TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 87
  • Hôm nay: 383
  • Tháng: 7122
  • Tổng truy cập: 5140441
Chi tiết bài viết

Cách mạng 4.0 và đô thị thông minh - Bài 6: Có nên kỳ vọng vào Mỹ?

Ở bài 5, mở đầu cho loại bài “Thực tế triển khai đô thị thông minh trên thế giới” đã giới thiệu năm yếu tố chính chi phối, tác động lên các chiến lược đô thị thông minh của từng loại đô thị. Bài viết này tập chung vào nước Mỹ bởi quốc gia này luôn được coi đi tiên phong trong các cuộc cách mạng kinh tế, công nghệ... trên thế giới.

Nước Mỹ là một trường hợp rất đặc biệt của thế giới. Mỹ đi đầu trên nhiều lĩnh vực: từ kinh tế, khoa học công nghệ, quân sự, chính trị v.v. Đặc biệt là những thứ gì liên quan tới công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, mạng v.v. thì thế giới vẫn thường phải xem Mỹ đã và đang làm gì để học theo. Nhất là đối với các nước đang phát triển thì Mỹ là một tấm gương gần như bất khả xâm phạm.

Vì thế, đối với vấn đề đô thị thông minh nói riêng và công nghệ 4.0 nói chung, việc đầu tiên cần tìm hiểu xem Mỹ làm gì. Tuy nhiên, việc xem Mỹ làm gì không quan trọng bằng hiểu được tại sao lại như vậy, vì Mỹ có rất nhiều đặc thù mà không nơi nào có được. Cho nên, không phải cứ Mỹ làm gì là nước khác có thể làm theo.

 Mỹ có phải đế quốc thực dân kiểu mới?

Lâu nay chúng ta đều nghe nói rất nhiều về Mỹ là đế quốc, thực dân kiểu mới. Hiểu nôm na là đế quốc này chủ yếu dùng quyền lực kinh tế để thống trị, bóc lột những nước thuộc địa, chứ không dùng cách chiếm đóng quân sự và bắt ép lao động như những đế quốc, thực dân kiểu cũ mà ta vẫn hiểu từ thời La Mã cho tới Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức sau này. Nhưng cơ chế của việc bóc lột kiểu thực dân mới này như thế nào thì có lẽ không nhiều người  có thể hình dung ra một cách rõ ràng.

Cach mang 4.0 va do thi thong minh - Bai 6: Co nen ky vong vao My? - Anh 1

Trong cuốn "Các cuộc chiến tranh tiền tệ" James Rickrds đưa ra khái niệm "xén lông cừu", có nghĩa là cứ nuôi cho béo, cừu dài lông rồi lại cắt lấy lông. Ảnh minh họa: Getty Images

Đa số quan niệm mơ hồ là Mỹ là tư bản, đầu tư ở khắp nơi và qua đó bóc lột giai cấp công nhân. Tuy nhiên, quan điểm mang tính Marxist này đã không còn sức thuyết phục. Người ta cho rằng hợp đồng lao động giữa công nhân và chủ doanh nghiệp về cơ bản là dựa trên thoả thuận hợp đồng bình đẳng và công bằng.

Sự yếu thế thông thường của người công nhân đơn lẻ trước nhà tư sản đã được cân bằng lại phần nào nhờ có can thiệp của nhà nước, luật pháp và đặc biệt là công đoàn. Việc đầu tư sản xuất được coi là có lợi cho các bên, vì nó sẽ tạo ra sản phẩm và thặng dư. Cho dù cái bánh được chia không đều, không công bằng thì cũng còn hơn là không có cái bánh nào được làm ra. Ngày nay, nước nào cũng mong có tư bản chảy vào. Vì thế, nếu coi Mỹ là thực dân kiểu mới vì họ đầu tư thì vô nghĩa, vô lý. Chưa kể là Mỹ cũng không hẳn là nước đầu tư nhiều ở các nơi đến mức có thể quyền sinh quyền sát như là một thực dân.

Trong cuốn "Các cuộc chiến tranh tiền tệ" James Rickrds đưa ra khái niệm "xén lông cừu", có nghĩa là cứ nuôi cho béo, cừu dài lông rồi lại cắt lấy lông. Những kẻ xén lông ở đây  được cho là một nhóm nhỏ tài phiệt Anh - Mỹ, lũng đoạn toàn bộ hệ thống kinh tế thế giới. Và các con cừu bao gồm hầu như tất cả các nền kinh tế, trong đó có cả chính nền kinh tế Mỹ. Hễ nền kinh tế nào phát đạt lên là đều sẽ bị nhắm để xén lông.

Đây là một khái niệm theo tôi là mô tả rất sát hiện tượng chu kỳ khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, tác giả  lại chưa giải thích rõ làm thế nào mà một nhóm tài phiệt lại có thể xén lông cừu, lũng đoạn thế giới được. Tôi sẽ cố gắng thử làm việc này.

Đồng Đô la và cơ chế sòng bạc quốc tế

Cơ chế xén lông cừu chính là cơ chế của sòng bạc. Những ai đã từng chơi bạc ở Casino thì biết rằng cuối cùng nhà cái bao giờ cũng thắng. Lý do không phải do nhà cái ăn gian, mà là vì vốn của nhà cái vô tận, trong khi vốn của những người chơi là hữu hạn. Bản chất của đỏ đen là xác xuất. Nếu chơi vô hạn thì về lý thuyết hai bên sẽ hoà. Nhưng vấn đề là người chơi nếu thắng sẽ chơi tiếp, nhưng đã thua cháy túi thì không tham gia tiếp được nữa.

Trên sòng bạc quốc tế, Mỹ là nhà cái lớn nhất, và đồng Đô la chính là đồng chip lưu hành trong sòng bạc này. Nhóm tài phiệt quốc tế Anh Mỹ khống chế đồng Đô la, và như vậy là làm chủ sòng bạc. Vì vậy, họ sẽ xén lông của tất cả những con cừu con nào vào sòng đánh bạc. Sau khi xén lông, nhóm tài phiệt này sẽ thông qua những tổ chức ngân hàng quốc tế như WB, ADB, IWF v.v. để tài trợ cho các con bạc cháy túi hoàn lương, lại bước vào cuộc đời làm ăn chăm chỉ, tự vỗ béo để chờ tới đợt xén lông lần sau.

Vậy khi nào là đánh bạc, và làm sao có thể khiến toàn cầu đánh bạc?

Trước hết, phải khẳng định mọi hoạt động sản xuất, lao động bình thường làm ra của cải không phải là đánh bạc. Cho dù là anh nông dân đi cày, hay anh thợ thủ công làm đôi giày, hay anh công nhân và chủ của anh ta làm nhà máy, hoạ sỹ vẽ tranh, thày giáo dạy học, cho đến cả thương gia buôn bán lấy lời chênh lệch bình thường cũng đều không phải đánh bạc. Họ lao động, tạo ra sản phẩm, tích luỹ và ngày một giàu có lên. Họ là những con cừu hàng ngày gặm cỏ và béo ra, lông dài ra.

Cach mang 4.0 va do thi thong minh - Bai 6: Co nen ky vong vao My? - Anh 2

Một phòng chơi máy đánh bạc tại St. Louis (tiểu bang Missouri, Mỹ). Ảnh mang tính minh họa

Còn đặc trưng của việc đánh bạc, cho dù là bài lá, hay lô đề, hay cá độ bóng đá v.v. là anh không làm ra sản phẩm gì mới gì mà mong là số tiền của mình tự nhiên nhiều lên. Anh đặt cược một số tiền, không phải là đầu tư sản xuất, mà là để sẽ được một số tiền gia tăng trong trường hợp xảy ra một sự kiện nhất định không tính trước được, chẳng hạn đỏ hay đen, tăng hay giảm, một số đề về v.v. và chịu mất số tiền đó nếu trường hợp nói trên không xảy ra.

Trong một nền kinh tế, đang bình thường không có lạm phát đặc biệt, mà tự dưng tất cả đều đổ dồn vào mua một số mặt hàng nào đó, để mong giá của nó sẽ lên từng ngày mà không có một lý do vật chất nào ở đằng sau, mà ta thường gọi là các cơn "sốt", thì đó chính là hiện tượng đánh bạc tập thể. Hiện tượng giá tăng chính là việc các con bạc tăng tiền đặt cửa cho hiện tượng dự đoán là giá sẽ tăng tiếp.

Một ví dụ kinh điển trong lịch sử kinh tế thế giới là hiện tượng sốt hoa tulip ở Hà Lan. Cùng một củ hoa đó, không làm gì cả mà mỗi một ngày thức dậy, giá lại tăng lên vòn vọt, cho tới khi một củ hoa có thể đổi cả một toà lâu đài. Ở Việt Nam, chúng ta cũng từng chứng kiến các loại sốt tương tự như chó Nhật, vẹt Hồng    Kông, gỗ sưa v.v. Nhưng đó là những sòng bạc nhỏ, chỉ lôi kéo được một dúm con bạc. Sòng bạc lớn chính là những cơn sốt chứng khoán, sốt bất động sản.

Cùng miếng giấy cổ phiếu đó, cùng một cái sổ đỏ đất đó, chưa ai làm gì ra sản phẩm gì mới, mà mỗi ngày giá cứ tăng lên vùn vụt, thì đó chính là đánh bạc. Người chơi đặt tiền không phải cho bản thân cổ phiếu hay miếng đất đó, mà chỉ là đặt tiền cho canh đỏ đen giá sẽ tăng hay giảm. Lượng tiền đặt cho miếng đất hay cổ phiếu đó hoàn toàn không liên quan tới giá trị thực, hay giá trị sử dụng của vật chất đằng sau đó. Khi giá còn tăng, tức là các con bạc còn thắng. Đến khi bong bóng nổ, mặt hàng đó mất giá trị, thậm chí như trường hợp hoa tulip, trong một buổi từ một lâu đài xuống còn không bằng củ hành, vứt bỏ đầy đường, thì tức là các con bạc đặt cửa tăng đều thua cháy túi. Chỉ cần nhà cái theo đến cùng, tới khi các con bạc thua hết tiền không gỡ lại được là nhà cái sẽ vơ hết. Đó là chưa kể nhà cái ở đây, tức là một nhóm tài phiệt toàn cầu, thậm chí hoàn toàn có thể khống chế kết quả đổ bạc, tức là quyết định được lúc nào thì giá sẽ tăng hoặc giảm.

Khi một xã hội bị rơi vào tình trạng sốt, tức là một số đông người có tiền đánh bạc, khi đó sẽ xảy ra tình trạng đặc trưng là lãi suất vay nóng tăng lên rất nhanh, vì lãi suất này được tính trên cơ sở lãi thắng bạc, và cố gỡ khi thua, chứ không phải là trên cơ sở gia tăng giá trị sản xuất. Một con bạc mong trúng con lô sẽ tính là giàu gấp 3 lần chỉ trong 1 phút vậy thì không sá gì mà không vay nóng được vài phần trăm lãi một ngày.

Trong khi đó, người sản xuất cả năm quần quật mới mong lãi được mươi phần trăm. Khi lãi suất chung trên thị trường tăng nhanh như vậy thì tất cả mọi người không ai còn có thể sản xuất được nữa, vì không có sản xuất nào mang lại được lãi suất như vậy. Toàn bộ nền kinh tế quốc dân về cơ bản sẽ ngừng trệ, toàn quốc bị buộc phải đánh bạc. Ai không đánh bạc thì để tiền vào ngân hàng gửi tiết kiệm, nhưng ngân hàng lại bơm cho bọn đánh bạc và có thể phá sản thì cũng mất. Mà nếu để tiền ở nhà, không làm ăn gì, tiền mất giá dần cũng là mất. Tất cả tiền sẽ dồn vào sòng bạc, vì không còn cơ hội đầu tư nào khác. Và như vậy, thông qua mấy con cừu ham đánh bạc, tất cả các con cừu khác đều bị xén lông…

Chứng khoán, bất động sản, startup - Đô thị thông minh

Đành rằng đó là cơ chế xén lông cừu hay cơ chế bóc lột của giới tài phiệt thực Anh- Mỹ. Nhưng chuyện đó thì  liên quan gì đến đô thị thông minh?

Thế thì phải hiểu rằng giống như sòng bạc chỉ có một số trò chơi, ngoài đời cũng chỉ có một số loại mặt hàng có thể trở thành cái cớ cho những dịch sốt và những đợt đánh bạc toàn quốc, thậm chí toàn cầu. Mặt hàng đó phải đảm bảo tiêu chuẩn là mọi người đều cảm thấy muốn sở hữu, cảm thấy có cơ hội tăng giá vì một lý do quan trọng nào đó, nhưng lại không thể tính được cụ thể nó sẽ tăng giá bao nhiêu và tại sao.

Cach mang 4.0 va do thi thong minh - Bai 6: Co nen ky vong vao My? - Anh 3

Từ Silicon Valley, đã phát động hai đợt sốt startup. Ảnh minh họa

Hai mặt hàng kinh điển gây sốt diện rộng là chứng khoán và bất động sản, đặc biệt là đất. Không ai có thể nói chính xác một cổ phiếu đáng giá bao nhiêu, vì đã từ lâu, giá của nó không liên quan gì tới lợi tức cổ đông nữa cả. Cũng không ai có thể biết trong tương lai, một mảnh đất sẽ có giá bao nhiêu, nhưng ai cũng chắc chắn một logic là mảnh đất là có hạn, trong khi người thì đông dần lên, vì thế nhu cầu buộc phải tăng, và giá cũng sẽ tăng.

Tuy nhiên, từ những năm 80 đến nay, một mặt hàng khác cũng là nguyên nhân gây sốt toàn cầu chính là những startup trong lĩnh vực IT. Những startup này được ưa thích, vì ai cũng cho là thời đại mới cần có những doanh nghiệp dịch vụ, sáng tạo như vậy. Nhưng giá trị của những startup đó thì không ai tính được. Bởi vì sản phẩm của họ là vô hình, là dịch vụ, và doanh thu phụ thuộc vào độ lan toả thị trường. Một doanh nghiệp có thể từ con số không lên thành cực lớn như Amazon, Google v.v. Những ví dụ này tương tự như giải độc đắc mà bất kỳ người chơi xổ số nào cũng mơ là mình sẽ trúng được. Nhưng cũng tương tự như xổ số, ngoài những giải thưởng ra, những vé số khác sẽ vô giá trị. Những startup nào không khẳng định được vị thế trên thị trường sẽ không đáng giá gì, vì đằng sau đó không có một cơ sở vật chất hay sản phẩm nào cả. Và tất cả những con bạc nào đặt vào những vé này đều sẽ mất trắng.

Từ Mỹ, đặc biệt là từ Silicon Valley, đã phát động hai đợt sốt startup, dẫn tới xén lông cừu toàn cầu. Đợt thứ nhất chính là sốt dot.com. Những start up thời đó sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ bán những loại mặt hàng tiêu dùng truyền thống. Các doanh nghiệp kinh doanh trên mạng mọc ra như nấm, với các loại dịch vụ. Vấn đề không phải là dịch vụ của các doanh nghiệp này, mà là cơn sốt giá của chính những doanh nghiệp startup này. Trong chớp nhoáng, biết bao doanh nghiệp được thổi phồng lên giá trị hàng triệu, hàng tỷ đô la. Sòng bạc cho phép đặt cửa mọi loại giá trị, từ to đến nhỏ. Cho tới khi bong bóng vỡ, chỉ còn một vài doanh nghiệp dot.com thực sự trụ lại trên thị trường, còn lại tất cả đều mất trắng.

Đợt sốt thứ hai là những start up chuyên hỗ trợ việc bán các doanh nghiệp và bất động sản. Những start up này có thể được coi như một phần đi kèm theo cơn sốt bất động sản và chứng khoán. Và khi bong bóng bất động sản và chứng khoán nổ, bong bóng start up này cũng nổ theo.

Còn tiếp…

TS Phó Đức Tùng

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness