TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 54
  • Hôm nay: 164
  • Tháng: 6903
  • Tổng truy cập: 5140222
Chi tiết bài viết

Hoàng đế trầm lặng và Frankenstein khổng lồ

“Trung Quốc là một người khổng lồ đang ngủ. Hãy để cho nó ngủ yên, vì khi thức dậy nó sẽ làm đảo lộn thế giới”. (Napoleon Bonaparte)

Image result for Hoàng đế trầm lặng và Frankenstein khổng lồ

Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã kết thúc (18-24/10/2017) nhưng dư âm của nó chưa hết. Sự kiên này như một đám mây lớn đang phủ bóng đen ám ảnh người Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Donald Trump bắt đầu chuyến đi Châu Á (3/11), sẽ đến Đà Nẵng họp APEC (10/11) và đến Hà Nội thăm “chính thức” (11/11/2017). Chúng ta nên hiểu sự kiện quan trọng này thế nào?     

Sự tích Frankenstein

Lời cảnh báo của Napoleon nay đã trở thành sự thật. Trung Quốc đã trỗi dậy và đang làm đảo lộn thế giới. Người Trung Quốc có lý do để trỗi dậy vì lợi ích quốc gia của mình, nhưng đáng tiếc là họ không trỗi dậy “một cách hòa bình” như người Mỹ đã ảo tưởng. Trung Quốc đã trở thành đầu gấu trong khu vực, bắt nạt các nước láng giềng và thách thức vai trò đứng đầu của Mỹ, nhằm biến Biển Đông thành cái ao riêng của họ. (Trung quốc trỗi dậy và suy tàn: Giới hạn của quyền lực, Nguyễn Quang Dy, Viet-studies, 13/4/2016).

Người ta nói rằng khi sắp chết con người thường nói thật. Trước khi qua đời, cố tổng thống Nixon đã thừa nhận với nhà báo William Safire (New York Times) trong lần phỏng vấn (năm 1994) rằng trong “tuần lễ làm thay đổi thế giới” khi Nixon và Kissinger đến Bắc Kinh (năm 1972) để chơi “lá bài Trung Quốc”, Mỹ đã làm thế giới “thay đổi tồi tệ nhất” (changed for the worst). Safire kể lại rằng lúc đó bằng một giọng buồn rầu, Nixon đã nói rằng, “chúng ta có thể đã tạo ra một con một quái vật Frankenstein” (we may have created a Frankenstein). (The Biggest Vote, William Safire, New York Times, May 18, 2000).

Không phải chỉ có Nixon và Kissinger mà các đời tổng thống Mỹ sau đó cũng góp phần giúp Trung Quốc trỗi dậy thành Freankenstein, bằng chính sách “tham dự một cách xây dựng” (constructive engagement), tức là “phù Trung”. Không phải chỉ có Mỹ mà các đồng minh (như Nhật và Tây Âu) cũng theo chính sách đó. Bây giờ người Mỹ mới nhận ra là Trung Quốc còn nguy hiểm hơn cả Nga, thì đã quá muộn. Cuối đời, Nixon đã thừa nhận sai lầm về Trung Quốc, nhưng Kissinger thì chưa bao giờ tỏ ra ân hận vì đã thỏa thuận với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai để bỏ rơi Đài Loan. Theo Safire, Kissinger còn “bảo hoàng hơn cả vua”. Khi Mao nói với Nixon và Kissinger là Trung Quốc sẽ dùng vũ lực đối với Đài Loan bất cứ lúc nào trong 100 năm tới, thì Kissinger còn tỏ ra ngạc nhiên “sao phải chờ lâu thế?”.  

Hoàng đế trầm lặng

Người ta nói rằng Tập Cận Bình là một người trầm lặng và bí hiểm, đã loại trừ được các thế lực chống đối, để thiết lập quyền lực độc tôn, trở thành “Chủ tịch của mọi thứ” (Chairman of everything). Không chỉ con người Tập trầm lặng mà tính độc tài của ông ta cũng trầm lặng, và uy quyền của Tập cũng trầm lặng một cách bí hiểm. Tập Cận Bình có ba mục tiêu lớn. Thứ nhất là biến Trung Quốc thành cường quốc bá chủ thế giới. Thứ hai là củng cố quyền lực cá nhân và tự thần thánh hóa. Thứ ba là kéo dài sự lãnh đạo độc tôn của Đảng.   

Sau “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, đến “Lý thuyết Đặng Tiểu Bình”, rồi “Ba đại diện của Giang Trạch Dân” và “Phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào”, nay “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” đang đưa Trung Quốc đến với mô hình phong kiến tập quyền. Tập đã xếp mình ngang với Mao Trạch Đông như hoàng đế Trung Hoa, cao hơn cả Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ngày 24/10/2017, “Tư Tưởng Tập Cận Bình” đã được Đại hội 19 ghi vào điều lệ Đảng. Diễn văn dài ba tiếng rưỡi (30.000 từ) của Tập là một bài luận văn đầy tham vọng, do các trợ lý chủ chốt như Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) và Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) dày công soạn thảo. Trong khi Tập Cận Bình đọc bài diễn văn ba tiếng rưỡi thì Donald Trump chỉ cần tweet vài dòng. Đó là sự khác biệt về văn hóa chính trị và hệ điều hành (operating systems).

Thắng lợi thứ nhất là Tập khẳng định tầm nhìn của “Tư tưởng Tập Cận Bình” từ chủ nghĩa “tân chuyên chế” (neo-authoritarianism) đến “tân toàn trị” (neo-totalitarianism) và “tân bảo thủ” (neo-conservatism) trong “thời đại mới” khi Mỹ và phương Tây đang khủng hoảng, là cơ hội tốt để Tập áp đặt tư tưởng của mình. Tập không chỉ định người kế thừa (theo tiền lệ), mà để ngỏ khả năng kéo dài thêm một nhiệm kỳ nữa (sau 2022). Thắng lợi thứ hai là Tập đưa hai nhân vật trung thành nhất vào thường vụ Bộ Chinh Trị, giữ hai vị trí then chốt. Một là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) làm chủ tịch quốc hội, Hai là Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) làm bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TƯ (CCDI) thay Vương Kỳ Sơn, phụ trách chống tham nhũng.

Tuy Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo có quyền lực lớn nhất Trung Quốc, nhưng có một “nghịch lý về quyền lực” (paradox of power) là khả năng thao túng xã hội Trung Quốc của Đảng Cộng sản đã bị hạn chế rất nhiều so với những ngộ nhận của Tập và những người ủng hộ (cũng như nhiều học giả nước ngoài). Theo Minxin Pei, có hai lý do chính. Thứ nhất là xã hội Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều so với thời Mao và Đặng, nên hầu như chẳng còn ai (kể cả đảng viên) thực sự tin vào một học thuyết chính thống. Thứ hai, bản chất kinh tế Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều (hơn 60% là tư nhân) nên Đảng không còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. (The Paradox of Xi’s Power, Minxin Pei, Project Syndicate, Oct 27, 2017).   

Thu phục Trung nguyên

Vương Kỳ Sơn là cánh tay phải của Tập Cận Bình, phụ trách chống tham nhũng, có quyền lực xếp thứ hai (sau Tập). Mô hình CCDI (Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TƯ) giống mô hình “Đông Xưởng” của hoàng đế Chu Lệ (Yongle) thời nhà Minh, với quyền lực đáng sợ. Nhưng trái với đồn đoán, Vương Kỳ Sơn đã nghỉ (vì quá tuổi và nguyện vọng cá nhân). Tập phải chấp nhận thực tế đó, tuy ảnh hưởng của Vương còn lớn. Tập có thể cử Vương phụ trách Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), nhưng khả năng đó thấp vì Vương đã rút khỏi Trung Ương. Hiện nay, người thân cận nhất với Tập là Lật Chiến Thư. Trong Thường vụ Bộ Chính Trị, Lật xếp thứ ba, nhưng thực chất là người thứ hai (chứ không phải thủ tướng Lý Khắc Cường).

Bốn người còn lại trong Thường vụ Bộ Chính Trị đều tuyên bố trung thành với Tập. Đó là Uông Dương (phó thủ tướng), Hàn Chính (cựu Bí thư Thượng Hải), Vương Hỗ Ninh (nguyên trưởng ban nghiên cứu TƯ, thay Lưu Vân Sơn phụ trách tuyên truyền), Triệu Lạc Tế (nguyên trưởng ban tổ chức TƯ, thay Vương Kỳ Sơn phụ trách chống tham nhũng). Việc Giang Trạch Dân vẫn ngồi ghế Chủ tịch đoàn không phải vì phái Giang còn mạnh (như Đại hội 18) mà đã suy yếu. Tuy Tập vẫn phải thỏa hiệp về cơ cấu Thường vụ Bộ Chính Trị, nhưng trong Bộ Chính trị (25 người) đã có 15 người trung thành với Tập (60%). Với Trần Mẫn Nhĩ (bí thư Trùng Khánh), Thái Kỳ (bí thư Bắc Kinh), Lý Cường (bí thư Thượng Hải), Lý Hy (bí thư Quảng Đông), Đinh Tiết Tường (chánh Văn phòng TƯ), Trần Hy (trưởng ban Tổ Chức TƯ), tướng Trương Hữu Hiệp (phó chủ tịch Quân ủy TƯ), Tập đã chiếm thế thượng phong.

Tuy dư luận lo ngại Tập Cận Bình sẽ ở thêm khóa nữa (sau năm 2022), nhưng một số chuyên gia cho rằng Tập đã lặng lẽ chọn người kế vị là Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner), tuy Trần Mẫn Nhĩ và Hồ Xuân Hoa không lọt vào Thường vụ BCT (như đồn đoán). Liệu Lật Chiến Thư có thể giúp Tập thay đổi hiến pháp để ông ta ở lại thêm một khóa nữa, hay Tập sẽ chọn người kế vị trung thành để tiếp tục kiểm soát quyền lực sau khi từ chức? Chưa biết Tập sẽ chọn Trần Mẫn Nhĩ hay Hồ Xuân Hoa, nhưng ông ta đã có trong tay các lá bài. Việc cử Trần Mẫn Nhĩ làm bí thư Trùng Khánh (thay Tôn Chính Tài) là một tín hiệu. (Xi Jinping Has Quietly Chosen His Own Successor, Andrei Lungu, Foreign Policy, October 20, 2017).

Ngày 15/7/2017, Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài đã bất ngờ mất chức Bí thư Trùng Khánh, và được thay thế ngay bằng một người trung thành với Tập là Trần Mẫn Nhĩ (nguyên bí thư Quý Châu). Người ta nói Tôn Chính Tài bị ngã ngựa vì là người của phái Giang, đã xung đột với Tập trong một hội nghị ở Bắc Kinh. Sau đó, bí thư Bắc Kinh là Thái Kỳ và Bí thư Quảng Đông là Hồ Xuân Hoa đã lần lượt tuyên bố ủng hộ Tập. 10 ngày sau, Tập Cận Bình tuyên bố điều tra Tôn Chính Tài, và tiến hành họp kín để truyền đạt ý chỉ “4 cái bằng mọi giá”: (1) bằng mọi giá bảo vệ lãnh đạo cấp cao đang ở đầu sóng ngọn gió; (2) bằng mọi giá thanh trừng thế lực phản đối Đảng; (3) bằng mọi giá đối phó với áp lực bên ngoài trước và sau Đại hội 19; (4) bằng mọi giá trấn áp những nhân tố bất ổn định trong nội bộ Đảng. Rõ ràng qua “4 cái bằng mọi giá” Tập muốn phòng ngừa nguy cơ chính biến và giữ ổn định cho Đại hội 19. 

Mâu thuẫn và nghịch lý

Vào tháng 3/2017, lần đầu tiên Uông Ngọc Khải (giáo sư Học viện Hành chính Quốc gia) đã lên tiếng bàn về việc Trung Quốc nên thay đổi từ “chế độ chủ tịch quốc gia” sang “chế độ tổng thống”, và cần thiết phải thay đổi toàn diện chế độ chính trị. Tháng 7/2017, Uông Ngọc Khải lại một lần nữa bàn về chế độ tổng thống. Lần này, Uông Ngọc Khải thậm chí còn nói rằng: “Trước khi chuyển sang chế độ tổng thống, cần thiết phải kết thúc chế độ Ủy ban Thường vụ”. Tại sao Tập Cận Bình lại cho phép Uông Ngọc Khải nói về “chế độ tổng thống”?  Không biết đó có phải là ý đồ thực sự của Tập hay chỉ là kế nghi binh, nhưng động thái này hơi giống lời khuyên của La Vũ (con của nguyên soái La Thụy Khanh và bạn thân của Tập).  

Trong bài diễn văn dài ba tiếng rưỡi của Tập Cận Bình, có ba điểm quan trọng. Thứ nhất, “Tư tưởng Tập Cận Bình” được nâng lên ngang tầm “Tư tưởng Mao Trạch Đông”. Thứ hai, Tập Cận Bình tự tin khẳng định Trung Quốc đã bước vào “thời đại mới”. Thứ ba, “những mâu thuẫn chính” của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình được điều chỉnh là mâu thuẫn giữa “đòi hỏi cuộc sống ngày càng cao của nhân dân” với “phát triển chưa hài hòa và mất cân đối”. (China’s Contradictions, Stephen Roach, Project Syndicate, October 23, 2017).

Về kinh tế, có ba mâu thuẫn cơ bản. Thứ nhất là mâu thuẫn giữa vai trò nhà nước và thị trường về phân bổ nguồn lực. Thứ hai là mâu thuẫn giữa cung và cầu. Thứ ba là mâu thuẫn giữa con đường đi (the path) và đích đến (destination). Trung Quốc có thể đang trên con đường tiến đến “thời đại mới” (hay “New Normal”). Nhưng đích đến cuối cùng vẫn còn xa, với nhiều mâu thuẫn cần phải được giải quyết trong quá trình tiến đến cái đích đó.  

Trong khi Đặng Tiểu Bình cầm quyền bằng ủy nhiệm, không trực tiếp điều hành nhưng vẫn kiểm soát được quyền lực, thì Tập Cận Bình trực tiếp nắm mọi thứ (chairman of everything). Lúc không có chuyện gì thì không sao, nhưng nếu có chuyện xảy ra là thảm họa. Trong những năm tới là thời kỳ chuyển đổi phức tạp, dễ có nhiều biến động lớn, nên đội ngũ cầm quyền của Tập tuy hùng hậu nhưng chưa sẵn sàng đối phó. (Why Chinas Xi might come to regret all that power,  Kerry Brown, South China Morning Post, October 29, 2017).

Chọn kịch bản nào

Tuy quyền lực của Tập Cận Bình lúc này gần như tuyệt đối, nhưng đó là gánh nặng quá lớn cho một lãnh đạo quốc gia. Tập có thể thông minh hơn Trump, nhưng điều đó không đảm bảo một tương lai ổn định cho Trung Quốc. Nếu có chuyện không may xảy ra, thì cả hệ thống quyền lực sẽ như rắn mất đầu, trong khi mọi người đều biết lỗi hệ thống này là do Tập muốn làm “chủ tịch mọi thứ”. Đó là lý do tại sao các triều đại độc tài thường có kết cục gần giống nhau. (Chinas New EmperorChris Patten, Project Syndicate, Oct 25, 2017).   

Theo Fareed Zakaria (CNN) Tập cho rằng Trung Quốc là một siêu cường trong “thời đại mới”, có thể thay thế Mỹ như một sự lựa chọn (alternative) nếu không phải là đối chọi (rival). Trump có ảo tưởng (fantasy) “làm Mỹ vĩ đại trở lại” (make America great again) thì Tập cũng muốn “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại” (make China great again). Đó là “Giấc mộng Trung Hoa” (China Dream) của Tập. Nhưng nếu Tập lấy Mao làm hình mẫu (model) thì Trung Quốc có thể trở thành một Bắc Triều Tiên khổng lồ, chứ không giống Mỹ.

Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc “quán triệt tinh thần Mao Trạch Đông” (embrace the spirit of Mao Zedong) và dành ưu tiên cao nhất cho ý thức hệ. Trung Quốc đứng trước 4 lựa chọn: (1) “Hard Totalitarianism (Toàn trị Cứng) như hiện nay, (2) “Soft Totalitarianism (Toàn trị Mềm) như thời Hồ Cẩm Đào, (3) “Neo-Totalitarianism (Tân Toàn trị) như thời Mao, (4) “Semi-Democratic (Dân chủ Nửa vời) như Singapore. Tập có thể chuyển từ “Hard Totalitarianism” sang “Neo-Totalitarianism”. Nếu Tập định “quay về tương lai” (back to the future) thì đó sẽ là một sai lầm lớn. Vì vậy, David Shambaugh tin rằng “Màn chót” (Endgame) của chế độ Trung Cộng đang đến, và sự sụp đổ có thể xảy ra trong một hai thập kỷ tới. (The Paradox of Xi Jinping: Dr Jerkyll & Mr Hide? Nguyễn Quang Dy, May 17, 2017).

Nhưng Zakaria cho rằng cần làm rõ ba điểm. Thứ nhất về Mao, hiện nay chủ nghĩa Mao chẳng còn nhiều ảnh hưởng. Thứ hai về chính trị, quyền lực của Tập chưa hẳn “độc tôn” vì cơ cấu nhân sự mới không hẳn như vậy. Trong thường vụ BCT, Lý Khắc Cường vẫn là thủ tướng, Uông Dương và Hàn Chính vẫn là người của phái Hồ Cẩm Đào và phái Giang Trạch Dân. Trong khi đó Trần Mẫn Nhĩ là một đồng minh thân cận của Tập (mà một số chuyên gia cho rằng có thể kế thừa Tập) vẫn chưa lọt được vào Thường vụ Bộ Chính Trị (như đồn đoán). Vương Kỳ Sơn là cánh tay phải của Tập, nhưng không còn trong Bộ Chính Trị (như đồn đoán) và ra khỏi cả danh sách Trung Ương. Phải chăng đây là dấu hiệu Tập đang dọn đường để ở lại thêm một khóa nữa, hay là Tập vẫn chưa hẳn độc tôn? Thứ ba là về triển vọng, vẫn chưa rõ Tập sẽ làm gì với quyền lực mới lớn hơn (tuy chưa hẳn tuyệt đối). Nếu Trung Quốc gặp may, Tập Cận Bình sẽ trở thành một nhà “độc tài được khai sáng” (enlightened absolutist) như Lý Quang Diệu. Nếu không may, Tập sẽ trở thành một hoàng đế chuyên quyền (như Mao 2.0). (Xi whizz: look at the emperor’s new clothes, Niall Ferguson, Sunday Times, October 29, 2017).

Thay lời kết

Tuy “chủ nghĩa tân chuyên chế” (neo-authoritarianism) là chủ thuyết được vận dụng thành công từ thập niên 1990 (sau Thiên An Môn), đã được các học giả Mỹ (như Andrew Nathan và David Shambaugh) đánh giá cao là mô hình “chuyên chế có sức sống” (authoritarian resilience), nhưng nay đã hết màu nhiệm, đang biến thể thành “chủ nghĩa tân toàn trị” (neo-totalitarianism) và “chủ nghĩa tân bảo thủ” (neo-conservatism). Vương Hộ Ninh có quyền tự hào về học thuyết mà mình đã từng đề xướng, cũng như vai trò mới trong Thường vụ Bộ Chính Trị dưới triều đại mới của Tập Cận Bình (2.0). Nhưng Vương có thể chứng kiến biến thể của học thuyết đó đang xô đẩy Trung Quốc đến “Màn chót” (Endgame) của trò chơi quyền lực, như David Shambaugh dự báo hay “Hoàng hôn” (Twilight) của chế độ, như Mixin Pei mô tả.   

Trong giai đoạn cải cách lần đầu (1.0) Trung Quốc có thể vận dụng kinh nghiệm phát triển theo mô hình thành công của Đài Loan, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc… Nhưng trong giai đoan cải cách lần hai (2.0) thì phép mầu đó không còn hiệu nghiệm. Bài diễn văn dài ba tiếng rưỡi của Tập Cận Bình (như một luận văn tiến sỹ) ẩn chứa nhiều mâu thuẫn và nghịch lý cơ bản. Trung Quốc không thể trở thành siêu cường nếu không chịu cải tổ hệ thống chính trị. Nhưng nếu Tập cải tổ toàn diện chế độ như quy luật phát triển đòi hỏi, thì bóng ma Thiên An Môn và Pháp Luân Công có thể xô đẩy Đảng và chế độ cùng sụp đổ. Tập Cận Bình và Trung Quốc đang mạnh lên, muốn ganh đua với Mỹ, không phải vì bản thân Trung Quốc do cải tổ mạnh lên, mà vì bản thân Mỹ và phương Tây do khủng hoảng thể chế nên yếu đi.

Tập Cận Bình muốn tập trung quyền lực tuyệt đối bằng mọi giá để giữ nguyên trạng (trong nước), trong khi bành trướng tại khu vực và thách thức vai trò của Mỹ để thay đổi nguyên trạng (tại Biển Đông). Sau Đại hội 19, tham vọng bá quyền của Trung Quốc ngày càng lớn và càng rõ, như một nỗi ám ảnh (hay ác mộng) đối với Việt Nam và ASEAN, làm thế giới đau đầu. Trong khi đó, giai thoại về “Xi Dada” đang biến thể thành “Xi Whizz”, làm người ta nhớ đến tác phẩm kinh điển về đa nhân cách là “Dr Jekyll and Mr Hide” (Robert Louis Stevenson, 1886). Trong khi hoàng đế trầm lặng Tập Cận Bình đang vươn lên ngang tầm với bạo chúa Mao Trạch Đông thì Trung Quốc ngày càng bá đạo và càng giống Frankenstein.    

Tham khảo

1. The Biggest Vote, William Safire, New York Times, May 18, 2000.

2. Wang Huning’s Neo-Authoritarian Dream, Jude Blanchette, October 20, 2017)

3. Xi Jinping Has Quietly Chosen His Own Successor, Andrei Lungu, Foreign Policy, October 20, 2017. 

4. China’s Contradictions, Stephen Roach, Project Syndicate, October 23, 2017

5. China’s New Emperor, Chris Patten, Project Syndicate, October 25, 2017

6. The Paradox of Xi’s Power, Minxin Pei, Project Syndicate, October 27, 2017   

7. Why China’s Xi might come to regret all that power, Kerry Brown, South China Morning Post, October 29, 2017.

8.  Xi whizz: look at the emperor’s new clothes, Niall Ferguson, Sunday Times, October 29, 2017

9. The Paradox of Xi Jinping: Dr Jerkyll & Mr Hide? Nguyễn Quang Dy, May 17, 2017

10. Trung quốc trỗi dậy và suy tàn: Giới hạn của quyền lực, Nguyễn Quang Dy, Viet-Studies, 13/4/2016).

NQD. 3/11/2017

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 3-11-7

Nguyen Quang Dy

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness