TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 59
  • Hôm nay: 910
  • Tháng: 7649
  • Tổng truy cập: 5140968
Chi tiết bài viết

Chuyện phân lô: Những chỉ số biết nói (!)

Giữa lúc tôi đang viết loạt bài này, thì cơ quan điều tra đang ráo riết vào cuộc xới lại cái dự án đầy tai tiếng suốt gần 20 năm qua: dự án Bắc Rạch Chiếc.

Và trước đó, những vụ lùm xùm liên quan đến dự án Thủ Thiêm cũng đã dâng đến cao trào, và bị thanh tra toàn diện. Hầu như ai cũng nghĩ đến một điều: vì sao lại có một thời gian dài, việc quản lý sử dụng đất lại tùy tiện đến thế?

Chuyện phân lô: Những chỉ số biết nói (!) - ảnh 1
Chuyện phân lô: Những chỉ số biết nói (!) - ảnh 2
Nhiều tiền thì có thể mua đất phân lô ở các dự án khang trang như thế này để xây nhà ở DIỆP ĐỨC MINH

Bời bời gió lộng Rạch Chiếc

Trong 5 năm từ 1995 đến 2000, tôi rời nhà ở ngã 3 Dầu Giây lên Sài Gòn ở trọ viết báo. Mỗi tuần đi về một lần, nghỉ cuối tuần 2 ngày, xong lại xách xe lên lại Sài Gòn. Khi chạy về hướng Long Khánh, qua cầu Sài Gòn, nơi tôi thường thích đứng lại một chút bên đường là đoạn cầu Rạch Chiếc. Thoát cái cảnh ồn ào sôi động, đá chống xe đốt một điếu thuốc và ngắm nhìn cơ man là kênh rạch, những thảm dừa nước xanh um, vườn ruộng tươi tốt. Rồi lại quày quả lên xe về. Cũng vậy, lúc trở lên, lại đứng bên cầu Rạch Chiếc cởi chiếc áo gió cho vào cốp xe. Đứng lại một chút trước khi vào nội đô, bắt đầu một tuần làm việc. Vì vậy, cái địa danh và những cơn gió bên cầu đã theo tôi bao năm tháng lao lư!

Rồi đến lúc cả 2 khu vực Nam và Bắc Rạch Chiếc đều được quy hoạch thành 2 khu đô thị. Bắc Rạch Chiếc được phê duyệt quy hoạch năm 2001 với quy mô 78 ha, còn Nam Rạch Chiếc thì mãi đến năm 2009 mới được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu đô thị có diện tích 90,26 ha.

Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc do Công ty Xây dựng và dịch vụ nhà đất Q.10 (sau đổi tên thành Công ty cổ phần địa ốc 10 - Res 10, trực thuộc Tổng công ty địa ốc Sài Gòn - Resco) đầu tư hạ tầng kỹ thuật trục đường chính. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng, công ty sẽ bàn giao lại cho thành phố để bàn giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Tháng 9.2005, trong lần phỏng vấn một vị lãnh đạo của Resco, kiêm luôn chức Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tôi có nhắc đến quá nhiều sự ta thán, kêu ca của người dân về cách thức áp giá đền bù dự án Bắc Rạch Chiếc, mới được phê duyệt dự án trước đó 4 năm (2001). Đồng thời tôi cũng nêu ý kiến: Tại sao chưa được cấp thẩm quyền ký quyết định giao đất mà đã thấy xuất hiện các đơn vị xưng danh là triển khai dự án thành phần? Vị này nói, cũng có vẻ bức xúc: “Đang rà soát, nếu thấy sai phạm thì sẽ xử lý quyết liệt. Nhưng ông cũng thấy đó, một dự án lớn thì không thể không huy động nhiều nhà đầu tư và chia nhỏ thành nhiều dự án thành phần. nếu không làm cấp thời thì sẽ đánh mất cơ hội. Ví dụ như dự án 143 ha An Phú - An Khánh hoặc 184 ha của dự án Thạnh Mỹ Lợi…”.

Chuyện phân lô: Những chỉ số biết nói (!) - ảnh 4
Ít tiền thì người lao động thu nhập thấp đành phải mua diện tích đất nhỏ, xây dựng tạm bợ để sống qua ngày
DIỆP ĐỨC MINH

Bây giờ, đã gần 20 năm, qua nhiều công đoạn chuyển nhượng lòng vòng, huy động vốn tùy tiện, dự án lại trở thành tâm điểm của dư luận bởi bị điều tra. Bản tin của các báo đưa cách đây khoảng 10 ngày cũng có đề cập: “Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra sai phạm của nhiều cán bộ công ty Res 10 qua các thời kỳ. Họ bị cho là tiếp tay cho việc phân lô bán nền tại dự án. Cụ thể, cán bộ công ty Res 10 đã ký hợp đồng có nội dung "được quyền tự tổ chức kinh doanh" với các đơn vị đăng ký tham gia thực hiện dự án. Từ đó, các doanh nghiệp cho rằng họ được quyền phân lô và thực hiện huy động vốn nhưng thực chất là bán nền cho nhiều cá nhân”.

Nhưng, điều cảm thấy nhức nhối là khi xem những hình ảnh dù đã qua gần 20 năm, tôi lại thấy sự chơ chỏng, lụp xụp và hết sức nham nhở của những gì nằm bên trong dự án ấy. Dân thì đã bị đuổi đi đã lâu, những gì của thiên nhiên đã bị đào xới, phá hỏng. Còn lại là một sự dở dang đến tội nghiệp!

Tại sao?

Viết đến đây, tôi lại chợt nhớ đến một bài viết của đồng nghiệp VNExpress mà tôi đã kịp lưu trữ gần 10 năm qua: Xây dựng là ngành dễ nảy sinh tham nhũng nhất. Bài viết đăng ngày 18.8.2009 bắt đầu đoạn chapeau rất sốc, dẫn lại từ bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI): “Việt Nam đứng thứ 123 trong số 179 nước, chỉ nhỉnh hơn Philippines một chút về mức độ trong sạch. Tham nhũng đặc biệt dễ xảy ra ở lĩnh vực xây dựng”. Và tiếp tục trong phần nội dung, bài báo dẫn ra kết quả nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu từ Bộ Ngoại giao Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo đánh giá việc thực thi luật Phòng chống tham nhũng tại Việt Nam. Cuộc nghiên cứu diễn ra trong vòng 16 ngày, đã chỉ rõ: “Nhóm nghiên cứu cho rằng số vụ tham nhũng được phát hiện và điều tra trong ngành xây dựng vẫn còn rất ít so với số lượng vi phạm, mặc dù có khuôn khổ pháp lý và nguồn nhân lực dồi dào. Chẳng hạn, thanh tra Bộ Xây dựng không phát hiện vụ nào qua thanh tra nội bộ trong hai năm qua. Các công ty xây dựng trong nghiên cứu này cũng báo cáo không có tham nhũng qua thanh tra nội bộ. Bộ Giao thông vận tải báo cáo chỉ có 10 vụ tham nhũng trong tổng số 91 đợt thanh tra nội bộ trong hai năm qua”.

Chuyện phân lô: Những chỉ số biết nói (!) - ảnh 6
Nhưng cũng có những khu đô thị khang trang ở các tỉnh lại thiếu vắng bóng người, nhà xây dựng dang dở nằm trơ vơ. Ảnh chụp năm 2008 ở khu đô thị Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương - DIỆP ĐỨC MINH

Vào thời điểm ấy, cũng là cao trào của việc phát triển rất nhiều dự án lớn, liên quan đến nguồn tài nguyên đất đai của Việt Nam, cũng như của TP.HCM nói riêng. Vì vậy, có hàng loạt dự án bây giờ bị phanh phui là một điều dễ hiểu, tỉ như Thủ Thiêm, Bắc Rạch Chiếc, Khu Công nghệ cao… Mỗi dự án có diện tích từ vài chục đến gần cả ngàn ha đất, là miếng bánh vô cùng béo bở cho những kẻ toan tính sai phạm. Và trong thực tế, họ đã bất chấp tất cả để sai phạm. Đó cũng là điều mà những nhà lãnh đạo đã rất nhiều lần nói: niềm tin đang bị lung lay!

Đánh đổi bao sự hy sinh của người dân, để có được những khu đô thị khang trang, nâng cao chất lượng về nhu cầu ở của người dân, là điều rất đáng hoan nghênh. Song, chẳng thể nào bỏ qua được cho sự lũng đoạn quá mức của rất nhiều chủ dự án, nhiều quan chức có liên quan, như ở dự án Bắc Rạch Chiếc mà nay mai sẽ có kết quả điều tra!

“Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định quy hoạch Vùng đô thị TP.HCM, trong đó lấy TP.HCM làm trung tâm (kinh tế, văn hóa, thương mại dịch vụ…) và 8 tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An…) là các đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của PV, mặc dù có rất nhiều khu đô thị mới mở ra (TP mới Bình Dương, các khu đô thị Mỹ Phước, khu đô thị Nam Tân Uyên (Bình Dương), TP mới Nhơn Trạch, Long Thành, Thống Nhất (Đồng Nai) các khu đô thị Phú Mỹ, Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) các khu đô thị ven thị xã Tân An, Đức Hòa (Long An), TP Mỹ Tho (Tiền Giang)…) nhưng sức thu hút dân cư về các khu đô thị này chưa cao và tỷ lệ cư dân sống ở các khu đô thị này vẫn còn thấp. Điều này khiến cho các dự án lớn trở nên “TP không người”, thiếu sức sống và tạo nên một sự lãng phí quá lớn về đất đai, kinh phí đầu tư xây dựng. Trong khi chất lượng sống và đặc biệt là vấn đề nhà ở đang đè nặng lên các cư dân đô thị hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, đồng thời cũng tạo nên gánh nặng quản lý cho bộ máy chính quyền TP.HCM.

Về giá đất và giá nhà ở: Hiện đang xảy ra một tình trạng mâu thuẫn rất lớn giữa các đô thị hiện hữu với các đô thị vệ tinh đang đầu tư xây dựng. Giá nhà đất tại TP.HCM đang ở mức cao ngất ngưỡng, trong khi chất lượng sống ngày càng xuống thấp, thế nhưng tỷ lệ tăng dân số cơ học lại cao nhất khu vực Đông Nam bộ. Trong khi đó, giá nhà đất ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An hiện chỉ bằng 1/10, thậm chí chỉ bằng 1/20 hoặc 1/30 nhưng tỷ lệ tăng dân số cơ học của các tỉnh này chỉ bằng khoảng 1/4 TP.HCM. Đây là bài toán rất lớn về vấn đề điều phối và dịch chuyển dân cư đến các đô thị vệ tinh”

Theo Thanh Niên

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness