TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 73
  • Hôm nay: 191
  • Tháng: 6930
  • Tổng truy cập: 5140249
Chi tiết bài viết

Mỏ dầu lớn sắp cạn và lời nguyền tài nguyên

Mới đây, lãnh đạo của Liên doanh dầu khí Vietsovpetro vừa cho biết: Mỏ Bạch Hổ với trữ lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của PVN từ xưa đến nay, đã bước vào thời kỳ suy kiệt. Ngoài ra, hầu hết các mỏ dầu ở Việt Nam đều đã được khai thác trong suốt một thời gian dài, dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên và đang ở trong giai đoạn cuối. Trước thông tin này, chúng ta không khỏi lo lắng, phải chăng: “lời nguyền tài nguyên” đã thực sự ứng nghiệm với xứ sở này?

Mỏ Bạch Hổ, cung cấp 60% sản lượng của Liên doanh Vietsopetro (với Nga) sắp cạn.

Lời nguyền nghiệt ngã

“Lời nguyền tài nguyên” (resource curse) là khái niệm thường được dùng để chỉ một nghịch lý: các quốc gia và vùng lãnh thổ giàu tài nguyên lại thường không có được tốc độ tăng trưởng và hiệu quả phát triển kinh tế tốt bằng những nước nghèo tài nguyên hơn. Chẳng hạn Nga, Venezuela và một số quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn của thế giới, những năm trước đã quá tự tin vào nguồn lợi của mình (có thời điểm giá dầu thế giới lên tới gần 200 USD/thùng), nên chi tiêu ngân sách vô tội vạ cho những chương trình xây dựng hạ tầng, cung cấp phúc lợi, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và giải trí xa xỉ, lãng phí … mà không ưu tiên cho việc thúc đẩy năng lực của ngành sản xuất chế tạo lẫn công nghệ cao trong nước … vì thế đã dễ dàng lâm vào khủng hoảng khi Mỹ chơi chiêu bài “thao túng”, đẩy giá dầu giảm sâu xuống mức thấp nhất.

Tổng thống Nga Putin quyết định chi tới 50 tỷ USD cho Thế vận hội mùa đông Sochi 2014, vì mục tiêu “phục hưng nước Nga”.

Theo logic, những quốc gia được thiên nhiên ưu đãi như: sở hữu nhiều mỏ quặng và dầu khí, có đường bờ biển dài, đẹp hay ít bị thiên tai, thảm họa hơn thì ắt hẳn phải có lợi thế để trở nên giàu có và phồn vinh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kinh tế học như Macartan Humphreys, Jeffrey D. Sachs, và Joseph E. Stiglitz lại phát hiện ra điều thú vị rằng: những nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên phong phú lại thường có xu hướng kém phát triển hơn so với các nền kinh tế ít được ưu đãi bằng.

Do thể chế

Căn bệnh Hà Lan có thể hiểu đơn giản là nguy cơ từ những chính sách sai lầm khiến nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn lực bên ngoài thay vì nâng cao nội lực trong nước.

Lý giải cho hiện tượng này, các nhà kinh tế trên Tạp chí The Economist lại đưa ra thuật ngữ “căn bệnh Hà Lan” (Dutch diseace) vào năm 1977, để chỉ nguy cơ xảy ra khi nền kinh tế quá chú trọng vào xuất khẩu tài nguyên dẫn tới làm suy giảm ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ … Hay nói cách khác, việc phụ thuộc quá lớn vào các nguồn lực bên ngoài sẽ dẫn tới sự suy giảm nội lực trong nước. Hà Lan trong thập niên 1970 là một ví dụ tiêu biểu khi nước này đẩy mạnh xuất khẩu khí thiên nhiên.

“Căn bệnh Hà Lan” thường gây ra nhiều hậu quả và di chứng mà phải mất hàng thập niên sau mới có thể khắc phục hết. Thực tế cho thấy, không nhiều quốc gia trên thế giới, được thiên nhiên ưu đãi như Nauy, Canada hay Úc là thoát khỏi lời nguyền tài nguyên và tránh được căn bệnh Hà Lan, nhờ xây dựng được những thể chế kinh tế chính trị mang tính “dung nạp” (inclusive) giúp quản lý và phân bổ các nguồn lực phát triển tốt hơn so với thể chế “loại trừ” (exclusive) – phổ biến ở các nước nghèo, đang phát triển, nơi cả tài nguyên lẫn chính sách thường nằm trong tay và bị thao túng bởi một nhóm nhỏ lãnh đạo chính trị và lợi ích thân hữu.

Với trữ lượng dầu mỏ gấp gần 3 lần Nga, Canada thực sự là “rừng vàng biển bạc”. Tuy nhiên, nước này chỉ khai thác dầu mỏ rất ít, do sợ ô nhiễm, chỉ đủ để dùng và xuất khẩu một phần sang Mỹ.

Châu Phi là minh chứng rõ rệt nhất cho lời nguyền này: quá giàu tài nguyên khoáng sản, nhất là kim cương, vàng, bạc, đồng đỏ, uranium và dầu khí, … song vẫn đang phải vật lộn với đói nghèo, dịch bệnh, chiến tranh, loạn lạc, … Điển hình là Zimbabwue dưới thời ông Mugabe – tổng thống vừa bị lật đổ – vì theo đuổi chính sách kinh tế sai lầm khiến lạm phát tăng siêu phi mã, đồng tiền mất giá thảm hại và trở thành trò cười cho thế giới. Các quốc gia khác như Congo, Angola, Sudan, … thì trải qua nội chiến, xung đột sắc tộc và tranh giành quyền lực, tài nguyên; hay như Nigeria – có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 11 thế giới – mãi không thể giàu do tham nhũng nặng nề tràn lan.

Các nước Châu Phi rất nhiều tài nguyên nhưng phần lớn chìm trong nghèo đói, dịch bệnh, chiến tranh và loạn lạc.

Trong khi đó, một số quốc gia dù thiếu tài nguyên, không được thiên nhiên ưu đãi, lại hay bị thiên tai và nguy cơ địch họa thì lại rất thành công trong phát triển kinh tế.

Trường hợp điển hình là kỳ tích mà Nhật Bản tạo nên từ đống tro tàn đổ nát sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ mất 23 năm từ 1945 – 1968 để trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới (sau Hoa Kỳ) dù đất chật người đông, hầu như không có tài nguyên, lại hay bị động đất, sóng thần và bão lớn. Bí quyết duy nhất của họ chỉ có là: đầu tư cho khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh Nhật Bản, những quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ bé khác tại châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong và Singapore, dù không phát triển ấn tượng bằng nhưng cũng đã đạt thành tích tăng trưởng đáng kinh ngạc, được thế giới kính nể và xếp vào hàng “mãnh hổ châu Á”; thiên nhiên của các nước này cũng cực kỳ nhiều bất lợi.

Các công ty có trụ sở đặt tại Khu công nghệ cao Tân Trúc, Đài Loan mỗi năm tạo ra giá trị hàng trăm tỷ USD.

Sa vào cạm bẫy

Dù đã có quá nhiều bài học, song dường như Việt Nam lại đã bước theo “dấu chân thất bại” thay vì viết tiếp những “câu chuyện thành công”. Sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PVN dưới thời các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, … là ví dụ đầy “cay đắng”. Đã có thời chúng ta vô tư hút dầu lên bán, thậm chí còn hồn nhiên lấy chỉ tiêu “xuất khẩu dầu thô năm nay đạt bao nhiêu tỷ USD, tăng bao nhiêu % so với năm trước” để làm thành tích báo cáo Quốc hội và “tự thỏa mãn” về tốc độ tăng trưởng GDP – vốn không quá khó để nhào nặn. Bán tài nguyên để thu về ngoại tệ thực chất cũng giống như bán máu, song chúng ta đã không biết nâng niu, trân trọng những đồng tiền “khó nhọc” ấy: thay vì sử dụng thật tốt để đầu tư đổi mới, nâng cấp, phát triển kỹ nghệ trong nước, hay chí ít cũng là cải thiện năng lực hóa lọc dầu để có thể tực túc năng lượng thì các lãnh đạo, tư lệnh ngành của chúng ta lại phiêu lưu “đánh quả”, phung phí đem tiền “rải” khắp trong và ngoài nước cho những khoản đầu tư trái ngành, lập nên các công ty con hay liên doanh “ma” – sau này thua lỗ, để lại khoản nợ lớn gấp vài chục lần vốn chủ sở hữu và không có khả năng thu hồi.

PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT chỉ là một công ty con do PVN dưới thời ông Đinh La Thăng quản lý và gây thua lỗ, thất thoát trầm trọng.

Giá như các lãnh đạo của chúng ta học được, dù chỉ một phần tinh thần trách nhiệm của người Nauy – nước xuất khẩu dầu lớn trong top 10 của thế giới – khi họ luôn ý thức rằng: một đồng của ngày mai sẽ không giá trị như một đồng của hôm nay (vì trượt giá), và hoạt động khai thác xuất khẩu tài nguyên, về bản chất chính là vay nợ của các thế hệ tương lai. Do đó, thay vì thoải mái chi tiêu nguồn ngoại tệ thu được từ bán dầu mỏ, Na Uy đã thông qua một đạo luật để chuyển phần lớn số tiền vào quỹ “lợi ích quốc gia”, thực hiện các vụ đầu tư trên khắp thế giới như mua cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản tại các thị trường nước ngoài hấp dẫn, tăng trưởng nhanh. Việc đầu tư khôn ngoan và quản lý có hiệu quả đã khiến tài sản của quỹ này tăng trưởng nhanh chóng, vừa cán mốc 1000 tỷ USD (năm 2017) – trở thành quỹ đầu tư tài sản nhà nước lớn nhất thế giới. Người dân Nauy hôm nay được hưởng chế độ chăm sóc y tế, giáo dục và trợ cấp tốt nhất thế giới, gần như hoàn toàn miễn phí, ngay đến cả nhà tù tại đây cũng cực kỳ “êm ái” và nhân văn, đó là nhờ các thế hệ lãnh đạo của họ đã luôn sống, suy nghĩ và hành động “vì dân” như thế.

Chỉ với 5 triệu dân, Nauy có trữ lượng tài nguyên trên đầu người thuộc loại cao nhất thế giới, tuy nhiên họ đã sử dụng nguồn lợi này thật khôn ngoan và hiệu quả, tiết kiệm từng đồng nhờ bán dầu mỏ biển Bắc.

Nhà tù “êm ái nhất thế giới” ở Nauy, nơi phạm nhân và quản ngục cùng chơi game. Liệu đây có còn là nhà tù?

Còn nước còn tát

Dẫu đã muộn để Việt Nam có thể giống như Nauy vì các nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao của đất nước như than đá và dầu mỏ sắp cạn kiệt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có khả năng sửa sai và thoát khỏi lời nguyên tài nguyên để tiếp bước Hàn Quốc, Đài Loan nếu biết thay đổi tư duy và tiến hành đổi mới thể chế một cách triệt để – nhiệm vụ không hoàn toàn là bất khả thi. Trước mắt, hãy quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững hơn, thậm chí không phải cần đến chúng nữa. Phương thuốc quan trọng nhất phải là tăng cường tính minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong một môi trường … mà thách thức lớn nhất lại chính là những vấn đề nằm trong nội tại, khi mà lòng tham và sự bất minh hãy còn ngự trị.

(Theo butdanh)

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness