TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 48
  • Hôm nay: 876
  • Tháng: 7615
  • Tổng truy cập: 5140934
Chi tiết bài viết

Cách mạng công nghiệp 4.0: bắt đầu bằng đổi thay cách nghĩ

Đó là quan điểm của PGS-TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc gia Singapore khi trao đổi với Người Đô Thị nhân dịp về TP.HCM với vai trò diễn giả tại buổi nói chuyện chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0” do Quỹ Hòa Bình TP.HCM tổ chức.

Ông Khương từng bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ “Phân tích những ảnh hưởng của công nghệ thông tin tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu” ở Đại học Harvard. Ông cũng là một trong 15 thành viên tổ tư vấn kinh tế mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập.

Vừa qua có ý kiến: nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng công nghệ thì rất khó cho Việt Nam; nhưng nếu nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì Việt Nam vô cùng may mắn và có sức bật tiềm tàng vì là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khát vọng. Ông có đồng tình?

Cach mang cong nghiep 4.0: bat dau bang doi thay cach nghi - Anh 1

PGS-TS. Vũ Minh Khương. Ảnh: TTO

Trước hết cần phải hiểu cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) không chỉ là một bước đột phá về công nghệ mà còn là cơ hội hoàn thiện các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.

Nối tiếp các cuộc CMCN 1.0 (đặc trưng bởi máy hơi nước), 2.0 (điện năng và lắp ráp dây chuyền) và 3.0 (máy tính cá nhân và thiết bị lập trình), CMCN 4.0 đang đem lại những tiến bộ phi thường về hiệu quả và tốc độ. Trong đóng góp này, các công nghệ thông minh, đặc biệt là người máy (robot), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), máy in ba chiều (3D printing), hiện thực ảo (VR) và hiện thực tăng cường (AR), hứa hẹn mang lại những đổi thay chưa từng có.

Ngoài đóng góp về hiệu quả và tốc độ đặc trưng của một cuộc cách mạng công nghệ, CMCN 4.0 có thêm hai đặc trưng mà các cuộc CMCN trước đó không có: khả năng khai sáng-minh bạch và năng lực gắn kết nối cộng hưởng-khơi nguồn đại chúng.

Về tính khai sáng, CMCN 4.0 cho phép mỗi người dân và tổ chức tiếp cận ở mọi nơi mọi lúc đến thông tin, tri thức nhân loại. Điều này không chỉ nâng tầm khai sáng cho toàn xã hội mà còn giúp các chính phủ, doanh nghiệp, và tổ chức có những khả năng chưa từng có trong nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động của mình thông qua nâng cao tính minh bạch, học hỏi, tiêu sánh (benchmarking) và giám sát tiến bộ (progress monitoring). Một ví dụ là, các cơ quan trung ương và địa phương của nước ta sẽ tăng hiệu năng hoạt động và uy tín của mình lên rất nhiều nếu các thông tin về chương trình và kết quả công tác, tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ (đặc biệt là năng lực và nguồn gốc cán bộ), và chi tiêu hành chính - tiếp khách (so với quỹ lương) được công khai và đánh giá xếp hạng. Các bộ ngành và địa phương ở mức đáy 25% cần có lý giải tại sao ở mức thấp đó và trình bày kế hoạch vươn lên của mình.

"Chúng ta hiện chưa đi được nhanh và xa là vì chưa xác định được mục tiêu cao cả cho tương lai." - PGS.TS. Vũ Minh Khương

Về năng lực kết nối cộng hưởng - khơi nguồn đại chúng, với sự phát triển của mạng xã hội và kinh tế sàn tương tác (platform economics) cuộc CMCN 4.0 cho phép mỗi cá nhân hay tổ chức có thể tạo sức mạnh cộng hưởng phi thường. Chẳng hạn, với một ý tưởng và một uy tín tốt, một người có có thể lên mạng kêu gọi đầu tư và huy động sự ủng hộ/đồng hành từ hàng triệu người chưa quen biết. Thành công của Oculus Rift (kính hiện thực ảo), Uber (taxi), AirBnB (khách sạn) là những ví dụ điển hình. Nắm bắt đặc trưng này của cuộc CMCN 4.0, một doanh nghiệp hay một quốc gai có thể tăng giá trị của mình lên rất nhiều không chỉ qua đầu tư phát triển mà còn qua nỗ lực làm sâu sắc hơn độ gắn kết, tương tác, và đồng hành sáng tạo của mình với khách hàng và người dân.

Nhưng có một thực tế là chúng ta mới ở đầu con đường CMCN 3.0, với rất nhiều bất cập từ kinh tế, xã hội... vẫn loay hoay giải quyết. Đặt vấn đề CMCN 4.0 vào thời điểm này theo ông liệu có quá lạc quan?

Tôi nghĩ nắm bắt cuộc CMCN 4.0 là vô cùng cấp thiết và chiến lược cho Việt Nam. Chúng ta hiện chưa đi được nhanh và xa là vì chưa xác định được mục tiêu cao cả cho tương lai. Bẫy thu nhập mà một quốc gia mắc phải không phải do năng lực hoặc nguồn lực mà do thiếu tầm nhìn khát vọng và khả năng phối thuộc chiến lược trong thực hiện khát vọng đó.

Với một tầm nhìn khát vọng về tương lai và ý thức phối thuộc chiến lược mạnh mẽ, chắc chắn mỗi người lãnh đạo cũng như mỗi người dân và doanh nghiệp sẽ thấy cuộc CMCN 4.0 như một cơ hội kỳ diệu giúp dân tộc ta trỗi dậy để sớm có ngày ngẩng cao đầu trong cộng đồng thế giới.

Cá nhân ông có tin về một cuộc “quá độ”, bỏ qua giai đoạn CMCN 3.0 để đi thẳng lên 4.0?

Như đã nói, 3.0 hay 4.0 chỉ là công cụ. Chúng ta không nên bị sa lầy vào thuật ngữ kỹ thuật hay tư tưởng giáo điều.

Một khi đã có ý chí khát vọng lớn, chẳng hạn đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển và nhập khối các nước OECD trong 3 thập kỷ tới, chúng ta huy động tổng lực mọi nguồn lực, sức mạnh, và cơ hội mà chúng ta đang và sẽ có trên hành trình này. Một điều đáng suy nghĩ là Hàn Quốc trở thành một nước công nghiệp phát triển và tham gia khối OECD vào năm 1996, nghĩa là chỉ khoảng 3 thập kỷ từ khi họ còn chịu cảnh đói kém, thất nghiệp, và tham nhũng tràn lan khi ông Park Chung Hy lên nắm quyền năm 1961.

Trong nắm bắt CMCN 4.0, điều cần chú ý đặc biệt là nỗ lực khởi đầu không phải là đầu tư mua sắm thiết bị thông minh mà là sự suy ngẫm sâu sắc về thách thức hiện tại, đổi thay cách nghĩ (rethinking), và thấu hiểu sâu sắc những hướng đi chiến lược cho hành trình phía trước. Trên tinh thần này, chúng ta có thể có những ý tưởng mới, cách tiếp cận mới, và sáng kiến đặc sắc trong nỗ lực nắm bắt CMCN 4.0.

Cach mang cong nghiep 4.0: bat dau bang doi thay cach nghi - Anh 2

Theo ông Vũ Minh Khương, trong nắm bắt CMCN 4.0, điều cần chú ý đặc biệt là nỗ lực khởi đầu không phải là đầu tư mua sắm thiết bị thông minh mà là sự suy ngẫm sâu sắc về thách thức hiện tại, đổi thay cách nghĩ và thấu hiểu sâu sắc những hướng đi chiến lược cho hành trình phía trước. Ảnh minh hoạ

Ông có thể nêu ra một số ý tưởng mới mà ông trăn trở?

Chẳng hạn, về dự kiến xây dựng các đặc khu kinh tế (ĐKKT) nhằm đẩy nhanh công cuộc phát triển, ta cần lưu ý ý tưởng mới là khi xây dựng một ĐKKT trong thế kỷ 21 này, người ta coi trọng tạo sức bật tiềm tàng của quốc gia hơn là thu hút đầu tư mới từ nước ngoài. Theo nghĩa đó, một cơ chế ĐKKT đặc sắc cho Củ Chi hoặc Cần Giờ nhằm đem lại cho TP.HCM một sinh lực mạnh mẽ để trở thành thành phố hàng đầu ở châu Á có thể đem lại những tác động rất lớn. Cơ chế ĐKKT cho Củ Chi hoặc Cần Giờ, trước hết cần được thiết kế để giúp TP.HCM giải tỏa dân cư ở các khu vực chiến lược như sân bay Tân Sơn Nhất và các điểm tắc nghẽn đô thị; đồng thời giúp thành phố tái tạo thành thành phố đáng sống, hấp dẫn được nhân tài toàn cầu đến làm việc.

Một ví dụ khác là dự án xây dựng tàu điện ngầm ở TP.HCM và Hà Nội. Điều rất đáng suy nghĩ hiện nay là, trong các dự án phát triển lớn, chúng ta rất ỷ lại vào nguồn tài trợ quốc tế ODA. Có ODA thì chọn dự án rất hào phóng, thậm chí thiếu cân nhắc. Thiếu ODA thì dự án chậm lại, dù nó có tầm quan trọng chiến lược đến đâu. Trong thời gian tới, chúng ta cần dựa vào dân hơn là ỷ vào nhà tài trợ. Kinh nghiệm của tôi khi công tác ở UBND Hải Phòng cho thấy rằng, bộ máy chính quyền của chúng ta sẽ mạnh hơn, có trách nhiệm hơn nếu chúng ta dựa hẳn vào dân. Bộ máy của chúng ta sẽ suy yếu và vô cảm nếu cứ tiếp tục trông chờ vào viện trợ quốc tế.

"Cuộc CMCN 4.0 cho ta một cơn gió thuận và một động cơ tốt nhưng tàu của ta sẽ không đi tới được đích mong ước nếu không có la bàn và thuyền trưởng giỏi." PGS.TS. Vũ Minh Khương

Theo tinh thần này, tôi nghĩ Chính phủ nên cho phép TP.HCM và Hà Nội phát hành trái phiếu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm được bảo hành bằng đô la Mỹ với lãi suất hợp lý, chẳng hạn 3,5%. Phương án này có ba cái lợi thiết thực: Cái lợi thứ nhất là, chúng ta chủ động về vốn để đẩy nhanh tiến độ công trình đến mức tối đa. Tôi rất thích không khí của một số nước trong thi đua đẩy nhanh tiến độ xây dựng tàu điện ngầm. Mỗi ga mới mở ra là một chiến công lớn; nó vừa nâng hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, vừa đem lại một sinh lực mới từ niềm tin và lòng tự hào.

Theo ước tính của tôi, dự án trái phiếu này có thể thu hút được ít nhất 20 tỷ đô la Mỹ trong thời hạn 10-30 năm (trong đó, có hàng triệu người chỉ mua trái phiếu ở mức nhỏ ở mức 1.000 USD). Cái lợi thứ hai là khi đông đảo người dân coi dự án tàu điện ngầm là công trình do mình đóng góp làm nên, họ sẽ có ý thức rất cao trong đôn đốc, giám sát, góp ý, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Dự án tàu điện ngầm của chúng ta khi đó sẽ là một mẫu hình thế giới đến học tập vì nó vì dân, do dân, giúp người dân phát huy tối đa vai trò công dân của mình.

Một ví dụ khác có liên quan đến nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này rất quan trọng không chỉ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn nguồn lực nước nước ngoài cho công cuộc phát triển mà còn tạo thế đứng vững chắc cho đất nước bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ý tưởng mới ở đây là chúng ta khai thác sức mạnh tổng hợp của dân tộc mình để giúp thế giới giải quyết những bài toán nan giải, thay vì chỉ canh cánh bỏ nguồn lực giả quyết những bức bách ngắn hạn.

Với cách này, chúng ta có thể chia sẻ với các bạn Triều Tiên về kinh nghiệm cải cách kinh tế và hội nhập thế giới. Trang web của Đại Sứ Quán ta ở Triều tiên sẽ có những câu chuyện và bài học sinh động về cải cách ở Việt Nam bằng tiếng Triều Tiên. Câu chuyện của những anh hùng thời chống Mỹ nay trở thành những nhà cải cách và doanh nghiệp sẽ có tác động vô cùng lớn. Chúng ta cũng nên có những chương trình học bổng cho cán bộ Triều Tiên về chương trình cải cách do các cán bộ và học giả Việt Nam giảng dạy. Tôi tin là bài giảng của nhiều cựu lãnh đạo Việt Nam sẽ có tác động rất lớn.

Ông nghĩ thế nào về vai trò người thủ lĩnh?

Trong lý thuyết đi tắt - nhảy vọt, vai trò người thủ lĩnh cực kỳ quan trọng. Lãnh đạo phải có tầm nhìn thấu về đích đến trong tương lai, thấu hiểu thời cơ mà thời đại mang lại trên hành trình này, và thấy rõ thế mạnh của tổ chức mình và phương cách khai thác nó. Người lãnh đạo giống như thuyền trưởng lái con tàu buồm đi tới một đích xa. Người đó phải có la bàn, cập nhật thấu đáo thông tin về dòng nước và hướng gió, và hiểu rõ đặc tính con tàu và đoàn thủy thủ của mình.

"Trong tư duy hội nhập hiện nay, chúng ta vẫn chủ yếu ỷ lại vào thu hút đầu tư nước ngoài thông qua những miễn giảm và nhượng bộ quá lớn cho nhà đầu tư nước ngoài về thuế và điều kiện thuê đất." PGS.TS. Vũ Minh Khương

Cuộc CMCN 4.0 cho ta một cơn gió thuận và một động cơ tốt nhưng tàu của ta sẽ không đi tới được đích mong ước nếu không có la bàn và thuyền trưởng giỏi. Nhà kinh tế (được giải thưởng Nobel) Lewis đã tiên đoán khá đúng câu chuyện phát triển thần kỳ Đông Á. Trong cuốn sách Lý thuyết Tăng trưởng Kinh tế (The Theory of Economic Growth) xuất bản năm 1955, ông chỉ ra: “Một quốc gia sẽ bước vào một bước ngoặt phát triển nếu nó may mắn có được đội ngũ lãnh đạo xứng tầm vào đúng thời điểm cần đến. […] Tất cả các dân tộc đều có cơ hội phát triển nhưng chỉ những dân tộc hội tụ đủ được lòng dũng cảm và ý chí mới có thể nắm bắt được chúng.”

Còn vai trò của thể chế trong nắm bắt CMCN 4.0 theo ông là gì?

Thể chế có vai trò cực kỳ quan trọng trong tổ chức phối thuộc nắm bắt CMCN 4.0. Xây dựng năng lực thể chế bao gồm bốn khâu chính: nguyên lý, thiết chế, tổ chức và nhân lực.

Về nguyên lý, chúng ta cần tuân thủ như tôn trọng kinh tế thị trường, khích lệ kinh tế tư nhân, đẩy mạnh hội nhập, nâng cao tính minh bạch, và trọng hiền tài. Tuân thủ nguyên lý có tác động rất lớn. Chẳng hạn, kinh nghiệm của 30 năm đổi mới cho thấy, khi ta tôn trọng kinh tế thị trường và khuyến khích kinh tế tư nhân thì dân không còn đói. Khi ta mạnh dạn hội nhập quốc tế thì kinh tế khấm khá hơn. Thế nhưng hôm nay, chúng ta chưa có một nền kinh tế đủ sức cất cánh là vì chúng ta chưa tuân thủ tốt những nguyên lý về minh bạch và trọng dụng nhân tài.

Về thiết chế, chúng ta cần hoàn thiện chức năng của bộ ngành chịu trách nhiệm về phối thuộc nắm bắt CMCN 4.0. Singapore rất coi trọng vấn đề này và đã thiết lập những đơn vị có ủy quyền lớn chịu trách nhiệm phối thuộc các sáng kiến phát triển quốc gia thông minh (smart nation). Thái Lan lập Bộ Kinh tế Số, chịu trách nhiệm khai thác tối đa cơ hội do CMCN 4.0 mang lại để thúc đẩy phát triển kinh tế. Việt Nam hiện chưa có một thiết chế có hiệu năng cao trong nỗ lực này. Bộ Thông Tin Truyền Thông của ta còn bận rộn nhiều với việc quản lý tuyên truyền và báo chí.

Về tổ chức, chúng ta cần chọn được lãnh đạo giỏi, giao rõ quyền hạn và trách nhiệm. Cơ chế đánh giá theo kết quả cũng rất quan trọng để mọi người đều cố gắng hết sức; tránh trường hợp có nhiều nhân lực nhưng ít người làm.

Về nhân lực, chúng ta cần có cơ chế tuyển dụng và trọng dụng người giỏi và tâm huyết. Minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, và kết quả cống hiến cần là bước đột phá trong nỗ lực thu hút hiền tài.

Cach mang cong nghiep 4.0: bat dau bang doi thay cach nghi - Anh 3

Ngoài đóng góp về hiệu quả và tốc độ đặc trưng của một cuộc cách mạng công nghệ, CMCN 4.0 có thêm hai đặc trưng mà các cuộc CMCN trước đó không có: khả năng khai sáng-minh bạch và năng lực gắn kết nối cộng hưởng-khơi nguồn đại chúng.

Như vậy là tư duy quản trị công cũng đang cần một cuộc cách mạng?

Đúng vậy. Trong 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta khá thành công nhờ đổi mới tư duy, cởi trói cơ chế, mạnh dạn hội nhập. Nhưng trong 30 năm tới, với cuộc CMCN  4.0, nỗ lực theo kiểu cũ là không đủ. Đổi mới tư duy phải nâng lên thành trỗi dậy về tầm nhìn, phải biết mình đi tới đâu thì mới có cách tư duy theo tầm nhìn đó. Cởi trói về cơ chế phải trở thành thiết kế nền tảng cho một xã hội phồn vinh, ở đó  xã hội dân sự và sự  minh bạch của thế chế giúp người dân thực sự thấy có vai trò trong công cuộc cải biến xã hội.

Trong cuộc CMCN 4.0, mạnh dạn trong hội nhập phải chuyển thành ý chí chiến lược tạo nên một vị thế xứng đáng cho dân tộc trong cộng đồng quốc tế. Trong tư duy hội nhập hiện nay, chúng ta vẫn chủ yếu ỷ lại vào thu hút đầu tư nước ngoài thông qua những miễn giảm và nhượng bộ quá lớn cho nhà đầu tư nước ngoài về thuế và điều kiện thuê đất. Việt Nam có thể mạnh và hấp dẫn hơn rất nhiều trong hội nhập quốc tế nếu thể hiện rõ ý chí phát triển chiến lược của mình trong 30 năm tới. Khi đó các nhà đầu tư đến với ta vì vị thế và tiềm năng chiến lược thay vì giá rẻ và dễ dãi.

Ông có thể cho những minh hoạ để thấy được vai trò của cách mạng 4.0 với sự thay đổi chính sách?

Trước hết cần xác định đây là vấn đề CÔNG hay THỦ. Bởi 4.0 tạo ra thời cơ lớn nhưng cũng là đe dọa. Hai cách tiếp cận CÔNG và THỦ, gọi nôm na là “vũ khí chiến lược” để đưa dân tộc mình đi nhanh. THỦ là phải biết nắm bắt để không bị lỡ nhịp. Nếu CÔNG thì phải dốc toàn lực, coi trọng năng lực. Tất cả các lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp đều có sổ tay 4.0, ứng dụng ra sao, làm gì để đi nhanh. Khi đó, tất cả các bài toán của đất nước đặt ra đều phải có hội đồng, tìm lời giải.

"Chúng ta cần ý thức sức mạnh toàn dân như trong câu chuyện Thánh Gióng. Một đứa trẻ ba tuổi chưa biết nói nhưng khi có lời hiệu triệu, cầu tài khẩn khiết khi giặc Ân xâm lăng bờ cõi, liền nhổm dậy nói ra những điều kinh ngạc. Khi đó, cả làng xã tình nguyện tham gia đóng góp, cơm gạo, sắt thép làm vũ khí. Đấy là sự cộng hưởng của dân tộc Việt Nam, rất lớn mà mình chưa khai thác đến." - PGS.TS. Vũ Minh Khương

Cần phải nhìn ra thế giới đang đi đến đâu, đã làm gì với 4.0 rồi và ta có thể làm gì, có gì để sáng tạo hơn nữa hay không? Ngay cả việc rất đơn giản là nhập cảnh, vẫn xếp hàng với bao nhiêu thủ tục.

Các anh  lãnh đạo của một tập đoàn viễn thông lớn cho biết họ có dư nguồn lực để thiết lập cho Việt Nam một hệ thống xuất nhập cảnh điện tử đẳng cấp thế giới. Khi đó không chỉ hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam được cải thiện rõ rệt mà tâm thế Việt Nam cũng được nâng cao. Đó là một thông điệp lớn của Việt Nam với thế giới về ý chí nắm bắt cuộc CMCN 4.0 của mình.

Ông có nghĩ Việt Nam đang đối diện với cách mạng 4.0 với thế thủ và chiếc khiêng đã thủng vài chỗ?

Trong khảo sát mới đây, tôi thấy mức độ sẵn sàng của Việt Nam có cả điểm sáng và điểm tối. Việc Nam có nỗ lực khá tốt trong đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng cơ sở viễn thông. Tuy nhiên, nỗ lực ứng dụng, chuyển hóa năng lực số thành sức mạnh phát triển thực sự thì hiện đang chậm, độ phối thuộc chiến lược lại rất yếu.

Ông từng nhiều lần đề cập Việt Nam phải mạnh lên bằng hiền tài, tạo cảm hứng cho học tập, khởi nghiệp. Trong khi chương trình giáo dục vẫn nhiều bất cập, nặng về thành tích và việc người tài không có đất dụng võ vẫn xảy ra. Như vậy để có nhân lực cho CMCN 4.0 còn muôn phần gian nan?

Ở đây cần nằm nguyên lý: đầu CẦU cần đi trước và kích hoạt, dẫn dắt đầu CUNG. Nếu chúng ta ý thức khuyến khích đầu CẦU tốt thì sẽ dễ dàng hơn trong thúc đẩy và phát triển đầu CUNG. Nếu đầu CẦU bế tắc thì đầu CUNG khó đem lại giá trị thiết thực. Kinh nghiệm của Philippines cho thấy, hệ thống bộ máy tham nhũng nhiều năm làm đầu CẦU trong sử dụng hiền tài rất kém; kết quả là hệ thống giáo dục khá tốt của nước này chỉ là nơi cung cấp nhân lực cho quốc tế. Người Phillipines thành công ở rất nhiều nơi trừ trên chính quê hương mình. Việt Nam cần lưu ý bài học này.

Vì vậy trước hết cần tạo ra CẦU thật tinh thông, mạnh mẽ và có tầm chiến lược thì nguồn cung, ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ trong hệ thống giáo dục, sẽ lũ lượt tới. Ví dụ, nếu các cơ quan công quyền có nhu cầu lớn về tìm kiếm các lời giải bằng CMCN 4.0 cho các bài toán phát triển, từ dịch vụ công đến quy hoạch đô thị, từ nâng cao độ minh bạch đến khai thác big data để nâng cao chất lượng ra quyết định, thì cả xã hội sẽ thấy cảm hứng và dồn nguồn lực cho phát triển nguồn cung.

Cach mang cong nghiep 4.0: bat dau bang doi thay cach nghi - Anh 4

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Việt Nam cần có những thử nghiệm, trong đó Mô hình ĐKKT cho TP.HCM và phát triển các ĐKKT ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là rất quan trọng. Trong ảnh: Từ Silicon Valley, đã phát động hai đợt sốt startup lan ra toàn cầu. (Ảnh minh hoạ)

Nếu đưa ra mô hình để Việt Nam tận dụng CMCN 4.0, ông sẽ đưa ra mô hình như thế nào?

Tôi nghĩ trước hết Việt Nam cần có những thử nghiệm. Mô hình ĐKKT cho TP.HCM như đã nói ở trên và phát triển các ĐKKT ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là rất quan trọng. Với các thử nghiệm này chúng ta có thể đưa Việt Nam lên một tầm mức mà thế giới phải đến học hỏi. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này nếu chú trọng ba trọng tâm bắt đầu bằng chữ S được gợi ý bằng hình dáng của nước ta: Strategy (chiến lược), Synergy (cộng hưởng), và Surprising (làm  ngạc nhiên).

Với chiến lược, chúng ta biết chọn cách đi hay nhất, ý tưởng đặc sắc nhất, và ý chí mạnh mẽ nhất. Với cộng hưởng, chúng ta ý thức sức mạnh toàn dân như trong câu chuyện Thánh Gióng. Một đứa trẻ ba tuổi chưa biết nói nhưng khi có lời hiệu triệu, cầu tài khẩn khiết khi giặc Ân xâm lăng bờ cõi, liền nhổm dậy nói ra những điều kinh ngạc. Khi đó, cả làng xã tình nguyện tham gia đóng góp, cơm gạo, sắt thép làm vũ khí. Đấy là sự cộng hưởng của dân tộc Việt Nam, rất lớn mà mình chưa khai thác đến. Ba điều kiện tiên quyết cho khai thác sức mạnh cộng hưởng này là, nhu cầu bức bách (cho phát triển và bảo vệ chủ quyền quốc gia), lời kêu gọi thống thiết của người lãnh đạo, và ý thức của thế hệ trẻ (Thánh Gióng).

Về khả năng làm thế giới kinh ngạc, chúng ta phải đưa ra những ý tưởng hay, táo bạo, và có giá trị nhân bản rất lớn. Chẳng hạn, phát triển Đà Lạt (nơi có khí hậu mát mẻ) thành trung tâm dữ liệu quốc tế; phát triển Phú Quốc thành trung tâm năng lượng tái tạo...

Cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

Trung Dũng thực hiện - Theo Nguoidothi

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness