TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 5
  • Hôm nay: 389
  • Tháng: 4804
  • Tổng truy cập: 5165218
Chi tiết bài viết

Kẻ “biến thái” ở quán cà phê “lắm trò”

Khi chi nhánh thứ ba của cà phê Monkey In Black (MIB) chuẩn bị ra mắt ở đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM), người ta thấy bảng thông báo: “Mở thử bán chơi!”. Ai cũng nghĩ, “bán chơi” làm sao được, khi nhẩm vài phép tính đơn giản, mặt bằng này có thể “thổi bay” không dưới 50 triệu đồng/tháng.

Tiếp xúc với Trần Thanh Tùng, sáng lập dự án start-up MIB, có biệt danh Tùng “biến thái”, mới biết anh chàng sinh 1988 này luôn tìm cách “lái” mọi ý tưởng, câu chuyện đi theo một hướng… hóm, trẻ, và “quái”.

Nguồn gốc hỗn danh “biến thái”

Thanh Tùng bắt đầu học ngành công nghệ thông tin tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM từ năm 2006, lúc ngành này đang thịnh nhất. Điểm đầu vào của Tùng thuộc top đầu. Nhưng khi học, anh chàng gốc Đà Lạt thấy mình không thể ngồi một chỗ hoài trên máy tính. Vậy là học cầm chừng rồi “bung” ra ngoài trải nghiệm như làm tiếp thị, phát tờ rơi, tham gia hoạt động Đoàn - hội... Tùng được bạn bè gọi chết tên là Tùng “biến thái” vì luôn nhìn mọi việc ở góc độ lạ hóa.

Chính vì hoạt động bên ngoài giảng đường nhiều, chỉ trong vòng sáu tháng, Tùng đã... rớt sáu môn. Sau đó, phải mất thời gian cân bằng lại. Tùng đã tham gia một số dự án khởi nghiệp cùng nhóm bạn, làm marketing cho một công ty bánh kẹo từ năm học thứ ba.

Ra trường, Tùng “gap year” (ra trường thay vì đi làm ngay thì dành một khoảng thời gian trải nghiệm cuộc sống) một năm ở Đà Lạt, làm cà phê. Sau đó, anh quay lại làm cho một công ty lớn, trước khi tách ra khởi nghiệp với MIB.

Nhờ trải nghiệm, Tùng phát hiện bản thân thích làm marketing. Tùng mơ ước xây dựng chuỗi quán cà phê tạo giá trị cho cộng đồng. Cà phê là thứ anh đam mê từ khi đi “gap year” ở Đà Lạt, kết hợp với việc xây dựng cộng đồng sinh viên năng động, nhiều ý tưởng độc đáo để mang đến những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng trẻ. Vậy là MIB ra đời.

Cách để “đẻ” ý tưởng độc?

Vài năm trước, khi MIB mới mở chi nhánh đầu tiên ở đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM), trên mấy trang báo giới trẻ vài bữa lại xuất hiện bài viết về những “trào lưu” ẩm thực ở đó, kiểu: uống cà phê nhai luôn ly, ăn luôn chậu, “quất” luôn xô, đá đổi vị, rau câu cầu vồng. Rồi táo bạo hơn là khuyến khích nói thật trong... ngày nói dối, vô là được ôm... xã giao, khách nữ không mặc áo ngực nhân ngày quốc tế phòng ngừa ung thư vú... Nhiều người trẻ biết đến MIB như một chỗ luôn “đẻ” những ý tưởng mới, “quái” như vậy. Còn không ít dân kinh doanh thì tò mò: chuyện gì xảy ra đằng sau những “chiêu trò” này?

Câu chuyện dự án cà phê MIB của Thanh Tùng không phải là chuyện kinh doanh đồ ăn thức uống theo kiểu mở quán bán buôn thông thường. Nó là một mô hình start-up với ẩm thực. Tùng nói, thị trường cà phê hiện tại ở Sài Gòn bão hòa, “đỏ loét” hết rồi, thậm chí còn “đen ngòm” nữa, dễ gì làm ăn. Muốn sống phải giỏi tạo thương hiệu và giá trị cho cộng đồng. Tùng đi ngồi đồng các thương hiệu cà phê toàn cầu ở Sài Gòn, nhận thấy họ phải luôn thay đổi sản phẩm không ngừng.

MIB của Tùng là nơi tổ chức các buổi chia sẻ cho cộng đồng người trẻ khởi nghiệp (SME Mentoring) hàng tuần

Khi mở MIB, Tùng hướng đến slogan “Điên mà chất!” với biểu tượng là một chú khỉ đột đang chiêm nghiệm “cuộc đời” để phát triển và tiến hóa. Khỉ cũng loài vật tinh ranh, lắm chiêu trò. Trong quán MIB, nhiều hình vẽ khỉ đột đủ kiểu. Có hình chú khỉ đột lại giống như Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại. Có chỗ hình khỉ đột nhìn rất... ngố. Với bài toán phát triển sản phẩm, Tùng mời luôn một người bạn có chuyên môn phụ trách ẩm thực. Ý tưởng thì đến từ... nhân viên phục vụ quán. Nhân viên của Tùng toàn là sinh viên các trường Đại học Kinh tế, Ngoại thương, Hoa Sen... mê kinh doanh, năng động và thích trải nghiệm.

Trải qua thời sinh viên, Tùng biết, vấn đề của sinh viên hiện tại là gặp khó khăn trong việc tìm ra nơi để được thực tập đúng nghĩa. Sinh viên thực tập thường đến công ty và được giao những công việc lặt vặt, không đúng chuyên môn cho qua đợt. Thế nên, MIB của Tùng giải quyết bài toán đó.

         

Tùng đang là thành viên của cộng đồng “SME Mentoring & Networking Saigon” thu hút hơn 5.000 thành viên là các người trẻ đang điều hành các dự án khởi nghiệp. Mỗi cuối tuần, MIB lại là nơi để các thành viên đến nghe các diễn giả đầy kinh nghiệm thực tế, chia sẻ những câu chuyện, giải đáp mọi khúc mắc trong khởi nghiệp.

Tùng tuyển sinh viên vào làm, đảm bảo cho họ có chỗ thực tập và được thể hiện ý tưởng kinh doanh đầy mơ mộng của mình mà không phải... trả giá. “Bọn mình tập hợp những bạn trẻ không theo lối mòn trong tư duy. Nói vui là ai cũng “khùng” hết. Cái mình hướng tới không phải là sự chuyên nghiệp mà là niềm vui, và sự nhiệt tình” - Tùng chia sẻ.

Trước những ý tưởng “quái” từ sinh viên, Tùng là người ngồi nghe, thẩm định và cân nhắc thực hiện. Có những ý tưởng MIB kết sổ thu lại vốn, nhưng cũng nhiều ý tưởng lỗ. Lỗ là nói về tiền, còn giá trị thương hiệu MIB thì nhờ các ý tưởng đó, càng được đẩy lên cao. Nó thể hiện ở chỗ, nhiều bạn trẻ khi nghe nhắc đến MIB và những ý tưởng ẩm thực “quái” của nó thì đều ngớ ra “mình đọc trên báo rồi”. Còn riêng Tùng, những đợt đầu tuyển nhân viên phục vụ sinh viên còn khó khăn. Chỉ sau vài đợt, sinh viên các trường đến chật kín phòng chiêu sinh. Có cậu sinh viên Ngoại thương than, “em tham gia mà bị rớt”.

Nhiều bạn trẻ gặp vấn đề khởi nghiệp đến nhờ Tùng tư vấn

Nhân viên của Tùng chia làm hai nhóm. Nhóm “lính mới” mặc áo trắng, chuyên bưng bê lấy kinh nghiệm. Sau một thời gian, “lính mới” sẽ thành nhân viên phát triển (đội áo xanh), đóng góp ý tưởng. Anh cho rằng, nhiều bạn cũng sốt ruột khi mới vào chỉ làm việc bưng bê, nhưng nguyên tắc của Tùng là ai cũng phải trải qua công việc đó mới “tiến hóa” được. Về lâu dài, Tùng hướng đến giá trị sáng tạo của MIB cùng với việc thương hiệu này được truyền thông nhắc đến nhiều sẽ là phông nền tốt để khi sinh viên ra trường, chỉ cần hồ sơ xin việc nhắc đến “quá khứ” làm việc ở MIB là được nhà tuyển dụng đánh giá cao...

***

Tùng nhớ lại thời gian đầu, anh đầu tư mười ý tưởng từ sinh viên thì chỉ khoảng hai ý tưởng đem lại hiệu quả rõ ràng. Trong ba-bốn tháng đầu, quán thử tới hơn 20 ý tưởng và thất bại, nhiều lúc ở bên bờ phá sản. Phải đến “nhai luôn ly” thì MIB mới “sống” được. Đến nay, ngoài chi nhánh ở Trần Quang Khải (quận 1), MIB đã mở thêm hai chi nhánh ở Sư Vạn Hạnh (quận 10) và Lê Văn Sỹ (quận 3).

Ít ai biết, Tùng không phải là người duy nhất sáng lập MIB. Bạn nữ đồng sáng lập Nguyễn Sơn Quỳnh Oanh luôn đồng hành cạnh Tùng. Tùng nói, bản thân anh là dân marketing, cho ra những ý tưởng và có thể “phiêu” suốt ngày cùng các ý tưởng, nhưng cần những bạn đồng hành dự án là người thực tế, biết cách... kéo anh trở về “mặt đất” nếu “bay” quá xa.

Bài và ảnh Nguyên Huy

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness