TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 49
  • Hôm nay: 665
  • Tháng: 7404
  • Tổng truy cập: 5140723
Chi tiết bài viết

Định hình kinh tế Trung Quốc sau Đại hội 19

Ngày 18-10-2017, trước sự chứng kiến của gần 2.300 đại biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã đọc Báo cáo chính trị dài 68 trang với thời gian lên tới 3 giờ 23 phút.

Dinh hinh kinh te Trung Quoc sau Dai hoi 19 - Anh 1

Quang cảnh Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Ảnh: Internet

Báo cáo đã khái quát toàn bộ chín lĩnh vực quan trọng, định hình đường hướng phát triển của Trung Quốc đến giữa thế kỷ này với hai mốc thời gian 2035 và 2050. Bằng việc nêu lên “Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, ông Tập Cận Bình đã trực tiếp gửi đi thông điệp rằng sự phát triển của Trung Quốc đã vượt ra ngoài thời đại của tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình. Đến năm 2021, khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, GDP bình quân sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010. Trung Quốc trong năm năm đầu dưới thời ông Tập Cận Bình rõ ràng ưu tiên cho các lĩnh vực như cải cách quân đội, chấn chỉnh công tác Đảng, chống tham nhũng, sắp xếp nhân sự... nhiều hơn là cải cách kinh tế. Thậm chí, càng về nửa sau của nhiệm kỳ đầu, ổn định tăng trưởng càng có xu hướng được ưu tiên. Vì vậy, qua báo cáo chính trị giàu tham vọng và có tầm nhìn của Đại hội 19, những gì giới nghiên cứu muốn thấy là các thông điệp kinh tế có gì mới và mạnh mẽ hơn so với Đại hội 18 hay không?

Thông điệp chủ yếu của cải cách kinh tế: nhà nước lớn,thị trường nhỏ

“Không cải cách, thị trường hóa ồ ạt, nhà nước sẽ dẫn dắt quá trình này”, đây là thông điệp đậm nét nhất được phát đi. Nếu theo dõi báo cáo chính trị các kỳ Đại hội Đảng của Trung Quốc có thể thấy số lần nhắc đến từ “thị trường” đã giảm nhanh chóng. Năm 1997, tại Đại hội 15, từ “thị trường” được nhắc tới 50 lần, năm 2012 tại Đại hội 18 chỉ còn 22 lần, đến đại hội lần này chỉ còn 19 lần. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 18, Trung Quốc đã mạnh mẽ tuyên bố sẽ để “thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực”. Nhưng báo cáo chính trị lần này thậm chí đã không nhắc đến cách thức biểu đạt cải cách “dò đá qua sông” - mang hàm ý để thị trường dẫn dắt - như trước đó. Rõ ràng, các tín hiệu phát đi cho thấy ổn định chính trị và theo đuổi lợi ích quốc gia được Trung Quốc đặt ở vị trí ưu tiên so với việc xác lập các nguyên tắc kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, so với Đại hội 15, cụm từ “cải cách” (chỉ cải cách nói chung) và “cải cách mở cửa” (chỉ các cải cách kinh tế) cũng giảm mạnh. Cụm từ “cải cách mở cửa” đã giảm từ 25 lần xuống còn chín lần. Trong khi đó cụm từ “cải cách” cũng giảm từ 95 lần xuống còn hơn 50 lần.

Mô hình kinh tế của Trung Quốc: nhấn mạnh tính đặc thù và đẩy mạnh xuất khẩu mô hình phát triển

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh việc Trung Quốc kết hợp sự can dự sâu rộng của nhà nước với thị trường để đạt mục tiêu có một nền kinh tế hiện đại, mang sức mạnh toàn cầu. Về bản chất, điều này giống với mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước. Để can dự, nhà nước sẽ sử dụng cả chính sách định hướng và công cụ doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Từ những kế hoạch lớn nhằm nâng cấp ngành công nghiệp như chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” đến các giải pháp kỹ thuật trên thị trường chứng khoán và ngân hàng đều được chính phủ thiết kế tỉ mỉ. Một quan chức cao cấp Trung Quốc đã phát biểu trước Đại hội 19: “Với tư cách là động lực chính của phát triển kinh tế quốc gia, DNNN cần đóng vai trò là nhân tố dẫn dắt trong cải cách tổng cung (SSSR). Các DNNN phải đảm trách nhiệm vụ định vị mô hình cải cách này, và trở thành người dẫn đường, là lực lượng chính của cải cách”.

Trong quá trình vươn ảnh hưởng ra bên ngoài, Trung Quốc không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu vốn (từ năm 2000-2014, quốc gia này đã cho vay phát triển với các hình thức khác nhau tổng cộng 354,3 tỉ đô la Mỹ), xuất khẩu lao động mà còn xuất khẩu cả mô hình phát triển. Sau khi đẩy mạnh quảng bá cho sáng kiến Vành đai, Con đường, tại Đại hội 19, ông Tập Cận Bình tự tin giới thiệu “giải pháp Trung Quốc”, “mô hình Trung Quốc” như một cách thức mới để các nước có thể vừa phát triển nhanh, vừa tránh khủng hoảng của nền kinh tế thị trường tự do. Ông nói, mô hình này “dành cho những quốc gia và dân tộc muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển của mình trong khi vẫn duy trì được sự độc lập (khỏi can thiệp của quốc gia khác)”.

Cơ chế thiết kế cải cách kinh tế: nhấn mạnh sự tập quyền tinh anh

Đặc điểm quyết sách của Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình là tập trung quyền lực. Vì vậy, để thiết kế và triển khai cải cách, ông Tập Cận Bình đã thành lập hàng chục tiểu ban lãnh đạo công tác. Bản chất của các tiểu ban lãnh đạo là một dạng mô hình tập quyền tinh anh. Đặc điểm của “những nhân vật số 2” trong các tiểu ban này là họ vừa là người am hiểu chuyên môn sâu sắc, vừa có khả năng hoạt động con thoi giữa các cấp chính quyền. Lưu Hạc - hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu ban lãnh đạo cải cách tài chính kinh tế trung ương - được coi là người thiết kế chính của cải cách kinh tế Trung Quốc từ năm 2012.

Trung Quốc hiện có 26 tiểu ban lãnh đạo trực thuộc Đảng Cộng sản (ông Tập Cận Bình làm chủ nhiệm của tám tiểu ban) và 57 tiểu ban trực thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ, trong đó ông Lý Khắc Cường đứng đầu tám tiểu ban). Trong tám tiểu ban do ông Tập Cận Bình lãnh đạo, có hai tiểu ban quan trọng liên quan đến kinh tế là Tiểu ban Lãnh đạo Công tác tài chính kinh tế (thành lập năm 1980) và Tiểu ban Lãnh đạo Đi sâu cải cách toàn diện (thành lập năm 2013).

Trọng tâm chính của cải cách kinh tế: điều chỉnh tổng cung

Toàn bộ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc được xác định là một quá trình: (i) giảm dư thừa sản lượng, (ii) giảm tồn kho, (iii) giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính, (iv) bù đắp cho các khu vực khó khăn, (v) giảm chi phí vốn. Cách tiếp cận này đặt trọng tâm vào kiểm soát rủi ro trước khi thực hiện các cải cách cần thiết. Việc thắt chặt ràng buộc ngân sách như vậy sẽ khiến đầu tư và tăng trưởng chậm lại. Để đảm bảo đạt mục tiêu GDP đề ra, Trung Quốc đã hối thúc DNNN tăng đầu tư vào các lĩnh vực nhà nước chỉ định. Vì vậy, cải cách theo hướng điều chỉnh tổng cung trên thực tế là một kế hoạch dài hạn can thiệp vào nền kinh tế thông qua DNNN.

Hai lĩnh vực được đẩy mạnh có thể gồm: (i) cải cách tài chính tiền tệ và (ii) cải cách DNNN. Cải cách tài chính tiền tệ với trọng tâm là ngăn ngừa các rủi ro tài chính, đặc biệt là khủng hoảng nợ, có thể sẽ được ưu tiên. Tháng 4-2017, trong một buổi học tập của 25 ủy viên Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu “không được coi thường bất kỳ rủi ro nào, không để lọt sàng bất kỳ ẩn họa nào”. Tại Hội nghị Công tác tài chính được tổ chức vào tháng 7-2017, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “phải coi việc giảm nợ của các DNNN là trọng tâm hàng đầu”.

Giữa hàng loạt văn kiện được Hội nghị kinh tế trung ương năm 2016 đưa ra vào những ngày cuối của tháng 12-2016, năm 2017 được nhìn nhận là “năm bản lề cho việc thực thi các cải cách sở hữu hỗn hợp (mixed-ownership reform) ở tầng thấp nhất”. Càng gần Đại hội 19, cải cách DNNN ở Trung Quốc càng phát đi nhiều tín hiệu trái chiều. Một mặt chính phủ muốn có cải cách theo hướng khuyến khích sự tham gia của các lực lượng thị trường, mặt khác, lại gia tăng vai trò chỉ đạo và định hướng của lực lượng phi thị trường - tổ chức Đảng. Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước (SASAC) sẽ thành lập thêm ba ủy ban cố vấn để mở rộng việc tham vấn cải cách. Quan trọng hơn cả, Trung Quốc có thể sẽ thử nghiệm để bí thư Đảng ủy DNNN kiêm luôn chức vụ CEO hoặc tổng giám đốc. Cải cách DNNN sẽ tiếp tục theo quỹ đạo: (i) thúc đẩy sở hữu hỗn hợp, chỉ tăng vốn tư nhân, không chấp nhận tư nhân hóa; (ii) sử dụng các công ty đầu tư vốn nhà nước như cửa ngõ chính để tiến hành cải cách chế độ sở hữu; (iii) hạn chế phá sản, khuyến khích sáp nhập quy mô lớn.

TS. Phạm Sỹ Thành (*)

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness