TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 62
  • Hôm nay: 554
  • Tháng: 7293
  • Tổng truy cập: 5140612
Chi tiết bài viết

Lo trước những cơn bão năm 2018

Bức tranh bình yên hiện nay về tình hình kinh tế năm 2017 có thể chỉ là sự bình yên trước cơn bão lớn chuẩn bị đổ bộ từ năm 2018, một cơn bão mà theo đó sức mạnh của nó thật khó đoán định bởi sự tiếp sức của các cơn bão nhỏ và liên tiếp nhau. Để giảm thiểu thiệt hại cần chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Số lượng công nhân nghỉ việc tự nguyện tăng đột biến trong năm 2017 nhằm nhận BHXH một lần là một cảnh báo cho cơn bão thất nghiệp trong năm 2018. Trong ảnh: Người lao động tại một ngày hội việc làm. Ảnh: THÀNH HOA

Cơn bão thất nghiệp

Việc Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ 1-1-2018 sẽ là một đòn mạnh giáng vào các doanh nghiệp gia công, thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Số lượng công nhân nghỉ việc tự nguyện tăng đột biến trong năm 2017 nhằm nhận BHXH một lần chỉ là một cảnh báo. Hiện nay ai cũng biết phần lớn các doanh nghiệp đang đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) chỉ trên một phần thu nhập của họ và thường là rất thấp. Khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực thì công ty  phải đóng BHXH cho NLĐ dựa trên những khoản có tính chất đều đặn và giống như lương. Điều này sẽ dẫn đến việc ngân sách tiền lương cho NLĐ sẽ tăng. Với các doanh nghiệp gia công, mức lợi nhuận/đơn vị hàng hóa là rất thấp, họ có thể chấp nhận rủi ro mất đơn hàng để đàm phán giá gia công tăng lên cho các đơn hàng sau nhưng rõ ràng việc tăng nhanh ngân sách tiền lương là không thể diễn ra ngay. Với việc tổng chi ngân sách lương không đổi mà doanh nghiệp phải chi đóng BHXH nhiều hơn, thì phần thực chi cho NLĐ đương nhiên sẽ giảm. Họ sẽ giảm bằng cách: (1) Giảm lương thực nhận của NLĐ; (2) Tìm cách sa thải các lao động lâu năm, có lương và phụ cấp cao để thay bằng các lao động trẻ hơn, chi phí lương thấp hơn (dù vấn đề này vẫn đang xảy ra nhưng sẽ được thúc đẩy quyết liệt hơn vào năm sau); (3) Giảm bớt lao động, thay thế bằng các máy móc bán tự động và tự động; (4) Các doanh nghiệp (xác xuất cao nhất là doanh nghiệp FDI) chuyển dịch hoạt động đầu tư sang các nước có chi phí nhân công rẻ hơn như Bangladesh, Sri Lanka, Philippines hoặc những nước có hiệu suất lao động/chi phí rẻ hơn như Thái Lan, Malaysia...

Và đương nhiên, các doanh nghiệp sẽ không mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới đối với các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng là điều không tránh khỏi.

Do mức đóng BHXH mới, các doanh nghiệp sẽ không mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới đối với các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động. Vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng là điều không tránh khỏi.

Vậy tại sao các quy định về BHXH lại phải thay đổi vào lúc này? NLĐ đóng nhiều thì hưởng nhiều, đóng ít thì hưởng ít chứ có lấy thêm của ai đâu mà phải thay đổi như vậy? Lý do về an sinh xã hội, lo cho người dân khi về già, theo tôi, chỉ là... nhỏ. Có hai lý do chính khác khiến quỹ BHXH mất cân đối thu - chi nên buộc phải thay đổi nhanh và mạnh. Một là, do tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cao và kéo dài qua các năm nên việc NLĐ sau khi nghỉ việc chọn nhận BHXH một lần chứ không nhận lương hưu hàng tháng (hay chờ làm tiếp - đóng BHXH tiếp để đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng) chiếm tỷ lệ cao. Hai là, do cách tính lương hưu của Luật BHXH cũ: các đối tượng công chức, viên chức nhận lương từ ngân sách được tính lương hưu dựa trên lương bình quân năm năm cuối, trong khi đây là giai đoạn lương cao nhất nên BHXH phải chi trả nhiều.

Cơn bão cạnh tranh

Từ năm 2018, phần lớn thuế các sản phẩm nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ giảm về 0%, đi kèm với đó là một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) khác có hiệu lực. Áp lực cạnh tranh không còn chỉ là chuyện vĩ mô, chỉ thể hiện trong những buổi hội thảo để bàn doanh nghiệp nên chuẩn bị gì, hướng đi ra sao, mà nó đã trở thành vật cản ngay trước mắt doanh nghiệp và họ phải chiến đấu để tồn tại. Các doanh nghiệp càng được bảo hộ bằng hàng rào thuế quan sẽ càng khó khăn, nhưng hiện tại ta vẫn chưa cảm nhận được sự chuyển động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc ứng phó.

Hãy nhìn doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... đang thâu tóm, mở rộng, mở mới hệ thống bán lẻ, gia tăng cổ phần chi phối ở các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam nhằm dọn đường cho việc đưa sản phẩm của họ vào hệ thống bán lẻ và kiểm soát các doanh nghiệp lớn mà tương lai sản phẩm của họ sẽ cạnh tranh trực tiếp. Tỉ phú các nước đang dẫn dắt doanh nghiệp nước họ đi xâm chiếm thị phần nước ngoài. Vẫn chưa thấy tỉ phú Việt Nam nào đứng ra dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam chống lại hay đi xâm chiếm ngược lại. Hệ thống doanh nghiệp suy yếu thì lấy ai gánh vác trách nhiệm phát triển nền kinh tế Việt Nam?

Cơn bão tài chính - tiền tệ

Việc các ngân hàng phương Tây đang dần rút khỏi thị trường Việt Nam không phải đơn lẻ. Vì sao trong giai đoạn khủng hoảng hệ thống ngân hàng 2011-2015 họ không đi; còn khi hệ thống ngân hàng vừa phục hồi, chuẩn bị bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới, họ không ở lại để hưởng thành quả? Có thể trong mỗi giai đoạn, chiến lược của ngân hàng mẹ là khác nhau, có thể họ không đạt được kỳ vọng khi vào Việt Nam và cũng có thể họ muốn bảo toàn vốn khi dự báo lĩnh vực ngân hàng chuẩn bị bước vào giai đoạn khó khăn mới.
Về dài hạn, động thái này của các ngân hàng phương Tây sẽ ảnh hưởng đến việc xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tài chính quốc tế như Fitch, Moody’s, S&P’s... đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Một môi trường kinh doanh với sự xuất hiện của nhiều ngân hàng lớn, uy tín của phương Tây sẽ được đánh giá cao về tính minh bạch hơn so với ít. Điều này, đến lượt nó, có thể tác động đến chi phí vay trên thị trường quốc tế cũng như uy tín các nghiệp vụ thanh toán quốc tế của ngân hàng Việt Nam.

Việc Kho bạc Nhà nước đang gửi khoảng 160.000 tỉ đồng ở các ngân hàng thương mại (NHTM) vì chưa giải ngân vốn đầu tư công tưởng rằng sẽ tiếp sức nguồn vốn giá rẻ để hệ thống ngân hàng đẩy vào nền kinh tế. Tuy nhiên, với nguồn tiền gửi ngắn hạn này thì các ngân hàng không biết chắc sẽ bị rút ra lúc nào nên việc hoạch định kế hoạch dựa trên nó để tăng trưởng tín dụng cũng hết sức hạn chế. Do đó, lợi ích lớn nhất mà nguồn tiền này mang lại chỉ là giảm chi phí vốn của các ngân hàng, gia tăng lợi nhuận và một phần chảy qua đường cho vay liên ngân hàng. Các NHTM đang huy động từ dân cư với mức lãi suất 4,8-5,5% (kỳ hạn 1-3 tháng) nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cùng kỳ hạn chỉ chừng 2-3% trong thời gian dài. Việc này thúc đẩy các NHTM bước vào cuộc chơi mạo hiểm là vay liên ngân hàng về cho vay lại kiếm chênh lệch. Nếu thị trường liên ngân hàng đảo chiều thì có thể cuộc đua huy động vốn sẽ được khơi mào từ nhóm này.

Dự trữ ngoại hối hiện cao kỷ lục là một điều hết sức đáng mừng. Đây sẽ là một công cụ mạnh để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tỷ giá ở mức mong muốn. Kiều hối là nguồn quan trọng của dự trữ ngoại hối. Kiều hối đến từ hai nguồn: (1) do những người rời đất nước những năm 70, 80  của thế kỷ trước gửi về cho người thân (phần lớn là từ Mỹ) và (2) từ nguồn xuất khẩu lao động. Cả hai nguồn này đều đang suy giảm mạnh.

Như vậy nếu thị trường chứng khoán không phát triển minh bạch, nền kinh tế không chuyển biến tích cực để giữ dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) ở lại lâu hơn, thì sự đảo chiều của dòng vốn FII, sự khựng lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), sự suy giảm kiều hối và việc trả nợ quốc tế sẽ tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá. Khi các yếu tố này có cơ hội hợp sức thì 45 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại hối sẽ không còn là chiếc phao cứu sinh vững chắc cho tỷ giá.

Cơn bão tài khóa

Với mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư công đã lạc hậu, để lại nhiều hậu quả tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, gánh nặng nợ công, với việc tốc độ tăng nợ công cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP, chính sách tài khóa của Việt Nam gần như không còn dư địa để thể hiện tính tích cực, góp phần phát triển kinh tế.

Để giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát, Chính phủ chỉ có một con đường nhằm giảm thâm hụt ngân sách đó là giảm chi và tăng thu. Chi thì bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Nhà nước đã giảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong khi chưa giảm được chi thường xuyên cho bộ máy thì nhân dân là người gánh đủ. Mà tăng thu (như phương án Bộ Tài chính đưa ra đối với thuế giá trị gia tăng: chỉ được chọn tăng nhiều hay tăng ít chứ không được chọn tăng hay không tăng), thì cũng nhân dân gánh. Thật khó thấy điểm tích cực nào trong chính sách tài khóa hiện tại và tương lai!

Với một triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa thì có lẽ mỗi người dân phải tích cực hơn nữa để tự cứu lấy bản thân, bằng cách làm tốt nhất có thể công việc của mình, dù ở bất cứ vị trí nào, công nhân hay chủ doanh nghiệp.

Theo Thesaigontimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness