TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 57
  • Hôm nay: 366
  • Tháng: 7105
  • Tổng truy cập: 5140424
Chi tiết bài viết

Chuyện lạ về đất nền ở Phú Quốc

Nếu làm đúng quy định, sẽ không thể có những sổ đỏ đất nông nghiệp diện tích chỉ 100-120 m2 như những gì đang xảy ra ở Phú Quốc.

Thấy có khách tìm mua đất nền, bà Ba Thiều, một người môi giới lâu năm ở Phú Quốc, chìa ra hai sổ đỏ và bảo “mỗi nền rộng 120 m2, giá 1,8 tỉ đồng, cần mua thì đi xem đất ngay”. Xem kỹ, chúng tôi thấy sổ đỏ ghi loại đất là đất trồng cây lâu năm, không phải đất ở. Nghe tôi thắc mắc, bà Ba Thiều bĩu môi: “Mua bán đất ở Phú Quốc là vậy mà, toàn đất trồng cây lâu năm chứ có bao nhiêu thửa là đất thổ cư đâu. Có sổ đỏ là chắc ăn rồi, nhiều người bán chỉ có giấy tay thôi”.

Thoải mái tách đất nông nghiệp diện tích nhỏ

Hóa ra Phú Quốc đang tồn tại hàng ngàn sổ đỏ loại đất trồng cây lâu năm nhưng có diện tích chỉ trên dưới 100 m2, bằng một nền nhà dân dụng và chính loại giấy tờ này đã góp phần làm sôi động thị trường mua bán đất nền Phú Quốc thời gian gần đây.

Bà Ba Thiều lý giải thêm: “Người mua chủ yếu là dân các địa phương khác về đây, Hà Nội là nhiều nhất. Người ta đâu biết ất giáp gì về đất đai Phú Quốc, cứ có sổ thì mới tin, mua (!?)”. Còn anh Trung, một người môi giới đất chuyên nghiệp ở Phú Quốc trong nhiều năm qua cho hay: “Có người cắt vài mẫu đất trồng cây lâu năm thành đất nền (phân lô - PV) nên ôm vài trăm sổ đỏ là bình thường. Luật không cấm, chính quyền cho tách thì dân tách thôi (!?)”.

Theo chân giới cò đất đi quanh đảo Phú Quốc, chúng tôi nhận thấy đa số lô đất tại các khu dân cư tự phát đều có diện tích 100-120 m2, có sổ đỏ ghi là đất trồng cây lâu năm.

Căn cứ pháp lý nào để cho tách đất trồng cây lâu năm thành từng lô diện tích khoảng 100 m2 như vậy? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Văn Mạnh Trường, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Phú Quốc, nói: “Luật Đất đai 2013 không giới hạn diện tích tách thửa tối thiểu nên địa phương đâu thể từ chối yêu cầu tách thửa của dân. Cho đến tháng 6-2017 thì việc tách thửa đất nông nghiệp diện tích dưới 500 m2 mới dừng lại. Lý do là có chỉ đạo của cấp trên và UBND tỉnh ban hành Quyết định 19/2017 quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa đất”.

Ông Trường cũng nói thêm, nhiều tỉnh/thành trong cả nước làm vậy chứ không chỉ Phú Quốc, Kiên Giang (!?).

Chuyện lạ về đất nền ở Phú Quốc - ảnh 1

Giá đất Phú Quốc vẫn ở mức cao và các giao dịch vẫn diễn ra hằng ngày. Ảnh: T.VŨ

Không đúng quy định

Được biết năm 2008, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định 36 quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa. Trong đó, đối với đất ở, hạn mức tối thiểu là 36-45 m2. Đất nông nghiệp thì chia ra nhiều loại. Nếu đất nông nghiệp vẫn thuộc quy hoạch làm nông nghiệp thì diện tích tối thiểu 500-1.000 m2. Nếu đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch làm đất ở thì áp dụng hạn mức của đất ở (36-45 m2) nhưng phải kèm điều kiện là làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Đến năm 2015, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định 20 về diện tích tối thiểu để tách thửa đất ở và bảo lưu con số như tại Quyết định 36. Quyết định 20 không nhắc gì đến tách thửa đất nông nghiệp. Quyết định này vẫn còn được áp dụng đến nay.

50 tổ chức, cá nhân bị phát hiện xây dựng trái phép 540 công trình tại huyện đảo Phú Quốc từ đầu năm 2018 đến nay. Huyện đã xử phạt hành chính sáu trường hợp với số tiền 318 triệu đồng - lãnh đạo huyện Phú Quốc báo cáo bước đầu với đoàn thanh tra Chính phủ khi triển khai quyết định thanh tra tại tỉnh Kiên Giang.

Còn theo thống kê từ các đội quản lý trật tự xây dựng tại Phú Quốc, trong ba năm qua đã phát hiện 646 trường hợp vi phạm xây dựng, đã cưỡng chế buộc tháo dỡ 47 trường hợp. 

Riêng về đất nông nghiệp, đến tháng 6-2017, tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định 19 quy định hạn mức tối thiểu được tách thửa cho loại đất này. Theo đó, đất nông nghiệp ở nông thôn nếu vẫn thuộc quy hoạch làm nông nghiệp thì diện tích tối thiểu được tách thửa là 3.000 m2. Còn nếu thuộc quy hoạch làm đất phi nông nghiệp thì diện tích tối thiểu 500-1.000 m2. Trường hợp đất nông nghiệp thuộc khu vực đô thị mà vẫn quy hoạch là đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu được tách là 500 m2.

Quyết định 19 nói rõ: Trong trường hợp đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch đất ở thì áp dụng hạn mức đất ở và các điều kiện kèm theo (tức diện tích tối thiểu là 36-45 m2 và phải chuyển mục đích sử dụng đất).

Đối chiếu với các quyết định tách thửa đã ban hành của tỉnh Kiên Giang cũng như các tỉnh/thành khác, chúng tôi nhận thấy đất nông nghiệp vẫn được tách thửa và tùy theo quy hoạch khu vực đó là gì (vẫn quy hoạch tiếp là nông nghiệp hay quy hoạch làm đất ở) mà có diện tích tối thiểu khác nhau. Nếu đất nông nghiệp tách thửa để làm đất ở do phù hợp quy hoạch đất ở thì được áp dụng chuẩn đất ở nhưng điều kiện bắt buộc kèm theo là phải chuyển mục đích sử dụng đất, đi kèm là phải có hạ tầng phù hợp như đường giao thông, cống thoát nước…

Tóm lại, nếu làm đúng quy định, sẽ không thể có những sổ đỏ đất nông nghiệp chỉ 100-120 m2 như những gì đang xảy ra ở Phú Quốc!

Hậu quả khó lường

Tới hôm nay, những hậu quả của cơn sốt đất đột biến ở Phú Quốc bắt đầu thể hiện rõ nét, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân địa phương và công vụ của chính quyền. Những con suối, những thửa rừng phòng hộ, những bờ biển tự nhiên đang bị xâm hại dần mòn.

Những ngày ở Phú Quốc, chúng tôi đã lắng nghe hàng trăm người dân ở khu phố 6, thị trấn Dương Đông than vãn về một con suối trên địa bàn này đang bị bức tử. Bề rộng con suối ngày càng thu hẹp vì bị san lấp làm đất nền, nước không có chỗ rút nên tràn hết vào khu dân cư. Mới có vài cơn mưa đầu mùa mà mấy trăm căn nhà ở đây bị ngập, ô nhiễm, sinh hoạt xáo trộn, bất thường. “Trước giờ khu này chưa bao giờ bị ngập lâu. Nếu không được ngăn chặn kịp thời thì mùa mưa tới dân khu phố này mất ăn mất ngủ vì ô nhiễm, vì ngập nước” - anh Nguyễn Tấn Trọng, tổ trưởng dân phố khu phố 6, khẳng định.

Còn tại xã Gành Dầu, 15 hộ dân đã ký đơn gửi Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương đề nghị ngăn chặn việc triển khai một dự án du lịch tại đây. Nguyên do là người dân thấy giá đất tăng quá cao nên không muốn giao cho nhà đầu tư như thỏa thuận nữa, mà muốn bán đất theo giá thị trường.

Đáng nói là hiện có nhiều người dân tin vào một “chân lý” do cò đưa ra là cứ mua đất nông nghiệp ở Phú Quốc thì vô tư xây nhà, không cần chuyển lên đất ở cho tốn kém. “Ở đây xây dựng trái phép bị phạt là mừng. Vì như thế có chứng cứ để hợp thức hóa căn nhà về sau, rẻ hơn nhiều so với việc phải làm đúng quy trình chuyển lên đất ở, xin phép xây dựng…” - một cò đất ở Phú Quốc tiết lộ.

TRẦN VŨ - CẨM TÚ - Theo Plo

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness