TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 54
  • Hôm nay: 769
  • Tháng: 7508
  • Tổng truy cập: 5140827
Chi tiết bài viết

Đất và tiền

Các vụ án ngân hàng với quy mô thua lỗ ngày càng lớn đã đến lúc gióng lên hồi chuông về sự cần thiết phải thay đổi một số quy định về kinh doanh ngân hàng.

Đất

Đất là thứ tài sản và hàng hoá được các ông chủ ngân hàng có liên quan đến vòng lao lý đổ tiền vào nhiều nhất và sử dụng nhiều nhất để thế chấp ở các tổ chức tín dụng nhằm vay vốn. Sự thăng trầm trong sự nghiệp kinh doanh của họ phụ thuộc gần như toàn bộ vào sự biến động của thị trường bất động sản. Do đầu tư bằng tiền vay và sử dụng hệ số đòn bẩy cao, nếu giá bất động sản tăng, họ phất lên rất nhanh và ngược lại.

Bây giờ hãy xem sự biến động của thị trường bất động sản Việt Nam diễn ra theo quy luật nào hay nói rõ hơn phụ thuộc vào những yếu tố nào? Yếu tố đầu tiên là đầu cơ, từ đầu cơ để có đất (quyền sử dụng đất chứ không phải quyền sở hữu đất vì đất đai là tài sản của toàn dân) cho đến đầu cơ đẩy giá lên.

Nhu cầu nhà ở tại Việt Nam suốt bao nhiêu năm qua thời kỳ nào cũng lớn và cầu luôn vượt cung. Tuy nhiên cầu ở đây là cầu giá thấp, hợp với túi tiền của mặt bằng thu nhập chung, trong khi đó các nhà phát triển bất động sản lại luôn cung ứng cho thị trường các sản phẩm cao cấp với giá chỉ tầng lớp trung lưu trở lên có khả năng mua được. Vì sao họ không tung ra các sản phẩm giá trung bình và thấp? Đơn giản vì chi phí không tên mà họ đã trả cộng với lòng tham thu lợi nhuận cao trong một thời gian ngắn.

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường bất động sản là tính nhiệm kỳ (nhiệm kỳ chứ không phải chu kỳ) với sự thay đổi của chính sách cũng như hoạch định chính sách. Các chính sách tiền tệ tác động trực tiếp đến kinh doanh bất động sản vì nó điều tiết dòng tiền vào ra, bơm hút trên thị trường. Tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng với mỗi bước biến thiên của chúng đều có thể khiến thị trường bất động sản ấm lên hay nguội bớt. Những ông chủ hoặc nhóm ông chủ ngân hàng gặp thời, may mắn vào đúng chu kỳ tăng trưởng của bất động sản, thường “bành trướng” mở rộng tầm kiểm soát không chỉ tại một mà một số ngân hàng.

Các vụ án ngân hàng với quy mô thua lỗ ngày càng lớn đã đến lúc gióng lên hồi chuông về sự cần thiết phải thay đổi một số quy định về kinh doanh ngân hàng, trong đó điểm nhấn là quy định về tỷ lệ huy động vốn tối đa.

Nhìn lại hai thập kỷ qua, thời điểm bất động sản vùng vẫy để rồi chìm lặng ở vùng đáy như các năm 2011-2012 cũng là thời điểm khó khăn nhất của các ngân hàng. Có thể ai đó thắc mắc vì sao nợ xấu ngân hàng hiện tại cao hơn những năm đó. Vì thời gian đó nợ xấu đã xuất hiện rồi, đã hiện diện rộng rồi, nhưng do các nguyên nhân khác nhau nó được che đậy một cách kín đáo dưới nhiều hình thức. Không phải không có những cơ quan quản lý, những nhà điều hành muốn công khai nó ra, nhưng sự công khai khi ấy được cho là không thích hợp. Chỉ đến hiện tại khi điều kiện cho phép, các con số chính thức về nợ xấu mới tiệm cận sự thật.

Tiền đẻ ra tiền. Các khoản vay gốc đẻ ra lãi. Lãi mẹ sinh lãi con. Thế nhưng giá bất động sản trong những năm trầm lắng không những không kịp đẻ ra tiền cho những người vay trả nợ, mà còn mất giá, hao mòn. Đất đã làm phá sản không ít người dính đến nó. Âu đó cũng là hệ lụy của cuộc chơi, trong đó có cuộc chơi của những người sử dụng tiền ngân hàng ở vai trò ông chủ. Trên thực tế, họ chỉ là những ông chủ ảo, nhưng cái giá phải trả trong không ít trường hợp lại thật như cuộc đời.

Tiền

Việt Nam nằm trong số không nhiều các quốc gia nơi tất cả các ngân hàng lớn nhỏ, tốt xấu đều bình đẳng như nhau trước quyền huy động vốn: các tổ chức tín dụng được phép huy động số tiền gấp 20 lần vốn tự có. Đây là mức bình quân cao, cao đến nỗi đến nay chưa ngân hàng nào đạt tới mức này. Ngân hàng nhỏ vốn tự có 4.000 tỉ đồng có thể huy động tối đa 80.000 tỉ đồng và cho vay tối đa 80-90% vốn huy động tùy quy định từng thời kỳ. Quyền kinh doanh tiền tệ của ngân hàng nhìn ở hai khía cạnh huy động và cung cấp vốn vô cùng “tự do”.

Sự “tự do” còn đáng phải lưu ý hơn bởi một số ngân hàng khi bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt vẫn tiếp tục được áp dụng tỷ lệ huy động vốn tối đa 20 lần nói trên. Ở một số nước khi một ngân hàng kinh doanh thua lỗ, mất vốn đến một mức độ nhất định nào đó, cổ đông bắt buộc phải nộp thêm tiền, khôi phục vốn tự có về mức quy định. Nếu cổ đông không làm được việc đó, ngân hàng có thể bị giảm hoặc bị ngừng huy động vốn. Thiếu đầu vào, tất yếu các hoạt động suy giảm, kể cả tài trợ tín dụng. Các biện pháp giải cứu sẽ được thảo luận, không loại trừ hạ bậc ngân hàng xuống cấp thấp (giống như đá banh từ giải hạng nhất xuống hạng hai), M&A, thậm chí phá sản, giải thể.

Tại nước ta thanh khoản vốn dĩ là câu chuyện được một số ngân hàng yếu kém lợi dụng để gây áp lực lên cơ quan quản lý. Đáng lẽ khi bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, họ phải bị giảm tỷ lệ huy động vốn nhằm tránh rủi ro cho những người gửi tiền sau. Nhưng họ lại tăng lãi suất tiết kiệm để tăng nguồn huy động, lấy vốn huy động sau trả cho vốn huy động trước đáo hạn. Tình trạng này tồn tại là vì đến nay luật pháp vẫn chưa chính thức cho phép ngân hàng phá sản và mọi khoản tiền gửi của người dân đều được đảm bảo.

Các vụ án ngân hàng với quy mô thua lỗ ngày càng lớn đã đến lúc gióng lên hồi chuông về sự cần thiết phải thay đổi một số quy định về kinh doanh ngân hàng, trong đó điểm nhấn là quy định về tỷ lệ huy động vốn tối đa. Một quy định như ngân hàng tốt được áp dụng tỷ lệ huy động vốn cao, ngân hàng xấu phải sử dụng tỷ lệ huy động vốn thấp phải được thực hiện. Hạn chế lòng tham và sự tiếp cận tiền trước hết phải bằng việc hạn chế quy mô kho tiền đối với từng loại ngân hàng khác nhau. Các ông chủ ảo ngân hàng sẽ không còn ham hố một khi bỏ ra một đồng vốn chỉ được huy động thí dụ dăm ba đồng, mà không phải 20 đồng.

Theo thesaigontimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness