TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 60
  • Hôm nay: 458
  • Tháng: 7197
  • Tổng truy cập: 5140516
Chi tiết bài viết

Kissinger Lê Đức Thọ Chu Ân Lai 6-1972

Ôn Cố Tri Tân

Hôm 26 tháng 5 năm 2006 Phòng Lưu Trữ Hồ sơ An ninh Quốc gia  (National Security Archive) của đại học George Washington cho công bố một tài liệu gồm 28.000 trang chữ cỡ 12 ghi lại khoảng 2.100 cuộc đàm thoại và thương thuyết của tiến sĩ Henry Kissinger mang tựa đề: “The Kissinger Transcripts: A Vermatim Record of U.S. Diplomacy, 1969-1977”  (Nguyên văn các cuộc đàm thoại ngoại giao của ông Kissinger  trong thời giantừ 1969 đến 1977).

Đây là một số tài liệu mật thuộc Nha Hồ sơ Quốc gia (National  Archives) được giải mật ghi gần nguyên văn các cuộc hội đàm và thảo luận của tiến sĩ Henry Kissinger với các nhà lãnh đạo trên thế giới sau khi đã được ông William Burr, một chuyên viên phân tích của đại học George Washington duyệt lại để bảo đảm sự công bố nội dung không có hại cho an ninh quốc gia, trong thời gian ông Kissinger giữ các chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia (từ 20/1/1969) và sau đó kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (từ 22/9/1973 đến 3/11/1975) dưới hai đời tổng thống Nixon và Gerald Ford và sau đó. Tài liệu được công bố trong mạng ProQuest và microfilm, và có thể tham khảo nội dung nơi:

http://www.gwu.edu/~nsarchiv/NSAEBB/NSAEBB193/press.htm.

Phòng Lưu trữ Hồ sơ An ninh quốc gia đã cho phổ biến 20 cuộc đàm thoại trên mạng internet:

 http://www.gwu.edu/~nsarchiv/NSAEBB/NSAEBB193/index.htm#1

trong đó có 6 cuộc đàm thoại (số 1, 2, 3, 10, 11 và 12) liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Tài liệu số 10 dài 37 trang ghi lại cuộc đàm thoại mặt đối mặt giữa Kissinger và Chu Ân Lai ngày 20/6/1972 tại Bắc Kinh. Kissinger và Chu ân Lai đã thảo luận hai vấn đề chính, thứ nhất là Kissinger báo cáo cho Chu ân Lai nội dung cuộc họp thượng đỉnh giữa Nixon và Breznev ngày 20/5/72 tại Mạc Tư Khoa và thứ hai là những dự liệu của Hoa Kỳ để kết thúc cuộc chiến Việt Nam.

Vào thời gian đó tình hình đám phán tại Paris đang bế tắc. Trong gần 3 năm, các cuộc thương thuyết mật giữa Kissinger và Lê Đức Thọ đã không có một tiến bộ nào. Cuối tháng 3 Hà Nội dùng 12 sư đoàn quân chính quy Bắc Việt phối hợp với 500 xe tăng và đại pháo 130 ly mở cuộc đại tấn công qua vĩ tuyến 17, sau đó đánh An Lộc uy hiếp thủ đô Sài gòn và cắt đứt quốc lộ 14 nối liền Kontum với Pleiku. Ngày 8/5 Nixon ra lệnh rải mìn phong tỏa hải cảng Hải phòng và các sông ngòi tại Bắc Việt đồng thời tái oanh tạc Bắc Việt. Hành động trả đũa mạnh của Hoa Kỳ có thể làm hỏng nỗ lực của Kissinger và Nixon để xích lại gần với Trung quốc. Tháng 7/1971 Kissinger bí mật đến Bắc Kinh qua ngã Pakistan sau khi đến viếng Sài gòn trở về, bàn chuyện Trung quốc vào Liên hiệp quốc và sắp xếp chuyến viếng thăm Bắc Kinh của tổng thống Nixon. Ngày 15/7/1971 tại phòng phát hình của đài NBC ở Burbank trong San Fernando Valley quận Los Angeles, Nixon đích thân loan báo chuyến viếng thăm sắp tới của ông đến Bắc Kinh nói là do lời mời của thủ tướng Chu Ân Lai. Ngày 21/2/1972 Nixon đến Trung quốc đánh dấu một biến chuyển ngoại giao lớn trên thế giới.

Trong bối cảnh đó ngày 20 tháng 6 năm 1972 Chu Ân Lai và Kissinger thảo luận về vấn đề chấm dứt chiến tranh Việt Nam tại Bắc Kinh. Qua cuộc thảo luận này Kissinger nói rằng Hoa Kỳ không thể phản bội đồng minh bằng cách hạ bệ ông Thiệu, nhưng nếu có một thỏa ước hòa bình, tù binh Hoa Kỳ được trao trả thì chuyện còn lại là chuyện của hai bên Nam Bắc Việt Nam Hoa Kỳ sẽ không dính líu vào, với điều kiện là nó đừng diễn ra quá sớm, thí dụ một tháng sau khi Hoa Kỳ rút hết quân và tù binh được trả tự do.

Ẩn ý được bật mí này đã làm thay đổi thái độ của Lê Đức Thọ trong cuộc hòa đàm tại Ba Lê, trước kia câu giờ bao nhiêu thì vào những tháng cuối năm 1972 lại nhanh nhẩu bấy nhiêu. Hiểu ý của Hoa Kỳ (do Trung quốc báo tin *) Hà Nội thôi không đòi Hoa Kỳ phải lật đổ ông Thiệu đổi lấy điều kiện Hoa Kỳ thuận để cho quân đội Bắc Việt ở lại Nam Việt Nam sau khi ngưng bắn.

Cuộc thảo luận giữa Kissinger (nói tiếng Anh) và Chu ân Lai (nói tiếng quan thoại) qua thông dịch viên chính là cô Nancy Tang kéo dài 4 giờ đồng hồ từ 2:05PM đến 6:05 PM, có nghỉ giải lao 13 phút. Cô Nancy Tang vốn sinh ra và lớn lên tại New York và được Mao Trạch Đông cũng như Chu Ân Lai trọng dụng.

Nội dung cuộc thảo luận cho chúng ta thấy cách thức du thuyết của tiến sĩ Kissinger là tạo không khí thân mật với người đối thoại, khi cương khi nhu, khi cần thì hài hước nhưng rất sâu sắc và chứa đựng nhiều ẩn ý. Theo dõi cuộc nói chuyện giữa thủ tướng Chu Ân Lai và tiến sĩ Kissinger chúng ta có cảm tưởng như Kissinger đang đánh cờ tướng mà nước đi nào ông cũng tính toán chuẩn bị cho vài nước cờ sắp tới và hầu như không đếm xỉa gì đến ý kiến của chính quyền Nam Việt Nam. Nếu tiến sĩ Kissinger có tâng bốc Hà Nội cũng chỉ là một lối nói khéo léo chứ kỳ thật ông nghĩ Mạc Tư Khoa và Bắc kinh sẽ là hai trung tâm quyết định thái độ cương nhu của Hà Nội.

Cuộc hội đàm giữa thủ tướng Chu ân Lai và Kissinger cho chúng ta thấy thực tế là nếu nước nhỏ không đủ sức tự lập thì không thể có tiếng nói về vận mạng của mình trong một thế giới đa phương. Và cái gương của Nhật Bản và Do Thái là hai cái gương cần theo. Một nước thua trận Hoa Kỳ nhưng đã tái lập uy tín bằng sự nhịn nhục và nỗ lực kinh tế, một nước tuy cần Hoa Kỳ bảo vệ để sống còn giữa vòng vây của các nước A Rập vẫn xem sự tự lực tự cường là chính sách của quốc gia.

Sau đây là nội dung phần trao đổi giữa thủ tướng Chu Ân Lai và tiến sĩ  Kissinger về vấn đề Việt Nam:

Thủ tướng Chu Ân Lai (Chu Ân Lai): Bây giờ qua chuyện Đông Dương. Xin ông cố vấn nói trước.

Tiến sĩ Henry Kissinger (Kissinger): Trước đây ông thủ tướng nói ông có vài nhận xét về tình hình Đông Dương, vậy xin ông cho biết.

Chu Ân Lai: Đó là một số điểm có thể tranh luận. Nên nếu ông nói trước tôi có thể biết ông định giải quyết những điểm đó bằng cách nào?

Kissinger: Ý ông thủ tướng là có thể sau khi tôi trình bày xong, ông sẽ không còn gì thắc mắc nữa?

Chu Ân Lai: Tôi không nghĩ như vậy. Nhưng có thể sẽ còn ít thắc mắc hơn.

Kissinger: Vậy thì tôi sẽ rất thẳng thắn với ông thủ tướng. Bắt đầu là cuộc tấn công của  Bắc Việt Nam ngày 30 tháng Ba.

Trước đây tôi đã nói với ông thủ tướng rằng chúng tôi không muốn duy trì một căn cứ quân sự nào tại Đông Dưong hoặc theo đuổi chính sách của vị ngoại trưởng không chịu bắt tay ông thủ tướng (ngoại trưởng Foster Dulles không chịu bắt tay thủ tướng Chu Ân Lai trong cuộc hội đàm tại Geneva năm 1954 *). Thời đại đó qua rồi. Và tôi tin rằng tương lai quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh quan trọng đối với Á châu hơn là những gì có thể xẩy ra tại Phnom penh, Hà Nội hay Sài gòn.

Khi tổng thống Johnson đưa quân vào Việt Nam ông ta nghĩ Bắc Kinh đang có kế hoạch thôn tính thế giới. Ngoại trưởng Dean Rusk đã nói trắng ra như vậy. Nhưng tôi nghĩ lúc đó Trung quốc đang vướng tay với cuộc Cách mạng Văn hóa chắc không nghĩ đến chuyện phiêu lưu ở nước ngoài.

Hôm nay tôi ngồi ở đây chứng tỏ cái căn bản dựa trên đó Hoa Kỳ đưa quân vào Đông Dương không còn giá trị nữa. Chúng tôi thừa hưởng một chính sách và bây giờ chúng tôi phải thanh lý thế nào để không ảnh hưởng đến vị thế của chúng tôi trên thế giới và sự ổn định trong nước. Chúng tôi thật tâm muốn chấm dứt cuộc chiến này. Và ông thủ tướng biết từ năm 1967 tôi đã mở đầu cuộc thương thuyết với Hà Nội. Và trước đây tôi đã nói với ông thủ tướng rằng chúng tôi quan niệm nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa là một thực tế mạnh nhất tại bán đảo Đông Dương. Chúng tôi không có lợi gì làm tan vỡ hay đánh bại thực thể đó. Sau khi chúng tôi rút quân xong chúng tôi ở xa 12.000 dặm trong khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ cách Sài gòn 300 dặm. Tôi không hiểu tại sao Hà Nội không thấy được sự việc đó.

Chu Ân Lai: Hà Nội quan tâm đến chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Hoa Kỳ.

Kissinger: Như vậy Hà Nội thiếu tự tin. Hà Nội giỏi về tiểu tiết mà thiếu cái nhìn lớn. Điều Hoa Kỳ muốn làm (qua Việt Nam hóa chiến tranh *) là tách rời chuyện chính trị với chuyện quân sự để chúng tôi có thể rút lui và để cho các lực lượng tại chỗ giải quyết với nhau. Điều buồn cười là chúng tôi muốn đi, Hà Nội cứ muốn kéo chân chúng tôi lại (bằng cách không chịu thương thuyết chấm dứt chiến tranh *)

Hà Nội đòi một điều … mà chúng tôi không làm được - dù làm tổn thất quan hệ giữa hai nước chúng ta - là lật đổ một chính quyền bạn. Không phải vì Hoa Kỳ thương tiếc một cá nhân nào (ám chỉ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu *) hay thích chính quyền thân Mỹ ở Sài gòn. Tại sao Hoa Kỳ muốn có một chính quyền thân Mỹ tại Sài gòn trong khi Hoa Kỳ có thể sống với một chính quyền không thân Mỹ lớn hơn tại Á châu? (ý nói Trung quốc *). Lý do chúng tôi không làm được là vì chúng tôi không chấp nhận một chính sách ngoại giao dựa trên sự phản bội.

Chu Ân Lai: Ông nói Hoa Kỳ rút quân, nghĩa là rút tất cả căn cứ và Hải, Lục, Không quân?

Kissinger: Lần trước (lần gặp thứ nhì tháng 10/1971 *) tôi có nói với ông thủ tướng chúng tôi có thể để lại một ít cố vấn, nhưng ông thủ tướng đã phản đối “đi còn để lại cái đuôi” nên chúng tôi đã duyệt lại và bây giờ chúng tôi quyết định rút toàn bộ.

Chu Ân Lai: Còn lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Lan thì sao?

Kissinger: Chúng tôi không có ý định rút quân ở Thái Lan, nhưng nếu có ngưng bắn chúng tôi có thể cam kết không xử dụng lực lượng đó ở Việt Nam, và sẽ giảm xuống mức trước chiến tranh.

Có điều chúng tôi muốn nói rõ hơn về nguyên tắc không phản bội đồng minh mặc dù ông thủ tướng có thể không vui. Tháng Bảy năm trước ông thủ tướng nói với tôi rằng: “Trung quốc sẽ không nói chuyện với Hoa Kỳ chừng nào Hoa Kỳ chưa lật đổ chế độ Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan”. Chúng tôi đã không làm việc đó dù rất trân trọng quan hệ giữa hai nước chúng ta. Then chốt quan hệ giữa chúng ta là để mọi sự diễn biến một cách hòa bình, chứ không phải là hành động thiếu danh dự. Nếu chúng tôi có thể phản bội một đồng minh này thì chúng tôi cũng có thể phản bội các đồng minh khác, và còn ai tin chúng tôi nữa.

Trở lại vấn đề Thái Lan. Trong mọi quyết định quan trọng đều có hai mặt là “quyết định” và “thực tế” của sự việc. Trong một bữa cơm trước đây ông thủ tướng có nhắc lại chuyện cũ năm 1954. Năm 1954 ai ký gì thì ký (ký Hiệp Định Geneva chia đôi Việt Nam và dự liệu hai năm sau tổ chức bầu cử để thống nhất đất nước, nhưng sau đó với khuyến cáo của Hoa Kỳ ông Ngô  Đình Diệm không chịu tổ chức bầu cử *) ngoại trưởng Dulles đã tính tìm một cớ gì đó để can thiệp vào Việt Nam vì ngoại trưởng Dulles tin rằng người cộng sản Trung quốc có âm mưu chiếm Á châu. Bây giờ chúng tôi tính toán ngược lại.

Chu Ân Lai: Nhưng chính sách của Dulles đã đẻ ra nhiều cam kết và hiệp ước và nay Hoa Kỳ vẫn tôn trọng các cam kết đó, như vậy không phải Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chính sách của ông ta sao?

Kissinger: Trên một mặt nào đó thôi. Mặt khác, hiện nay chúng tôi nói đến một cam kết mới về Đông Dương. Hoa Kỳ có thể nói chuyện với Bắc Kinh, tại sao Hoa Kỳ không thể nói chuyện với Hà Nội. Nhưng những gì Hà Nội đang làm với chúng tôi làm cho 10 năm nữa may ra mới thiết lập được một sự quan hệ giữa hai nước.

Chu Ân Lai: Nếu sau khi Hoa Kỳ rút quân và tù binh được trao trả hết, chiến tranh lại bùng nổ trở lại thì Hoa Kỳ sẽ làm gì. Tôi thấy ông khó trả lời câu hỏi này đó!

Kissinger: Khó trả lời là vì tôi không muốn khuyến khích một chuyện như vậy. Nhưng theo tôi thí dụ như đề nghị ngưng bắn ngày 8 tháng 5 vừa rồi của Hoa Kỳ được chấp thuận nghĩa là có 4 tháng để rút quân và 4 tháng để trao trả tù binh, và vào tháng thứ năm chiến tranh lại bùng nổ thì chúng tôi phải xem là chúng tôi bị lừa gạt và đương nhiên chúng tôi không thể chấp nhận.

Trái lại nếu Hà Nội thương thuyết một cách nghiêm chỉnh với Nam Việt Nam, và sau một thời gian dài chiến tranh bùng nổ lại thì chúng tôi không trở lại, có phần chắc là không.

Chu Ân Lai: Năm trước ông cũng đã nói vậy.

Kissinger: Đúng vậy. Nếu năm trước Hà Nội thuận thì bây giờ được một năm rồi.

Chu Ân Lai: Năm trước ông nói một cách trên nguyên tắc là sau khi rút quân và trao đổi tù binh chuyện gì xẩy ra là chuyện nội bộ của người Việt Nam.

Kissinger: Tôi cũng nói mọi chuyện tùy thuộc vào sự can thiệp (hay không can thiệp *) của bên ngoài. Nếu chúng ta có thể biến cuộc tranh chấp quốc tế thành một cuộc tranh chấp địa phương - và ông thủ tướng nghĩ là có thể - thì đó chinh là chính sách của chúng tôi.

Cái khó là Bắc Việt Nam – mà tôi rất kính trọng - cứ nghĩ họ có truyền thống chống xâm lăng qua nhiều thế kỷ và chỉ muốn lặp lại kinh nghiệm (đánh thắng Pháp *) trong 20 năm qua.

Chu Ân Lai: Nếu tính từ khi Thế chiến 2 kết thúc đến nay là 27 năm và chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời trước khi thực hiện xong giấc mộng của ông. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, một người có tinh thần tha nhân và yêu nước. Tôi biết ông ta suốt 50 năm. Tôi gia nhập đảng cộng sản đã 50 năm và tôi quen biết ông cũng 50 năm.

Kissinger: Tôi chưa từng gặp ông Hồ, nhưng tôi biết một người Pháp từng cho ông ta ăn ở trong nhà (năm 1946 khi ông Hồ Chí Minh sang Pháp thương thuyết *). Năm 1967 tôi nhờ người Pháp này đi Hà Nội gặp ông Hồ chí Minh (ông Raymond Aubrac, một viên chức cao cấp của Cơ quan Y tế Thế giới, và đi cùng với một người bạn là nhà khoa học Herbert Marcovich *)

Chu Ân Lai: Trong chuyến đó có ông Salisbury. Nhưng là một nhà báo ông Salisbury khác ông.

Kissinger: Hà Nội là nơi tôi chưa bao giờ viếng thăm một cách bí mật.

Chu Ân Lai: Có lẽ vì vậy mà vấn đề chưa được giải quyết. Nếu ông đến đó may ra ông nắm vững tình hình hơn.

Kissinger: Tôi nắm vững tình hình. Nhưng chưa có giải pháp thôi.

(Một vài trao đổi và hỏi thăm của ông Chu ân Lai về ông Smyser, một phụ tá của Kissinger, người từng tháp tùng ông Kissinger trong một chuyến công tác trước tại Bắc Kinh, và sau đó tiến sĩ Kissinger tiếp tục nói)

Kissinger: Ông Smyser (sau một năm trở về đại học *) sẽ trở lại và sẽ là một người cùng chung sức giải quyết vấn đề Việt Nam. Nhưng lúc đó có thể không còn vấn đề Việt Nam nữa.

Chu Ân Lai: Chưa chắc.  Chuyện Sài gòn còn là một vấn đề nhức đầu. Đó là kết quả của chính sách Dulles lòng thòng chưa giải quyết xong. Đó là thảm kịch do Dulles tạo ra và bây giờ ông phải nếm vị chua của nó.

Kissinger: Tôi đồng ý với ông thủ tướng vấn đề trước mắt chúng ta là một thảm kịch Việt Nam.

Chu Ân Lai: Nhưng ông có thể rũ bỏ cái thảm kịch đó

Kissinger: Không. Còn tùy theo ý của ông thủ tướng về sự rũ bỏ. Rút quân thì được, nhưng Hoa Kỳ sẽ không thuận những điều kiện khác. Để tôi phân tích tình hình cho rõ hơn.

 

Một cách khách quan vấn đề quả là khó giải quyết, và tôi nhìn nhận rằng trong 20 năm qua chúng tôi không hiểu được tình hình Việt Nam, thêm nữa chính phủ Bắc Việt Nam làm cho nó thêm phần rối rắm.

Tôi đã hội đàm 13 lần, trong đó có 8 lần với ông Lê Đức Thọ, 5 lần với ông Xuân Thủy. Mục đích của tôi là tìm ra những vấn đề chính để lấy những quyết định lớn. Còn những vấn đề nhỏ để cho các nhà ngoại giao giải quyết.

Trong cả 13 lần hội đàm, họ chỉ muốn đánh du kích ngoại giao và cứ đi vào những vấn đề nhỏ nhặt. Tôi  thường nói với ông Lê Đức Thọ rằng – và điều này khó nghe với ông thủ tướng vì tôi biết ông là người nguyên tắc, trung thành với đồng minh của mình - cả hai bên nên đặt mục tiêu thương thuyết cho rõ ràng, thí dụ trong 6 tháng nữa chúng ta phải làm cho được điều này hay điều nọ và tìm ra những chiến thuật để đi tới đó. Nhưng lần nào ông Thọ cũng bác bỏ đề nghị của tôi.Trước hết họ sợ bị đánh lừa nên không chịu đồng ý cụ thể gì cả và chỉ muốn biết chúng tôi định làm gì trong nhiều năm tới. Thứ hai là họ theo đuổi sách lược dùng quân sự một mặt để làm suy yếu chính quyền Sài Gòn, mặt khác phối hợp quân sự với chiến tranh tâm lý để làm suy yếu chính phủ Hoa Kỳ. Và đó là điều chúng tôi không thể chấp nhận được. Hà Nội không thể tỏ ra dứt khoát rằng họ định dàn xếp với chúng tôi hay chỉ định tiêu diệt chúng tôi, hay ít nhất làm cho chúng tôi mất hậu thuẩn của dân chúng. Vì vậy cho đến giờ này họ vẫn không chịu chấp nhận bất cứ một nhượng bộ nào cả; họ nghĩ rằng dù nhượng bộ một chút thôi cũng có thể làm cho chúng tôi lấy lại sự hậu thuẫn của dân chúng.

Đó là lý do chính tại sao buổi hội đàm ngày 2 tháng 5 vừa qua giữa tôi và ông Lê Đức Thọ thất bại. Khi Hà Nội nghĩ họ đang thắng, họ muốn làm cho dân chúng Hoa Kỳ nghĩ rằng không còn hy vọng gì nữa họ ép chúng tôi phải nhận các điều kiện của họ. Điều này giải thích tại sao khi thương thuyết về tù binh, họ không thương thuyết với chính phủ Hoa Kỳ hay với Hội Hồng Thập Tự mà lại thương thuyết với phe đối lập (phe chống chiến tranh *).

Chu Ân Lai: Nhưng quý vị cũng có lỗi khi đánh vào trại tù binh của Hà Nội (Hoa Kỳ đánh úp bằng trực thăng vào một trại tù binh tại Sơn Tây ngày 20/11/1970, nhưng Hà Nội đã đóng trại tù và mang tù binh đi nơi khác 4 tháng trước *)

Kissinger: Trong chiến tranh có khi chúng tôi làm những quyết định không đúng – nhưng không phải là trường hợp này – Và vin vào đó Hà Nội đòi họp hội nghị mở rộng (gồm đủ mặt: Hoa Kỳ, Nam Việt Nam, Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam *) để giải quyết. Nhưng họp hội nghị mở rộng để làm gì khi chúng ta không có một nghị trình. Chưa có một nghị trình thì đề nghị họp hội nghị mở rộng chỉ là một cách tuyên truyền.

Chúng tôi sẳn sàng tái họp hội nghị mở rộng để bàn về nghị trình, nhưng sẽ không đi tới đâu nếu Hà Nội chưa chịu thay đổi chiến thuật thương thuyết. Ông thủ tướng cứ tự xét, nếu chúng ta không đối xử với một quốc gia một cách đạo đức và trọng danh dự, thì dù có lợi lúc này, về lâu về dài cũng không có lợi. Thật khó nói chuyện với một đối tượng chỉ muốn làm giảm uy tín của đối phương.

Nói về cuộc tấn công hiện nay của Bắc Việt. Nếu không có cuộc tấn công giờ này chúng tôi đã rút về nhiều quân và nhiều máy bay hơn. Chúng tôi có chương trình giảm quân và không tăng thêm các hoạt động quân sự. Nhưng lợi dụng cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, Bắc Việt tấn công để bắt chẹt chúng tôi phải chấp nhận các điều kiện của họ mà chúng tôi đã nói chúng tôi không chấp nhận được. Chúng tôi thuận các điều kiện khác, nhưng điều kiện đó thì không (điều kiện đòi lật đổ ông Thiệu trước *).

Tình hình hôm nay như thế nào? Nói ra không phải để tuyên truyền nhưng theo tôi cuộc tấn công của Bắc Việt đã bị chận đứng và trong năm nay Bắc Việt sẽ không có một triển vọng nào về quân sự. Tại Hoa Kỳ cuộc tấn công không làm cho dân chúng ồ ạt xuống đường mặc dù có một số người cầm cờ Bắc Việt đi biểu tình, ít thôi. Vào lúc có chuyện ở Cambodia (Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa đánh các căn cứ Bắc Việt tại Cambodia tháng 5/1970 *) có 200.000 người xuống đường tại Hoa Thịnh Đốn và Hoa Kỳ cũng không vì thế mà thay đổi chương trình. Sau ngày 8 tháng 5 (ngày tổng thống Nixon ra lệnh phong tỏa Hải phòng và tái bỏ bom Bắc Việt*) những người phản chiến muốn có 200.000 người biểu tình thì họ chỉ huy động được 5.000 người.

Bắc Việt nuôi hy vọng McGovern sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 này. Tôi nghĩ ông ta khó thắng. Các cuộc thăm dò cho thấy ông ta thua Nixon đến 20 điểm.

Chu Ân Lai: Nếu McGovern thắng ông ta có lật đổ ông Thiệu không?

Kissinger: Tôi không chắc

Chu Ân Lai: Không nhất thiết

Kissinger: Tôi cũng nghĩ không nhất thiết.

Chu Ân Lai: Tôi cũng nghĩ như ông.

Kissinger: Và cũng đừng quên bề nào chúng tôi cũng còn tại chức 7 tháng nữa.

Chu Ân Lai: Nếu McGovern đắc cử ông ta có khả năng chấm dứt sự ủng hộ chính quyền Sài Gòn không?

Kissinger: Điều này nói dễ hơn làm.

Chu Ân Lai: Cái hầm bẫy Hoa Kỳ tạo ra đã làm cho ông lúng túng. 

Kissinger: Đúng vậy

Chu Ân Lai: Tôi nghĩ tổng thống Nixon, McGovern hay Ed Kennedy, hay cả chính ông đắc cử cũng vậy. Nhưng đâu ông có đủ điều kiện ứng cử tổng thống. (ý ông Chu Ân Lai nói ông Kissinger không sinh ra ở Mỹ nên không thể ứng cử tổng thống Hoa Kỳ theo Hiến pháp Mỹ *)

Kissinger: Để cô Nancy Tang ứng cử may ra.

Chu Ân Lai: Ngay cả cô ấy làm tổng thống cũng không giải quyết được vấn đề.

Kissinger: May ra với tôi làm phụ tá, cô Tang và tôi sẽ làm được cái gì.

Chu Ân Lai: Vần đề cứ chằng chịt lấy nhau, và càng nghĩ càng thấy khó.

Kissinger: Đúng vậy. Nhưng McGovern đắc cử chẳng những chính sách Hoa Kỳ đối với Việt Nam thay đổi mà còn thay đổi trong các chính sách đối với Liên bang Xô viết, Ấn độ, Nhật bản như một bài quan điểm mới đây trên tờ New York Times. …. Thực tế là tại Mỹ khuynh hướng chung là ủng hộ sự cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc, nhưng làm gì để vượt qua những khó khăn trước mắt ngoài những trao đổi văn hóa và bày tỏ thiện cảm với nhau thì nói chung không ai biết phải làm gì.

Mặt khác can thiệp vào chuyện nội bộ của Hoa Kỳ sẽ có hai hậu quả. Thứ nhất là buộc chúng tôi phản ứng mạnh, thứ hai là nó ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác ngoài Việt Nam ra.

Vì vậy chúng tôi tin rằng chấm dứt chiến tranh lúc này có lợi cho cả hai bên. Nếu chiến tranh còn tiếp tục Hà Nội sẽ mất mát nhiều hơn cái họ có thể có được. Cuộc tấn công của họ đã bị chận đứng và họ đang có khó khăn nội bộ (ông Kissinger không nói rõ khó khăn nội bộ gì *), và chúng tôi sẽ làm cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp nhiều khó khăn ngoài ý muốn của chúng tôi. Chúng tôi không muốn Hà Nội trở nên yếu kém. Chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam vì còn nhiều chuyện quan trọng với các quốc gia khác (ý của ông Kissinger là với Nga và Tàu *)

Nếu chúng tôi có thể nói chuyện với Hà Nội như tôi đang nói với ông thủ tướng, không phải bằng lời mà bằng thái độ của chúng tôi thì tôi nghĩ chúng ta có thể chấm dứt chiến tranh. Thực tế đối với chúng tôi cách giải quyết chiến tranh nhanh nhất là ngưng bắn, rút quân và trao trả tù binh. Các việc khác để cho tương lai quyết định. Nếu cần chúng tôi có thể tuyên bố trung lập đối với các biến chuyển chính trị sau này, và chúng tôi sẽ thuyết phục Nam Việt Nam cam kết giữ một chính sách đối ngoại trung lập.

Chúng ta có thể lấy đề nghị tuyên bố ngày 25/1 và chuyển đến quý vị ngày 27/1 vừa rồi của tổng thống Nixon làm căn bản, và có thể thêm bớt điều này điều kia, trong đó có cả chuyện chính trị. Nhưng bàn đến chính trị không bao giờ dứt, vì bàn đến chính trị có nghĩa là duy trì chính quyền Sàigòn, một điều Hà Nội không chịu, hay lật đổ chính quyền Sài gòn, điều chúng tôi không chịu, và thực tế không có một giải pháp chính trị nằm ở giữa.

Vậy chúng tôi phải tìm một con đường khác để chấm dứt chiến tranh. Trước hết là không biến nó thành một vấn đề quốc tế, và để cho người Đông Dương tự quyết định số phận của mình với nhau. Tôi cam đoan với ông thủ tướng rằng quyền tự quyết là mục tiêu của Hoa Kỳ tại Đông Dương, và tôi tin Trung quốc cũng muốn thế. Chúng tôi không muốn tranh giành gì tại đó cả. Và mặc dù chúng tôi không thể mang một chính quyền cộng sản đến Nam Việt Nam, nhưng nếu đó là kết quả của một diễn biến chính trị qua thời gian thì - nếu chúng tôi có thể sống chung với một chính quyền cộng sản ở Trung quốc – chúng tôi phải chấp nhận kết quả đó tại Đông Dương.

Chắc hôm nay ông thủ tướng nghĩ rằng tôi nói hơi nhiều (Kissinger vừa nói vừa cười)

Chu Ân Lai: Thôi hôm nay chúng ta xin tạm kết thúc ở đây. Tôi sẽ trao đổi với ông Phó chủ tịch Yeh Chien-ying và sáng mai ông sẽ thảo luận thêm với ông ta. Tôi nghe rằng ông muốn có một cuộc picnic ở Điện Nghỉ Mát Mùa Hè. (Di Hòa Viên cách Cấm thành chừng 20 km *)

Kissinger: Quý ông có hỏi tôi ngoài Cấm Thành còn muốn thăm thú nơi nào. Tôi nói Di Hòa Viên quá đẹp nên tôi muốn xem một lần nữa, và ban nghi lễ của ông đề nghị thêm picnic. Đó là một cử chỉ đẹp nhưng không phải do tôi đề nghị. Nhưng nếu có việc phải làm thì việc làm ưu tiên hơn picnic./.

June 5, 2006

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness