúng ta có thể lường trước một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ bắt đầu từ năm nay và lên đến đỉnh điểm vào năm 2019.

Chu kỳ 18 năm

Một trong những lời cảnh báo đầu tiên cho cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đến từ ông Fred Harrison, nhà kinh tế học trú tại Anh Quốc và là Giám đốc của Quỹ Nghiên cứu Đất đai (Land Research Trust). Ông bắt đầu cảnh báo các xu hướng từ năm 1997, và vào tháng 4 năm 2005 ông đã cảnh báo rằng sự bùng nổ bất động sản sẽ chỉ tiếp diễn thêm ba năm nữa, sau đó nó sẽ sụp đổ vào năm 2008.

Ông đã phát biểu công khai và lên tiếng với Thủ tướng Anh lúc đó là ông Tony Blair về dấu hiệu của cuộc khủng hoảng. Ông cũng đãphát biểu với giới báo chívà trình bày số liệu của ông cho thấy xu hướng này. Tuy nhiên, như nhiều người khác từng đi đến kết luận tương tự, lời cảnh báo của ông đã bị phớt lờ cho đến khi cuộc khủng hoảng thực sự xảy ra.

Giờ đây, ông Harrison lại một lần nữa cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đang đến gần, và những dự đoán của ông lại một lần nữa được chứng minh là sự thật. Chỉ mới năm ngoái, ông đã cảnh báo về những vấn đề kinh tế mới bắt đầu lộ diện vào năm 2016.

Ông cho biết vấn đề là nền kinh tế cứ lên và xuống đều đặn như kim đồng hồ.

“Chúng ta biết rằng giá trị đất đai đã vận hành với chu kỳ 18 năm trong hàng thế kỷ qua. Thực tế là, có một chu kỳ 18 năm rất rõ ràng, và luôn có một cuộc suy thoái vào giữa kỳ”, ông Harrison cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Một nhà kinh tế khác cũng đã đi đến kết luận giống như ông Harrison, đó là ông Amar Manzoor, tác giả cuốn“Nghệ thuật Chiến tranh Công nghiệp (The Art of Industrial Warfare)“, đồng thời là người sáng tạo ra hệ thống đào tạo7Taocho các tiêu chuẩn sản xuất. Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn điện thoại rằng: “Chu kỳ 18 năm này đã dẫn đến sự suy giảm ồ ạt của ngành công nghiệp và là gót chân Asin trong hoạt động của các nền kinh tế phương Tây.”

Ông Steve Hanke của Viện Cato, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, đãnhận thấy chu kỳ nàytrong một báo cáo tháng 2 năm 2010. Ông nói rằng vấn đề nằm ở chu kỳ giá trị đất đai, mà chu kỳ này lại có hiệu ứng dây chuyền đối với chu kỳ xây dựng, chu kỳ kinh doanh, và tới toàn bộ nền kinh tế.

Ông Hanke viết: “Ngoại trừ thời chiến tranh thế giới II, đỉnh điểm của hầu hết các chu kỳ bất động sản là cứ sau khoảng 18 năm”. Ông cho thấy điều này hầu như vẫn tiếp diễn trong suốt hơn 200 năm qua với thời điểm giá trị đất đai lên đến cao điểm vào năm 1818, 1836, 1854, 1872, 1890, 1907, 1925, 1973, 1979, 1989, và 2006.

chu ky kinh te

Chu kỳ tài chính 18 năm được thể hiện trong biểu đồ trên. Các chuyên gia nhận thấy rằng chu kỳ này từng bị gián đoạn vào hồi chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, nhưng đã trở lại trạng thái như cũ vào năm 2006. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)

Các cuộc chiến tranh thế giới đã làm gián đoạn các chu kỳ 18 năm, tuy nhiên ông Hanke lưu ý rằng các số liệu thống kê từ tài liệu “Cuộc khủng hoảng năm 2008” của nhà kinh tế học Fred E. Foldvary đã cho thấy chu kỳ giá trị đất đai, chu kỳ xây dựng, và chu kỳ kinh doanh đã trở lại trạng thái như trước khi bị gián đoạn vào năm 2006, ngay trước khi cuộc khủng hoảng 2008 xảy ra.

Ông viết: “Tất nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các cuộc suy thoái đều có một chu kỳ bất động sản dẫn trước. Nó chỉ nói lên rằng tất cả các chu kỳ bất động sản đều đã tạo ra các cuộc suy thoái kinh tế”.

Nếu chu kỳ này tiếp diễn, thì cuộc suy thoái tiếp theo có lẽ sắp xảy đến. Ông Harrison dự đoán rằng cuộc suy thoái giữa chu kỳ sẽ xảy ra vào năm 2019, và thị trường bất động sản hiện nay sẽ đạt đỉnh vào năm 2026 và ngay sau đó là một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Của cải từ đất đai

Một trong những yếu tố quan trọng thường bị bỏ qua là một phần đáng kể của nền kinh tế Hoa Kỳ dựa vào bất động sản. Theo Hiệp hội Quốc gia các nhà xây dựng của Mỹ, hoạt động đầu tư cư trú và dịch vụ nhà ở chiếm khoảng 17% GDP nước Mỹ.

Vấn đề là khoảng 70% GDP của Mỹ đến từ hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động chăm sóc sức khỏe của chính phủ, và những yếu tố này lại bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong chu kỳ kinh doanh.

GDP của Mỹ hiện vẫn phản ánh những gì được trình bày trong cuốn sách của Adam Smith được xuất bản năm 1776 với tên gọi “The Wealth of Nations” (Nguồn gốc của cải các quốc gia), trong đó cho rằng ba thành phần để một nền kinh tế hoạt động là tiền lương, lợi nhuận và địa tô. Cuốn sách này được coi là một cuốn giáo khoa không thể thiếu trong kinh tế học cổ điển.

Tuy nhiên, theo ông Harrison, trường phái tân cổ điển đã “loại bỏ đất đai ra khỏi phạm vi xem xét”. Ông nói: “Họ nhìn nhận thế giới dưới mô hình gồm hai yếu tố, lao động và vốn, và họ đã chôn vùi khái niệm về đất như một loại vốn”.

Khuôn mặt của một giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York trong cuộc khủng hoảng 2008 (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Khuôn mặt của một giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York trong cuộc khủng hoảng 2008 (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Ông Harrison nói rằng dù đất đai và địa tô đóng vai trò quan trọng trong GDP, nó lại chỉ được xem như là một tiểu thể trong phân loại vốn.

Vấn đề từ cách nhìn nhận này đã được thể hiện rõ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông Harrison nhận thấy cuộc khủng hoảng này bị đổ lỗi cho “các ngân hàng ngu ngốc không biết quản lý tiền”, trong khi đó ở một mức độ sâu hơn, đó là vì “các ngân hàng tham gia vào thị trường bất động sản và điều đó đã gây ra vấn đề”.

Ông khẳng định: “Đó là một vấn đề về bất động sản”, và nhận thấy rằng các chính phủ “chưa làm được gì để ngăn chặn sự sụp đổ tiếp theo, vì họ còn đang bận giám sát các ngân hàng”.

“Kinh tế học hiện nay là kinh tế học của một nền kinh tế quái gở”, ông Harrison nhận định và lưu ý rằng các dự báo kinh tế cần phải xét đến đất đai và tài nguyên thiên nhiên.

Phá vỡ chu kỳ 18 năm

Chu kỳ 18 năm mà giá trị đất đai gây ra lần đầu tiên được chỉ ra bởi nhà kinh tế học về đất đai Homer Hoyt vào những năm 1930, và một giải pháp cho vấn đề này lần đầu tiên được đề xuất bởi nhà kinh tế học chính trị kiêm nhà báo Henry George sống thời thế kỷ 19, người đã phổ biến quan niệm (được gọi là “Georgism”) cho rằng giá trị của đất đai và các nguồn lực nên bị đánh thuế, chứ không phải là thu nhập và đầu tư.

Ông nhìn nhận rằng việc đánh thuế nặng lên tiền lương, cùng với những cơ chế ngăn cản người dân tiếp cận giá trị của các tài nguyên thiên nhiên, cũng bằng như chế độ nô lệ.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo ra chu kỳ 18 năm là việc người dân bị đưa ra mức giá quá cao khiến họ không thể tham gia vào thị trường.

Một giao dịch viên tại sàn chứng khoán Frankfurt năm 2008 (Ảnh: Ralph Orlowski/Getty Images)

Một giao dịch viên tại sàn chứng khoán Frankfurt năm 2008 (Ảnh: Ralph Orlowski/Getty Images)

Ông Harrison nói: “Chu kỳ bất động sản được quyết định bởi lãi suất. Mức lãi suất thấp kỷ lục ngày nay đang khiến giá nhà tăng bất thường vào giai đoạn rất sớm trong chu kỳ hiện tại”.

Ông cho rằng: “Nếu các chính phủ muốn kiểm soát chu kỳ này, họ cần phải thay đổi các ưu đãi – tức là tái cân bằng chế độ đánh thuế bằng cách tăng tỷ lệ đánh thuế tài sản và giảm đánh thuế đối với thu nhập và lợi nhuận”.

Thuế đất mà nhà kinh tế học George đề xuất về mặt lý thuyết có thể phá vỡ chu kỳ 18 năm bằng cách làm gián đoạn chu kỳ mà thị trường bất động sản lên giá quá cao khiến người dân không thể tham gia vào thị trường. Do việc đánh thuế dựa trên giá trị đất đai, bao gồm cả giá trị bất động sản, chủ đất sẽ ít có khả năng liên tục thổi phồng giá trị đất.

“Chúng ta đã bị tẩy não thành ra không nhận thấy tầm quan trọng của đất đai và địa tô, và cho rằng chu kỳ kinh tế cứ hoạt động như nó vốn thế, tạo ra sự đổ vỡ, và nó cứ lặp lại như vậy trong khi nó có thể được sửa chữa một cách dễ dàng”, theo nhận định của ông Harrison.

Đài Loan là một ví dụ cho cơ chế này. Sau khi Đài Loan và Trung Quốc đại lục chia tách, Đại lục tin vào việc nắm giữ và kiểm soát vùng lãnh địa của họ, trong khi Đài Loan theo con đường dân chủ tin vào việc cho phép thị trường hoạt động tự do, đồng thời thiên về đánh thuế đất đai hơn là tiền lương.

Ông Harrison khẳng định: “Lý do tại sao Trung Quốc hiện đang đắm chìm trong rắc rối là vì họ cho phép các quan chức địa phương lấy đất, và toàn bộ hệ thống lâm vào cảnh hỗn loạn. Tuy vậy, ngay trước mặt họ, họ có Đài Loan là một ví dụ để học hỏi.”

Ông cho biết Đan Mạch là một ví dụ khác, nước này cũng đã áp dụng cơ chế của nhà kinh tế George. Mặc dù có ít nguồn tài nguyên thiên nhiên, Đan Mạch lại được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh, và họ có thị trường nhà ở tốt nhất thế giới.

“Ở đó họ có một nền kinh tế tiên tiến với nguồn tài nguyên thiên nhiên rất nghèo nàn, còn thu nhập bình quân đầu người của họ thì còn cao hơn của Vương quốc Anh”, ông Harrison nói.

Tất nhiên, nhiều chính phủ không cho thấy tín hiệu nào trong việc thay đổi những cơ chế này, và các đợt suy thoái kinh tế sắp tới chắc sẽ không thể tránh khỏi.

Ông Harrison tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới có thể là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà chúng ta từng chứng kiến với lý do đơn giản rằng nền kinh tế toàn cầu hiện nay được kết nối với nhau hơn bao giờ hết. Ông cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến một tình huống là các cường quốc lớn sẽ buộc phải chiến đấu hoặc sụp đổ.

Ông nói: “Hoặc là chúng ta sẽ giải quyết điều này một cách hòa bình, hoặc là chúng ta đi đến một cuộc chiến tranh đẫm máu gay gắt. Tất cả những dấu hiệu cho thấy chúng ta sắp đi đến một cuộc chiến tranh đẫm máu bởi vì không có cách nào khác thoát khỏi vấn đề này.”

Một cuộc xung đột sắp xảy ra

Từ quan điểm rằng các chính phủ sẽ không thay đổi cơ chế đánh thuế, nhà kinh tế học Amar Manzoor thì nhìn nhận cuộc khủng hoảng tài chính đang lờ mờ lộ ra. Thay vì bảo các chính phủ thay đổi điều này, ông đã tạo ra hệ thống 7Tao để giúp các doanh nghiệp khắc phục và xử lý vấn đề.

Ông Manzoor đã vận hành phương pháp huấn luyện tác chiến công nghiệp 7Tao cho các doanh nghiệp của Anh Quốc cùng với sự hợp tác từ hệ thống giáo dục của chính phủ Anh. Hệ thống này hiện được vận hành trên toàn cầu dành cho tất cả các tổ chức thông qua Công ty Đối tác BLACKOPS.

Ông phát biểu: “Cá nhân tôi không nghĩ rằng các chính phủ có khuynh hướng cải cách. Chỉ là họ sẽ không chú trọng điều đó. Vì vậy, đến lượt các doanh nghiệp phải học cách để tồn tại trước những khó khăn trong tương lai.”

Ông cũng cho rằng: “Các nhóm lợi ích thà có một cuộc chiến tranh thế giới còn hơn phải thay đổi hệ thống thuế của họ”.

Ông Amar ghi nhận rằng cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ gắn chặt với nền kinh tế toàn cầu và tác động của nó sẽ là ở quy mô toàn cầu.

Ông cảnh báo rằng năm nay, phương Tây có thể sẽ cảm nhận được “hiệu ứng boomerang từ sự sụp đổ của thị trường nhà ở của Trung Quốc”, và điều này có thể gây ra suy thoái trong thị trường hàng hóa, thị trường trái phiếu và tiền tệ được giao dịch trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông nói: “Trung Quốc đang phải gánh chịu cùng một chu kỳ bất động sản 18 năm mà giới phương Tây vốn trải qua, và một cách tự nhiên, nếu nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này hắt hơi, thì tất cả chúng ta đều sẽ bị cảm lạnh”.

Khi đợt suy thoái kinh tế giữa thời kỳ xảy ra vào năm 2019, ông cho rằng “những tác động sẽ là thảm khốc do cuộc suy thoái này sẽ nhức nhối như cuộc khủng hoảng năm 2008.”

Và khi chu kỳ 18 năm kết thúc vào năm 2026, ông Manzoor cho rằng “các khoản thế chấp không thể chi trả nổi, giá nhà cao một cách khủng khiếp và giá đất không bền vững sẽ dẫn đến một sự sụp đổ lớn nhất trong lịch sử của nhân loại.”

Ông cũng cảnh báo rằng các chính phủ đang chuẩn bị cho xung đột, mà một yếu tố sẽ là việc xây dựng lực lượng quân đội, điều vốn đang diễn ra tại hầu hết các cường quốc lớn nhỏ.

Ông Manzoor so sánh điều này với một vũng nước khi tất cả các loài động vật trong khu rừng đến uống số nước còn lại. Ông nói: “Câu hỏi đặt ra là, điều gì xảy ra ở vũng nước này? Các loài vật sẽ chiến đấu với nhau để có được nước; chúng sẽ bảo vệ vùng nước của chúng và tấn công bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào cố đến lấy nước”.

Với nền kinh tế toàn cầu hiện nay vốn kết nối sâu rộng, và “có quá nhiều đối thủ cạnh tranh đều tìm kiếm một lát bánh hữu hạn, không thể tránh khỏi việc sẽ có xung đột kinh tế để giành lấy nguồn tài nguyên đang suy giảm.”

Theo Joshua Philipp, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Mai Lan biên dịch

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness