TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 80
  • Hôm nay: 994
  • Tháng: 7733
  • Tổng truy cập: 5141052
Chi tiết bài viết

Mời đọc bài đặc biệt của Bác sĩ Nha khoa PHAN THÀNH HẢI VŨ TRỤ ÐANG SỐNG.

VietPress USA giới thiệu:

Thưa quý đọc giả và thân hữu xa, gần;

Hằng ngày chúng ta đang sống, ăn uống, hít thở, vận động, vui chơi, ngủ nghỉ, suy tư, yêu ghét ... nhưng mấy ai trong chúng ta hiểu được rõ ràng sự tuần hoàn của cơ thể ra sao, từng bộ phận của cơ thể làm nhiệm vụ gì... nếu chúng ta không phải là nhà chuyên môn về cơ thể học hay là một Bác Sĩ!

VietPress USA vừa nhận được bài viết rất hay, rất mạch lạc và dễ hiểu của Bác sĩ Nha Khoa PHAN THÀNH HẢI tại San Jose gởi đến trình bày cặn kẻ, dễ hiểu về sự hoạt động của từng bộ phận trong cơ thể mỗi chúng ta để ràng buộc lại với nhau tạo ra sự sống của mỗi người!

Nhưng điều kỳ diệu hơn, từ căn bản của sự sống, Bác sĩ Nha khoa PHAN THÀNH HẢI đã mở rộng ra phần triết lý rất tuyệt vời của cõi tâm linh mà Đức Phật truyền dạy cho chúng sinh.

Nhân Mùa Đại Lễ Phật Đản 2537 năm 2013, VietPress USA hân hạnh đăng tải bài viết rất hay của Bác sĩNha khoa PHAN THÀNH HẢI để mọi người có dịp đọc, hiểu và nghiên cứu.

Trân trọng,

Ký giả HẠNH DƯƠNG.

VietPress USA.

San Jose, 21-4-2013.

        ******

VŨ TRỤ ÐANG SỐNG

Image result for Mời đọc bài đặc biệt của Bác sĩ Nha khoa PHAN THÀNH HẢI VŨ TRỤ ÐANG SỐNG.

Bác sĩ Nha khoa PHAN THÀNH HẢI

Ðôi khi chúng ta tự hỏi: Sự nuôi sống cho cơ thể của chúng ta hoạt động như thế nào? Ngoại trừ những người học về ngành y, phần đông chúng ta còn mù mờ về vấn đề nầy lắm. Chắc rằng trên con đường tiến đến giác ngộ giải thoát, chúng ta cũng cần nên tìm hiểu về cơ thể của chúng ta hoạt động như thế nào. Sau đây chúng ta cùng nhau khảo sát sơ lược về hoạt động của cơ thể gọi là chu trình biến dưỡng tuần hoàn:

- Ðầu tiên khi chúng ta ăn thì cần hàm răng nghiền nát thức ăn, trong nước bọt có tiết ra vài phân hóa tố để làm cho thức ăn dễ tiêu hóa.

- Sau đó đồ ăn thức uống được nuốt vào dạ dày. Ở đây dạ dày nhồi bóp cho thức ăn rã ra. Dạ dày và túi mật lại tiết ra thêm vài phân hóa tố làm cho thức ăn tan ra cuối cùng thành chất lỏng sền sệt. Kế tiếp chất lỏng đó được đưa xuống ruột non. Ở ruột non có những nếp gấp và ống nhỏ hút dưỡng chất trong chất lỏng đó vào cơ thể. Còn lại những chất xơ trong chất lỏng sền sệt đó được đẩy xuống ruột già thành phân tống ra ngoài theo đường hậu môn.

- Dưỡng chất trong các ống nhỏ đó được hút tập trung vào Tĩnh Mạch Cửa (Portal Vein) để đưa dưỡng chất vào trong gan. Gan có nhiệm vụ lọc những chất độc trong dưỡng chất và phân tích dưỡng chất thành những chất bổ nuôi cơ thể.

- Sau khi đi qua Gan, những chất bổ đó được đưa ra Tĩnh Mạch Chủ dưới (Inferior Vena Cava) để đưa lên Tim. Trên đường đi, Tĩnh Mạch chủ dưới đi ngang qua hai Trái Thận. Máu từ hai Trái Thận được đưa ra theo Tĩnh Mạch Thận phải và Tĩnh Mạch Thận trái rồi nhập vào Tĩnh Mạch Chủ dưới. Máu nầy đã được Thận lọc rồi nhưng là máu đen vì hồng cầu có chứa khí Carbonic (CO2). Tất cả những chất bổ dưỡng và máu đen trong Tĩnh Mạch Chủ dưới được đưa lên Tim vào trong Tâm Nhĩ phải. 

Tim là một khối cơ thịt to gần bằng nắm tay có bốn ngăn. Trong Tim có vách ngăn lớn ngăn Tim từ trên xuống dưới thành 2 phần phải và trái. Phần bên phải lại có những Valve Tim chia thành 2 ngăn. Ngăn nhỏ ở trên gọi là Tâm Nhĩ phải; ngăn lớn ở dưới gọi là Tâm Thất phải.

Phần bên trái của Tim cũng có những Valve chia thành 2 ngăn gọi là Tâm Nhĩ trái và Tâm Thất trái.

- Khi máu đen và các chất bổ dưỡng được đưa vào Tâm Nhĩ phải rồi chúng được hút xuống Tâm Thất phải:Các Valve phân chia Tâm Nhĩ và Tâm Thất được mở ra cho máu chảy từ Tâm Nhĩ xuống Tâm Thất; đó là thời kỳ Trương Tâm.

Kế đó, là thời kỳ Thu Tâm tức là Tim bóp lại. Các valve phân chia Tâm Nhĩ và Tâm Thất sẽ đóng kín lại. Hỗn hợp máu đen và các chất bổ dưỡng ở trong Tâm Thất phải được tống qua Phổi theo ống Phổi (Pulmonary Trunk).

- Trong hai trái Phổi, máu đen sẽ thành máu đỏ vì hồng cầu nhả khí Carbonic ra theo hơi thở thoát ra ngoài và hồng cầu kết nạp khí Oxygen (O2) từ không khí hút vào.

- Sau đó máu đỏ và các chất bổ dưỡng theo các Tĩnh Mạch Phổi được hút trở lại Tim, rồi chúng được đầy xuống Tâm Thất  trái trong thời kỳ Trương Tâm.

Tới thời kỳ Thu Tâm, các Valve ngăn Tâm Nhĩ và Tâm Thất đóng lại; Tim bóp đẩy máu đỏ và chất bổ dưỡng ra khỏi Tim bằng đường Ðộng Mạch Chủ (Aorta). Từ Ðộng Mạch Chủ, máu đỏ và những chất bổ dưỡng được phân tán đi khắp cơ thể để nuôi những Tế Bào của các bộ phân. Sau khi nuôi các Tế Bào rồi, máu đỏ trở thành máu đen; chất bổ trở thành chất cặn bã được thu gom theo các đường Tĩnh Mạch chảy xuống Thận.

Ở Thận, các chất cặn bã được lọc chảy xuống đựng ở Bàng Quang thành nước tiểu ra ngoài.  Máu đen ở Thận lại chảy vào Tĩnh  Mạch Chủ dưới đi tiếp tục chu trình tuần hoàn nuôi dưỡng cơ thể con người. 

Bây giờ chúng ta nhìn xem Tế Bào của các bộ phận hoạt động như thế nào? Ðơn giản là: Mỗi Tế Bào có màng Tế Bào bao bọc, bên trong Tế Bào có một Nhân, chung quanh nhân là chất lỏng có những Ty Lạp Thể. Màng tế bào có những lỗ nhỏ để chất bổ dưỡng gồm 3 thành phần là Chất Ðạm, Chất  Ðường và Chất Béo cùng với Máu gồm có Hồng cầu, Bạch cầu và Tiểu cầu đi ra, vô được.

Khi chất bổ dưỡng đi vào tế bào thì các chất đạm mới  sẽ thay thế các chất đạm cũ đã hư hoại; các chất đường được Oxy trong hồng cầu đốt  tỏa ra nhiệt  lượng để hâm nóng cơ thể và làm cho cơ thể có năng lượng để hoạt động. Nếu hoạt động nhiều quá thì chất béo bị phân tích thành chất đường để bị đốt cho ra thêm năng lượng. Nếu hoạt động it thì chất đường dư thừa sẽ đọng lại thành chất béo tạo nên những mô mỡ.

Khi Oxy đốt cháy chất đường thành than thì nó kết hợp với than đó thành Carbonic (CO2) bám trở lại hồng cầu ra khỏi màng tế bào. Các chất cặn bã cũng bị  thải ra khỏi tế bào cùng với máu đen theo đường tĩnh mạch xuống thận để thận lọc.

Ðến đây thì có nhiều người bất giác bỗng la lên “Chúng ta đang sống!”. Trong niềm phấn kích đó họ nhìn ra ngoài cữa thấy cây cỏ xanh tươi đang đâm chồi nẫy lộc, bướm bay chim hót thì lại la lên “Vũ trụ đang sống!”. Thật là hớn hở, hoan lạc! 

Bây giờ nếu chúng ta dùng kính hiển vi cực mạnh để xem trong nhân của tế bào thì ta thấy các vòng xoắn di truyền DNA và RNA. Vòng xoắn nầy kết hợp bởi các dây của những nguyên tử như Oxygen, Hydrogen, Nitrogen…

Nếu ta có kính hiển vi điện tử nữa thì ta có thể xem được cấu tạo của các hạt nguyên tử. Thành phần của một nguyên tử gồm có một nhân ở giữa, xoay vòng chung quanh nhân là những điện tử mang điện tích âm (Electron). Khoảng cách giữa điện tử với nhân nguyên tử tương đối rất xa. Ðiện tử có khối lượng cực nhỏ; có lẽ người ta không tìm ra loại nào nhỏ hơn nó nữa!

Trong nhân nguyên tử thường gồm 2 loại hạt là Dương điện tử (Proton) và Trung hòa tử (Neutron). Hai loại hạt nầy có khối lượng gần bằng nhau và lớn hơn âm điện tử khoảng chục nghìn lần.

Trung hòa tử không mang điện; còn Dương điện tử thì mang điện tích dương. Rọi vào một trung hoà tử hay Dương điện tử thì thấy nó được cấu tạo bằng 3 hạt căn bản gọi là Quark.

Tuỳ theo loại nguyên tử có nhiều hay it trong Trung hòa tử, Dương điện tử và âm điện tử mà thành ra các chất khác nhau. Trong thiên nhiên có khoảng hơn 100 chất, nhỏ nhất là chất Hydrogen có khối lượng “1,0079u” (u là đơn vị đo khối lượng của nguyên tử); vừa vừa thì có Carbon với khối lương 12.011u. Lớn nhiều thì có chất Uranium khối lượng 238.029u.

Sau nầy người ta tìm ra thêm những hạt nhỏ như Meson, Muon… cỡ bằng Electron nhưng khoa học ngày nay không biết thêm những hạt vật chất nào nhỏ hơn được nữa mà người ta nhận thấy rằng tràn đầy khắp vũ trụ là nguyên tử vật chất và thể loại khác là năng lượng.

Năng lượng thì có nhiệt năng, điện năng, động năng,quang năng, phóng xạ, nguyên tử… Ngoại trừ quang năng còn các loại khác thì vô hình nhưng chúng thật có trong vũ trụ.

Liệu có liên hệ nào giữa vật chất và năng lượng không?

Ðến đây thì ta gặp được phương trình nổi tiếng của nhà bác học Albert Einstein (1879 – 1955) là E = mc2.

E: Năng lượng, m : khối lượng của vật chất.

C: Vận tốc của ánh sáng (300.000Km/giây).

Như vậy theo phương trình nầy thì năng lượng và vật chất có thể hoán chuyển qua lại lẫn nhau. Nói cách khác năng lượng chính là vật chất hay vật chất chính là năng lượng. Vật chất chính là năng lượng kết tụ lại; còn khi vật chất rã ra thì phóng thích năng lượng.

Có gì chứng minh phương trình của Einstein là đúng không? 

Trong thiên nhiên ta thấy chất Uranium có khối lượng m =238.029u; sau nhiều năm phóng thích năng lượng, nó nhỏ đi thành chất Thorium có khối lượng m = 232.032u.

Vì thế người ta dùng những thanh Uranium để cung cấp năng lượng cho nhà máy điện nguyên tử và chạy Tàu Ngầm nguyên tử.  Ðó là để chất Uranium phóng thích năng lượng tự nhiên, nếu kích hoạt nó nổ thì một quả bom nguyên tử nhỏ có thể trong giây lát tàn phá cả một thành phố!

Ðức Phật mô tả vật chất và năng lượng là Sắc và Không.  Chữ KHÔNG viết hoa là chỉ cho năng lượng vì nó không hình dạng nhưng là thực thể tràn đầy trong vũ trụ. Chữ SẮC để chỉ vật chất có lẽ là từ ngữ đúng hơn vì từ KHÔNG kết tụ lại thành SẮC mà ta có thể thấy được chứ chẳng phải vật chất gì cả.

“SẮC chẳng khác KHÔNG; KHÔNG chẳng khác SẮC. SẮC tức là KHÔNG; KHÔNG tức là SẮC. Tướng KHÔNG của mọi thứ trong vũ trụ không sinh ra, không mất đi, không dơ không sạch , không tăng không giảm”…

(Ma Ha Bát Nha Ba La Mật Ða Tâm Kinh). 

Người ta thường thắc mắc sau khi chết đi liệu có còn gì nữa không hay Chết là Hết?

Ðến đây thì ta bắt gặp một phương trình khác của Einstein:

mo: Khối lượng của vật chất lúc ban đầu đứng yên.

m: Khối lượng của vật chất sau khi di chuyển.

v: Vận tốc của vật ấy.

c: Vận tốc của ánh sáng. 

Theo phương trình nầy, chúng ta nhận thấy là một vật khi di chuyển càng nhanh thì khối lượng của nó càng lớn hơn nhưng vận tốc của nó không thể nào bằng hay quá hơn vận tốc ánh sáng được vì như thế thì khối lượng của nó trở thành lớn vô cùng tận. Nói tóm lại trong thế giới nầy vận tốc của một vật không thể nào bằng hay lớn hơn vận tốc của ánh sáng được. Hay nói một cách khác là trong thế giới nầy vận tốc của ánh sáng là giới hạn không có vật gì có thể di chuyển nhanh hơn nó được.

Trong thực tế thì người ta cũng chưa tìm ra một vật gì có vận tốc nhanh hơn ánh sáng cả.

Ðến đây chúng ta có một suy nghĩ: Không gian vô tận, thời gian vô tận mà giới hạn vận tốc trong thế giới nầy chỉ có 300,000 km/giây đâu có là bao, muốn di chuyển từ thái dương hệ nầy qua thái dương hệ khác có khi mất cả triệu năm ánh sáng!  Vậy thì ngoài thế giới nầy có phải là có thế giới khác chăng? Chắc là phải có thế giới khác. 

Ðức Phật dạy rằng ngoài thế giới ta ở còn có nhiều thế giới khác gọi chung là Tam giới (3 cõi): Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới. Thế giới của chúng ta thuộc Dục giới. Các thế giới khác không ở đâu xa mà ở cùng một không gian với ta thôi nhưng là thế giới siêu hình thuộc dạng năng lượng khác với dạng năng lượng của thế giới chúng ta; đó là các tầng trời có những dạng năng lượng nhanh nhạy, vi tế hơn mà chúng ta không thấy được vì chúng thuộc những dạng năng lượng khác. 

Ðến đây chúng ta lại phát hiện ra một chân lý là KHÔNG CÓ HƯ KHÔNG! 

Vì tất cả các không gian tuy rằng mắt chúng ta không thấy gì nhưng đầy năng lượng tràn ngập ở đó thì làm gì có chỗ nào là hư không? 

Kinh Phật nói rằng toàn thể Vũ Trụ chỉ là một Bản Thể Chân Tâm duy nhất vô cùng tận. Muốn hiểu Bản Thể Chân Tâm ấy như thế nào, trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật dạy: 

“Nếu lấy hình tướng mà thấy ta,

Lấy âm thanh mà cầu ta,

Người ấy đi theo đường tà.

Không thể nào thấy Như Lai

(Bản Thể Chân Tâm) được”. 

Hán văn:

 “Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ âm thanh cầu ngã,

Thị nhân hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai”. 

Trong Kinh Hoa Nghiêm ngài Nhất Thiết Huệ Bồ Tát thừa oai lực của 

đức Phật quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:

       “Giả sử trăm ngàn kiếp

       Thường thấy đức Như Lai

(Đức Phật thị hiện là người có 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ)

Chẳng y chân thật nghĩa,

Mà quán đấng Cứu Thế.

Người nầy chấp lấy tướng,

Thêm lớn lưới mê lầm,

Giam trói ngục sinh tử,

Ðui mù chẳng thấy Phật”. 

Vậy thì như thế nào mới là thực tướng của Bản thể Chân Tâm (Như Lai, Ðấng Giác Ngộ, Phật, Chơn linh, Pháp Thân, Ðức Chí Tôn hay Thượng Ðế… tùy theo từ ngữ của các tôn giáo mà người ta gọi)?

Kinh Hoa Nghiêm giải là:

“Tánh KHÔNG tức là Phật

Cùng khắp mà bất động”. 

Aha!!!...Vậy thì Thật tướng của toàn thể vũ trụ là KHÔNG hay là Năng Lượng theo cách hiểu ngày nay.

        Trong Kinh Nhân Vương Bát Nhã chỉ rõ hơn:

“Phật hỏi vua Ba Tư Nặc lấy tướng gì để quán Như Lai?

Nhà vua đáp: Quán thật tướng thân, quán Phật cũng như vậy, không có quá khứ, hiện tại, vị lai, không trụ vào ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) cũng không lìa ba thời, không trụ vào năm uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) cũng không lìa năm uẩn, không trụ vào Tứ đại (đất, nước, lửa, gió: hiện tượng của Năng Lượng = KHÔNG) cũng không lìa Tứ đại, không trụ vào Lục nhập (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) cũng không lìa lục nhập, không trụ vào Tam giới (cọi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc) cũng không lìa Tam giới, cho đến không có kiến văn giác tri (thấy, nghe, hiểu, biết), tâm hành xứ diệt, ngôn ngữ đạo đoạn, đồng với chân tế, ngang với pháp tánh, tôi dùng tướng ấy mà quán thân Như Lai.

Phật nói: Nên như vậy mà quán, nếu khác vậy là tà quán”.

Khi chúng ta hiểu sâu về thực tướng của mọi sự vật trong vũ trụ (thực tướng của vạn pháp) thi sự tranh cãi từ lâu nay về duy tâm hay duy vật sẽ sáng tỏ hơn, có lẽ không cần tranh cãi nữa vì suy nghĩ cho kỹ thì tâm và vật cũng đồng một thể tánh.

Theo lý mà nói thì chúng ta luôn luôn ở trong Bản Thể Chân Tâm, nhưng vì mê lầm ràng buộc nên còn chịu nhiều đau khổ. Người nào giác ngộ được Vô Thượng Chánh đẳng, Chánh giác thì được tự do, tự tại, Niết Bàn an lạc sống trong Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. 

Thường là thường còn, hằng có không hư hoại. Lạc là luôn luôn an vui. 

Ngã là Chân Ngã, Bản Thể Chân Tâm. Tịnh là thanh tịnh.

Muốn được như vậy thì điều cần nhất của người Phật tử là phải “Phát Bồ Ðề Tâm” tức là lòng mong muốn chứng được Vô thượng chánh đảng chánh giác, giác ngộ rốt ráo. (Bồ Ðề: Giác Ngộ). 

Có người la lên: Thành Phật khó quá, làm sao tôi làm được!

- Chứ chẳng lẻ cứ phải chịu đau khổ, mê lầm hoài sao? Tuy khó nhưng đi hoài cũng tới. Phải phát tâm muốn được giác ngộ, giải thoát thì cũng có ngày được thôi. Còn không phát tâm cầu giác ngộ thì cũng như sống trong đêm dài mãi mãi tăm tối, u mê đau khổ triền miên, trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi, không biết đến ngày nào mới thấy được ánh sáng an vui vì không biết và muốn thoát ra!

Chúng ta đều biết rằng người nào đam mê, thích muốn điều gì thì cố công thực hành đeo đuổi mãi cũng có thể thành được mà. Kinh Hoa Nghiêm dạy:

               “Nhược nhân dục liễu tri,

Tam thế nhất thiết Phật.

Ưng quán pháp giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo”.

Dịch nghĩa:

               “Người nào muốn hiểu rõ,

Tất cả các vị Phật ở trong ba thời.

 (Quá khứ, hiện tại, vị lai)

Thì nên suy tư, quán sát hình tướng,

Tánh chất của thế giới vũ trụ nầy,

Tất cả đều do Tâm của chúng sanh tạo ra”. 

Kể cũng lạ là điều an vui sung sướng nhất là Vô thượng chánh đẳng chánh giác có được đủ thứ như ý thường còn, giải thoát được mọi đau khổ mà không cầu, chỉ tìm cầu mấy thứ vớ vẩn dục lạc tầm thường mau tàn lụi, ẩn chứa nhiều ác độc, nhơ bẩn, đau khổ ràng buộc lại cứ mê muội nhắm tới.

Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật khuyên chúng ta rằng:” Các ngươi không nên ưa ở trong nhà lửa tam giới, chớ có ham mê các món sắc, thanh, hương, vị, xúc thô hèn, nếu tham mê ắt sanh ái nhiễm thì sẽ bị nó đốt. Các ngươi mau ra khỏi ba cỏi sẽ được chứng ba thừa: Thanh Văn, Duyên Giác, và Phật Thừa.”

Trong kinh Di Giáo, Đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau:

“Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói chánh pháp ích lợi đưa đến cứu cánh rốt ráo. Các thầy chỉ còn nổ lực mà thực hành…Hãy tự mình cố gắng thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích mà sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” 

Tuy vậy, phàm phu chúng ta còn nhiều mê lầm, ái dục nên tự mình tìm giác ngộ cũng khó nên Đức Phật Thích Ca dạy chúng ta nên niệm hồng danh đức Phật A-Di-Ðà: “Nam Mô A-Di-Ðà Phật” và phát nguyện cầu vãng sanh Tây Phương Tịnh Ðộ cùng với phát Bồ Ðề Tâm là con đường giác ngộ giải thoát ngắn nhất.

Còn những ai có nhiều trí huệ thì siêng năng nghiên cứu kinh điển, giới luật, luận tạng và tìm cầu thiện trí thức, thầy dạy mà học tập và thực hành thêm thiền định thì càng hay hơn nữa (Thiền tịnh song tu). Biết đâu có ngày nào đó trong tương lai gần quý vị có được Thiên Nhãn hay Huệ Nhãn có thể thấy được các cõi khác lại còn có thể đến đi qua lại các cõi ấy một cách tự do tự tại rồi chứng được Viên Thông và Pháp Thân là đạt đến cứu cánh tuyệt đối, giải thoát khỏi mọi đau khổ ràng buộc ép ngặt để được sống trong an lạc hoàn toàn.

Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa Đức Phật thọ ký (báo trước) cho tất cả chúng sanh chúng ta sẽ có ngày thành Phật cả mà:

        “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành.”. 

Bác sĩ PHAN THÀNH HẢI

_______

Tài liệu tham khảo: Các kinh Phật giáo đã trích dẫn ở trên.

-  Luận “Bảo Vương tam muội Niệm Phật trực chỉ” do Sa môn Diệu Hiệp 

   soạn bằng Hán văn, Minh Chánh dịch ra Việt ngữ.

-  Grant’s ATLAS of Anatomy, Tác giả J.C. Boileau Grant, Fifth Edition.

-  Physics for Scientists and Engineers; 

   Tác giả Douglas C., Giancoli, Second Edition. 

_________________________

Bác sĩ Nha Khoa PHAN THÀNH HẢI,

Ðang hành nghề tại

LEXANN SMILE DENTAL,

1569 Lexann Ave. #108, San Jose, CA 95121.

Email: halfofdemon@yahoo.com

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness