TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 10
  • Hôm nay: 162
  • Tháng: 5645
  • Tổng truy cập: 5150910
Chi tiết bài viết

Nhà ven sông tình người mênh mông

Cứ cách đôi ba tháng là bà già lại tay xách nách mang lủ khủ những bọc bị đựng đồ xứ biển đi thăm con gái với cháu ngoại. Tiếng đi thăm con thăm cháu chớ những thứ bà đem theo toàn là khô với mắm - thứ mà “thằng người dưng” hễ ăn là “mắc ngây”. Có gì đâu, chỉ là vài keo mắm tôm, mắm cá chua - mặn đủ kiểu; vài loại khô “vụn vặt” mà có đỏ mắt cũng không tài nào tìm thấy ở các cửa hàng ngoài chợ tỉnh. Vụn vặt là theo lời bà, chớ mấy món đó nên gọi là mấy “món nhớ đời”, dù chỉ một lần lỡ miệng ăn thử.

Rồi lâu thấy không về, “ở dưới” lại điện lên: Mùa này ghe đáy ra vô nhiều, mực, cá tươi rói. Dư mồi nhưng thiếu người, nhậu chán thấy bà! Đó là kiểu “nhắc khéo” từ cậu em, từ khi người chế duy nhất của mình bị rinh đi khỏi cái xứ có tên là Rạch Gốc. Mỗi năm chỉ về đúng hai lần: một lần vào mùng 2 Tết, lần còn lại là khi đám giỗ ông già. Mà, có xa xôi gì đâu, đường sá giờ đã liền mạch, xe gắn máy mất chưa đầy hai tiếng đồng hồ đã tới nơi. Đâu còn cách trở đò giang để mà viện cớ khước từ!

Không chút cường điệu khi nói rằng: ở hai bên bờ sông Rạch Gốc đều là bà con bên vợ, không gần thì cũng xa. Gần gũi với nhau từ thời cả xứ còn được gọi là xóm Kiến Vàng, xóm Rạch Gốc nên dẫu chẳng dây mơ rễ má gì với nhau thì cũng hóa ra cật ruột. Kể chuyện xưa, khó xác minh dễ bị cho rằng sáng tác, thôi thì nói chuyện gần, dễ kiểm chứng hơn: bà cô vợ từng được thầy giáo Hiển giác ngộ cách mạng trước khi thầy bị Pháp xử bắn. Bà cô mới mất cách nay vài năm. Hồi vở cải lương Bão biển do đoàn cải lương của tỉnh lưu diễn tại đây, đã gây nên một cơn bão khác. Lý do: là làm gì có chuyện bà cô với thầy giáo Hiển từng yêu nhau say đắm. Tội nghiệp ông trưởng đoàn, phải đi đến từng nhà để thanh minh: đó là trong cải lương, mà cải lương là nghệ thuật, nghệ thuật thì phải có hư cấu. Khổ nỗi, dân chẳng ai biết nghệ thuật hay hư cấu là gì. Cuối cùng nhờ một anh trong đoàn nhanh trí, nhanh miệng giải thích hư cấu là... nói dóc. Tụi bây nói dóc dở ẹc, đáng bị phạt rượu! Nghe được câu này, cả đoàn mới thở phào vì biết mình thoát nạn. Thoát nạn nhưng cả tuần sau mới được tha bổng trở về tỉnh, sau khi phải thanh toán hết mấy can rượu ở nhà một bậc cao niên nhất của xứ biển.

Kiểu nhà sàn ven sông
đặc biệt thích nghi với khí hậu, con nước. Nằm áp trên sàn nhà gió trời thay cho quạt máy, điều hòa; tiếng sóng róc rách vỗ dưới lưng, xung quanh là xạc xào tiếng lá của rừng ngập mặn... tưởng mình đã vuột khỏi sợi dây thị thành bụi bặm trói buộc và chạm đến cõi tự do bấy lâu thèm khát.

Nhân nhắc đến rượu xin lan man thêm về nhậu. Đã bước vào nhà bất kỳ của một người dân Rạch Gốc thứ thiệt nào, chắc chắn khách sẽ được mời rượu. Nếu không thì chắc đã có điều gì lầm lẫn, hoặc khách chưa thiệt tình hoặc chủ không phải là dân Rạch Gốc chính hiệu! Ở miệt rừng giáp biển này, nam nữ phụ lão gì tửu lượng cũng thần sầu. Bà cô vợ hồi còn sống, mỗi lần đi đám tiệc là thế nào cũng phải cụng ly một lượt giáp vòng khắp các mâm, uống mỗi mâm một ly. Dâu con cằn nhằn “má lớn tuổi rồi, uống chi cho dữ” thì bà phẩy tay trả lời “uống để cho biết mình còn sống!”. Rượu vào, bà lại vỗ tay bắt nhịp cho cả đám cùng đồng ca bài Nam bộ kháng chiến. Đám tiệc xong, bà lại thủng thẳng lội bộ về nhà. Đến tối lại thấy ngồi lựa cá từ ghe đáy hàng khơi chở vào đổ ở cái chòi trước nhà, tỉnh queo như chưa từng uống rượu. Tôi cũng từng “đụng trận” bà cô một lần. Sau khi cưới vợ, hai vợ chồng dắt nhau tới nhà bà để chào hỏi vừa để biết mặt bà con dòng họ, nhưng cũng vì tỏ ý kính trọng với một trong những bậc cao niên còn lại của cả xứ. Vừa tới cửa nhà là tôi đã choáng váng. Cả gian nhà trước ngồi chật kín. Chẳng biết ai báo tin mà bà đã tập hợp hết con cháu trong nhà, chính giữa đặt ngất ngưởng một can rượu trắng. Toan lên tiếng chào hỏi thì bà đã xua tay, “nhiều lắm, có giới thiệu bây cũng không nhớ hết đâu. Uống mỗi người một ly cái đã!”. Chưa “chuyền nhông” được nửa vòng, tôi đã bò lê bò càng, chẳng giữ ý giữ kẽ gì nổi nữa, bèn lăn ra sàn nhà nằm thẳng cẳng tới chiều. Khi tỉnh dậy, cả nhà chỉ còn bà cô với người dâu út. Còn lại, thanh niên trai tráng thì xuống ghe ra biển, phụ nữ thì đi phụ vá lưới, lựa cá, phơi khô ở các chòi lưới trong xóm. Can rượu mười lít đã trống không. Thấy tôi thất kinh nhìn can rượu, bà cô nói như phân trần, “thằng cháu rể mầy đừng hiểu lầm là cả gánh bên vợ này ham ăn nhậu, chỉ là mượn rượu cho ấm lòng mà thôi”. Nói xong, bà thẫn thờ đưa mắt nhìn ra hướng cửa sông. Lúc đó tôi cũng chẳng hiểu hết ý tứ trong lời nói của bà cô vợ. Sau này, nghe kể lại mới rõ, hồi bão số 5, người rể với hai người con trai của bà đã vĩnh viễn nằm trong lòng biển. Tửu lượng cao nhưng ít người ở đây bê tha vì rượu. Rượu chỉ là cái cớ để sum họp giữa những người còn sống với những người đã vĩnh viễn không về và cả để dằn nén cái giá buốt trong lòng người ở lại.

Sau này, mỗi lần về, biết tôi uống không được nhiều nên cũng chẳng ai ép nữa, chỉ cần ngồi đó cho đủ kha. Thỉnh thoảng cụng ly dô dô cho có khí thế rồi cầm đũa phá mồi. Cậu em vợ biết vậy, nên mỗi lần ông anh rể có mặt là chuẩn bị ít món “quê mùa” cho tôi dùng tạm. Tới hồi dọn ra mới biết mấy món mà cậu em vợ gọi là quê mùa thì hóa ra toàn là đặc sản thứ thiệt: hàu mới đục ở cống vuông, cá nâu con nhỏ nhất cũng bằng bàn tay người lớn còn giãy đành đạch, đôi ba con cá mú cỡ cổ tay mới xổ vuông hồi đêm nhỏ quá bán không ai mua... Thấy tôi bần thần, cậu em vợ thiệt thà, tưởng đâu ít mồi nên trấn an “dạo này vuông thất nên cực ăn, một lát tui giở cống bắt thêm vài ký ghẹ với cua gạch là đủ anh em mình ăn thoải mái. Tôi lắp bắp, “cỡ này, vô nhà hàng mà đem theo triệu bạc là phải cầm thêm điện thoại chưa chắc đủ trả! Anh em mình làm sao ăn hết?”. Tôi băn khoăn cầm đũa dằn lòng phàm tục. “Anh khỏi lo, kiếm người phá mồi dễ lắm”, nói rồi cậu em ra trước cửa, bắt loa tay hú dài về phía bên kia rừng đước. Lập tức có tiếng hú đáp lại. Lát sau đã thấy vài ba mũi vỏ nhô ra ở khúc quanh con kinh trước mặt nhà. Mấy anh chị em bà con bên vợ tôi nhanh chóng cặp bến. Mỗi người đến không quên xách tòn ten theo ít mồi quê để bổ sung thực đơn đãi khách. Ai cũng phân trần rằng anh về mà không cho hay trước, nên chỉ có chút đỉnh góp phần cho vui. Cái chút đỉnh của họ là mớ tôm tít cỡ bắp tay, xâu thòi lòi, vài con cá mao “ở đây ăn phát ngán” - nếu mấy chủ quán nhậu thủy hải sản tôi thường la cà nhìn thấy chắc phải tủi thân mà dẹp tiệm sớm.

Không gì sảng khoái cho bằng sau cuộc rượu nơi xứ rừng giáp biển này, cứ ngả lưng thẳng xuống sàn nhà. Kiểu nhà sàn ven sông ở đây đặc biệt thích nghi với khí hậu, con nước. Nhà nào có tiền thì đổ cột bằng bê tông, không thì cặm cột đước, trên lót ván đước được bào nhẵn, lâu ngày láng bóng đến mức soi thấy mặt người. Mùa nắng, gió lùa thốc từ dưới lên qua kẽ ván cứ mát rười rượi. Mùa nước lên, nhờ kẽ ván nên nếu có ngập thì... cứ bình tĩnh chờ nước rút rồi rửa ráy quét dọn là xong. Nằm áp trên sàn nhà gió trời thay cho quạt máy, điều hòa; tiếng sóng róc rách vỗ dưới lưng, xung quanh là xạc xào tiếng lá của rừng ngập mặn... tưởng mình đã vuột khỏi sợi dây thị thành bụi bặm trói buộc và chạm đến cõi tự do bấy lâu thèm khát.

Một người bạn phương xa của tôi lần đầu tiên đặt chân đến miệt rừng biển, vừa từ mũi tàu bước lên bờ đã tinh ý phát hiện người xứ này hình như lẫn lộn giữa âm r và d. Một điều nữa, là giọng rất khỏe, đến mức khiến giật cả mình. Cứ ngỡ bạn đang phê phán về văn hóa của cả một vùng đất nhưng sau đó, tôi thở phào khi nghe bạn thích thú tự lý giải “miền Tây mình đi nhiều nhưng hiếm thấy nơi nào còn giữ được đặc trưng như ở đây! Phải chi có thời gian, mình sẽ xin được làm ngư phủ cùng bà con lênh đênh trên biển để thấm thía cái cảnh ăn sóng nói gió theo nghĩa đen như lời đồn đại!”.

Tuy không được thỏa lòng làm ngư phủ nhưng bạn cũng đã có thời gian “thâm nhập thực tế” tương đối... qua các cuộc rượu cùng dân miệt rừng biển Rạch Gốc. Tửu lượng bạn không phải tầm thường nhưng cũng lên bờ xuống ruộng với cánh phụ nữ ở chòi vá lưới. Nhờ “uống được” nên bạn lại phát hiện thêm dân ở đây vừa chịu chơi vừa bình đẳng. Hễ vào mâm là bất phân giới tính, thứ bậc, ai uống nhiều thì hãy xả láng; ai uống ít thì cứ cầm chừng mà không sợ bị bắt lỗi; sơ thì cũng thành thân; có hiềm khích gì cũng mau chóng được hóa giải sau vài ba lần cụng ly đánh chóc. Bạn khoái nhất cậu em vợ tôi, khi mới uống được vài ly thì xin kiếu đi đắp lại bờ vuông ngừa con nước đêm lên cao, để tôm tép khỏi ra ngoài. Nhậu mà không bỏ bê chuyện làm ăn đúng là đáng nể! Bạn tấm tắc. Tàn cuộc nhậu, khi chia tay, vợ chồng cậu em vợ còn gói ghém cho bạn mớ quà cây nhà lá vườn: con cá khô chét ướp muối, vài xâu tôm đất phơi khô, keo ba khía muối về làm quà cho gia đình.

Sau này, thỉnh thoảng bạn lại điện xuống nhắc về cuộc rượu ở nhà sàn lần đó. Lần nào bạn cũng rưng rưng vì cái tình mình đã may mắn nhận ở ngôi nhà ven sông nhưng tình người mênh mông lần đó. Tôi tin bạn - một người dưng nhưng thật lòng vẫn muốn quay trở lại, không phải vì “chuyện ăn nhậu”. Mà phải là một món gì khác, mặn mòi - réo rắt đến mức không đâu có thể đãi bạn được. Rồi cứ vào mùa gió mưa sạt lở hay cuối năm trở chướng, nước dâng cao, bạn lại thảng thốt qua điện thoại “bà con mình có làm sao không?”. Cứ như lâu rồi, bạn đã xem nơi ấy chính là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Biết không thể vòng vo nên tôi phải mượn lời của cậu em vợ để đáp lại cho bạn yên tâm rằng “xứ này bao đời nước vẫn mặn, rừng vẫn xanh, mới có bao nhiêu đó thì “nhằm nhò” gì!”.

Nhưng chắc gì mùa chướng năm nay, khi nhìn ngấn nước mới vừa đánh dấu trên thân mắm trước nhà, cậu em tôi đã hết phập phồng lo!

Lê Minh Nhựt

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness