TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 73
  • Hôm nay: 828
  • Tháng: 7567
  • Tổng truy cập: 5140886
Chi tiết bài viết

Chọn đặc khu kinh tế hay chọn cải cách tổng thể môi trường kinh doanh?

Một số lãnh đạo trung ương và cấp tỉnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, khi hội nhập sâu rộng với thế giới nước ta cần xây dựng một số đặc khu kinh tế với thể chế vượt trội để tạo thêm động lực phát triển kinh tế- xã hội. Do đó Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn đã được chọn để xây dựng đặc khu kinh tế.

1
Một góc Phú Quốc.

Với tư cách là một trong những người lãnh đạo Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư - SCCI, cơ quan có chức năng xúc tiến đầu tư, trong đó có việc tiếp nhận ý tưởng của nhà đầu tư quốc tế đối với việc xây dựng đặc khu kinh tế ở Việt Nam, đã được tham quan khảo sát một số đặc khu kinh tế ở nước ngoài, được lãnh đạo ba địa phương dự kiến xây dựng đặc khu mời tham gia các buổi làm việc có liên quan; tôi muốn kể vài câu chuyện để cùng suy ngẫm về chủ trương hệ trọng này.

Thâm Quyến, Phố Đông

Trung Quốc là một nước khá thành công trong việc xây dựng các đặc khu kinh tế. Thâm Quyến và Phố Đông là hai điển hình.

Thâm Quyến là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc được khởi động từ 1979, năm đầu thực hiện chủ trương “cải cách và mở cửa”. Theo các tài liệu của Trung Quốc, việc lựa chọn Thâm Quyến chứ không phải Thượng Hải hay Bắc Kinh để xây dựng đặc khu kinh tế đầu tiên là ý tưởng của Ông Đặng Tiểu Bình, người được coi là Kiến trúc sư của phát triển kinh tế thị trường và chủ trương “một nước hai chế độ” khi thu hồi Hồng Công vào năm 1997, để tận dụng ưu thế của Hồng Công - khu thương mại tự do của thế giới tư bản.

Thâm Quyến trở thành một mô hình thị trường tự do theo kiểu Hồng Công nằm trong đại lục để các tỉnh, thành phố khác cử cán bộ, lập doanh nghiệp tại đó nhằm tiếp cận phương thức kinh doanh tư bản vận dụng vào từng địa phương. Thâm Quyến được thực hiện cơ chế đặc thù vượt trội so với khung khổ pháp luật được áp dụng đối với các địa phương khác về mọi phương diện: đầu tư, đất đai, xây dựng, đi lại, cư trú… Do vậy từ một làng chài nhỏ chỉ trong 10 năm Thâm Quyến đã trở thành một thành phố hiện đại, lập kỷ lục thế giới về tốc độ đô thị hóa.

Một vài số liệu của Việt Nam và Thâm Quyến năm 2012

  Diện tích
(km2)
Dân số
(triệu người) 
GDP (Tỷ USD)  Thu nhập (USD/người)
Việt Nam 332000 88 136  1540
Thâm Quyến 2000 15 193 20000

Phố Đông cũng được ông Đặng Tiểu Bình khi đến thăm Thượng Hải năm 1990 chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế, chậm hơn Thẩm Quyến 11năm, khi Trung Quốc đang bị thế giới cô lập sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, đã tạo nên “Kỳ tích Phố Đông” như tên cuốn sách của Triệu Khải Chính và Triệu Thục Đông được xuất bản năm 2007.

Từ ruộng lúa, đầm lầy, những ngôi nhà nhỏ chỉ 10 năm trở thành đô thị hiện đại, thêm 10 năm sau đó là đô thị khổng lồ tiêu biểu cho thế kỷ XXI. So với năm khởi đầu 1990, năm 2007 (khi xuất bản cuốn sách), tổng sản lượng kinh tế tăng 45 lần, đầu tư nước ngoài tăng 1.056 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 49 lần và thu ngân sách tăng 52 lần.

Các yếu tố quyết định thành công của Thâm Quyến và Phố Đông: 1) Địa lý: Thâm Quyến gần Hồng Công. Thượng Hải vốn là thành phố giao thương quốc tế hàng đầu của Trung quốc trong mọi thời đại. 2) Thể chế đặc thù: vượt trội so với luật pháp của đất nước. 3) Cán bộ lãnh đạo: chọn những người xuất sắc để thực hiện chủ trương lớn. Ngoài ra Thượng Hải còn có phương châm: “khai thác trí tuệ người Trung Hoa với trí tuệ của thế giới”.

Chu Lai, Phú Quốc

Chu Lai: Năm 1997, Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam được thành lập. Năm 1998, Trưởng ban Lê Xuân Trinh đề xướng chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế, cử đoàn tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo để trao đổi quan điểm, từ 4-5 địa điểm ở khắp ba miền, cuối cùng Chu Lai được chọn xây dựng đặc khu kinh tế, lúc đầu gọi là “Khu kinh tế mở”, về sau là “Khu kinh tế Chu Lai”.

Tôi và một số thành viên Tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ không đồng tình với lựa chọn Chu Lai do 1) Địa điểm không thích hợp nên khó thành công và 2) Chưa có một nhà đầu tư quốc tế có tiềm năng chọn Chu Lai làm đặc khu kinh tế. Chúng tôi kiến nghị nếu làm thí điểm thì nên chọn Phú Quốc.

Anh Lê Xuân Trinh đã thuyết phục lãnh đạo cấp cao chấp nhận sự lựa chọn đó. Ngày 5/6/2003 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 108/2003/QĐ-CP về việc thành lập Khu Kinh tế Chu Lai với diện tích hàng vạn ha, có Khu bảo thuế, Cảng Kỳ Hà, Sân Bay Chu Lai, thành phố Vạn Tường 500 nghìn dân, ưu đãi đầu tư cao nhất, xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài theo cơ chế riêng. KKT Chu Lai đã được áp dụng cơ chế đặc biệt không kém các đặc khu kinh tế của Trung Quốc.

Không thể phủ nhận thành quả thu hút FDI và đầu tư trong nước của KKT Chu Lai; nhưng phải thừa nhận một thực trạng đáng buồn là sau hơn 15 năm xây dựng, Chu Lai không còn là đặc khu kinh tế nữa, thu hút khá khiêm tốn FDI, không đạt được mục tiêu kỳ vọng ban đầu trong khi vốn ngân sách đầu tư khá lớn, đã trở thành Khu công nghiệp (!).

Phú Quốc: Năm 1993 và 1994, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) nhận được hai dự án tiền khả thi về Phú Quốc của nhà đầu tư quốc tế và một của nhóm Việt kiều tại Pháp với tiêu đề “Con rồng tre”. Ý tưởng chung của ba dự án đó là biến Phú Quốc thành trung tâm tài chính ngoài khơi và cảng trung chuyển của vùng Đông Nam Á.

Lý do họ chọn Phú Quốc để xây dựng đặc khu kinh tế là: 1) Diện tích xấp xỉ Singapore, đủ lớn để phát triển thành trung tâm tài chính khu vực; 2) Không có biên giới đất liền với các địa phương khác nên có thể thực hiện cơ chế hành chính đặc biệt và casino; 3) Có tọa độ lý tưởng nếu lấy Phú Quốc làm trung tâm thì khoảng cách đến các thành phố lớn trong khu vực không xa lắm; 4) Nằm trên đường hàng hải quốc tế, trong khi Singapore sắp đến giới hạn tối đa về cảng trung chuyển.

Đã có nhiều đoàn đến khảo sát Phú Quốc, trong đó có Phó vương Malaysia. Đáng tiếc, do nhiều nguyên nhân nên các ý tưởng của nhà đầu tư nước ngoài và Việt kiều không biến thành hiện thực,

Năm 2001, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khởi động lại dự án Phú Quốc. Anh Phạm Sĩ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) và tôi được tỉnh ủy và UBND tỉnh mời giúp tỉnh xây dựng dự án. Hai chúng tôi và anh Tôn Gia Huyên (nguyên Tổng cục trưởng đất đai) cùng Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã khảo sát thực địa tại Phú Quốc.

Chúng tôi đã kế thừa ý tưởng của ba dự án nước ngoài để đề ra ba mục tiêu: xây dựng khu tài chính ngoài khơi, du lịch quốc tế bao gồm casino, cảng trung chuyển quốc tế. Trên cơ sở đó đã lập dự án, quy hoạch đất đai, đề xuất thể chế và cơ chế hành chính đặc thù, lựa chọn người có kiến thức và năng lực quản lý, được giao trách nhiệm và quyền hạn cần thiết đứng đầu cơ quan quản lý đặc khu kinh tế…

Một số cuộc họp được tỉnh tổ chức để chúng tôi trình bày với lãnh đạo đương nhiệm và đã nghỉ hưu của tỉnh dự án và đã đạt được đồng thuận cao. Ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Phó thủ tướng đã chủ trì cuộc họp gồm lãnh đạo các bộ, ngành và một số địa phương tại Phú Quốc để bàn về việc thực hiện dự án do chúng tôi cùng tỉnh Kiên Giang soạn thảo.

Tại cuộc họp đó, sau khi cảm ơn sự đóng góp của chúng tôi, ông đề nghị chuyển dự án cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu thêm trình các cấp có thẩm quyền. Đáng tiếc là sau đó kế hoạch này đã rơi vào quên lãng.

Bẵng đi một thời gian khá dài, năm 2013, anh Phạm Sĩ Liêm và tôi được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ mời dự cuộc họp bàn về đặc khu kinh tế Phú Quốc. Tại cuộc họp đó chúng tôi có dịp trình bày lại ý tưởng dự án của mình và được nhiều thành viên của Ban bày tỏ sự đồng tình.

Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc

Nếu chọn địa điểm lý tưởng nhất để xây dựng đặc khu kinh tế của nước ta thì với tất cả tiêu chí khoa học, đó phải là Phú Quốc. Nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra. Trong việc phát triển kinh tế của đất nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng cơ hội hết sức quan trọng. Vào thập niện 90 của thế kỷ trước và vài năm đầu thiên niên kỷ mới, Phú Quốc như một tờ giấy trắng nên dễ vẽ thành bức tranh đẹp chỉ cần họa sĩ có tài, bây giờ thì đất đai hòn đảo này đã chia thành hàng nghìn mảnh nhỏ có chủ, đến mức mà Phó chủ tịch UBND huyện thừa nhận “vấn đề giải phóng mặt bằng là quá khó và phức tạp. Cho dù chính quyền và các cơ quan chức năng đã nỗ lực hết sức mình cũng không tài nào xử lý nổi”.

Trước thực trạng đó, không biết có ai đủ tài năng để biến Phú Quốc thành đặc khu kinh tế (?).

Xây dựng đặc khu kinh tế ở Vân Đồn hướng vào lĩnh vực gì, du lịch, dịch vụ tài chính, công nghệ cao, casino... Nếu là du lịch và chủ yếu là du lịch quốc tế thì cần gì cơ chế đặc thù, mà phải tận dụng lợi thế vô song về cảnh quan thiên nhiên cuả Vịnh Hạ Long (đang có ý tưởng mở rộng sang Cát Bà). Nếu là dịch vụ tài chính thì các ngân hàng, bảo hiểm nước nào sẽ đến đây và làm dịch vụ cho ai (?). Nếu là công nghệ cao thì thu hút ngành nào, nhân lực có trình độ cao có đến làm việc tại đây không, trong khi KCNC Hòa Lạc tại thủ đô có điều kiện vượt trội, cơ chế ưu đãi cao mà sau 20 năm từ khi bắt đầu xây dựng (1998) đã có được bao nhiêu dự án FDI (!). Nếu là casino thì thu hút khách nào hay chỉ là khách Việt Nam. Xin lưu ý rằng, Quảng Ninh đã có 2 casino: Lợi Lai ở Mông Cái và Hoàng Gia ở Hạ Long. Cả hai casino đưa lại rất ít lợi ích cho tỉnh.

Bắc Vân Phong hiện trạng là bãi cát mênh mông, đã chuyển đổi mục đích từ cảng trung chuyển nước sâu, lọc hóa dầu (liên doanh với Total), du lịch, nhưng đều không thực hiện. Cách đây khoảng 3 năm, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa mời một số chuyên gia để trao đổi phương án của một công ty tư vấn Mỹ về cơ chế, chính sách đặc khu Văn Phong, gần như một khu tô nhượng có luật riêng, tòa án riêng, có hàng rào ngăn cách với bên ngoài và được quản lý theo cơ cấu tổ chức đặc thù.

Tại cuộc họp đó, tôi đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh theo hướng đảo đảm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời kiến nghị nên làm rõ mục tiêu kinh tế và lợi ích địa phương thu được như tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu ngân sách...

Kết luận

Nước ta bắt đầu khởi động quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021- 2030, trên cơ sở đẩy nhanh cải cách để thực hiện thành công chiến lược 2011- 2020, chuẩn bị Đại hội Đảng XIII (đầu năm 2021). Rất cần ý tưởng mới, tìm con đường mới để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững của từng địa phương, góp phần giải bài toán của cả nước hướng đến mục tiêu năm 2030 Việt Nam về cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Có nhiều cách lựa chọn con đường đi lên, nhưng lựa chọn xây dựng đặc khu kinh tế có lẽ khó trở thành hiện thực. Do vậy, nên chăng chú trọng nhiều hơn đến nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng tốt, hiệu quả nhiều, đến tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các chủ trương của Đảng và điều hành của Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp, thực hiện tốt nhất quyền lựa chọn nhà đầu tư và dự án FDI, đầu tư nhiều hơn và có hiệu quả hơn vào vốn con người và khoa học công nghệ, cải cách đồng bộ và có kết quả tốt hơn bộ máy quản lý nhà nước và đội ngũ công chức.

Hiệu quả sẽ đến nhanh hơn khi những vấn đề đó được giải quyết tốt hơn!

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness