TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 73
  • Hôm nay: 1120
  • Tháng: 7859
  • Tổng truy cập: 5141178
Chi tiết bài viết

Giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường ở nước ta hiện nay

Việt Nam mặc dù đã đổi mới hơn 30 năm, nhưng việc giải quyết vấn đề này trong thực tiễn còn nhiều hạn chế. Trước tình hình đó, tại Đại hội XII của Đảng đã bổ sung: “giải quyết tốt các mối quan hệ lớn... giữa nhà nước và thị trường”(1) và đây cũng là một trong chín mối quan hệ lớn cần phải giải quyết trong thời gian tới.

1. Trước đổi mới, ở Việt Nam, do chủ trương phát triển nền kinh tế kế hoạch nên vấn đề thị trường không được nhắc tới và bàn đến. Đặc trưng chủ yếu của Nhà nước lúc này là thâu tóm tất cả về vật tư, hàng hóa, thống nhất thu mua, phân phối, tiêu thụ; về nhân lực thống nhất đào tạo, phân phối; về tiền vốn thống nhất thu, chi; quyền đầu tư tập trung vào trong tay chính quyền Trung ương. Những điều này đã phủ định sản xuất hàng hóa và trao đổi hàng hóa. Hậu quả là kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng, trì trệ. 

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định, nền kinh tế thị trường mà chúng ta xây dựng phải có sự quản lý của Nhà nước. Vai trò của Nhà nước đối với kinh tế thị trường không chỉ xuất phát từ yêu cầu phổ biến của quá trình phát triển kinh tế thị trường, mà còn xuất phát từ tính đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) của Đảng đã xác định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”(2) là một trong bảy phương hướng cơ bản trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, kiên quyết “xóa bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. Xây dựng và phát triển đồng bộ các thị trường….” (3) trên cơ sở nguyên tắc: “Nhà nước quản lý điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát thị trường tài chính, chủ động điều tiết, giảm các tác động tiêu cực của thị trường, không phó mặc cho thị trường hoặc can thiệp làm lệch lạc các quan hệ thị trường(4)”. 

Thị trường, kinh tế thị trường là một kiểu quan hệ giữa người với người trong sản xuất, trao đổi và tiêu dùng, nên mang đậm dấu ấn của quan hệ xã hội, của thể chế chính trị mà nền kinh tế đó tồn tại. Sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay có sự định hướng xã hội chủ nghĩa mà nhân tố sâu xa nhằm bảo đảm định hướng chính trị đối với kinh tế là đường lối, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền. Song, để đường lối, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng biến thành hiện thực vận động của nền kinh tế, chúng phải được thể chế hóa thành hệ thống pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được triển khai thông qua Nhà nước, dưới sự quản lý của Nhà nước do Đảng lãnh đạo. Do đó, sự tham gia của Nhà nước vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kinh tế thị trường là tất yếu khách quan. 

Đặc biệt, nền kinh tế thị trường của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của thị trường, vừa dựa trên cơ sở và sự dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội: khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; phân phối kết quả làm ra chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; Nhà nước quản lý phát huy mặt tích cực, hạn chế, khắc phục mặt trái, tiêu cực của cơ chế thị trường; phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực kinh tế.(5). Vì vậy, sự định hướng, chỉ đạo của Nhà nước là cần thiết. Việc nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc định hướng sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta không mâu thuẫn với vấn đề có tính nguyên tắc: sự vận hành của nền kinh tế thị trường nào cũng trước hết và chủ yếu do các quy luật thị trường quyết định. Song, quy luật kinh tế thị trường lại thuộc lĩnh vực quy luật xã hội. Tính khách quan của nó được thể hiện và thực hiện thông qua hoạt động có ý thức của con người, mà cụ thể ở đây là của Nhà nước.

Trong các Đại hội gần đây, Đảng ta một mặt thừa nhận sự tồn tại khách quan của kinh tế thị trường. Mặt khác, Đảng cũng thấy rõ những khuyết tật của nó không phù hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội, nên luôn đề cao vai trò quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội từng bước được hiện thực hóa. Hệ thống luật pháp tạo khung khổ pháp lý cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được bổ sung, hoàn thiện. Các loại thị trường bước đầu được hình thành đồng bộ, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới. Các loại hình doanh nghiệp dựa trên các hình thức sở hữu khác nhau (một điều kiện cơ bản để kinh tế thị trường tồn tại) đều được khuyến khích phát triển; trong đó, “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”(6). Quản lý nhà nước về kinh tế đã chuyển đổi căn bản sang phương thức quản lý chủ yếu bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các nguồn lực kinh tế; nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập và phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường. Những thay đổi quan trọng này đã đảm bảo cho nền kinh tế nước ta hội đủ các điều kiện để trở thành thành viên thứ 150 của WTO và đến nay, đã có gần 30 nước công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường đầy đủ.

2. Thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường sau 30 năm đổi mới cho thấy, Đảng ta đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới và phức tạp, thị trường nhiều hay ít, nhà nước ít hay nhiều để nền kinh tế vận hành tốt, phát huy những lợi thế vốn có? Vì vậy hiện nay, việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường chưa rõ ràng, còn rất nhiều mâu thuẫn, bất cập. Điều đó được thể hiện: 

Một là, trong thực tiễn đổi mới, Nhà nước Việt Nam đã sử dụng các hệ thống công cụ chủ yếu để quản lý nền kinh tế thị trường như: Hệ thống pháp luật nhằm tạo ra “luật chơi” cho các chủ thể tham gia vào các quan hệ kinh tế; Công tác kế hoạch và quy hoạch, nhằm hoạch định các mục tiêu và xác lập các phương tiện để đạt các mục tiêu đề ra; Các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô, đặc biệt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; Sử dụng lực lượng vật chất của Nhà nước để bổ khuyết thị trường (trong đó quan trọng nhất là các loại dự trữ quốc gia); Cung cấp dịch vụ và hàng hoá công cộng; hành chính công; sử dụng các công cụ hỗ trợ như thông tin, xúc tiến thương mại, cung cấp các dịch vụ sản xuất… Tuy nhiên, các hệ thống công cụ quản lý, điều tiết của Nhà nước nêu trên đều chưa đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường chưa hoàn thiện. Hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế còn thấp, một mặt là do sự can thiệp của Nhà nước không phù hợp với sự vận động của thị trường. Mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra. 

Công tác kế hoạch và quy hoạch của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Theo các chuyên gia, hiện nay ở Việt Nam có đến đến 80% kế hoạch, quy hoạch, dự án không khả thi. Trong đó, tập trung ở các chương trình có vốn từ ngân sách nhà nước hoặc do Nhà nước bảo lãnh. Chẳng hạn, dự án tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh) đội vốn lên tới hơn 126%, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đội vốn lên 57%, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn từ 4.000 lên 8.000 tỷ đồng, kéo dài trong 8 năm chưa xong(7). Bên cạnh đó, việc triển khai nhiệm vụ sau khi quy hoạch rất trì trệ, không đáp ứng kịp yêu cầu quản lý. Điển hình nhất là trường hợp Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt từ năm 2011, đã 5 năm trôi qua nhưng nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt.

Hai là,
 còn có sự nhầm lẫn giữa nhà nước và thị trường. Kinh tế thị trường được vận động với sự tham gia của ba chủ thể chính: người sản xuất, người tiêu dùng và Nhà nước. Nhưng trong quản lý nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, còn có sự lẫn lộn về vị trí, vai trò của ba chủ thể này. Nhiều việc Nhà nước cần phải làm, nhưng lại không làm hoặc làm không đầy đủ. Tổng kết 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam đã chỉ rõ hạn chế của mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường là: “Chưa làm sáng tỏ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường do chưa phân định rõ chức năng Nhà nước - thị trường. Nhà nước vẫn bao biện nhiều chức năng mà thị trường đảm nhiệm hiệu quả hơn (phân bổ vốn; quản trị doanh nghiệp) trong khi chưa chú ý đúng mức đến những chức năng mà Nhà nước phải hoàn thành (xây dựng và thực thi khung khổ quản lý nhà nước “khung khổ hành chính - pháp lý”, cung cấp hàng hóa và dịch vụ công, hỗ trợ phát triển,...)”(8). Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, Nhà nước đã can thiệp vào vai trò, chức năng của các chủ thể khác. Điển hình như, trong lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước là định hướng mục tiêu phát triển, dự báo tình hình biến động của thị trường; kiểm soát độc quyền; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh…, nhưng Nhà nước không tập trung đúng mức, mà lại can thiệp vào vấn đề giá cả, tiền lương… đây là chức năng của doanh nghiệp. Việc chậm thay đổi thói quen can thiệp của Nhà nước vào thị trường bằng các biện pháp hành chính, thay vì sử dụng các công cụ can thiệp gián tiếp để điều tiết thị trường cũng là một nguyên nhân khiến Nhà nước vận hành thị trường thiếu hiệu quả. 

Ba là, “hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm: Nhà nước còn can thiệp trực tiếp, quá lớn trong nền kinh tế. Vẫn còn tình trạng bao cấp, xin – cho trong xây dựng và thực hiện một số cơ chế, chính sách”(9). Nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng lại không chịu trách nhiệm về vật chất đối với các quyết định của mình. Quan hệ hàng hóa, tiền tệ bị coi nhẹ, do đó, trong nhiều trường hợp, đáng lý là quan hệ cung cầu, thì quyền lực và sự duy ý chí lại đi trước dẫn dắt thị trường. 

Trước những bất cập trong mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường ở nước ta hiện nay, Đại hội XII đã khẳng định, cần phải tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường và chỉ khi nào việc phân vai giữa Nhà nước - thị trường được làm rõ, được quy định bởi pháp luật, bằng các chức năng, nhiệm vụ cụ thể, thì khi đó mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường mới là biện chứng, tương hợp và hỗ trợ cho nhau.

Quan hệ giữa thị trường với Nhà nước cần phải được xác định phù hợp với trình độ phát triển của sức sản xuất. Bởi vì, các quốc gia khác nhau sẽ ở những giai đoạn phát triển khác nhau, có trình độ phát triển sức sản xuất, trình độ phát triển thị trường khác nhau, nên xử lý mối quan hệ giữa vai trò của thị trường với vai trò của Nhà nước cần phải xuất phát từ thực tế mỗi nước, dựa trên nguyên tắc làm gì đều phải có lợi cho phát triển sức sản xuất, không thể bê nguyên xi một lý luận, một công thức để áp dụng trong mọi trường hợp. 

Hạn chế lớn nhất trong mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường là sự bất cập trong quản lý của Nhà nước đối với thị trường dẫn tới: “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá để thúc đẩy phát triển”(10). Vì vậy, Đảng ta chỉ đạo trong những năm tiếp theo, chúng ta phải tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là một trong những nội dung chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đến năm 2020 “phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế”(11). Tính hiện đại và hội nhập quốc tế thể hiện ở chỗ: Kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn 30 năm đổi mới; có hệ thống pháp luật, các thiết chế, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với thị trường và các nền kinh tế trên thế giới; vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực phổ biến của thế giới đương đại. 

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã nhấn mạnh hoàn thiện thể chế về sở hữu. Đặc biệt, lần đầu tiên Đảng ta đã đề cập tới hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ. Bởi trong xu thế phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay thì sở hữu trí tuệ còn có giá trị lớn hơn rất nhiều những tài sản hữu hình khác. Bên cạnh đó, Đảng ta cũng khẳng định: xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững phải đi đôi với đổi mới, hoàn thiện bộ máy tổ chức, cán bộ của toàn hệ thống chính trị; xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nền kinh tế ấy vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường nhưng vẫn bảo đảm những yếu tố nhân văn của thể chế xã hội chủ nghĩa, thể hiện ở khía cạnh bảo đảm: “sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững”(12)./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG - ST, H, 2016, tr.18 - 19.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb ST, H. 1991, tr. 9-10.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Sđd, tr.12.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.141.

(5) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI , Sđd, tr.204 - 206.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.101.

(7) Số liệu theo bài Còn bất cập trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, tác giả Hoài Anh, báo Hải Quan, bản điện tử, cập nhật ngày 24-01-2016

(8) TS Đinh Thế Huynh, GS.TS Phùng Hữu Phú, GS.TS Lê Hữu Nghĩa...(chủ biên): 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, Hà nội. 2015, tr.96.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 100.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 60.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 104.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

TS. Lê Thị Thanh HàHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness