TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 60
  • Hôm nay: 699
  • Tháng: 7438
  • Tổng truy cập: 5140757
Chi tiết bài viết

Chuyên gia Fulbright lý giải vì sao tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy giảm?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam vừa nêu quan điểm lý giải vì sao tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy giảm. VietnamFinance trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của chuyên gia này, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Chuyên gia Fulbright lý giải vì sao tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy giảm?

Không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay

Chúng ta đã bước qua quý 1/2017 với mức tăng trưởng 5.1%. Đây là kết quả gây ngạc nhiên, bởi trước đó kỳ vọng chung là kinh tế sẽ khởi sắc hơn so với 2016. Nhưng như biểu đồ dưới đây thể hiện, kết quả quý 1/2017 lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước.

GDP 2017

Biểu đồ 1: Tăng trưởng GDP theo quý (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Như vậy, Chính phủ hiện nay đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế. Mức tăng GDP của hai năm đầu nhiệm kỳ này đều thua so với năm cuối của nhiệm kỳ trước.

Cuối 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho 2016 là 6,7%, nhưng kết quả cuối cùng là 6,21%. Cuối 2016, Chính phủ vẫn kiên quyết đưa ra mục tiêu 6,7% cho 2017. Nhưng với kết quả 5,1% trong quý 1 này thì 3 quý còn lại phải đạt bình quân 7%. Từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong hệ thống nhà nước đến chuyên gia bên ngoài đều hiểu rõ khả năng này gần như không thể. 

Tại sao lại có một kết quả tăng trưởng không khả quan như vậy?

Trước hết, nhìn từ phía sản xuất thì câu trả lời là suy giảm công nghiệp khai thác (âm 10%) và tăng trưởng chậm hơn trong công nghiệp chế biến - chế tạo và xây dựng.

Tăng trưởng các ngành kinh tế

Biểu đồ 2: Tăng trưởng của các ngành kinh tế quý 1/2017 so với quý 1/2016 (%)

Từ phía tổng cầu lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Tiêu dùng và đầu tư đều gia tăng mạnh và có mức đóng góp lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nói cách khác, sự suy giảm tăng trưởng này cũng không phải do sức mua hay sức đầu tư của nền kinh tế yếu đi. Dân vẫn tăng tiêu dùng, doanh nghiệp vẫn tăng đầu tư và còn mạnh hơn cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng từ phía tổng cầu

Biểu đồ 3: Tăng trưởng từ phía tổng cầu quý 1/2017 so với quý 1/2016 (%)

Vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là cho dù sức cầu của nền kinh tế có tăng mạnh mà các rào cản tăng trưởng vẫn tồn tại thì cũng không đóng góp được bao nhiêu cho phát triển kinh tế. Như biểu đồ trên cho thấy, phần thâm hụt thương mại quốc tế tăng đột biến, làm hụt đi đáng kể đóng góp  của tổng cầu vào tăng trưởng GDP. Điều đó phản ánh mức tăng của tiêu dùng và đầu tư đã được chuyển một phần lớn vào nhu cầu nhập khẩu (cả hàng hoá tiêu dùng và thiết bị máy móc).

Tóm lại, nhìn từ phía tổng cầu, có hai điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, tăng trưởng suy giảm không phải do sức mua và sức cầu đầu tư yếu. Thứ hai, nhu cầu gia tăng đầu tư và tiêu dùng chỉ được đáp ứng một phần từ sản xuất trong nước cùng với một phần đáng kể từ nhập khẩu.

Đi sâu hơn vào bức tranh cán cân thương mại, tăng trưởng xuất khẩu thực ra là có cải thiện rõ rệt, với mức tăng 15,1% trong quý 1, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 6,6%. Ở đây, có nhiều người thắc mắc tại sao công nghiệp khai thác tăng trưởng âm 10% mà xuất khẩu dầu thô lại tăng trên 27%? Phải chăng có gì đó không tương thích ở đây?

Thực ra, sản lượng khai thác dầu thô của VN giảm mạnh nhưng vì giá dầu thế giới tăng nên giá trị tính bằng tiền của xuất khẩu dầu thô mới tăng 27%.

Vấn đề là ở chỗ tăng trưởng kinh tế được tính theo giá cố định của năm 2010, tức là loại bỏ yếu tố giá, chỉ tính yếu tố lượng. Do đó, khai thác dầu khí tính theo lượng giảm, mà theo lượng giảm thì giảm tăng trưởng. Nhưng khai thác dầu thô vẫn có đóng góp về mặt giá trị, về thu ngân sách và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Cuối năm ngoái, sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, có nhiều lo ngại rằng viễn cảnh xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Lo ngại này là có cơ sở. Xét về mặt thị trường thì xuất khẩu vào ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc tăng mạnh trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU đã tăng chậm lại, lần lượt là 4,4% và 4,2%.

Kim ngạch nhập khẩu thậm chí còn tăng mạnh hơn xuất khẩu, ở mức 25%. Nhìn vào giỏ hàng nhập khẩu thì phần tăng chủ yếu vẫn đến từ nhập nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp và máy móc thiết bị.

Trên đây là bức tranh kinh tế vĩ mô quý 1/2017. Nếu chỉ xét về mặt kỹ thuật, chúng ta sẽ nói rằng: tăng trưởng chậm lại chủ yếu vì công nghiệp khai thác giảm mạnh. Nều chỉ vậy thì giải pháp ngắn hạn và mang tính hành chính là Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khi tăng mạnh khai thác dầu thô trong những tháng còn lại của năm 2017.

Nhưng biểu đồ 1 còn cho thấy tăng trưởng của công nghiệp chế biến – chế tạo và xây dựng cũng suy giảm so với cùng kỳ 2016.

Vậy, nguyên nhân thực đằng sau câu chuyện tăng trưởng chậm trong ngắn hạn là gì?

Chúng ta thử phân tích bốn nguyên nhân cho rằng tăng trưởng kinh tế thấp là do: (1) tác động từ những yếu kém của kinh tế toàn cầu; (2) niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng; (3) rào cản thể chế; và (4) yếu kém về mặt cơ cấu”.

Kinh tế thế giới

Thứ nhất, về kinh tế thế giới thì báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới do IMF công bố trung tuần tháng Tư đã nhận định kinh tế thế giới lại khởi sắc. Kinh tế Hoa Kỳ có mức cải thiện lớn. Hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất nhập khẩu trong 3 tháng của năm 2017 tăng trưởng mạnh hơn. Và hầu hết dự báo của IMF, WB và các ngân hàng quốc tế đều cho rằng đa số các nền kinh tế trong năm 2017 sẽ tăng trưởng cao hơn so với 2016.

Như vậy, kinh tế quý 1 của VN đáng lẽ phải được cải thiện nếu đi theo xu hướng chung của thế giới. Tôi cũng từng nghĩ tăng trưởng GDP ít nhất cũng phải như 2016. Đó là lý do vì sao con số 5,1% gây ngạc nhiên.

Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Về niềm tin doanh nghiệp, chúng ta có thể tham chiếu Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) cho sản xuất công nghiệp chế biến – chế tạo của tổ chức Markit Economics. Dựa trên mức độ lạc quan về khả năng gia tăng sản xuất trong thời gian tới, nếu chỉ số PMI trên 50 là mở rộng sản xuất, dưới 50 là thu hẹp sản xuất. Biểu đồ dưới đây cho thấy so với ba nước lớn trong khu vực là Trung Quốc, Ấn Độ, Indo, các doanh nghiệp VN có chỉ số PMI cao nhất, thậm chí trong quý đầu 2017, chỉ số này cao vượt hẳn lên so với ba kỳ liên tiếp. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam lạc quan nhất về khả năng gia tăng sản xuất.

PMI

Biểu đồ 4: Chỉ số quản trị mua hàng (PMI). Nguồn: Markit Economics.

Trong khi đó, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng, theo điều tra của Nielsen đến quý 4/2016, chỉ số này từ 2015 luôn vượt mức 100 (trên 100 là lạc quan, dưới 100 là bi quan). Tuy chưa có số liệu của quý 1/2017 nhưng nếu kết hợp với số liệu tăng trưởng tổng mức bán hàng hoá và dịch vụ (tăng 11,7% tháng 3/2017) thì có thể dự đoán xu hướng lạc quan của người tiêu dùng.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng

Biểu đồ 5: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng. Nguồn: Nielsen Global Survey of Consumer Confidence and Spending Intentions.

Do vậy, có thể nói rằng yếu tố niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng không phải là nguyên nhân khiến kinh tế suy giảm trong ngắn hạn.

Rào cản thể chế?

Yếu tố thứ ba, có phải là do rào cản thể chế hay không? Thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra thông điệp khá mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tức là về thông điệp về cải cách thể chế khá tích cực.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc tháo gỡ các rào cản thể chế mới chỉ dừng ở tuyên bố của Chính phủ chứ chưa có cải thiện gì thực chất. Nhưng rõ ràng là thể chế không thể tệ hơn được. Hơn nữa, rào cản thể chế thường có tác động lên tăng trưởng về mặt dài hạn. Nói cách khác, rào cản thể chế không giải thích được cho tăng trưởng quý 1/2017 thấp đi.

Gánh nặng từ những yếu kém cơ cấu

Như vậy, lý do cuối cùng có thể nằm ở vấn đề cơ cấu: ngân hàng, đầu tư công – nợ công và DNNN.

Nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn nằm đó có nghĩa là nền kinh tế vẫn phải dùng nguồn lực khan hiếm để nuôi. Đây là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống.

Việt Nam đang là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong khu vực, nhưng tín dụng tăng không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. Đó là vì các ngân hàng muốn tìm kiếm lợi nhuận cao thì phải đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng; còn muốn an toàn thì đầu tư trái phiếu chính phủ hay cho vay một số lượng nhỏ các doanh nghiệp lớn có uy tín và tài sản đảm bảo. Nợ xấu và lãi dự thu cao đòi hỏi một phần đáng kể của gia tăng tín dụng thực ra là cho vay mới để trả lãi và nợ cũ.

Chính vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đói tín dụng mặc dù tín cho cả nền kinh tế tăng 18,25% trong năm 2016 v à 5,76% trong 4 tháng đầu năm 2017 (cao nhất trong 8 năm qua và tương đương 20,2% so với cùng kỳ).

Nền kinh tế vẫn cần đầu tư công không phải chỉ để thúc đẩy tăng trưởng ở phía cầu, mà quan trọng hơn là khai thông các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng. Nhưng đầu tư công toàn phải đi vay nợ mà nợ công đã đạt trần 65% GDP. Trong giai đoạn trước, đầu tư công là ở mức cao so với quy mô nền kinh tế, nhưng vì kém hiệu quả, nên tài sản chất lượng tạo ra từ đầu tư không được là bao.

Vì thế, để có tăng trưởng trong giai đoạn này vẫn phải đầu tư nhưng nguồn lực đã cạn kiệt. Để có đầu tư công trong ngắn hạn mà không phá vỡ trần nợ công thì chỉ có nguồn tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn trong DNNN. Trong trung và dài hạn thì có thể nghĩ tới cải cách thuế đặc biệt là thuế bất động sản để đầu tư hạ tầng tại địa phương, PPP và cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Theo VNF

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness