TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 77
  • Hôm nay: 1105
  • Tháng: 7844
  • Tổng truy cập: 5141163
Chi tiết bài viết

"Đại gia rác" David Dương lại "tay không bắt giặc" xử lý rác ở Long An

Vào tháng 4/2015, ông David Dương, Tổng Giám đốc CTCP Xử lý chất thải Việt Nam - Long An và ông Phan Nhân Duy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (TN&MT) Long An đã ký hợp đồng nguyên tắc về xử lý chất thải tại Khu công nghệ Môi trường xanh Long An do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Khu công nghệ Môi trường xanh Long An là một trong những dự án cụ thể hóa chủ trương của Long An nhằm phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì dự án này có nhiều điểm bất thường về năng lực, những tai tiếng của chủ đầu tư và sự ưu ái của Sở TN&MT tỉnh Long An.

"Đại gia rác" David Dương lại "tay không bắt giặc" xử lý rác ở Long An - Ảnh 1

Lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc xử lý chất thải giữa VWS và Sở TN&MT tỉnh Long An

Chủ đầu tư nhiều tai tiếng

Ông David Dương, Tổng Giám đốc CTCP Xử lý chất thải Việt Nam – Long An là một Việt kiều Mỹ, và là người sáng lập VWS. VWS là chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (gọi tắt là bãi rác Đa Phước) tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.000 tấn rác của thành phố với khá nhiều “tai tiếng” trong thời gian gần đây.

Những tai tiếng của VWS đã được ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nay là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu ra và đăng tải công khai trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là việc UBND TP.HCM thanh toán chi phí cho VWS cao hơn so với các doanh nghiệp cùng sử dụng công nghệ chôn lấp.

Hàng năm ngân sách TP.HCM chạy vào khoản lợi nhuận của doanh nghiệp này 3 triệu USD. Chưa kể Nhà nước phải thanh toán tăng hằng năm 3% giá xử lý rác cho VWS, trong khi các doanh nghiệp khác không được tăng như vậy. Bên cạnh đó là việc bất hợp lý khi đóng cửa bãi chôn lấp số 3 Khu xử lý rác Phước Hiệp để chuyển về khu xử lý rác Đa Phước của VWS. Và vì sao mấy năm qua TP.HCM không thực hiện đấu thầu xử lý rác?

Trên thực tế, bãi rác Đa Phước được cho là có sự “can thiệp công nghệ” hiện đại của Mỹ, và TP.HCM mỗi ngày phải mất hơn 49.000 USD để chi trả cho việc xử lý rác ở đây. Công nghệ hiện đại ở đâu chưa thấy, nhưng việc gây ô nhiễm từ bãi rác này khiến người dân quanh vùng lên tiếng phản đối kịch liệt.

Kết luận của Thanh tra TP.HCM mới đây về hoạt động của bãi rác Đa Phước cho thấy nhiều điểm bất thường về chủ đầu tư VWS. Vì theo hợp đồng VWS ký với Sở TN&MT TP.HCM vào ngày 28/2/2006, VWS sẽ tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, sau đó tiến hành phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp.

Tuy nhiên, trên thực tế VWS chưa thực hiện phân loại, tái chế như hợp đồng mà chôn lấp toàn bộ với công suất 3.000 tấn/ngày trong thời gian 24 năm. VWS cũng chưa thực hiện đúng giấy phép đầu tư số 2535 cấp ngày 28/12/2005 khi không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500 – 3.000 tấn/ngày.

Tại khâu xử lý nước rỉ, bãi rác Đa Phước đưa vào hoạt động từ năm 2007 nhưng phải đến 31/12/2015, Sở TN&MT mới ban hành quy định về kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công tác cung ứng dịch vụ. Như vậy, trong vòng 8 năm hoạt động, bãi rác Đa Phước không có ai giám sát về các công tác cung ứng dịch vụ.

Sự ưu ái bất thường

Khi những tai tiếng tại dự án Đa Phước vừa được công bố không bao lâu, Sở TN&MT tỉnh Long An lại khiến dư luận đặt nhiều dấu chấm hỏi khi đặt bút ký bản hợp đồng với chủ đầu tư VWS.

Theo quy hoạch, Khu Công nghệ Môi trường xanh thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cách trung tâm TP.HCM khoảng 55-60km (đi theo hướng Quốc lộ 1A) có diện tích 1.760 ha. Tuy nhiên, thực tế khu đất dự án này do UBND TP.HCM chi tiền ngân sách đền bù giải phóng mặt bằng và VWS dù không tốn bất cứ chi phí nào, vì sao vẫn nghiễm nhiên là chủ đầu tư của dự án?

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trạng dự án chỉ mới thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa được san lấp mặt bằng, chưa có cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp điện, cấp nước) và do khu vực chưa có đường vào nên việc di chuyển đến khu công nghệ này từ hướng Quốc lộ 1A hoàn toàn được thực hiện bằng phương tiện đường thủy.

Hiện vẫn chưa rõ dự án này đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường hay chưa? Theo các chuyên gia, khu vực dự án nằm ở vùng lõi của vùng Đồng Tháp Mười, nếu các yếu tố môi trường không đạt tiêu chuẩn 100% theo quy định của Nhà nước sẽ đe dọa đến môi trường sinh thái và môi trường sống của hàng triệu người dân khu vực này.

Chưa làm dự án đã đem cầm cố

Có thể khẳng định, hiện VWS không có năng lực xử lý rác cho tỉnh Long An và việc ký kết hợp đồng này hoàn toàn có thể bị chủ đầu tư lợi dụng để vay, huy động vốn. Trên thực tế, vừa qua VWS đã công bố ký kết hợp đồng vay 148 triệu USD với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho giai đoạn 1 của dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An.

Tài sản thế chấp cho khoản vay này được mô tả: “Tài sản hình thành trong tương lai thuộc khu dự án Khu công nghệ môi trường xanh theo hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 01/2016/7839490/HĐBĐ ký ngày 7/4/2016 giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm gồm toàn bộ lợi ích thu được từ dự án, máy móc thiết bị và công trình xây dựng thuộc dự án”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thì dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước đã được VWS mang đi “cắm” tại BIDV từ năm 2006 đến nay. Như vậy, phải chăng các cơ quan chức năng nên thẩm định lại năng lực tài chính của nhà đầu tư này vì theo như công bố của VWS thì vốn đầu tư giai đoạn I của Khu Công nghệ Môi trường xanh lên đến 500 triệu USD.

Khánh Ngọc

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness