TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 12
  • Hôm nay: 8
  • Tháng: 8710
  • Tổng truy cập: 5153975
Chi tiết bài viết

Kinh tế thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao?

Các chuyên gia châu Á: Thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao? - ảnh 1
 Ngày càng xuất hiện nhiều dự báo ảm đạm hơn về kinh tế toàn cầu. Hồi tháng 5, quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu giảm 3% năm nay, nhưng báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới dự báo giảm 5,2%, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo giảm sâu hơn với 7,5%. Biểu đồ phục hồi hình chữ V dự kiến ban đầu cũng đang điều chỉnh thành hình chữ U.

Năm thành viên ban bình luận kinh tế của tạp chí Forbes Asia chia sẻ những hiểu biết của họ dưới nhiều khía cạnh về sự thay đổi của thế giới sau đại dịch Covid-19. Các quan điểm bao gồm: Triển vọng của các thị trường mới nổi; các chiến lược phản ứng thành công của châu Á; sự nổi lên mạnh hơn của các chuỗi cung ứng lấy Trung Quốc làm trung tâm; sự can thiệp của chính phủ Nhật và tầm quan trọng mang tính chiến lược của Hong Kong.

Khi các quan điểm này kết hợp với nhau, chúng tạo nên viễn cảnh tích cực đáng ngạc nhiên về tương lai kinh tế hậu Covid-19. 


CÁC THỊ TRƯỜNG LỚN, MỚI NỔI KHÔNG CÒN LẠC QUAN? Sự tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này đã kích thích kỳ vọng rằng thành công đó có thể lặp lại ở các thị trường lớn mới nổi khác. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã đưa ra từ viết tắt BRICs vào năm 2001, lập luận rằng tương lai của nền kinh tế thế giới sẽ được định hình bởi bốn quốc gia lớn có mức thu nhập trung bình: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (sau đó có thêm Nam Phi gia nhập nhóm này). 

Các chuyên gia châu Á: Thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao? - ảnh 2

Những kỳ vọng này phần lớn đã thành hiện thực cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong nửa sau của thập niên tiếp theo, sự tăng trưởng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và thậm chí là các nước Latinh lớn đều gặp khó khăn, khi các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, đã phục hồi một số lợi thế của họ.

Cú sốc từ đại dịch Covid-19 đã khiến triển vọng của các nước này càng trở nên tồi tệ hơn. Thông tin sơ bộ trong dự án thống kê về virus corona của tờ Financial Times cho thấy, số ca bệnh mới ở Brazil, Ấn Độ và Nam Phi vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Mặc dù còn quá sớm để nhận định về hậu quả kinh tế do Covid-19 gây ra, nhưng rất khó để tin các nền kinh tế này có thể khôi phục hoàn toàn chuỗi cung ứng trong nước cho đến khi mọi người tin là dịch bệnh đang được kiểm soát, cho dù Ấn Độ và Nam Phi nới lỏng các biện pháp hạn chế và Brazil lảng tránh thực hiện các lệnh giãn cách xã hội. Không những thế, những khó khăn trong nước này còn đi kèm với môi trường bên ngoài ít thuận lợi hơn.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 bắt nguồn từ thị trường tài chính của các nền kinh tế Đại Tây Dương. Vì thế, các nền kinh tế này đều tỏ ra hào phóng với những thành viên nghèo hơn trong nhóm G20. Nhiều điều đã xảy ra trong mười năm qua, đặc biệt là thái độ thiếu thân thiện hơn của nhóm G7 đối với Trung Quốc và Nga.

Trong cuộc khủng hoảng rộng lớn hiện nay, các nước G20 dường như khắt khe hơn đối với các thị trường lớn mới nổi. Thanh khoản quốc tế không chắc chắn, cùng với tình trạng dòng vốn chảy ra đáng kể và lượng kiều hối giảm, tất cả sẽ khiến sự phục hồi ở các quốc gia này nghiêng về hướng điều chỉnh hơn là hỗ trợ tài chính.

Nhiều hợp tác lớn về kinh tế, ngoại giao và an ninh trong hai thập niên qua đã được thúc đẩy nhờ niềm tin rằng chuyện trung tâm kinh tế thế giới sẽ dịch chuyển từ Bắc Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là tất yếu.

Những nhận định này được đưa ra dựa trên kỳ vọng về lực lượng lao động đang ngày càng gia tăng ở phía Nam với năng suất ngày càng cao, dựa trên nền tảng giáo dục tốt hơn và khả năng tiếp cận công nghệ và quản lý hiện đại được cải thiện thông qua hội nhập toàn cầu sâu hơn.

Dưới sự dẫn đầu của Hoa Kỳ, mô hình kinh tế toàn cầu này đã bị tấn công mạnh mẽ từ trước khi đại dịch xảy ra. Yêu cầu của chính quyền Trump về quyền tiếp cận thị trường tương xứng càng làm gia tăng những căng thẳng chính trị này. Tất cả những điều này đều đã diễn ra từ trước khi có sự bùng phát của tác nhân gây ảnh hưởng mạnh mẽ mang tên Covid-19, ở cả các nước giàu và nghèo.

Trong bài phát biểu ngày 12.5, thủ tướng Narendra Modi nêu rõ tầm nhìn về một nước Ấn Độ tự cường, có thể được coi là một phản ứng chính trị đối với những căng thẳng này. Chúng ta sắp tới sẽ ra sao?

Đầu tiên, như đã chỉ ra, sự phục hồi này có thể sẽ được dẫn dắt các nền dân chủ lớn sẽ trở nên hướng nội, ngay cả khi họ mong muốn có sự tương tác toàn cầu mạnh mẽ hơn. Tiếp theo, bong bóng kinh tế trong khu vực và các hiệp ước sẽ được ưu tiên hơn so với các thỏa thuận chung toàn cầu, cho dù điều đó mang tính phân biệt đối xử và thiếu hiệu quả.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, châu Âu và Nhật Bản đã tái thiết vào những năm 1950 và Đông Á đã tái thiết vào những năm 1980 dưới các chế độ mà ngày nay có thể được coi là tương đối khép kín, bằng cách thực thi đúng đắn một số điều quan trọng về mặt đối nội và đối ngoại.

Xuất hiện vào đỉnh điểm của những cú sốc và tình hình kinh tế không hiệu quả trong thập niên vừa qua, cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ buộc các thị trường lớn mới nổi phải suy nghĩ kỹ lưỡng về cách họ cần tham gia và thành công trong một trật tự toàn cầu ít thân thiện hơn. Vẫn chưa hết cơ hội, ngay cả khi các thị trường mới nổi chỉ thành công một phần khi làm như vậy. Có câu nói rằng, đừng để lãng phí khủng hoảng.

TRIỂN VỌNG LẠC QUAN Ở CHÂU Á. Sự suy giảm kinh tế nặng nề và tình trạng mất việc làm trên quy mô lớn đã tạo ra mối bi quan lớn về thế giới hậu Covid-19. Nhưng điều này trước đây đã từng xảy ra với châu Á. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998, dường như vào thời điểm đó cả thế giới đang sụp đổ tại châu Á. Nhưng ngay cả những nền kinh tế châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đã trở lại ổn định và tăng trưởng kinh tế vững chắc trong vòng vài năm.

Các chuyên gia châu Á: Thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao? - ảnh 3

Nhắc lại điều này không phải là để hạ thấp những khó khăn châu Á sẽ phải đối mặt, mà chỉ để động viên rằng, với những chiến lược đúng đắn, chúng ta có thể vượt được những thách thức đó và khai thác các cơ hội mới một cách có lợi. Trước tiên, hãy thừa nhận những thách thức.

Quy mô khủng khiếp của cuộc khủng hoảng chắc chắn sẽ khiến các hộ gia đình và các tập đoàn phải điều chỉnh hành vi kinh tế của họ theo những phương thức có thể làm chậm tăng trưởng toàn cầu. Ví dụ, các hộ gia đình ở các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể sẽ tiết kiệm nhiều hơn, như thế sẽ làm giảm chi tiêu cho tiêu dùng.

Các công ty toàn cầu có thể sẽ sắp xếp lại chuỗi cung ứng của họ và thậm chí một số công ty có thể sẽ rút các cơ sở sản xuất của họ ở châu Á. Các chính phủ gánh nợ lớn hơn nhưng lại chịu áp lực phải chi tiêu nhiều hơn vào hệ thống chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội, dẫn đến việc họ có thể sẽ cắt giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất và sẽ tăng thuế.

Một số chính phủ thậm chí có thể sẽ không chống chọi nổi trước sự cám dỗ của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, dẫn đến kết cục gây tổn thất cho tất cả các bên liên quan. Nhưng có một khía cạnh khác hứa hẹn hơn trong bức tranh toàn cảnh.

Điều quan trọng nhất là, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á đánh giá đúng các nguy cơ này và đang đẩy mạnh điều chỉnh bên cung để đảm bảo nền kinh tế của họ có thể tiếp tục thịnh vượng. Dẫn đầu xu hướng này là Trung Quốc, nước đang thúc đẩy các sáng kiến lớn nhằm mang lại sự tăng trưởng kinh tế ngày càng có chất lượng cao hơn.

Các phương pháp này bao gồm cải cách hệ thống hộ khẩu sẽ giúp thúc đẩy thị trường lao động và nhà ở, tăng tốc đầu tư vào công nghệ tiên tiến để giảm sự phụ thuộc vào phương Tây (đặc biệt là Hoa Kỳ), tạo ra các khu vực đô thị lớn và có các khoản chi “cơ sở hạ tầng mới” cho những thứ như lưới điện siêu cao áp và khả năng kết nối.

Trung Quốc, chiếm khoảng 16% sản lượng thế giới, sẽ là nguồn động năng lan tỏa lợi ích cho phần còn lại của châu Á. Mặc dù phải đối phó với đợt bùng phát Covid-19 vô cùng khó khăn, Ấn Độ đã tìm thấy nhiệt huyết mới đối với một số cải cách đã được nhiều nhà quan sát khuyến nghị trong một thời gian dài.

Một số chính quyền bang do đảng cầm quyền của thủ tướng Modi điều hành đã công bố những cải cách sâu rộng về luật lao động, giải quyết một trong những trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các nỗ lực cũng sẽ được thực hiện để giúp các nhà đầu tư dễ dàng đảm bảo quỹ đất cần thiết cho các nhà máy mới, giải quyết một trở ngại khác đối với các nhà đầu tư.

Ngoài ra, nếu thực hiện những cải cách được hứa hẹn trong lĩnh vực nông nghiệp, Ấn Độ có thể sẽ được chứng kiến các lĩnh vực nông nghiệp của mình chuyển đổi căn bản thành một động lực tăng trưởng mới. Indonesia cũng đang theo đuổi cải cách thị trường lao động nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nước này.

Hơn nữa, các chính sách cải thiện cơ sở hạ tầng do tổng thống Joko Widodo khởi xướng vào năm 2015 đang được mở rộng, đồng thời, những cải cách của ông đối với bộ máy hành chính đã giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện hơn. Đây chỉ là ba trong số rất nhiều ví dụ. Việt Nam và Philippines cũng đang bắt tay tiến hành các sáng kiến cải cách lớn. Các quốc gia đang trong giai đoạn cải cách cũng có thời cơ tốt hơn để tận dụng một số xu hướng tích cực hơn trong nền kinh tế toàn cầu.

Một là hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục được dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Xu hướng này đã bắt đầu từ trước đại dịch, khi thành công kinh tế to lớn của Trung Quốc cho phép nước này được hưởng mức lương cao hơn và nâng cao chuỗi giá trị. Hiện nay, với chiến tranh thương mại và công nghệ đang diễn ra, xu hướng này sẽ tăng tốc.

Khi môi trường kinh doanh trở nên gọi mời hơn ở Ấn Độ, Indonesia và các nơi khác, có nhiều khả năng việc dịch chuyển sản xuất sẽ thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất ở những quốc gia đó. Không nghi ngờ gì rằng thế giới hậu Covid-19 sẽ là một thử thách. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách châu Á đang đưa ra các chiến lược giúp khu vực có thể đối phó với những khó khăn đó tốt hơn, đồng thời tận dụng các cơ hội mới là động lực mới nổi lên của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU TẬP TRUNG VÀO TRUNG QUỐC SẼ ĐƯỢC ĐỊNH HÌNH LẠI NHƯ THẾ NÀO SAU COVID-19? Covid-19 bùng phát dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung, buộc các doanh nghiệp đánh giá lại sự phụ thuộc của họ vào chuỗi cung ứng toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm. Vấn đề đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm cả “những rủi ro” liên quan đến nguồn cung nước ngoài, được coi là thách thức chính mà các công ty toàn cầu cần giải quyết trong thế giới hậu Covid-19.

Các chuyên gia châu Á: Thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao? - ảnh 4

Vấn đề này không chỉ liên quan đến nguồn cung cấp y tế, vốn có xu hướng thu hút sự chú ý của giới truyền thông nhiều nhất, mà còn liên quan đến tất cả các ngành sử dụng nguyên liệu và linh kiện từ chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phức tạp nhưng hiệu quả cao lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc đảo ngược toàn cầu hóa, cụ thể hơn là nhằm tách rời và cô lập Trung Quốc, chắc chắn đã làm nổi bật xu hướng này. Gần như không ai nghi ngờ gì về việc các chuỗi cung ứng toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm sẽ trải qua một số điều chỉnh trong thế giới hậu Covid-19.

Các chuỗi cung ứng toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm sẽ được định hình lại như thế nào? Có phải chỉ cần rút khỏi Trung Quốc và chuyển đi nơi khác? Mọi việc không hề đơn giản như vậy. Đầu tiên, việc tái định vị năng lực sản xuất vật chất trên cơ sở địa chính trị thay vì kinh tế có thể rất tốn kém, thường liên quan đến việc loại bỏ các chi phí chìm lớn.

Thay vì rút cổ phần khỏi Trung Quốc, sẽ hợp lý hơn nếu các công ty toàn cầu theo đuổi lựa chọn “Trung Quốc + 1”, tức là tìm thêm một nơi nào đó bên ngoài Trung Quốc, gia tăng đầu tư để có thể biến nơi đó thành nguồn cung thay thế nếu nguồn cung từ Trung Quốc bị gián đoạn theo bất kỳ cách nào. Quá trình điều chỉnh từng bước như vậy sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Ngoài lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, một số công ty toàn cầu sẽ chuyển năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc do chi phí sản xuất tăng. Mức lương của người Trung Quốc ngày càng cao, đó là hệ quả tất yếu của sự phát triển kinh tế và gia tăng thịnh vượng.

Nói một cách đơn giản, Trung Quốc ngày nay kém cạnh tranh hơn nhiều so với một thập niên trước đó về mặt sản xuất thâm dụng lao động với mức lương thấp. Covid-19 sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển của những công việc như vậy sang các nền kinh tế có mức lương thấp hơn như Việt Nam, Bangladesh, Sri Lanka và những nước khác.

Các chuỗi cung ứng toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm sẽ giảm năng lực sản xuất ở cấp thấp. Đối với nhiều công ty toàn cầu, quyết định có rời Trung Quốc hay không cũng bị ảnh hưởng bởi thực tế là Trung Quốc đang trở thành một trong những thị trường lớn nhất thế giới trong nhiều lĩnh vực.

Thật vậy, Trung Quốc hiện nay đã sẵn sàng vượt qua Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Ưu tiên tiếp cận thị trường Trung Quốc sẽ được nhiều công ty toàn cầu xem trọng, ngay cả khi chính phủ Hoa Kỳ gây áp lực buộc họ rút khỏi Trung Quốc. Trung Quốc cũng sẽ đa dạng hóa nguồn cung của mình và nhiều công ty Trung Quốc cũng có thể muốn tách khỏi Mỹ trong các lĩnh vực mà họ dễ bị “cắt đứt” do các lệnh trừng phạt và các biện pháp chính sách khác của chính phủ Mỹ.

Phải thừa nhận rằng các công ty Trung Quốc sẽ khó khăn hơn nếu không thể dễ dàng tiếp cận các ngành công nghệ cao của Mỹ; nhưng điều đó sẽ khuyến khích họ mạnh mẽ đầu tư vào R&D để bớt phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là công nghệ Mỹ.

Quan trọng nhất là chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ được định hình lại trong thế giới hậu Covid-19, trở nên thâm dụng vốn hơn và áp dụng công nghệ cao hơn, đồng thời liên quan nhiều hơn đến các đổi mới bản địa. 

NHỮNG CAN THIỆP LỚN HƠN CỦA CHÍNH PHỦ - GÓC NHÌN TỪ NHẬT BẢN Cụm từ "thiên nga đen" đã trở nên phổ biến khi mô tả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng Covid-19 là một “con thiên nga đen” lớn hơn và có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể hơn nhiều trên toàn thế giới.

Các chuyên gia châu Á: Thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao? - ảnh 5

Để đối phó với một thế giới phức tạp hơn hậu Covid-19 thì mô hình kinh tế truyền thống của chủ nghĩa tư bản, nơi người tiêu dùng và doanh nghiệp tìm cách tối đa hóa tiện ích và lợi nhuận của họ, nơi bàn tay vô hình phân bổ nguồn lực hiệu quả và nơi chính phủ đóng vai trò là phương sách cuối cùng khi thị trường thất bại, có thể vẫn không đủ.

Chính phủ sẽ phải can thiệp nhiều hơn vào hoạt động của các khu vực tư nhân để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tại Nhật Bản, chính phủ đã kêu gọi “một lối sống mới,” kêu gọi mọi người thực hiện quy tắc “3C” - ba việc cần tránh trong cuộc sống hằng ngày: không gian kín, nơi đông người và tiếp xúc gần (Closed spaces, Crowded places, Close contacts).

Để ngăn chặn đại dịch, chúng ta đang được yêu cầu thay đổi các cách thức tương tác hằng ngày của mình, điều giúp định hình chúng ta là một cộng đồng. Như vậy, quy tắc 3C sẽ thay đổi hành vi của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Người tiêu dùng sẽ không thể ăn tối cùng bạn bè, mua sắm và đi du lịch nước ngoài một cách thoải mái như trước đây, đồng nghĩa với việc họ không thể tận dụng tối đa các tiện ích. Các công ty cũng sẽ cần thay đổi cách thức hoạt động của họ: nhiều cuộc họp qua web và hội nghị truyền hình hơn và ít liên hệ trực tiếp hơn, đồng thời linh hoạt hơn cho nhân viên làm việc cả tại nhà và tại văn phòng.

Thậm chí làm như vậy cũng có những thách thức. Ví dụ: làm thế nào để các công ty trong lĩnh vực sản xuất có thể sản xuất một cách hiệu quả trong khi tuân thủ quy tắc 3C? Ưu tiên sức khỏe và an toàn cộng đồng có thể sẽ làm hạn chế khả năng tối đa hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Hơn nữa, ứng phó với đại dịch trong thế giới hậu Covid-19 liên quan đến việc đối mặt với điều được gọi là bất định Knight – thiếu kiến   thức để có thể ước lượng được các kết quả có thể xảy ra (không giống như rủi ro, có thể ước lượng được). Trong bối cảnh này, chi phí xã hội cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng có thể khá cao và cơ chế thị trường có thể bị phá vỡ.

Nói một cách đơn giản, nỗi sợ vô hình làm tê liệt bàn tay vô hình. Các hộ gia đình gặp khó khăn nhiều hơn khi đối phó với Covid-19, và chính phủ Nhật Bản đã cấp cho mỗi người trong tất cả các hộ gia đình khoản hỗ trợ là 100.000 yen (hơn 900 USD). Chính sách hỗ trợ thu nhập tương tự cũng đã được thực hiện ở những nơi khác.

Có vẻ như mọi người dễ dàng chấp nhận việc biến thu nhập cơ bản thành một phương tiện để duy trì sự gắn kết xã hội khi xã hội đang bị tấn công từ Covid-19. Đổi lại, chính phủ đang tham gia nhiều hơn vào việc quản lý các công việc trước đây được coi là thuộc phạm vi tư nhân.

Klaus Schwab, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho biết: “Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã cho thấy rằng, hệ thống cũ của chúng ta thiếu bền vững về tính liên kết xã hội, thiếu các cơ hội bình đẳng và tính toàn diện.”

Và điều cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là Covid-19 cho thấy chúng ta đã kết nối toàn cầu như thế nào. Để đối phó với “thiên nga đen” như đại dịch và giữ an toàn cho chúng ta, các quốc gia phải hợp tác. Chúng ta không chấp nhận việc chính trị hóa đại dịch. Nhưng còn nhiều khó khăn hơn ở phía trước.

Vào tháng một năm nay, ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements) đã cảnh báo sự xuất hiện của “thiên nga xanh,” tức là “thiên nga đen do biến đổi khí hậu.” Điều này chắc chắn sẽ xảy ra. Tác động của chúng sẽ gây tổn hại nhiều hơn và sự ảnh hưởng đến chúng ta sẽ phức tạp hơn.

Chúng ta sẽ phải xoay xở để sống chung với thiên nga đen, và Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta cũng không được lãng phí thời gian để chuẩn bị ứng phó với thiên nga xanh.

Các chuyên gia châu Á: Thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao? - ảnh 6

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THAY ĐỔI Ở HONG KONG BẤT CHẤP COVID-19 Trong thế giới hậu Covid-19, bất chấp những rắc rối đã được ghi nhận, Hong Kong sẽ tiếp tục là nơi quan trọng không thể thiếu đối với chính quyền Trung Quốc trong vai trò một kênh kiểm soát các dòng tài chính cả trong và ngoài đại lục.

Hong Kong cũng sẽ vẫn là cửa ngõ chính cho cả thanh toán thương mại bằng đồng nhân dân tệ lẫn nhận tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài, đồng thời thống trị hoạt động kinh doanh trái phiếu và cổ phiếu và phát hành cho các công ty đại lục. Thật vậy, các sáng kiến  lập pháp đương đại của Hoa Kỳ dường như được thiết lập để củng cố các xu hướng như vậy.

Đồng nhân dân tệ đang dần trở thành một loại tiền tệ có thể đầu tư – sẽ tiếp tục được mở rộng đều đặn, mặc dù khả năng chuyển đổi hoàn toàn của đồng tiền này còn lâu mới xảy ra. Điều này sẽ nâng cao hơn nữa tầm quan trọng chiến lược của Hong Kong đối với Trung Quốc.

Thực tế là Hong Kong vẫn duy trì được sự độc nhất trong việc có thể kết hợp một kiến trúc tài chính và luật pháp hàng đầu quốc tế cùng nguồn nhân tài khó có thể tái tạo được với kiến  thức, mối liên kết và chuyên môn sâu về Trung Quốc. Người ta phải giả định hoặc hi vọng rằng các thế lực ở Bắc Kinh có thể công nhận điều đó.

Quyết định của chính quyền Trung Quốc trong việc áp đặt luật an ninh ở Hong Kong chắc chắn sẽ làm phức tạp môi trường kinh doanh của lãnh thổ này, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách luật được soạn thảo và thực thi. Về ý định thu hồi các đặc quyền của Hoa Kỳ dành cho Hong Kong, cần phải có sự cân chỉnh với tất cả các bên. Các biện pháp khắc nghiệt hơn không chỉ gây tổn thương cho dân Hong Kong mà tổn thương đáng kể và biến động tài chính đối với những lợi ích của Hoa Kỳ.

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 88, tháng 9.2020

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness