TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 55
  • Hôm nay: 450
  • Tháng: 7189
  • Tổng truy cập: 5140508
Chi tiết bài viết

Nhật Bản điều chỉnh chính sách đối với Đông Nam Á

Trước đây, vai trò của Nhật Bản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu mới chỉ dừng lại ở cung cấp viện trợ để hỗ trợ các nước trong khu vực phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một cách để Nhật Bản bù đắp, chủ yếu là về kinh tế và phát triển nói chung, cho những tổn thất to lớn mà nước này đã từng gây ra trong quá khứ đối với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay tình hình Nhật Bản đang có những thay đổi. Dân số Nhật Bản ngày càng già hóa. Kinh tế - xã hội Nhật Bản bước vào giai đoạn phải có những điều chỉnh căn bản.

Bước vào đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản mở rộng vai trò của mình ra các lĩnh vực khác, kể cả quốc phòng - an ninh, trong đó nổi bật nhất là việc Nhật Bản đang dần trở thành nước cung cấp ngày càng nhiều viện trợ cho Đông Nam Á trong một số vấn đề an ninh, như thực thi pháp luật trên biển và can dự sâu hơn vào các vấn đề an ninh khác. Nhật Bản cũng có tiếng nói ngày càng mạnh mẽ trong việc duy trì trật tự, cấu trúc an ninh khu vực và luật pháp quốc tế. 

Kể từ khi ông Sin-dô A-bê trở lại nắm quyền Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai (tháng 12-2012), sự điều chỉnh chính sách của nước này đối với các vấn đề an ninh khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng ngày càng rõ nét, mạnh mẽ hơn và đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Những điều chỉnh này được dự báo sẽ có những tác động lâu dài và to lớn. Những thay đổi trong chính sách và sự cam kết của Nhật Bản ở khu vực rất đáng để các nước trong và ngoài khu vực quan tâm theo dõi.

Biển Đông trong chính sách của Nhật Bản

Theo đánh giá của chính giới và giới học giả Nhật Bản, môi trường an ninh khu vực, đặc biệt là xung quanh đất nước Nhật Bản, đang xấu đi rõ rệt; tương quan lực lượng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, trong đó thành tựu khoa học - công nghệ ngày càng lớn, thách thức an ninh phi truyền thống không ngừng gia tăng. Nhật Bản tỏ ra đặc biệt lo ngại việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động thách thức trật tự khu vực, tập trung ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc đã tăng chi phí quốc phòng lên tới 400% trong 10 năm trở lại đây và tăng tới 4.000% trong 26 năm qua. Trong khi đó, tính đến năm 2012 Nhật Bản lại giảm chi phí quân sự và chỉ mới bắt đầu tăng chi phí quốc phòng từ năm 2013 đến nay.

Trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản cho rằng không một quốc gia nào có thể tự mình duy trì hòa bình, ổn định hay giải quyết có hiệu quả các thách thức đặt ra, vì thế nước này ngày càng coi trọng việc phối hợp và hợp tác với các đối tác, đồng minh; sẵn sàng tham gia các biện pháp an ninh tập thể và gìn giữ hòa bình quốc tế (PKO) để bảo đảm hòa bình, ổn định. Tại Hội nghị Sang-gri La diễn ra ở Xin-ga-po (năm 2014), Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã cam kết “để đóng góp nhiều hơn nữa, tích cực hơn nữa cho hòa bình, ổn định ở châu Á, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tối đa cho các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”(1).

Trước đó, tháng 12-2013, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó xác định rõ: Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản, là nhân tố cốt lõi trong chính sách an ninh và đối ngoại của Nhật Bản. Trong triển khai chính sách đối với Biển Đông, Nhật Bản đặt niềm tin vào luật pháp và các chuẩn mực quốc tế đã được định hình trong 70 năm qua và ủng hộ sự cân bằng chiến lược tồn tại ở khu vực Đông Á. 

Điều chỉnh chính sách đối với Đông Nam Á nhằm nâng cao vị thế ở Biển Đông

Những năm qua, để nâng cao vai trò, vị thế của mình ở Biển Đông, Nhật Bản từng bước gia tăng sự hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; điều chỉnh hàng loạt chính sách đối với các nước ASEAN ở bốn khía cạnh chủ chốt:

Một là, nâng cấp vấn đề cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai (HA/DR) trong chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ cuối năm 2013 đến nay, liên minh Mỹ - Nhật Bản đã quyết định nâng cấp vấn đề HA/DR thành một bộ phận quan trọng trong chiến lược đối với châu Á - Thái Bình Dương, và Biển Đông là trọng tâm của chiến lược này. Theo đó, Nhật Bản và Mỹ từng bước xây dựng một chính sách riêng về HA/DR đối với châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng triển khai nhiều nghiên cứu để đánh giá, tìm hiểu nhu cầu đào tạo, huấn luyện của các nước trong khu vực; từng bước đưa ra các gói hỗ trợ các nước ASEAN trong việc nâng cao nhận thức về biển, đảo, nâng cao các năng lực về thực thi pháp luật và cứu hộ cứu nạn trên biển. Mỹ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đã tiến hành các cuộc trao đổi, hội thảo cấp khu vực về những vấn đề liên quan tới HA/DR, như xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của quân đội, để các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân đạo... có thể tham gia cùng các lực lượng Mỹ, Nhật Bản trong quá trình cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hai là, điều chỉnh, sửa đổi chính sách viện trợ phát triển chính thức (ODA). Trước đây, theo điều lệ sử dụng ODA, ODA của Nhật Bản chủ yếu phục vụ các mục đích dân sự, như phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng... Những năm gần đây, do yêu cầu cấp bách khi tình hình thay đổi, Nhật Bản đã tiến hành sửa đổi điều lệ sử dụng ODA theo hướng sử dụng ODA để đóng góp cho hòa bình, ổn định của cộng đồng quốc tế và phục vụ lợi ích của Nhật Bản với ba trụ cột: 1- Tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi; 2- Hỗ trợ các nước đang phát triển trong khu vực phát triển cùng Nhật Bản; 3- Thúc đẩy an ninh con người và tăng cường lòng tin vào Nhật Bản.

Điều lệ sử dụng ODA sửa đổi cho phép Nhật Bản linh hoạt hơn trong việc sử dụng ODA hỗ trợ cho các dự án liên quan tới quốc phòng. Các nước nhận ODA (có liên quan tới các lĩnh vực quân sự - quốc phòng) chỉ cần cam kết không sử dụng ODA cho các mục đích quân sự, các dự án viện trợ sẽ vẫn diễn ra bình thường. Như vậy, mức độ nới lỏng đã được triển khai ở mức khá cao so với trước đây. Tuy nhiên, Nhật Bản tiếp cận vấn đề này cũng khá thận trọng để bảo đảm tính hiệu quả, hạn chế sự nhạy cảm của vấn đề này.

Ba là, sửa đổi chính sách kiểm soát xuất khẩu. Nhật Bản cũng rà soát lại và điều chỉnh nhiều quy định trong chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với một số mặt hàng trang thiết bị và công nghệ quốc phòng hoặc lưỡng dụng theo hướng mở rộng diện xuất khẩu, tạo thuận lợi hơn cho việc chuyển giao nhiều loại công nghệ, nhất là công nghệ lưỡng dụng, các trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, bảo vệ bờ biển,... cho các nước ASEAN. Ngoài ra, Nhật Bản mời đại biểu các nước ASEAN sang nước này học tập hoặc các chuyên gia Nhật Bản sang giới thiệu, hướng dẫn chi tiết cho các nước ASEAN về cơ sở pháp lý, nguyên tắc, bước đi pháp lý, chính trị... cần thiết khi tăng cường hợp tác chuyển giao trang thiết bị và công nghệ cho ASEAN.

Bốn là, tăng cường giúp ASEAN xây dựng năng lực an ninh biển. Để thực hiện chương trình này, Nhật Bản đã xác định ba điểm cơ bản: 1- Giúp các nước ASEAN nâng cao năng lực nhận thức về biển, 2- Tỏ ý sẵn sàng chuyển giao nhiều loại phương tiện, trang thiết bị và công nghệ quốc phòng hiện đại cho các nước ASEAN (trên cơ sở thỏa thuận cụ thể), 3-Từng bước giúp các nước ASEAN tăng cường huấn luyện, đào tạo... Nhật Bản cũng đã phối hợp với Mỹ, Ô-xtrây-li-a và một số nước trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) để thúc đẩy việc xây dựng năng lực an ninh biển cho ASEAN. Theo đó, Nhật Bản sử dụng kết hợp cả ba công cụ: 1- ODA để xây dựng năng lực thực thi pháp luật trên biển cho các nước ASEAN bằng cách cung cấp tàu tuần tra và đào tạo kỹ thuật; 2- Gửi lực lượng sang các nước ASEAN tổ chức các khóa huấn luyện, hỗ trợ xây dựng năng lực cho quân đội các nước ASEAN; 3- Hợp tác chuyển giao trang thiết bị và công nghệ (trên cơ sở ba nguyên tắc chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng được thông qua vào tháng 4-2014). Riêng trong vấn đề chuyển giao trang thiết bị và công nghệ, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ mở cửa năm lĩnh vực, bao gồm: cứu hộ cứu nạn, vận tải, giám sát, rà phá bom mìn và cảnh báo sớm. Việc chuyển giao loại trang thiết bị và công nghệ cụ thể sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận đạt được giữa các tập đoàn cung cấp trang thiết bị quốc phòng của Nhật Bản và đối tác nước ngoài (với sự phê duyệt của Chính phủ Nhật Bản).

Những ưu tiên và cơ hội đặt ra cho khu vực

Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đều là các đối tác hàng đầu của Nhật Bản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc Nhật Bản tăng cường vai trò, sự hiện diện ở Biển Đông và có những điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách đối với Đông Nam Á đang đặt ra nhiều cơ hội cho khu vực. Quan hệ giữa Nhật Bản với các nước trong khu vực đang ngày càng phát triển toàn diện và vẫn còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. 

Sự coi trọng mối quan hệ với các nước Đông Nam Á và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai bên về an ninh biển của Nhật Bản được thể hiện trên một số mặt sau: 

Thứ nhất, thúc đẩy đối thoại chiến lược thực sự đi vào chiều sâu. Nhật Bản mong muốn quan hệ đối tác với Đông Nam Á phải đi đôi với các cuộc đối thoại chiến lược thực sự có chiều sâu để khẳng định giá trị của mối quan hệ rất có tiềm năng giữa hai bên. Đó cũng là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, làm nền tảng cho xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực nhạy cảm, có lợi cho cả hai bên và thúc đẩy lợi ích an ninh của mỗi nước. Hiện nay, giữa Nhật Bản và ASEAN cũng như giữa Nhật Bản với nhiều nước trong khu vực đã có một số cơ chế đối thoại chiến lược, nhưng cần tiếp tục phát triển những cơ chế này sâu sắc hơn. Về phía Nhật Bản, Chính phủ nước này đã thành lập Hội đồng An ninh quốc gia và hội đồng này đã thay thế một phần vai trò truyền thống của Bộ Ngoại giao Nhật Bản trong việc tiến hành các cuộc thảo luận liên quan tới các vấn đề đánh giá chiến lược và thúc đẩy hợp tác an ninh đối với các đối tác nước ngoài.

Thứ hai, chia sẻ thông tin. Trong lĩnh vực này, Nhật Bản cho rằng cả Nhật Bản và các nước ASEAN đều có lợi thế so sánh và có thể bổ sung cho nhau. Với Nhật Bản, những thông tin mà Nhật Bản thu thập được thông qua các công nghệ tiên tiến có thể có ích đối với các nước trong khu vực. Chia sẻ thông tin nói chung đôi khi không nhất thiết phải có một khuôn khổ pháp lý chính thức, tuy nhiên Nhật Bản bày tỏ mong muốn hai bên xây dựng càng sớm càng tốt một cơ chế hoặc một khuôn khổ pháp lý cơ bản để làm nền tảng lâu dài cho việc trao đổi thông tin nói chung. Đề xuất này cũng là hợp lý khi quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực ngày càng đi vào chiều sâu.

Thứ ba, tăng cường tần xuất hiện diện tại các vùng “xám”. Nhật Bản mong muốn tăng cường các chuyến thăm viếng tới các cảng biển, sân bay của các nước trong khu vực. Trước mắt, Nhật Bản không tham gia cùng Mỹ tuần tra chung ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản muốn tăng cường bố trí các “tài sản chiến lược” tại các vùng “xám” và vùng “trắng” ở khu vực. Đây là cách Nhật Bản đang xử lý mối quan hệ “Đông - Nam”, tức là mối quan hệ giữa biển Hoa Đông và Biển Đông. Giữa Nhật Bản và Đông Nam Á còn rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này và Nhật Bản sẵn sàng gia tăng đáng kể tần xuất các tài sản chiến lược (cả không quân, hải quân, cảnh sát biển...) đến khu vực. Trước mắt, Nhật Bản ưu tiên cho “các vấn đề thuộc vùng xám”, tức là tăng cường các chuyến viếng thăm cảng biển khu vực của các lực lượng cảnh sát biển. Thông qua các chuyến thăm cấp cao, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đã ký một số thỏa thuận (MOU) về hợp tác cảnh sát biển.

Thứ tư, thúc đẩy các chương trình hợp tác kỹ thuật đi vào chiều sâu. Nhật Bản hiện coi các nước Đông Nam Á là đối tác hàng đầu về hợp tác kỹ thuật và cấp chiến thuật nhằm nâng cao năng lực dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhật Bản hỗ trợ các nước trong khu vực về việc gìn giữ hòa bình quốc tế (PKO)..., mở rộng dần, phối hợp giúp các nước khu vực xung quanh Biển Đông chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm và thông tin về quân y dưới nước, quân y không quân, an toàn bay (cả dân sự và quân sự)... dưới nhiều hình thức, như tổ chức hội thảo, tập huấn, các sự kiện cụ thể,... Phía Nhật Bản cho biết, Nhật Bản sẵn sàng cân nhắc các lĩnh vực hợp tác mới về trợ giúp xây dựng năng lực cho các nước trong khu vực, nhưng cũng lưu ý hai điểm: 1- Văn hóa Nhật Bản có tính đặc thù. Trong lĩnh vực này đòi hỏi hai bên phải có sự tỉ mỉ, sự hiểu biết và chia sẻ về văn hóa mỗi bên và đôi khi phía Nhật Bản cần nhiều thời gian để thực hiện. 2- Hợp tác bền vững, nhất là giữa quân đội, cảnh sát biển và giữa các lực lượng của hai bên nói chung cần phải bảo đảm đi đúng với xu thế chung và phù hợp với chiến lược an ninh quốc gia dài hạn của Nhật Bản và của đối tác.

Trước mắt, thúc đẩy hợp tác giữa cảnh sát biển Nhật Bản với các nước khu vực là lĩnh vực được Nhật Bản ưu tiên cao. Đây là lĩnh vực mà hai bên đều có thế mạnh riêng và còn rất nhiều tiềm năng để hợp tác. Nhật Bản hoan nghênh các sáng kiến, ý tưởng mới từ phía các nước Đông Nam Á.

Thứ năm, chuyển giao công nghệ và trang thiết bị. Đây là lĩnh vực rất mới mẻ, sự hợp tác trong lĩnh vực này cần phải có thỏa thuận của hai chính phủ, nhất là điều khoản liên quan tới việc chuyển giao cho bên thứ ba và các điều kiện khác về sử dụng trang thiết bị và các thông tin liên quan.

Tóm lại, vấn đề Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng trong chính sách đối ngoại cũng như chính sách quốc phòng - an ninh của Nhật Bản. Điều đó đang tạo ra nhiều cơ hội trong quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với Nhật Bản, thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên, qua đó góp phần duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, giữ gìn sự ổn định và môi trường thuận lợi cho phát triển của khu vực./.

-----------------------------------------------------------

(1) Phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê tại Hội nghị Shang-ri La thường niên về an ninh khu vực ở Xin-ga-po năm 2014

Trần Việt TháiTS, Học viện Ngoại giao

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness