TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 49
  • Hôm nay: 898
  • Tháng: 7637
  • Tổng truy cập: 5140956
Chi tiết bài viết

Lo chiến tranh thương mại, lãnh đạo Trung Quốc họp kín ở Bắc Đới Hà

Đến dự hội nghị không chính thức thường niên tại Bắc Đới Hà, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung bàn thảo đối sách cho những thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà cách thủ đô Bắc Kinh gần 280 km. Ảnh: Kyodo

Các lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) sắp có cuộc họp kín thường niên tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, theo South China Morning Post.

Trung Quốc không công bố thời điểm chính thức diễn ra hội nghị mùa hè. SCMP dự đoán sự kiện sẽ diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 8, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở về từ chuyến công du Trung Đông và châu Phi.

Lo ngại tác động từ chiến tranh thương mại

Nhiều nhà quan sát nhận định trong cuộc họp lần này ông Tập sẽ tìm cách thúc đẩy đồng thuận trong nội bộ lãnh đạo CPC, đồng thời giải quyết các hệ quả chính trị từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. 

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh đối đầu thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, leo thang thành chiến tranh thương mại. Nhiều chuyên gia nhận định tình hình căng thẳng hiện nay có thể tác động tiêu cực đến chính trị và chiến lược dài hạn của Trung Quốc.

Đầu tháng 7, Washington đã áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm nhiều mặt hàng như máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao. Bắc Kinh cũng có biện pháp đáp trả tương xứng nhắm vào nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc.

Tàu hàng Hong Kong chuyển container tại cảng Oakland, California, vào tháng 6. Ảnh: AFP

Đặng Duật Văn, cựu biên tập báo Study Times (Học Tập Thời Báo) thuộc Trường Đảng Ủy ban Trung ương CPC, cho rằng bản thân chiến tranh thương mại sẽ không là trọng tâm của cuộc họp ở Bắc Đới Hà vì Bắc Kinh đã nêu rất rõ lập trường thời gian qua.

"Các hệ lụy từ chiến tranh thương mại sẽ mang tính then chốt, cụ thể là những tác động đối với chính trị, xã hội, chính sách đối ngoại và cách điều hành đất nước", ông cho biết. 

Theo ông Đặng, sức ép từ căng thẳng thương mại với Mỹ buộc các lãnh đạo Trung Quốc phải suy nghĩ lại về những chiến lược chủ đạo, quan hệ song phương và cách ứng xử với Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

"Sau hội nghị Bắc Đới Hà, có thể sẽ có nhiều điều chỉnh về chiến lược. Trước tình hình sắp tới, nội bộ CPC sẽ xuất hiện nhiều góc nhìn mới đa dạng hơn", ông Đặng nhận định.

Sau hội nghị tại khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, ông Tập sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ở Bắc Kinh vào ngày 13.8.

Bắc Đới Hà không còn như xưa

Bắc Đới Hà là địa điểm du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Hà Bắc, nằm cạnh biển Bột Hải và cách thủ đô Bắc Kinh 280 km về phía đông.

Không chỉ là địa điểm nghỉ dưỡng, vào mùa hè Bắc Đới Hà còn trở thành trung tâm chính trị của Trung Quốc. Nơi này được mệnh danh là Trại David của Trung Quốc (Trại David là nơi các tổng thống Mỹ thư giãn và nhóm họp với các cố vấn, tiếp đón các vị lãnh đạo nước ngoài).

Trong nhiều thập kỷ, các lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc thường có mặt tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà để tham dự cuộc họp thường niên nhằm bàn thảo về phương hướng những chính sách quan trọng và những thay đổi nhân sự quan trọng. Đây cũng là nơi các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những quyết sách quan trọng trong lịch sử. 

Ông Đặng Tiểu Bình (phải) bơi tại Bắc Đới Hà trong một đợt hội nghị không chính thức hồi tháng 7.1987. Ảnh: SCMP.

Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của giới lãnh đạo lão thành CPC và hội nghị tại Bắc Đới Hà đã suy giảm so với thời kỳ trước.

Năm 2017, trước khi diễn cuộc cải tổ nhân sự quy mô lớn tại đại hội toàn quốc của CPC, hội nghị không chính thức tại Bắc Đới Hà đã không tổ chức cuộc họp chung giữa các cựu lãnh đạo và lãnh đạo đảng đương chức.

Theo nguồn tin của SCMP, cuộc họp tháng của Bộ Chính trị và họp tuần Thường vụ Bộ Chính trị sẽ được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng. Các cuộc gặp khác phải được sự thông qua của văn phòng trung ương đảng.

Giảm cổ súy chủ nghĩa dân tộc

Bắc Kinh đang có dấu hiệu sẵn sàng điều chỉnh chính sách, theo SCMP

Trong vòng 2 tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc tiến hành áp thuế hàng hóa nhập khẩu, chính thức khởi động chiến tranh thương mại, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã tìm cách giảm nhiệt các phát ngôn mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc. 

Tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận hàng đầu của CPC, đăng liên tiếp 3 bài xã luận chỉ trích tình trạng truyền thông Trung Quốc phóng đại các bước tiến về công nghệ và quân sự của đất nước. People's Daily cho rằng những thông tin này làm tăng thái độ thù địch trong dư luận Trung Quốc đối với phương Tây.

Chủ tịch Tập Cận Bình chụp ảnh tại bãi biển Bắc Đới Hà trong một kỳ nghỉ. Ảnh: SCMP

Dẫn nhiều nguồn thạo tin, SCMP cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu cán bộ lãnh đạo tiết giảm các thông điệp mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc. Bước đi này diễn ra sau khi nỗ lực đàm phán ngăn chiến tranh thương mại của Phó thủ tướng Lưu Hạc thất bại hồi tháng 5.

"Khi phái đoàn Trung Quốc phàn nàn rằng chính phủ Mỹ đòi hỏi vô lý trong các vấn đề thương mại, phái đoàn Mỹ đã phản pháo nhắm vào chủ nghĩa dân tộc thể hiện trên truyền thông Trung Quốc", nguồn tin của SCMP cho biết.

Một nguồn tin khác tiết lộ giới lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu các kênh truyền thông nhà nước giảm đề tài chủ nghĩa dân tộc trong nội dung bàn luận. "Những bài viết của People's Daily được thực hiện theo chỉ đạo của cấp lãnh đạo", nguồn tin này tiết lộ.

Vẫn chưa rõ liệu hội nghị mùa hè tại Bắc Đới Hà lần này sẽ dẫn đến nhiều điều chỉnh chính sách khác hay không. Tuy nhiên, theo ông Đặng, sự kiện vẫn có tầm quan trọng riêng khi tạo diễn đàn cho giới lãnh đạo CPC bàn luận về định hướng tương lai của Trung Quốc.

"Khi các nhà lãnh đạo tập trung và có thêm cơ hội để thảo luận về tình hình hiện tại, có thể sẽ xuất hiện những ý tưởng mới", ông Đặng nhận định.

Thanh Danh - Theo Người Đô Thị

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness