TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 59
  • Hôm nay: 166
  • Tháng: 6905
  • Tổng truy cập: 5140224
Chi tiết bài viết

Di cư, hộ khẩu và đô thị hóa

Cứ mỗi dịp Tết Âm lịch, chúng ta lại chứng kiến “cuộc di cư vĩ đại nhất thế giới”, với hàng trăm triệu người ở Việt Nam và Trung Quốc túa ra khắp các nẻo đường để hồi hương sau một năm mưu sinh vất vả tại các thành phố lớn.

Hình ảnh thường thấy tại ga Sài Gòn mỗi dịp Tết. Ảnh: THÀNH HOA

Bài toán quản lý dân cư

Một mặt, nó cho thấy sự biến chuyển kỳ vĩ của hai nền kinh tế Đông Á, từ những quốc gia trọng nông trở thành những công xưởng sản xuất của cả thế giới. Mặt khác, nó cũng tạo ra những hệ lụy nhức nhối về đời sống, định danh và văn hóa của một tầng lớp mới: lao động nhập cư. Trung tâm của những hệ lụy đó là vấn đề quản lý dân cư, mà cả hai nước đang cùng sử dụng một công cụ gần như tương đương: sổ hộ khẩu.

Nếu như kinh nghiệm của Trung Quốc là một thứ xa vời, người Việt có lẽ không thiếu những trải nghiệm đáng nhớ của mình với tấm sổ màu đỏ nhỏ nhắn, nhưng đầy quyền lực.

Chính sách hộ khẩu ra đời ở miền Bắc không lâu sau kháng chiến chống Pháp (1954), với nhiệm vụ chính là kiểm soát di cư nội địa. Đây được coi là biện pháp cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế tập trung bao cấp, khi Nhà nước kiểm soát và phân phối toàn bộ nguồn lực. Hộ khẩu, trong thời kỳ này, cũng mang tính chất phân biệt vùng kinh tế rất rõ ràng: việc di chuyển từ nông thôn lên thành thị là vô cùng khó khăn, bởi ràng buộc từ hệ thống sản xuất tập thể.

Những hạn chế của hộ khẩu vẫn được người dân chấp nhận, bởi động cơ di cư chưa thực sự nhiều. Mọi thứ chỉ thay đổi sau khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới (1986).

Một hệ quả quan trọng của tăng trưởng kinh tế là chúng ta đang trải qua một thời kỳ đô thị hóa chưa từng thấy, cả về không gian và nhân khẩu học. Trong thập kỷ 2000-2010, Việt Nam vượt Thái Lan và Hàn Quốc về diện tích đất đô thị. Về dân số đô thị, Việt Nam là nước lớn thứ sáu ở Đông Á với 23 triệu người, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2015. Tổ chức này cũng ghi nhận tốc độ mở rộng của hai thành phố lớn nhất của Việt Nam (3,8% ở Hà Nội và 4% ở TPHCM mỗi năm) nhanh hơn nhiều so với các nước Đông Á khác, ngoại trừ Trung Quốc.

Người không có hộ khẩu hiếm khi thấy thành phố nơi họ sống là quê hương đúng nghĩa. Nhưng nguyên quán, nơi họ lũ lượt trở về mỗi dịp lễ, Tết, cũng sẽ dần trở nên xa lạ, đặc biệt là với thế hệ di cư thứ hai.

Đô thị hóa tất yếu đẩy nhanh di cư trong nước. Trên toàn quốc, 13,6% dân số là người di cư, trong đó tỷ lệ di cư của dân số từ 15-59 tuổi là 17,3%, theo số liệu từ Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA). Sự gia tăng di cư đẩy cán cân dân số từ nông thôn về phía các thành phố lớn và các khu công nghiệp mới. Từ hơn 80% dân số sống ở nông thôn, con số này giảm xuống 65% vào năm 2016 và dự kiến sẽ dưới 60% vào năm 2020. Vào những năm 1990, cả nước có khoảng 500 đô thị, thì đến nay, chúng ta có 805 đô thị (tính đến tháng 4-2017). Trong số đó, có đến 19,7% dân số đô thị là người di cư, và 79,1% người di cư có nguồn gốc từ nông thôn. Ở hai thành phố lớn nhất, Hà Nội và TPHCM, con số này còn có thể lớn hơn nhiều. Điều này không chỉ thể hiện qua con số thống kê, mà còn qua cả những con phố bình thường nhộn nhịp trở nên vắng hoe vào mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày.

Siết, nới công cụ hộ khẩu

Tất cả những biến động lớn lao về kinh tế, xã hội, và nhân khẩu học đó đều không tác động gì nhiều đến hệ thống quản lý dân cư bằng hộ khẩu. Ngược lại, hộ khẩu thậm chí còn được thể chế hóa vào hàng ngàn các quy định pháp luật khác, tạo thành điểm đầu mối cho nhiều chính sách xã hội khác nhau.

Chỉ tính đến năm 2015, có tổng cộng 684 văn bản quy phạm pháp luật từ các cơ quan trung ương ban hành liên quan đến hộ khẩu và quyền cư trú của công dân. Nếu các tài liệu liên quan từ các cơ quan chính quyền địa phương được tính, con số này là 1.990 văn bản. Trong giai đoạn 2006-2015, đã có 1.220 văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến hộ khẩu, trong khi từ năm 1954-2006 chỉ có 770 văn bản.

Khi hộ khẩu không thể kiểm soát nổi lao động di cư nội địa ồ ạt lên thành phố, cùng với những yếu kém trong việc quy hoạch đô thị, kết quả dễ thấy là cơ sở hạ tầng, dịch vụ và các hệ thống phúc lợi xã hội của thành phố không thể đáp ứng cho nhu cầu của dân cư - đặc biệt là những cư dân mới đến từ nông thôn. Hộ khẩu từ công cụ kiểm soát dân cư trở thành giải pháp chữa cháy cho những bệnh viện, trường học, phòng khám quá tải: chỉ có những người có hộ khẩu nơi cư trú mới được ưu tiên sử dụng dịch vụ công tại nơi đó. Dần dần, tư duy “hộ khẩu” lây sang cả những vấn đề quản lý nhà nước khác, từ tiếp cận bảo hiểm y tế, mua nhà, đăng ký xe, hay làm thủ tục nhập học cho con, hay thậm chí là dịch vụ điện, nước.

Chính sách xã hội dựa trên số lượng “khẩu” được kiểm soát ở mỗi địa phương, thay vì dân số thực tế, tất yếu sẽ dẫn tới sự hình thành của hai tầng lớp dân cư riêng biệt tại các đô thị lớn: người có hộ khẩu và người không có hộ khẩu, với những quyền sống cơ bản rất khác nhau.

Ví dụ rõ ràng nhất là vấn đề nhà ở. Theo UNFPA, hơn một nửa số người di cư (phần lớn là không có hộ khẩu thường trú)  sống ở những nơi có diện tích dưới 10 mét vuông, trong khi con số này ở dân số không di cư (có hộ khẩu) chỉ là 16%.

Hộ khẩu không chỉ tạo ra rào cản về quyền lợi, mà nó còn là bức ngăn vô hình giữa người dân thành thị. Văn hóa phân biệt “dân ngụ cư” ở nông thôn không thay đổi với làn sóng đô thị hóa, mà được duy trì ở thành phố nhờ sổ hộ khẩu. Kỳ thị địa phương là đỉnh điểm của hiện tượng này: người ta sẽ nhìn vào biển số xe và giọng nói của bạn để ứng xử mỗi khi có va chạm trên phố.

Những sự khác biệt như vậy khiến người không có hộ khẩu hiếm khi thấy thành phố nơi họ sống là quê hương đúng nghĩa. Nhưng nguyên quán, nơi họ lũ lượt trở về mỗi dịp lễ, Tết, cũng sẽ dần trở nên xa lạ, đặc biệt là với thế hệ di cư thứ hai. Đó là nơi họ nhớ về, nhưng sẽ không trở về để sống. Họ bị mắc kẹt giữa hai thế giới, như Từ Thức gặp tiên giữa biển khi trở về quê cũ.

Những tranh luận quyết liệt trên diễn đàn Quốc hội và trên báo chí trong hơn 10 năm qua đã đem lại những kết quả tích cực về vấn đề di cư. Năm ngoái, Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu và tạm trú. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về dân cư được hoàn thành (dự kiến vào năm 2020), chúng ta có thể nghĩ về một phương thức quản lý cư trú hiện đại, văn minh, và nhân văn hơn. Loại bỏ cuốn sổ hộ khẩu hữu hình là chưa đủ để giải quyết những bài toán phức tạp phát sinh từ vấn đề di cư và đô thị hoá. Nhưng đó sẽ là bước khởi đầu cần thiết.

Theo Thesaigontimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness