TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 52
  • Hôm nay: 415
  • Tháng: 7154
  • Tổng truy cập: 5140473
Chi tiết bài viết

Cách mạng 4.0 và đô thị thông minh - Bài 9: Châu Âu với nước Đức

Ngoài Mỹ ( bài 6,7) và Israel (bài 8) đã đăng tải, trung tâm thứ 3 trong cuộc cách mạng 4.0 và các ứng dụng cho đô thị thông minh tất nhiên phải kể đến châu Âu , với đầu tiên và đặc biệt là nước Đức.

Đặc điểm của châu Âu là hệ thống đô thị hiện hữu, đã tồn tại từ lâu đời và trong thời gian gần đây rất ít tăng trưởng. Những đô thị quan trọng có lịch sử cả ngàn năm, nhiều đô thị tuy gọi là mới cũng đã trưởng thành từ cả trăm năm trước. Trong quá trình đó, mọi thứ đã được tối ưu hoá dần dần, tạo nên những môi trường đô thị tương đối ổn định và hiệu quả. Những đặc điểm quan trọng nhất của đô thị châu Âu, khác với Mỹ là mật độ tương đối cao và nhiều di sản cần bảo tồn.

Tập trung tạo nên con người thông minh

Mặt khác, tuy cũng từng có thời kỳ ngành công nghiệp ô tô là một ngành chủ lực ở châu Âu, nhất là những nước lớn như Đức, Anh, Pháp và việc làm đô thị phù hợp với ô tô cũng là một trong những lý thuyết được giảng dạy ở châu Âu nhưng chưa bao giờ, điều đó được thực hiện “cực đoan” như ở Mỹ.

Một cách phản đối xe có động cơ ở Paris (Pháp). Ảnh: Hân Hương

Một phần lý do nằm ở địa hình châu Âu và quan trọng nhất là hệ thống đô thị truyền thống đã quá định hình và cần phải bảo tồn. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào đô thị thông minh ở châu Âu cũng được tiến hành một cách thận trọng và chậm hơn ở Mỹ hay Israel.

Các giải pháp đô thị thông minh của châu Âu chủ yếu tập trung vào việc cải tiến 3 lĩnh vực: môi trường, năng lượng và giao thông. Mặc dù các nước chính ở Tây Âu đều đề cao 3 lĩnh vực này, nhưng có thể nói Pháp đang muốn dẫn đầu về môi trường, với những chiến lược toàn cầu nhằm thích ứng biến đổi khí hậu.

Với chiến lược đó, Pháp lại một lần nữa muốn trở thành người dẫn đầu về văn minh nhân loại, như đã từng có vai trò trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật trước đây. Người Đức thì đặt trọng tâm vào vấn đề năng lượng, với những giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng thông minh trong đô thị. Còn các nước Bắc Âu thì đặc biệt chú trọng vấn đề giao thông.

Tuy nhiên, cần phải rõ một điều là cho dù tập trung vào lĩnh vực nào thì châu Âu cũng không đặt trọng tâm vào giải pháp kĩ thuật mà tập trung vào thay đổi ý thực hệ của con người, tức là tạo ra con người thông minh, với các chiến lược khác nhau.

 Đức: Con người dân chủ thông minh, không để Hitler trở lại

Nước Đức có một nét đặc trưng là luôn luôn ám ảnh về câu chuyện lịch sử  Hitler với diệt chủng Do Thái và hai cuộc chiến tranh thế giới. Họ thường xuyên đào xới lại lịch sử và đặt ra câu hỏi là tại sao ở một đất nước văn minh như vậy, nhất là thời kỳ đã có thể chế dân chủ, mà lại có thể xảy ra những việc như chiến tranh thế giới thứ 2 và diệt chủng Do Thái.

Đặc biệt, những người lãnh đạo sáng lập đảng FDP, là đảng tự do dân chủ của Đức, đã tập trung nghiên cứu vấn đề này. Họ cho rằng đấy là bởi vì thời đấy tuy đã có thể chế dân chủ nhưng không có con người dân chủ. Con người Đức thời đấy vẫn là con người của thời quân chủ phong kiến, với đặc điểm là trông chờ một vị minh chúa dẫn dắt. Mấy chục năm qua, đảng này đã xác định nhiệm vụ chính trị hàng đầu của mình là đào tạo con người dân chủ tốt hơn, và  họ đã khá thành công trong chiến lược này. Có thể nói trên mặt bằng chung, dân Đức tương đối  trưởng thành nhất trong khía cạnh ý thức dân chủ.

Một góc hình về Berlin. Ảnh: TL

Tuy nhiên, ngày nay và trong tương lai, đứng trước những thực tế của môi trường ảo và công nghệ 4.0 người Đức nhận ra rằng những con người dân chủ được đào tạo như vậy vẫn không đủ sức đề kháng. Người Đức không quan tâm tới những tiến bộ về kỹ thuật, kinh tế mà cách mạng 4.0 mang lại bằng những mặt trái của nó, nhất là những vấn đề về bảo mật, tính cá nhân, tính độc lập, khả năng ứng xử như những công dân dân chủ thực sự không bị lôi kéo, dẫn dắt một cách nguy hiểm bởi truyền thông v.v.

Họ cho rằng nếu không tạo được những con người dân chủ thông minh thì hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nhiều lần so với thời kỳ Hitler và những thành tựu về chính trị, xã hội họ bao nhiêu công gây dựng trong thế kỷ qua có thể sẽ vô ích hết. Chính vì thế, Đức tập trung vào việc tìm ra những giải pháp để đào tạo ra con người dân chủ thông minh, hơn là những giải pháp kỹ thuật thông minh. Đối với những làn sóng start up náo nhiệt ở Mỹ, người Đức nhìn bằng con mắt rất dè dặt.

Những vấn đề chính được đặt ra trong thời đại 4.0, là: Làm sao để mọi người tăng được nhận thức về những cơ hội và thách thức của thời kỳ 4.0. Làm sao để có được những con người sáng tạo, năng động, có ý thức, để có thể thực sự phát huy được tiềm năng của thời đại 4.0. Làm sao bảo vệ được con người khỏi những mặt trái của công nghệ này, chẳng hạn như vấn đề độc quyền, vấn đề mất cân bằng thông tin, vấn đề bảo mật, vấn đề rác thông tin, ô nhiễm thông tin v.v. Làm sao để tạo ra một sân chơi cho mọi người đều có thể tham gia vào cải thiện môi trường sống đô thị của mình cho phù hợp nhất với từng điều kiện cụ thể, thay vì đơn giản là áp dụng một số giải pháp kỹ thuật ở mọi nơi. Đảng FDP đang xác định đây chính là mục tiêu chính trị chiến lược lớn của họ trong thế kỷ tới ở nước Đức, nhằm khẳng định chỗ đứng của họ trong chính trường Đức.

Còn nếu nói về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật cho đô thị thông minh thì hiện nay, nước Đức đang có chương trình mục tiêu về đô thị thông minh. Trong đó, phát động phong trào đưa ra những giải pháp đô thị thông minh từ địa phương. Ở các thành phố, chính quyền, người dân, các cơ sở nghiên cứu, chuyên gia và các doanh nghiệp cùng  ngồi lại với nhau, xác định chiến lược và các giải pháp đô thị thông minh của thành phố mình.

Sau đó, mỗi thành phố đưa ra một chiến lược, có cam kết của các bên liên quan, rồi gửi đi dự thi ở cấp liên bang. Những chương trình tốt nhất sẽ được lựa chọn để làm mô hình thí điểm, có hỗ trợ về chính sách, tài chính từ liên bang và tiểu bang. Từ đó, xác định một danh sách những đô thị trọng điểm của chiến lược đô thị thông minh ở Đức.

Tàu "S-Bahn" và "U-Bahn" chạy suốt đêm vào dịp cuối tuần ở Berlin, phục vụ việc di chuyển của hành khách. Ảnh: Reuters

Hiện nay, 5 đô thị chính được xác định là trọng điểm đô thị thông minh của Đức gồm:

Berlin: Hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu kết mạng với nhau, mục tiêu là biến Berlin thành một trung tâm quốc tế về các loại công nghệ mới.

Freiheim: Xây dựng một mô hình cho một khu đô thị mới với tất cả những ứng dụng hiện đại nhất về năng lượng, trở thành một showroom cho các giải pháp năng lượng thông minh trong đô thị.

Hamburg: Liên kết với Cisco, nhằm tạo ra một thành phố cảng thông minh đặc sắc nhất thế giới. Các giải pháp bao gồm cả phần cảng và phần đô thị, đặc biệt tập trung vào hệ thống IoT

Mannheim: Kết hợp với MoMa: Internet of energy. Mọi hộ gia đình được kết hợp vào một mạng điều khiển năng lượng, cho phép họ biết rõ những nguồn năng lượng từ các giải pháp bền vững như năng lượng mặt trời và gió, từ đó tự quyết định việc sử dụng năng lượng của mình làm sao cho hiệu quả nhất.

Stuttgart: Smart card cho mọi ứng dụng, dịch vụ đô thị, từ giao thông tới thư viện, bể bơi, vui chơi giải trí v.v.

Đức: Lắm  ôtô là nông thôn hóa đô thị

Trong lĩnh vực giao thông thông minh thì nhìn chung, châu Âu có nhận định rất thống nhất, rằng về cơ bản chiếc ô tô cá nhân là một phương tiện giao thông tai hại về cả lĩnh vực môi trường lẫn văn hoá xã hội. Những vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, tắc nghẽn giao thông v.v. đã quá rõ không cần bàn thêm.

Nhưng sâu hơn là vấn đề biểu tượng của chiếc xe hơi cho con người tự do, mà ta đã thấy trong giấc mơ Mỹ. Theo những nghiên cứu về xã hội học đô thị thì một trong những chất lượng quan trọng nhất của lối sống đô thị là sự tự do. Nhưng bản chất của sự tự do này không nằm ở khả năng tách biệt con người khỏi xung quanh, có một thế giới riêng, muốn làm gì thì làm, như nhiều người quan niệm, mà chính ở cơ hội có thể kết nối, giao tiếp với nhiều người, nhiều thứ, từ đó mà mở mang bản thân mình.  Vậy  tự do kiểu có một không gian riêng, một khoảng trời biệt lập là đặc thù của lối sống nông thôn.

Vì thế, những chiếc xe hơi, mà đi kèm theo nó là hệ thống biệt thự, ban đầu tưởng rằng làm tăng mức độ tự do, vì tạo ra cho mỗi người một thế giới biệt lập, thì lại chính là hình thức nông thôn hoá thành thị, tạo ra những môi trường nông thôn trong lòng thành thị, khiến cho những người thị dân tiếp tục sống theo kiểu nông thôn, và không phát huy được tiềm năng cơ bản nhất về tự do đô thị là giao tiếp cộng đồng. Do vậy, về mặt xã hội học đô thị, chiếc ô tô là một bước lùi chứ không phải một tiến bộ, vì vậy tuyệt đối không nên khuyến khích, mà chỉ nhìn nó như một phương tiện giao thông đơn thuần. Mà nếu xét dưới góc độ giao thông, thì rõ ràng các phương tiện công cộng được cho là tốt hơn, hiệu quả và bền vững hơn. Cho nên ô tô cá nhân chỉ được coi là phương tiện thay thế khi không có phương tiện công cộng tốt.

Đường phố là chốn người ta vui chơi với nhau, không phải chỗ cho bọn ô tô. Ảnh: Hân Hương

Người Đức nhận ra tác hại của ô tô rất rõ. Ở những đô thị lớn và có lịch sử lâu dài, điển hình là Berlin, người ta đã thống kê rằng mặc dù Berlin là một thành phố bị thiệt hại nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng chiến tranh chỉ làm hỏng khoảng 15% di sản đô thị. Đa số những huỷ hoại chiến tranh đều có thể được phục dựng gần như cũ sau chiến tranh. Nhưng để làm cho đô thị này thích ứng với ô tô, khoảng 45% di sản đã bị huỷ hoại vĩnh viễn, không có khả năng phục hồi.

Tuy nhận thức như vậy, nhưng ở mặt khác ngành công nghiệp ôtô là một ngành kinh tế mũi nhọn, một niềm tự hào của công nghiệp Đức, đã giúp nước Đức hồi phục và đi lên sau chiến tranh thế giới 2. Đối với người Đức, tuy chiếc ô tô không phải là biểu tượng của giấc mơ tự do, nhưng cũng là một đồ chơi, vật trang sức quan trọng hàng đầu, mang tính chất màu cờ sắc áo.

Vì thế, một trong những chiến lược rất cơ bản của nước Đức trong vấn đề đô thị thông minh chính là những chính sách và giải pháp đối phó với ô tô. Bài toán đặt ra là: làm sao để mỗi người Đức vẫn hào hứng chơi đồ chơi của mình, thậm chí mỗi người có thể sở hữu nhiều chiếc xe đắt tiền. Làm sao để ngành công nghiệp ô tô vẫn phát triển, vẫn là mũi nhọn của nước Đức, niềm tự hào của công nghệ Đức. Tuy nhiên làm sao để đó thực sự chỉ như đồ chơi, như chiếc áo mặc diện, chứ không dùng hàng ngày. Nói chung, hướng giải pháp bao gồm những ý chính sau:

- Nếu anh sống ở nông thôn, anh sẽ có rất nhiều chỗ để đỗ ô tô, kể cả trong nhà hay ngoài đường. Giá xe rất rẻ nên anh có thể sưu tầm nhiều chiếc ô tô, bầy chơi như ta chơi thú cưng, chơi cây cảnh...

- Khi anh di chuyển giữa các thành phố, anh có thể dùng đường cao tốc, và đi ô tô. Nhưng  điều đó ngày càng  trở nên không thuận lợi, không rẻ bằng đi tầu hoả, máy bay hay xe buýt.

- Khi vào thành phố, nhất là khu vực trung tâm, gần như không có cách nào sử dụng ô tô. Gần như không thể tìm được chỗ đỗ xe, nếu có thì cũng rất đắt, và ôtô không thể di chuyển trong nội đô nhanh chóng, chắc chắn bằng phương tiện công cộng. Biến tất cả các lõi trung tâm đều là khu vực đi bộ, cấm ô tô.

- Gia tăng các loại kiểm soát giao thông ô tô, đưa ra đủ các thể loại phạt, từ phạt tốc độ, phạt sai làn, phạt vượt đèn đỏ, uống rượu, nghe điện thoại khi lái xe v.v. Một mặt để tăng an toàn giao thông, nhưng mặt khác cũng là để giảm độ hấp dẫn của phương tiện này. Tất cả các đường làng, đường liên vùng không cao tốc ở Đức từ xưa đều đủ tiêu chuẩn cho tốc độ từ 80 đến 100km/h. Bây giờ đa số đều khống chế còn 40, 50km/h, và cứ  khoảng 2km lại có một máy bắn tốc độ, làm xe không thể đi nhanh được. Như vậy, nếu anh rảnh rang mà đi dạo chơi, ngắm cảnh, khoe xe thì có thể đi ô tô, chứ còn cần đi nhanh thì chịu.

- Thay vì quy chuẩn kỹ thuật cho các khu đô thị mới là phải đảm bảo được bao nhiêu chỗ đỗ xe để cho mức giao thông tĩnh tối thiểu như trước đây, ngày nay, đa số các khu đô thị mới ở Đức lại giao chỉ tiêu  mức tối đa cho phép bao nhiêu chỗ đỗ, nghĩa  là càng ít  chỗ càng tốt. Và trong bảng tính điểm chất lượng kỹ thuật cho các khu đô thị mới để phê duyệt quy hoạch, càng ít chỗ đỗ thì chấm điểm càng cao, và càng nhiều bãi để xe đạp thì càng được tăng điểm. Tất nhiên song song với việc giảm chỗ đỗ xe hơi thì  sẽ phải có những phương tiện vận tải hấp dẫn khác để đảm bảo giao thông và  để người sử dụng vẫn thấy tiện dụng.

Hy vọng với chỉ riêng các giải pháp đối phó với nạn ô tô của Đức đã có thể gợi cho bạn đọc lên hệ đến nhiều vấn đề phát triển đô thị ở Việt Nam, trong đó  có cả sự kiện rất thời sự như việc quan chức chính phủ ta vừa phát lệnh khởi công (ngày 2.9)  dự án tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST được đặt tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (TP. Hải Phòng) do tập đoàn Vingroup thực hiện.

TS. Phó Đức Tùng

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness