Trong lịch sử ngành tài chính thế giới, có rất nhiều bài học cho chúng ta nhìn vào, ví như cuộc khủng hoảng tại Thái Lan giai đoạn 1997-1998 hay nước Mỹ năm 2008. Đối với Việt Nam, hệ thống ngân hàng năm 2011 cũng suýt xảy ra khủng hoảng, hệ quả từ đó đến bây giờ vẫn đang phải gánh chịu. Các vụ án liên quan mới đây gây ồn ào dư luận cũng xảy ra từ giai đoạn đó.

Việt Nam đã nhận thức mối nguy hiểm của tín dụng BĐS nếu không được điều chỉnh hợp lý và thực tế là đã sử dụng phương án rút củi đáy nồi để siết lại. Dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng hậu quả từ giai đoạn 2011 đến nay vẫn chưa thể xử lý hết được. Hệ thống tài chính mới chỉ thực sự nhìn thấy tín hiệu đột phá từ khi có nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu đặc biệt giải chấp các con nợ BĐS.

Khi quả bong bóng chưa được xì thì sức ép vẫn còn hiện diện. Tuy nhiên, tại từng doanh nghiệp và từng ngân hàng, vì các sức ép khác nhau mà các ngân hàng, doanh nghiệp cũng phải đi theo những con đường khác nhau.

Ảnh minh họa

Tựu chung lại từ những vụ đại án kinh tế Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng có thể rút ra bài học liên quan đến thị trường tài chính ngân hàng, tín dụng cho BĐS như sau: 

Bài học thứ nhất là nên tăng cường bàn tay giám sát của Nhà nước, giám sát về tỷ lệ cho vay BĐS trên tổng dư nợ. Thứ hai là cho vay sân sau lợi ích nhóm. Thứ 3 là tăng hệ số rủi ro cho BĐS và kiểm soát mảng này thật kỹ. Nó như giải pháp đảm bảo an toàn chung cho toàn hệ thống. Bởi vì, cho vay các lĩnh vực khác không nhiều rủi ro. Cho vay BĐS đem lại rủi ro lớn nhất nên tăng vai trò giám sát của Nhà nước là vấn đề quan trọng. 

Bài học thứ hai, theo ông Nguyễn Minh Phong là thực tế hiện nay ở Việt Nam có tình trạng “trạng chết chúa cũng băng hà”, nợ xấu nợ đọng, nợ chéo và các sở hữu chéo lớn. Hệ thống ngân hàng diễn ra tình trạng ngân hàng vừa cho vay vừa nuôi con nợ hiện tại: Cho vay ít là chủ nợ, con nợ “sợ” ngân hàng. Nhưng khi ngân hàng cho vay nhiều thì ngược lại, chủ nợ “sợ” con nợ. Đây là cái bẫy nguy hiểm nên Ngân hàng Nhà nước cần giám sát để ngân hàng không tự mình biến thành nạn nhân chạy đuổi theo lợi ích nhóm, lợi ích trước mắt.

Thứ ba là quy hoạch của Nhà nước về BĐS phải rõ ràng. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng BĐS sốt quá mức là quy hoạch thoải mái nên lượng cung tăng vọt đột biến. Nếu để xảy ra tình trạng quy hoạch xong mới làm luật thì lúc này luật lại phải chạy theo quy hoạch. Do đó quy hoạch ngay từ đầu phải công khai, tổng cung mới được minh bạch, dòng vốn phân bổ cũng phù hợp. Khi đó ngân hàng tự biết cho vay đến đâu là phù hợp.

Thứ 4, hệ thống thông tin tài chính cần rõ ràng, không được mù mờ. Không để xảy ra tình trạng bí mật kinh doanh lợi ích nhóm, biến thông tin thành lợi ích nhóm.

Thứ 5, cần đưa các chế tài để xử lý, nhận diện “nguy hiểm” càng sớm càng tốt. Không để khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản mới nhảy vào cuộc. Một loạt ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng nhưng cho vay để dư nợ xấu đến 18.000 – 20.000 tỷ đồng. Ba ngân hàng (GPBank, Ngâng hàng Xây dựng, Oceanbank) mua bằng 0 đều có khoảng nợ xấu cỡ "khủng". Trong bối cảnh đó sẽ biến nợ tư nhân thành nợ công. Mua 3 lần 0 biến nợ tư nhân là nợ Nhà nước. Nếu Chính phủ không mua những ngân hàng đó thì ngân hàng sẽ phá sản. Khi đó sẽ tạo ra hiệu ứng Domino, cả hệ thống sụp đổ. Lúc đó nền kinh tế sẽ gặp nguy hiểm.

Vy Vy - Theo RealTimes