TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 8
  • Hôm nay: 115
  • Tháng: 4477
  • Tổng truy cập: 5149742
Chi tiết bài viết

CHUYỆN NHÀ ÔNG LÝ QUANG DIỆU – Biết Gì Kể Nấy

 Image result for Lý Hiển Long và bà Hà Tinh
Chuyện tranh cãi công khai giữa các con của cố Thủ tướng lập quốc Singapore Lý Quang Diệu đang gây bàn tán khắp thế giới và có vẻ còn lâu mới chấm dứt. Thật lòng mà nói, câu chuyện này gây cho mình nhiều cảm xúc khó có thể nói hết, với nhiều chiêm nghiệm xót xa.
 
Mình đã cố không viết gì về chuyện này, ngoài một lời than ngắn ngủi hôm 15.6. Nhưng có nhiều bạn đã nhắn tin hỏi ý kiến mình. Đặc biệt, anh Duoc Nguyen đã hỏi công khai trên Facebook, nên mình cũng thật lòng đưa ra một vài nhận định cá nhân, dựa trên những gì mình ghi nhận được trong suốt gần 10 năm qua ở Singapore.
 
Mình chân thành khuyến cáo và nghiêm cấm bất kì cá nhân/tổ chức nào sử dụng các ý kiến chủ quan của mình hoặc các thông tin không chính thống mà mình đưa ra trong bài này như là thông tin sự thật (facts), bởi chúng có thể hoàn toàn sai.
---
 
Nội dung tranh cãi giữa các con cụ Lý hẳn mọi người có quan tâm đã đọc rất nhiều trên các báo.
 
Theo mình, có 2 điểm trong bản thông cáo dài 6 trang file PDF mà bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương tung ra vào lúc 2 giờ sáng 14.6 có thể xem là chìa khóa để vén bức màn bao trùm cuộc tranh cãi trong gia tộc danh giá bậc nhất Singapore này. Đó là:
 
1. Cáo buộc anh trai của họ, đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long và vợ là bà Hà Tinh (Ho Ching) có mưu đồ vun vén di sản chính trị của cụ Lý để làm bàn đạp đưa con trai lớn của họ là Lý Hồng Nghị (Li Hongyi) lên làm lãnh đạo tương lai của Singapore, bằng cách quyết giữ lại căn nhà hương hỏa số 38 Phố Oxley, nơi cụ Lý đã sống gần trọn cuộc đời và cũng là chứng địa của nhiều hoạt động chính trị quan trọng trong lịch sử Singapore.
 
2. Cáo buộc bà Hà Tinh lạm dụng quyền lực của chồng, can thiệp bất chính vào công việc của Chính phủ.
 
Cho đến thời điểm này, 2 cáo buộc này chỉ được đề cập ở mức nêu vấn đề chứ chưa có bằng chứng, ngoài việc hai người em nói rằng bà Hà Tinh không có chức vụ gì trong Chính phủ nhưng lại ra lệnh cho các Thư ký trưởng của Thủ tướng. Dù vậy, mình tin rằng những người như Lý Vỹ Linh, Lý Hiển Dương không thuộc loại bốc đồng, chỉ đưa ra các cáo buộc khơi khơi. 
 
Sau bản thông cáo “địa chấn” đó, những người trong cuộc, người trong họ, người có liên quan cho đến các quan chức Chính phủ lần lượt lên tiếng, đưa ra các thông tin, lập luận để phủ nhận, tố cáo ngược, hoặc thể hiện quan điểm của mình. Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại giữa các bên, mà phần lớn là chuyện râu ria, theo dõi thiệt là nhức đầu. 
 
Trong số đó, có trọng lượng và đáng nhất lưu ý nhất theo mình là phát biểu từ Mỹ của cậu Lý Thằng Vũ (Li Shengwu), con trai đầu của ông Hiển Dương và bà Lâm Tuyết Phong (Lim/Lee Suet Fern):  “Tôi tin rằng nếu ai đó thuộc thế hệ thứ ba của dòng tộc Lý tiếp tục lao vào con đường chính trị sẽ là điều tồi tệ cho Singapore. Một quốc gia phải lớn hơn một dòng tộc”. 
 
Thằng Vũ, 32 tuổi, từng học cử nhân và thạc sĩ kinh tế tại ĐH Oxford (Anh), lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ) và hiện đang là nghiên cứu viên về kinh tế tại ĐH Harvard. Ngoài học giỏi, cậu này còn có tài hùng biện và từng được cho là có khả năng kế nghiệp chính trị của gia tộc.
 
Những ý “mấu chốt” nói trên dẫn mình đi đến kết luận: Thực chất vụ tranh cãi này là cuộc chiến của 2 người em chống bà chị dâu Hà Tinh, mà mục tiêu cuối cùng là phá tan mưu đồ đưa Lý Hồng Nghị vào vị trí chính trị quyền lực trong tương lai. Trong đó, vấn đề số phận căn nhà 38 Phố Oxley chính là “phương tiện” để họ đưa cuộc chiến trong gia đình ra công luận một cách chính đáng nhất. Căn nhà thuộc sở hữu tư nhân này rơi vào phạm vi điều chỉnh của Đạo luật bảo tồn di sản Singapore. Việc đập nó đi theo ý nguyện tha thiết của cụ Lý hay giữ nó lại để bảo tồn theo luật đã trở thành một mối quan tâm của cả nước chứ không còn là câu chuyện gia đình. 
 
Trong cuộc giằng co công – tư đó, ông Lý Hiển Long, với tư cách người đứng đầu cơ quan hành pháp, bị kẹt giữa Tình và Lý, giữa chữ Hiếu và Trách nhiệm làm gương thượng tôn công pháp. Việc ông được cho là có chủ trương bảo tồn căn nhà, vì thế, cũng khó nói là đúng hay sai, có vì động cơ cá nhân hay không. Nếu xét về Lý, 2 người em của ông có thể thua trắng trong nỗ lực khăng khăng đòi đập bỏ căn nhà, bởi ngay chính trong Di chúc của mình, ông Lý Quang Diệu cũng đã thừa nhận: “Nếu luật pháp hiện hành buộc phải đứng trên ước nguyện của cá nhân, thì tôi mong muốn ngôi nhà chỉ được mở cửa cho người trong dòng họ vào thăm”. Mà ông Lý Quang Diệu sinh thời được biết là một người lạnh lùng, bất thỏa hiệp trước các vấn đề có xung đột giữa luật pháp, lợi ích công, với ý nguyện, lợi ích và tình cảm cá nhân.
 
THAM VỌNG 
 
Phần này mình sẽ lý giải vì sao mình cho rằng mục tiêu cuối cùng của bác sĩ Lý Vỹ Linh và doanh nhân Lý Hiển Dương là phá tan mưu đồ đưa thằng cháu ruột Lý Hồng Nghị vào vị trí quyền lực trong tương lai. 
 
Bà Vỹ Linh ngay từ trẻ đã không có đam mê làm chính trị. Bà học xuất sắc, nhận Học bổng Tổng thống du học ở Mỹ và chọn trở thành bác sĩ thần kinh nhi. 
 
Ông Hiển Dương cũng học giỏi, cũng nhận Học bổng Tổng thống, đi du học Anh, Mỹ ngành khoa học kỹ nghệ và khoa học về quản lý, rồi trở về tham gia quân đội. Con đường ông Hiển Dương đi cho đến đoạn này dường như trùng với công thức đào tạo, ươm dưỡng lãnh đạo do ông Lý Quang Diệu “phát minh” mà mình từng viết trong loạt bài 7 kỳ Người đưa Singapore lên Thế giới thứ nhất, đăng trên báo Thanh Niên ngay sau khi cụ Lý qua đời hồi tháng 3.2015. 
 
Tuy nhiên, phục vụ được vài năm trong quân đội, năm 1994, chuẩn tướng Lý Hiển Dương từ giã binh nghiệp và đi thẳng vào thương trường, thay vì đi vào chính trường theo “công thức” kinh qua nhiều ghế bộ trưởng, rồi lên phó thủ tướng và một ngày nào đó có thể trở thành thủ tướng. Ban đầu, Hiển Dương làm Tổng giám đốc tập đoàn viễn thông Singtel, mà sở hữu chủ yếu là quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings. Nhưng sau đó ông dứt luôn, không làm việc dính đến những tập đoàn có vốn nhà nước nữa. 
 
Việc ông Hiển Dương chỉ đi một đoạn ngắn của lộ trình trở thành lãnh đạo Singapore và đoạn tuyệt với các công ty có cổ phần của chính phủ có thể cho thấy có sự phân hóa (nếu không muốn nói là bất đồng) về lý tưởng, quan điểm chính trị trong gia đình Lý Quang Diệu, mặc dù cụ Lý từng nói trong số 3 người con của ông, chỉ có Hiển Long có năng khiếu làm chính trị thôi.
 
Dấu hiệu của “sự phân hóa” này còn thể hiện trong chính tiết lộ của ông Lý Quang Diệu. Tại cuộc đối thoại về tuổi già ngày 11.2.2008 mà mình có dự, cụ Lý đã tiết lộ rằng một thằng cháu của ông đang học ở Mỹ đã bảo với em trai nó rằng: “Mày đừng có nhận học bổng của nhà nước để đi du học, kẻo lại phải về nước phục vụ!” Dù cụ Lý không nói tên đứa cháu, những người biết về gia đình ông không khó đoán ra đó là lời của Hồng Nghị, khi ấy đang học IT tại Học viện công nghệ Massachusetts bằng học bổng dành cho ngạch công chức của nhà nước.
 
Hồng Nghị năm 2007, khi đang làm nghĩa vụ quân sự trong quân đội, đã khiến dòng họ Lý muối mặt, bằng việc gửi một bức thư dài hơn 2.000 chữ đến hàng trăm tướng tá lẫn Bộ trưởng quốc phòng Teo Chee Hean. Nội dung bức thư chỉ nhằm phàn nàn về việc một sĩ quan khác vắng mặt không xin phép mà không bị phạt. Hành động vượt ngoài các quy định hành xử trong quân đội nói trên đã khiến cậu bị khiển trách công khai.
 
Do điều kiện ràng buộc của học bổng, Hồng Nghị đã về nước và làm việc tại Cục phát triển thông tin truyền thông và báo chí, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông từ tháng 12.2013 sau 2 năm làm việc cho Google tại Mỹ. 
 
Trong cuộc phỏng vấn với báo Trung Quốc tháng 11.2014, ông Lý Hiển Long khẳng định rằng tất cả các con ông không đứa nào có đam mê làm chính trị. Dù vậy, dư luận vẫn hồ nghi về khả năng Hồng Nghị sẽ nối nghiệp cha ông.
 
Mà nếu điều đó xảy ra thật thì đã sao? Việc gì bà Vỹ Linh và ông Hiển Dương phải tìm cách ngăn chặn?
 
Theo mình, họ làm vậy là bởi họ tin, như phát biểu của Thằng Vũ, “nếu ai đó thuộc thế hệ thứ ba của dòng tộc Lý tiếp tục lao vào con đường chính trị sẽ là điều tồi tệ cho Singapore”. Phát biểu đó có thể hiểu rằng họ không muốn những chỉ trích họ Lý đã mọc rễ thành một “triều đại” tham quyền cố vị, lũng đoạn Singapore kéo lê qua thế hệ thứ ba. Họ không muốn mô hình trị quốc của Lý Quang Diệu vốn hiệu quả và thành công nhưng còn xa mới đạt tới các giá trị văn minh, dân chủ, tam quyền phân lập, như ở các quốc gia phát triển mà họ đã theo học, cứ tiếp tục tồn tại. Bà Vỹ Linh trước đây thường viết xã luận  rất sắc sảo trên báo Straits Times, trong đó có những bài phê phán chính sách của Chính phủ hoặc thể hiện thái độ không đồng tình với một vài lối nghĩ, cách hành xử trong xã hội Singapore.
 
Có thể họ cũng lo sợ nếu Hồng Nghị lên được chiếc ghế quyền lực cao nhất, Singapore có thể rơi vào tay hoàng thái hậu Hà Tinh, một người mà theo họ là có thói lạm quyền và thủ đoạn. Trong bản thông cáo 6 trang, họ có nói rằng họ cảm thấy bị theo dõi và đe dọa từ nhữn cánh tay quyền lực dưới trướng ông anh Lý Hiển Long, mà phải chăng đứng sau cái trướng đó là bà Hà Tinh? Cũng trong bản thông cáo, họ đã chẳng nói rằng họ lo cho tương lai Singapore là gì? 
 
Và sau cùng, họ tin, nếu có một lãnh đạo mang họ Lý nhưng quản trị Singapore theo phong cách họ Hà, đó sẽ là một thảm họa đối với di sản mà cha họ - Thủ tướng lập quốc Lý Quang Diệu - đã tạo dựng nên.
 
HÀ TINH LÀ AI?
 
Là phu nhân đương kim Thủ tướng, là Tổng giám đốc Temasek Holdings (ra đời năm 1974, hiện quản lý tài sản trên dưới 200 tỉ USD) ai chả biết. 
 
Bà kết hôn với ông Lý Hiển Long năm 1985 - 3 năm sau khi người vợ đầu tiên của ông qua đời, để lại 2 đứa con nhỏ trong khi ông vừa chính thức bước vào con đường chính trị. Khi lấy Lý Hiển Long (ở tuổi 33), bà Hà Tinh là một kỹ sư 32 tuổi mới vào làm viên chức trong Bộ Quốc phòng và thăng tiến rất nhanh. 
 
Một bô lão trong Câu lạc bộ báo chí Singapore và từng là bạn của em ông Lý Quang Diệu kể với mình rằng, chính cụ Lý là người sắp đặt chuyện hôn nhân của Lý Hiển Long và Hà Tinh. Khi có người đặt vấn đề sao chọn cô con dâu kém nhan sắc vậy, ông Lý Quang Diệu đã chỉ vào đầu của mình, hàm ý trả lời rằng Hà Tinh không đẹp nhưng có bộ óc. Và người đời đã bỉu môi xầm xì: Chắc ông Lý Quang Diệu nhờ máy tính chọn vợ cho con dựa trên tiêu chí IQ (chỉ số thông minh)!
 
Năm 2002, bà Hà bắt đầu làm việc ở Temasek Holdings, và năm 2004 thì trở thành CEO của quỹ này. 
 
Có lẽ chỉ ở Singapore mới có chuyện phu nhân thủ tướng lại gánh thêm chiếc ghế CEO một quỹ đầu tư trực thuộc Bộ Tài chính. Ông Lý Hiển Long từng là bộ trưởng Bộ này từ năm 2001 và kiêm nhiệm luôn cho tới năm 2007 trong khi đã trở thành thủ tướng vào năm 2004. Rõ ràng 2 chức phận mà bà Hà Tinh gánh trên vai có mâu thuẫn lợi ích với nhau rành rành ra. Nên không chừng chính điều này là ngọn nguồn của mối mâu thuẫn giữa bà với các em chồng. 
 
Khi mới sang thường trú ở Singapore vào năm 2007, mình rất muốn viết về bà Hà Tinh. Thông tin về bà trên mạng thì không ít, nhưng sự xuất hiện của bà trước công chúng (cùng chồng) và báo chí (trong tư cách CEO Temasek) thì rất hiếm hoi. Bà cũng chẳng bao giờ trả lời phỏng vấn báo chí. Không được gặp trực tiếp người phụ nữ nhiều năm liền được tạp chí Forbes xếp trong top 5 những phụ nữ quyền lực nhất thế giới này, mình bỏ luôn ý định viết bài. 
 
Năm 2009, Temasek quyết định thay bà Hà Tinh bằng một doanh nhân nước ngoài – ông Charles Goodyear. Nhưng cuối cùng, sau vài tháng làm quen với công việc trước khi chính thức bắt đầu vai trò CEO, Goodyear đã “bái bai” do “khác biệt về chủ trương trong một số vấn đề chiến lược” với ban giám đốc Temasek. Vị trí CEO vì thế vẫn nằm trong tay bà Hà Tinh cho tới nay. Tuy nhiên, cũng từ dạo đó, có lẽ cái chức CEO của bà Hà Tinh chỉ còn là biểu tượng, bởi mình thấy bà có vẻ rất rảnh. Và mình đã được gặp bà ấy rất nhiều lần. Có lần bà đi dự Đối thoại toàn cầu Singapore một mình (năm 2012) và dự từ đầu đến cuối như thể bà chả có việc gì khác để làm. Đã có lúc mình đi rất gần bà ấy, nhưng không thấy có hứng để tiếp cận nói chuyện với bà. 
 
Ấn tượng của mình trong các lần gặp bà là bà và ông Lý Hiển Long cứ như một cặp đũa lệch, xuất hiện cùng nhau trước công chúng mà cứ như hai người lạ. Không chỉ ít đẹp, bà Hà còn ăn mặc xấu và trông rất thường dân. Tuy nhiên, người của Bộ Thông tin và Truyền thông nói với mình rằng bà Hà có cặp mắt thẩm mỹ cao. Bà thường được mời đến góp ý việc sắp đặt, trang trí phòng ốc, sân khấu, phông màn mỗi khi Singapore tổ chức những sự kiện quan trọng.
 
Gần đây, tần suất xuất hiện cạnh chồng của bà Hà có thể nói là dày đặc. Cùng với điều này, Forbes cũng đánh rớt hạng bà đến thê thảm, chỉ còn nằm trong top 30 phụ nữ quyền lực của thế giới, dù bà vẫn là CEO của Temasek, và giá trị tài sản của quỹ này chỉ tăng lên chứ không có giảm. Mình đang tự hỏi, tại sao bà Hà Tinh vẫn giữ chiếc ghế CEO của cái quỹ luôn bị soi mói này? Liệu đây có phải là một trong các lý do mà các em ông Lý cáo buộc anh trai và vợ lạm dụng quyền lực cho mưu đồ cá nhân? Và sẽ không có gì lạ nếu bà Hà Tinh có tham vọng hướng con trai nối nghiệp chính trị của nhà chồng, trong khi các em chồng thì chẳng mặn mà gì.
 
Báo South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 17.6 có đăng bài của cựu biên tập viên báo Straits Times Zuraidah Ibrahim nói rằng bà Hà Tinh và bà Lâm Tuyết Phong (vợ Lý Hiển Dương) cũng chả ưa gì nhau và họ đã phải cố che giấu điều này khi ông bà Lý Quang Diệu còn sống. Tuy nhiên, bài báo cũng nói rằng mâu thuẫn giữa hai chị em dâu xem ra chỉ ở phạm vi son phấn đàn bà.
 
Mình chẳng ngạc nhiên gì nếu hai bà này không ưa nhau, bởi họ quá khác biệt trong phạm trù phụ nữ. Trong khi bà Hà nhìn như một người bình dân thì Tuyết Phong đẹp rực rỡ, trang phục sang trọng, phong thái nhẹ nhàng đúng dòng trâm anh. Mình đã có lần nói chuyện với nữ luật sư kinh tế nổi tiếng này, tại Bảo tàng Văn minh châu Á vào dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Singapore và ghé Bảo tàng xem triển lãm, năm 2011. Không phải vì Tuyết Phong đẹp đến từng cen-ti-mét, mà mình thật sự ngưỡng mộ bà ấy vì thái độ và những lời nói khiêm tốn, cầu thị và tôn trọng của bà dành cho người đối diện.
 
Mình cũng tiếp xúc với Thủ tướng Lý Hiển Long rất nhiều lần, trao đổi email với ông, các thư ký báo chí của ông, lẫn quản trị viên trang Facebook Lee Hsien Loong. Mình tin rằng ông Lý là người trí tuệ và có tâm. Ông đủ sáng suốt để biết cách hành xử trong ngoài và hướng nghiệp cho các con. Nhưng bà Hà Tinh thì có thể không được như vậy? 
 
BI KỊCH NHÀ HỌ LÝ
 
Không ai có thể phủ nhận gia đình Lý Quang Diệu là một tập hợp tinh hoa, vì hầu như ai cũng thông minh, giỏi, giang, kể cả 2 nàng dâu. Thế nhưng, tập hợp này cũng không được “lành lặn”, gây ra những bi kịch lớn trong họ Lý.
 
Bi kịch thứ nhất có tên Lý Vỹ Linh. Bà Linh, theo các hình ảnh tư liệu, khi ở tuổi mới lớn thuộc diện dễ nhìn, xét trên mặt bằng nhan sắc của phụ nữ Singapore. Bà Lý ở tuổi thanh xuân trông rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát. Không hiểu sao càng ngày bà càng xấu đi, đau ốm liên miên. Giờ đây, nhìn bà mà đau lòng. Bà Lý được nói là cũng từng có những mối tình, nhưng không được cụ Lý chấp nhận vì không môn đăng hộ đối. Kết cục là bà sống độc thân cùng cha mẹ. Có dư luận nghi ngờ bà bị lệch lạc về giới tính.
 
Chưa hết, bà cũng được biết công khai, qua lời kể của chính bà trên báo hoặc của ông Lý Quang Diệu, là người vụng về việc nhà, thậm chí việc chăm sóc bản thân thôi. 
 
Cụ Lý trong một cuộc đối thoại tại ĐH Quốc gia Singapore, năm 2009, 2010 gì đó, mà mình có dự đã thổ lộ rằng: “Chúng tôi (tức ông và vợ) còn sống thì không sao. Nhưng khi chúng tôi không còn nữa, không biết nó (Vỹ Linh) sẽ như thế nào!”. Tâm tình của ông, một người cha, đã khiến mình chảy nước mắt.
 
Một cựu nhà báo Singapore nói với mình, khi cụ Lý rơi vào trạng thái sống thực vật bằng bình dưỡng khí trong Bệnh viện Đa khoa trước khi được chính thức qua đời, Vỹ Linh là người muốn kéo dài sự tồn tại của cha, trong khi Hiển Long muốn kết thúc sớm sự sống vô nghĩa này. Điều đó cho thấy sự bấu víu của người phụ nữ độc thân vào người cha kể cả khi ông không còn sức sống. Nó cũng giúp chúng ta đồng cảm với sự quyết liệt của bà trong việc bảo vệ di sản, di nguyện của cha. 
 
Bi kịch thứ hai là đứa cháu đích tôn mắc bệnh bạch tạng Lý Diệp Bình (Li Yipeng). Diệp Bình là con thứ hai của ông Lý Hiển Long với người vợ đầu, bác sĩ Vương Minh Dương. Con đầu của họ là cô Tú Kỳ, nay 37 tuổi. Bà Minh Dương sinh Diệp Bình được 3 tuần thì qua đời vì “một con đau tim”, thông tin chính thống nói vậy. Nhưng có dư luận cho rằng bà chết vì quyên sinh, do không chịu nổi áp lực từ việc đã sinh cho gia đình họ Lý tinh hoa với niềm kiêu hãnh thuộc giống nòi thượng đẳng một đứa cháu đích tôn dị dạng, mà người đời ác khẩu còn mỉa mai rằng đó là quả báo.
 
Khi mình hỏi bô lão trong CLB phóng viên Singapore về tin đồn này, ông ấy không khẳng hay phủ định mà chỉ nói một cách đầy ẩn ý: “Xem ra cô cũng thạo chuyện lắm đấy!” 
 
Diệp Bình, nay 34 tuổi, trông cũng khỏe mạnh, khá đẹp trai (trừ đôi mắt) với làn da và bộ tóc trắng phau, lúc nào cũng hồn nhiên. Hồi đám tang bà nội Kha Ngọc Chi (2010), mình thấy cậu cứ ngọ nguậy giữa đám con cháu nghiêm trang và buồn rười rượi. Thi thoảng, cậu lại khều khều lưng ông nội. Trông rất đáng yêu, mà cũng thật đáng thương. Cụ Lý nói rằng trong số những đứa cháu, ông yêu Diệp Bình nhất.
 
Chuyện tranh cãi giữa những người con cụ Lý, theo mình, chỉ kết thúc tại tòa án, bởi Thủ tướng Lý Hiển Long không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phải đưa các em ra tòa để bảo vệ uy tín của Chính phủ như cách ông và cha ông đã từng làm với bất kì ai được cho là bôi nhọ danh dự của họ, đặc biệt là khi cánh đối lập, khởi đầu là ứng viên ghế Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2011 Tan Cheng Bock, đã lên tiếng yêu cầu điều tra các cáo buộc mà 2 người em Thủ tướng Lý đưa ra. Bà Hà Tinh hẳn cũng có nhu cầu bảo vệ thanh danh của bà nữa. 
 
“Vô phúc đáo tụng đình”, người Á châu quan niệm vậy. Anh em một nhà, lại là nhà tinh hoa, đưa nhau ra tòa thì còn vô phúc, bẽ bàng hơn vạn lần.
 
Nếu các cáo buộc của hai người em Thủ tướng Lý đối với bà Hà Tinh là đúng, thì phải chăng việc ông Lý Quang Diệu chọn con dâu bằng chỉ số IQ đã và đang tạo ra bi kịch thứ ba trong gia đình ông?
 
Chuyện ai đúng ai sai rồi sẽ được tòa án phân định, mà có khi lúc đó mình chẳng còn thường trú ở Singapore để chứng kiến nữa. Nhưng dù kết quả thế nào thì mục tiêu ngăn chặn thế hệ thứ ba nhà họ Lý tiếp tục chấp chính của Lý Vỹ Linh và Lý Hiển Dương, theo mình, đã thành công từ hôm 14.6 rồi.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness