TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 63
  • Hôm nay: 401
  • Tháng: 7140
  • Tổng truy cập: 5140459
Chi tiết bài viết

Donald Trump: Tính thực tế của người Mỹ và bài học nương theo kẻ mạnh

Cơ hội trong quan hệ với Hoa Kỳ sau khi Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước này là nương theo quan điểm “mọi chính sách bên ngoài của Mỹ chỉ phục vụ duy nhất lợi ích nước Mỹ”.

Trở thành siêu cường khi "đứng trên vai cường quốc"

Vị trí siêu cường của Hoa Kỳ trên thế giới trong một thập kỷ qua (sau khi chiến tranh lạnh kết thúc) được xây dựng trên cả hai trụ cột: quyền lực cứng – sử dụng vũ lực, đe dọa, trừng phạt hoặc tiền bạc; và quyền lực mềm – sử dụng sức hấp dẫn và thuyết phục để đạt được mục tiêu.

Những nước tranh thủ được sự ảnh hưởng bởi quyền lực mềm của Mỹ thường gặt hái được thành công, trái lại nếu rơi vào vòng xoáy bị ảnh hưởng bởi quyền lực cứng của Mỹ thì thường gặp rắc rối.

Lịch sử ngàn đời của nhân loại cho thấy việc sử dụng quyền lực cứng thường không mang lại những kết quả như mong đợi. Sự quật cường và sức phản kháng của các dân tộc là hết sức mạnh mẽ nên cường quyền không mang lại nhiều tác dụng.

Trái lại, việc khơi niềm cảm hứng từ những thành công của những nước đi trước thường mang lại những kết quả hết sức rõ ràng. Điều này đã được chứng minh qua việc sử dụng sức mạnh quân sự, tiền bạch cũng như cách ứng xử với các nước của Mỹ trên thế giới.

Nói một cách thẳng thắn, những hoạt động khắp nơi trên thế giới của Mỹ cũng chỉ vì lợi ích của chính họ. Đây là điều quan tâm duy nhất của Mỹ. Khoảng cách giữa lời hứa của các nhà chính khách hay giữa các chính phủ và thực tế thường rất lớn.

Chơi với bất kỳ ai cũng vậy, nhất là các nước lớn cần phải nhìn trực tiếp vào lợi ích của đối tác. Nói như Lý Quang Diệu: “Các siêu cường hiểu rằng rất nguy hiểm nếu đụng độ trực tiếp với nhau, vì vậy họ sử dụng các nước thứ ba để mở rộng sự ảnh hưởng của mình”.

Bầu cử tổng thống Mỹ, Donald Trump, Nước Mỹ, Obama

Do vậy, thành công hay thất bại của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào cách thức của chính quyền sở tại ứng phó với các chính sách và sự thực tế của Mỹ. Hàn Quốc và Philppines là hai trường hợp điển hình trái ngược.

Sự thành công của Hàn Quốc ngày hôm nay có vai trò của Mỹ. Nhưng Hàn Quốc đã quyết định hướng đi của mình không theo ý đồ của Mỹ.

Nội các của Park Chung – hee đã dựa vào Mỹ để phát triển đất nước chứ không phụ thuộc vào Mỹ trong các chính sách của mình và điều này không ít lần làm Mỹ phật lòng.

Park Chung-hee và các đồng sự của mình biết Mỹ cần gì và cũng biết mình cần gì từ đồng minh Mỹ nên đã tận dụng mối quan hệ với siêu cường này để có các nguồn lực cần thiết (ví dụ như tham gia vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam) cũng như có thị trường rộng hơn cho mục tiêu phát triển và cường thịnh của quốc gia.

Điều mà Hàn Quốc hưởng lợi lớn nhất từ Hoa Kỳ có lẽ là hình mẫu phát triển của quốc gia này (quyền lực mềm của Mỹ). Nhiều du học sinh Hàn Quốc trở về từ Mỹ đã mang những kiến thức cũng như hình mẫu kinh doanh, cấu trúc xã hội và thể chế từ Mỹ để tạo ra những siêu công ty toàn cầu, các thể chế có tính bao trùm với sự tham gia của đông đảo người dân.

Kết quả là một nước Hàn Quốc hùng cường, có vị trí rất cao trên thế giới như hiện nay. Điều này cũng đúng với nhiều nền kinh tế khác như Singapore hay Đài Loan.

Thất bại vì nhóm lợi ích tranh giành "mẩu bánh mỳ Mỹ"

Ở thái cực ngược lại, đối với Philipines, không nước nào có ảnh hưởng và có vai trò bằng Mỹ trong suốt hơn một thế kỷ qua. Tuy nhiên, những gì mà Philipines đạt được hơn nửa thế kỷ qua là thất vọng.

Ferdina Marcos, Tổng thống Philipines lúc đó từng được xem là niềm tự hào của mô hình Mỹ vào thập niên 1960. Lúc đó vợ chồng ông khi đó được so sánh với gia đình của Tổng thống Mỹ Kennedy. Con đường trở thành người quyền lực nhất đất nước của Marcos được xem là hình mẫu lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, thực tế Marcos được xem là tội đồ đưa Philipines đến kết cục hiện nay và thuật ngữ “Tư bản thân hữu” (Crony Capitalism) xuất hiện để mô tả thời của Marcos. Kết quả của việc các gia đình quan chức cao cấp chính phủ đọ giàu với nhau đã đưa đến một Philipines ngày nay.

Tổ chức minh bạch đã xếp Marcos là kẻ cướp của công (kleptocrat) thứ hai thế giới với số tiền đánh cắp từ 5-10 tỷ USD trong hai thập kỷ làm tổng thống.

Đối với Mỹ, lợi ích chiến lược của họ là đặt căn cứ quân sự ở Philipines. Muốn vậy họ chỉ cần chính phủ đáp ứng những yêu cầu của họ là được. Trên thực tế, những khoản viện trợ cũng như chi phí trả cho việc “thuê” căn cứ ở Philipines đã tạo ra những miếng bánh bẻo bở cho những người cũng như nhóm lợi ích liên quan.

Philipines không thể ngóc đầu lên được một phần là do chính quyền đã quá phụ thuộc vào Mỹ hay nói một cách đơn giản là phụ thuộc vào sự viện trợ của Mỹ.

Trong thập niên 1950, vị thế của Philipines chỉ sau Nhật Bản, nhưng đến giờ thì vị trí của Philipines ở đâu thì ai cũng thấy. Trong khi hiện nay, tình trạng của nước này hết sức bi đát khi với tội phạm ma túy gia tăng và buộc đương kim Tổng thống Duterter phải mạnh tay xử lý.

Cách mà Tổng thống Duterte phản ứng với Mỹ và được lòng dân chúng không phải là ngẫu nhiên mà nó đều có căn nguyên sâu xa. So với ngày nay cách đây khoảng 6 thập kỷ khi chỉ đứng sau Nhật Bản, rõ ràng Philipines đã không có tác động tích cực từ mô hình Mỹ.

Thành công của Đài Loan, Hàn Quốc hay Singapore rất đáng tham khảo, nhưng những trục trặc ở nhiều nơi như khu vực Châu Mỹ la tinh phải gánh chịu thông qua cách thức làm ăn hay chiến lược của các công ty của Mỹ cần hết sức lưu ý bên cạnh câu chuyện Philipines.

Nhìn sâu vào tính không nhất quán trong chính sách của Mỹ

Lợi ích dài hạn với việc khẳng định vị trí siêu cường thì luôn nhất quán trong chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, các chính sách có tính chiến thuật thì không nhất quán và phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh trong nước.

Điều này có thể thấy qua mỗi lần thay đổi tổng thống Mỹ. Có một điều rất rõ ràng là mỗi chính sách được Mỹ đưa ra thường được tính toán rất kỹ dựa trên lợi ích của Mỹ và tìm hiểu một cách thấu đáo về đối tác với những tính toán chiến lược.

Đối sách với Trung Quốc là thí dụ điển hình. Đây là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Mỹ trong mấy thập kỷ qua. Những động thái truyền thông của Trump gần đây làm cho nhiều người có cảm giác là quan hệ với Trung Quốc sắp căng thẳng đến nơi, nhất là Trump chủ động gọi điện thoại nhận chúc mừng của Tổng thống Đài Loan, Thái Văn Anh.

Tuy nhiên, nhìn sâu và những gì mà chính phủ mới đang làm sẽ thấy một chiến lược rất rõ ràng với những bước đi trên thực tế là họ đang tìm một chiến lược phù hợp với Trung Quốc vì lợi ích của Mỹ.

Điều này cũng được thể hiện rõ qua việc chọn Thống đốc bang IOWA, Terry Branstad làm đại sứ sắp tới của Mỹ tại Trung Quốc. Ông này là bạn lâu năm với Chủ tịch Tập Cận Bình – người có tình cảm đặc biệt với bang IOWA khi ông đến thăm bang kết nghĩa với Hồ Bắc năm 1985.

Việc Trump đưa ra ngụ ý về khả năng thay đổi quan điểm về chính sách “một Trung Quốc” có thể làm nhiều người thấy hả hê. Tuy nhiên, điều quan trọng là những bên liên quan cần phải tìm hiểu rõ ràng những “thỏa hiệp” mà Mỹ có thể thực hiện dựa trên lợi ích của họ hay những biên liên quan.

Tính không nhất quán trong các chính sách của Mỹ bắt nguồn từ các tranh luận dựa trên các nghiên cứu thực chứng.

Chẳng hạn, về tác động Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Obama và những người ủng hộ tin rằng TPP đem lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ. Tuy nhiên, mặt trái của hội nhập đối với mỗi nền kinh tế là rất rõ ràng. Rất nhiều người phải chịu thua thiệt từ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Dù Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP thì quốc gia này vẫn có đối sách quan trọng trong quan hệ đối với bên ngoài một cách chiến lược.

Gợi ý cho Việt Nam

Nhìn về mặt dài hạn, Việt Nam nên chọn cách tiếp cận dựa vào lợi ích cốt lõi của mình và cần xác định rõ lợi ích của Mỹ trong từng bối cảnh cụ thể là gì. Ai sẽ là sợi dây gắn kết quan hệ Việt – Mỹ trong một vài thập kỷ tới trong bối cảnh vai trò/sứ mệnh cả thế hệ cựu chiến binh nhiều duyên nợ của hai nước sẽ không kéo dài nữa.

Kinh nghiệm cho thấy chỉ những đối tác có quan hệ chặt chẽ và hiểu nhau thì mới có thể có những quan hệ dài hạn với những tính toán chiến lược. Đội ngũ du học sinh, những người Mỹ gốc Việt sẽ là những đối tượng có khả năng tạo ra sự gắn kết này.

TS Huỳnh Thế Du/ theo Bizlive

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness