TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 65
  • Hôm nay: 168
  • Tháng: 6907
  • Tổng truy cập: 5140226
Chi tiết bài viết

Giải mã chính sách thời kỳ Đô-nan Trăm

Hơn hai tháng sau khi nhậm chức, các quyết sách của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm bị chỉ trích là “gây hỗn loạn” hơn là sự ổn định cho đất nước. Tuy nhiên, dường như sự hỗn loạn đó được tính toán kỹ càng nhằm vào các mục tiêu cụ thể của vị Tổng thống này.

Ảnh minh họa. Ảnh: usis.us

Làm chính trị phi truyền thống 

Bối cảnh hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa bị chi phối bởi các nhóm lợi ích và mục tiêu chính trị, dẫn đến việc bị phân hóa mạnh đến mức họ không còn khả năng đi đến những thỏa hiệp cần thiết nhằm giải quyết những thách thức nước Mỹ đang phải đối mặt là cơ hội để ông Đ. Trăm trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, và sau đó tiếp tục là cơ hội để vị Tổng thống này đưa vào nội các của ông nhiều gương mặt được cho là ít kinh nghiệm chính trị và đưa ra các chính sách vấp phải sự phản đối mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, các chính sách này vẫn nhận được sự ủng hộ nhất định từ những người mong muốn sự thay đổi và tin vào khẩu hiệu “khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ” của ông Đ. Trăm.

Về các chính sách kinh tế, Tổng thống Đ. Trăm chú trọng gia tăng việc làm tại Mỹ, tuyên bố sẽ đánh mức thuế 15% lên các công ty thuê nhân công nước ngoài hoặc đem việc ra bên ngoài lãnh thổ, đàm phán lại hoặc rút khỏi các hiệp định thương mại quốc tế mà theo ông, Mỹ không phải là quốc gia thu được nhiều lợi ích nhất như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Những chính sách bảo hộ này gặp nhiều chỉ trích từ các học giả trong nước và quốc tế, cho rằng chúng đi ngược với xu thế quốc tế, có thể gây ra các cuộc chiến tranh kinh tế và nghiêm trọng hơn nữa là khiến nước Mỹ tụt hậu vì đặt bản thân ra ngoài quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Song trên thực tế, những chính sách trên bắt đầu đem lại một số kết quả nhất định. Các giám đốc điều hành (CEO) của những tập đoàn sản xuất ô tô Mỹ Ford, GM, Fiat Chrysler tuyên bố tăng cường đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất trong nước sau cuộc họp riêng với Tổng thống Đ. Trăm. Cuộc thăm dò ý kiến của 141 CEO từ ngày 08-02-2017 đến ngày 01-3-2017 do Business Roundtable tổ chức cho thấy, giới doanh nghiệp tỏ ra lạc quan với chiều hướng chính sách kinh tế của Tổng thống Đ. Trăm với chỉ số triển vọng kinh tế CEO quý II/2017 tăng vọt lên 93,3 từ mức trước đó là 74,2. Đây là mức tăng cao nhất kể từ quý III/2009 và cũng là mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. 

Về an ninh - quân sự, Tổng thống Đ. Trăm đặt mục tiêu bảo đảm an toàn trong lòng nước Mỹ và gia tăng lợi thế chiến lược về quân sự. Theo đó, chủ trương thắt chặt vấn đề nhập cư với sắc lệnh tạm cấm người từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ với lập luận thắt chặt chính sách nhập cư và hạn chế nhập cư trái phép sẽ cải thiện tình trạng an ninh tội phạm, đồng thời ngăn chặn cơ hội cho các thành phần khủng bố cực đoan vào Mỹ. Tổng thống Đ. Trăm cũng đề xuất lên Quốc hội Mỹ tăng 10% cho chi tiêu quốc phòng năm 2018, tương đương với 54 tỷ USD. Ông Đ. Trăm nhấn mạnh việc hiện đại hóa nền quân sự Mỹ sẽ bảo đảm sự vượt trội so với các đối thủ về sức mạnh “cứng”. Phần lớn giới trí thức Mỹ và quốc tế phản đối các quyết sách này và cho rằng, chúng sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế và có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu. Mặc dù vậy, hai quyết sách cũng nhận được sự ủng hộ không nhỏ tại Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ sắc lệnh cấm nhập cư từ 7 nước Hồi giáo tại các cuộc thăm dò dư luận do Gallup, CBS, Reuters, Surveymokey thực hiện đều ở mức trên 40% và cao nhất lên tới 52%. Trong khi đó, năm 2016, có 37% người được thăm dò cho rằng, chính phủ Mỹ đang “chi quá ít” cho quốc phòng và các mục tiêu quân sự (tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc khủng bố “ngày 11-9-2011”), trong khi quan điểm “chi quá nhiều” và “chi vừa phải” chỉ lần lượt chiếm 32% và 27%.

Song song với củng cố kinh tế và sức mạnh quân sự, vốn là hai mũi nhọn nhằm vào sức mạnh nội tại của Mỹ, Tổng thống Đ. Trăm lại chọn hướng xoa dịu bức xúc của người dân khi thấy chính phủ “lãng phí” vào việc phân tán nguồn lực cho các vấn đề bên ngoài lãnh thổ như tại các diễn đàn đa phương và vấn đề quốc tế. Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm chủ trương gia tăng kiểm soát, quyền tài phán tại các tổ chức quốc tế nhiều hơn nhằm giảm đóng góp, nâng cao các tiêu chí thương lượng có lợi cho Mỹ khi tham gia hoạt động trong các tổ chức này. Chẳng hạn như, chính quyền Đ. Trăm đã trình lên Quốc hội một báo cáo chính sách, trong đó đề xuất cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gồm thiết lập hình phạt đối với các quốc gia thao túng tiền tệ và hình thức trừng phạt của tổ chức cho các vụ bán phá giá, cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp và cập nhật quy chế đối với các mặt hàng điện tử như việc bảo vệ bản quyền. Đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Đ. Trăm yêu cầu các nước đồng minh phải chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn với Mỹ, yêu cầu các nước thành viên NATO có “đóng góp công bằng hơn” trong khối nếu không Mỹ sẽ giảm cam kết quân sự. Sự cứng rắn của ông Đ. Trăm bước đầu đã thu được kết quả, theo đó, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Đ. Trăm ngày 17-3 vừa qua, Thủ tướng Đức A. Méc-ken cam kết chính phủ Đức sẽ đáp ứng nâng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% tổng GDP theo quy định của NATO. Sự nhượng bộ này của Đức sẽ tạo hiệu ứng khiến các nước thành viên khác của NATO nghiêm túc hơn đối với mức chi tiêu quốc phòng quy định của khối. Trên thực tế, trong năm 2016, chỉ có 5 nước trong NATO đáp ứng tiêu chí đóng góp, gồm Mỹ, Ê-xtô-ni-a, Hy Lạp, Ba Lan và Anh.

Tâm lý lo lắng và sự hỗn loạn có kiểm soát 

Có một thực tế là các quyết sách giải quyết các vấn đề bên trong đất nước của Tổng thống Đ. Trăm mặc dù hứng chịu sự chỉ trích nhưng vẫn chiếm tỷ lệ ủng hộ đáng kể trong các cuộc thăm dò dư luận. Cũng vậy, các chính sách đối ngoại của chính quyền Đ.Trăm sau thời gian gây ồn ào do bị phản đối nay đã bước đầu dẫn dắt các nước khác phải điều chỉnh chính họ để phù hợp với tình hình mới. Lý giải cho điều này có hai yếu tố: Từ bên trong, đó là nỗi lo lắng của một bộ phận dân chúng Mỹ trước tương lai của chính họ với nguy cơ mất đi những thứ thiết yếu nhất, khi họ sẽ nghèo đi và trên hết là nỗi lo mất an toàn. Phân tích của tháp nhu cầu của Maslow đã chỉ ra nhu cầu an toàn là thuộc nhu cầu cơ bản của con người và chỉ xếp sau nhu cầu về thể lý. Ngoài ra, thói quen hay có thể là cách thức dùng liệu pháp gây sốc của ông Đ. Trăm đã tạo ra sự hỗn loạn trong kiểm soát, mà trong đó, vai trò cá nhân được nâng cao. Hiệu quả quốc tế mà những chính sách của Tổng thống Đ. Trăm đem lại là sự thừa nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ trong cộng đồng quốc tế. Các quốc gia khác, đồng minh hay đối thủ, đều nhận thức để có môi trường quốc tế ổn định cần có sự đồng thuận của cường quốc số một thế giới là Mỹ. Theo đó, việc phần nào nhượng bộ với những yêu cầu của Tổng thống Đ. Trăm là nhằm đạt được sự đồng thuận của Mỹ. 

Vậy người Mỹ lo lắng về điều gì? Đó là khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng ngày càng lớn trong xã hội Mỹ, hệ quả của các yếu tố cả từ nội tại Mỹ và bối cảnh thế giới. Theo thống kê, từ năm 1991 đến năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ tăng gần 3 lần, từ 6.174 tỷ USD lên 18.037 tỷ USD, tuy nhiên một bộ phận lớn công dân lao động Mỹ trình độ thấp bị bỏ rơi, không được hưởng những lợi ích kinh tế - xã hội mà quá trình phát triển kinh tế đem lại. Theo nhà kinh tế X. Râu-dơ, “tầng lớp trung lưu phía trên”, gồm những người có học thức, cùng với giới siêu giàu tuy chỉ chiếm 29,4% dân số nhưng lại nắm giữ 63% tổng thu nhập nước Mỹ. Cục Điều tra dân số Mỹ thống kê trong 40 năm, thu nhập trung bình thực tại của Mỹ tăng trưởng không đáng kể: 337 USD từ năm 1973 đến năm 1993; và chỉ tăng thêm có 8 USD từ năm 1998 đến năm 2015. Thăm dò dư luận của Gallup Poll tháng 3-2016 cho thấy, ba vấn đề khiến công dân Mỹ “lo lắng” nhất, đó là: chính sách y tế (55%), kinh tế (55%), an ninh (53%). Những lao động Mỹ bị ám ảnh bởi khả năng Mỹ đang tụt lại và không giữ được lời hứa “tương lai sẽ tốt đẹp hơn quá khứ”; một bộ phận khác lại lo lắng về tương lai đất nước trước nguy cơ mất an ninh. Theo các cuộc thăm dò dư luận của Gallup, năm 2015, có tới 51% người Mỹ coi trọng việc Mỹ phải là nền kinh tế số một thế giới, mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây. Trong bối cảnh đó, các dân biểu lại không quan tâm đúng mức, cũng như chưa có giải pháp hiệu quả để hóa giải các mối lo này.

Bên ngoài nước Mỹ, bối cảnh thế giới kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các quốc gia trên thế giới tập trung phát triển đất nước, trong đó ưu tiên hàng đầu là vấn đề kinh tế. Cùng với những bước tiến vượt bậc của khoa học - công nghệ, đặc biệt là internet, khoảng cách địa lý, biên giới bị xóa nhòa, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong khi đó, do tốc độ phát triển giữa các nước không đồng đều, tác động của toàn cầu hóa lên mỗi quốc gia mang tính hai mặt. Một số quốc gia đã tranh thủ được lợi thế công nghệ và vốn từ bên ngoài, vươn lên dần dần làm chủ các nguồn lực mà trước đây họ phải phụ thuộc. Chính trong xu thế này, nước Mỹ trong gần một thập niên trở lại đây bị suy yếu tương đối do sự cách biệt giữa họ với các nước đã rút ngắn. Đồng thời, trước các nguy cơ về an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong ngót nghét một thập niên, các nguồn lực của Mỹ đã bị phân tán do can dự vào các cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ, vốn kéo dài và tốn kém hơn dự định càng khiến cho người Mỹ thêm bi quan về tình hình đất nước. 

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Đ. Trăm đã sử dụng lập luận bảo vệ cho các quyết sách của mình là nhằm gia tăng khoảng cách lợi thế tương đối của Mỹ với các quốc gia khác ở cả ba lĩnh vực kinh tế, an ninh - quân sự và đối ngoại, trên cơ sở sửa chữa những “sai lầm chiến lược” của các chính quyền tiền nhiệm. 

Liệu pháp gây sốc 

Nhìn lại tổng thể các biện pháp của Tổng thống Đ. Trăm thời gian qua có thể thấy, các chính sách mà Tổng thống Đ. Trăm đưa ra đều lấy cơ sở từ nguy cơ thực tế nhưng được phát ngôn và tuyên bố theo cách của riêng ông, bước đầu sẽ thu hút sự chú ý, bất luận là phản đối hay ủng hộ, qua đó, vai trò cá nhân của ông được củng cố. Đó là điều mà hầu hết các chính sách của ông Đ. Trăm đã đạt được. Tận dụng tâm lý lo lắng, bất an của người dân, từ một tỷ phú chưa từng làm chính trị, ông Đ. Trăm đã trở thành vị Tổng thống gây bất ngờ của nước Mỹ và giờ đây đang xây dựng “một nước Mỹ vĩ đại” trong một trật tự quốc tế có lợi cho Mỹ. Thời gian tới, nhiều khả năng Tổng thống Đ. Trăm sẽ tiếp tục sử dụng liệu pháp sốc như một công cụ thu hút sự chú ý của dư luận và xây dựng hình ảnh. Trên cương vị Tổng thống Mỹ, chiến thuật này đang và sẽ được tiếp tục áp dụng. 

Liệu pháp gây sốc của ông Đ. Trăm còn có một tác dụng quan trọng nữa lên hệ thống chính trị Mỹ, đó là việc giúp hai đảng Cộng hòa và Dân chủ “thức tỉnh” trước tình trạng chia rẽ trong lòng nước Mỹ giữa các nguyện vọng và mong muốn khác nhau của người dân. Thực sự trong các chính sách của mình, ông Đ. Trăm không được ủng hộ từ cả hai chính đảng này nhiều như các người tiền nhiệm. Xét trên khía cạnh tích cực, đây cũng là điểm khác biệt khiến vai trò cá nhân của Tổng thống thời kỳ Đ. Trăm được nâng cao hơn bao giờ hết./. 

Tuấn Minh

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness