TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 68
  • Hôm nay: 570
  • Tháng: 7309
  • Tổng truy cập: 5140628
Chi tiết bài viết

Cần tỉnh táo trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc

 

Những biến động của tình hình chính trị và kinh tế thế giới trong thời gian gần đây, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, đang ngày càng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Phóng viên báo Nhân Dân đã ghi lại một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp về những giải pháp để chủ động ứng phó trước những tác động này.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc trước hết có thể tác động đến Việt Nam ở khía cạnh thương mại, từ đó kéo theo ảnh hưởng đến tỷ giá, đầu tư…, đòi hỏi chúng ta phải bám sát tình hình, kịp thời có biện pháp chủ động ứng phó. Mỹ đã đánh thuế rất cao đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào nước này. Rất nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cho nên phải hết sức chú ý, nhất là thép, dệt may.

Tỷ giá là vấn đề rất đáng lưu tâm trong bối cảnh nhiều đồng tiền trên thế giới đã mất giá. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ tỷ giá ở mức phù hợp, cân đối giữa các mối quan hệ giữa xuất khẩu, nhập khẩu và nghĩa vụ trả nợ quốc gia. Đối với vấn đề đầu tư, Việt Nam cần tạo môi trường minh bạch, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ, nhất là FDI công nghệ cao. Đồng thời thu hút có chọn lọc trước khả năng dòng vốn từ Trung Quốc có thể đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm đề phòng hiện tượng thoái vốn, chuyển vốn của các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam.

TS LƯU BÍCH HỒ

Chuyên gia kinh tế

 

Kiểm soát chặt thép nhập khẩu

Mặc dù Mỹ là quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, nhưng tỷ trọng xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ không lớn cho nên tôi cho rằng, các doanh nghiệp thép trong nước không chịu ảnh hưởng nhiều từ các biện pháp hạn chế nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất vẫn là Việt Nam có thể trở thành thị trường “trú ẩn” cho thép Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai cường quốc này. Bởi trong bối cảnh tranh chấp thương mại, Trung Quốc sẽ tìm cách đưa lượng thép tồn dư rất lớn của mình xuất đi các nước khác thông qua một nước thứ ba, trong đó có Việt Nam. Khi đó, có thể thép Việt Nam bị “vạ lây” trong chiến lược xuất khẩu. Mặt khác, khi thép Trung Quốc lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất của Việt Nam để tràn vào, trong trường hợp không xuất khẩu được, lượng thép này sẽ đưa ra tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến ngành thép trong nước.

Chính vì vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam đã cùng các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất thép trong nước và ngăn chặn nhập khẩu thép nước ngoài vào thị trường trong nước bằng việc áp thuế tự vệ với phôi thép xây dựng, áp dụng thuế chống bán phá giá đối tới tôn mạ,... Cùng với đó, Hiệp hội luôn khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam không được tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ từ thép các nước sang Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác. Để bảo đảm đà tăng trưởng tích cực của ngành thép với dự kiến mức tăng trưởng từ 20% đến 25% trong năm 2018, Hiệp hội đề nghị nhà nước cần có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước; tiếp tục thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô song song với ổn định lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

NGUYỄN VĂN SƯA

Phó Chủ tịch

Hiệp hội Thép Việt Nam

 

Đối diện một cách bình tĩnh, tỉnh táo

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Và cụ thể các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai của thế giới sẽ như thế nào?

Chúng ta đã biết một trong những mục tiêu chính của cuộc chiến thương mại bắt đầu bằng quan điểm cắt giảm sự mất cân bằng thương mại khổng lồ khoảng 350 tỷ USD giữa Mỹ và Trung Quốc. Mức chênh lệch đó không thể được bù đắp trong thời gian ngắn, và rất có thể số thặng dư bị cắt giảm sẽ được chuyển một phần sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Thí dụ: Khi quần áo và giày dép Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ cao thì cơ hội xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sẽ tăng lên. Mặt khác, khi hàng hóa của Trung Quốc gặp hạn chế ở thị trường Mỹ thì các doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam và một số quốc gia khác, dễ dẫn đến tình trạng “cung” lớn hơn “cầu”.

Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế không bao giờ là tin tức tốt đẹp đối với một quốc gia đang hội nhập như Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp phải đối diện một cách bình tĩnh, tỉnh táo và cần có cả sự tự tin trong đó. Chúng ta không còn cách nào khác là phải khai thác tối đa các cơ hội để tồn tại và phát triển. Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là cập nhật sát tình hình, nhất là danh mục hàng hóa bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc, cũng như tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam, USD và Nhân dân tệ để tính toán các lợi ích từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

TS TÔ HOÀI NAM

Phó Chủ tịch Thường trực

kiêm Tổng Thư ký

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness