TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 59
  • Hôm nay: 1066
  • Tháng: 7805
  • Tổng truy cập: 5141124
Chi tiết bài viết

Nhật Bản lên kế hoạch biến giấc mơ xe bay thành hiện thực

Nhật Bản đang thúc đẩy kế hoạch phát triển những chiếc xe bay (flying car) và đưa chúng vào hoạt động vào thập niên 2020 bằng cách chiêu mộ một loạt công ty tên tuổi trong ngành hàng không và công nghệ.

 
Xe bay SkyDrive của dự án Cartivator được thiết kế để chở người thắp ngọn đuốc Olympic tại Thế vận hội Mùa hè 2020 ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Cartivator

Nhật Bản muốn giành vị thế dẫn đầu về xe bay

Hôm 24-8, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông báo thành lập một ủy ban hợp tác công tư gồm 21 doanh nghiệp và các tổ chức nhà nước bao gồm hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing, hai hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines và Ana Holdings (công ty mẹ của hãng hàng không All Nippon Airways), công ty khởi nghiệp phát triển xe bay Cartivator (Nhật Bản)... Thông báo nói, ủy ban này sẽ giúp vạch ra lộ trình phát triển xe bay trong năm nay.

“Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp sự hỗ trợ thích hợp để giúp xây dựng khái niệm xe bay, chẳng hạn như ban hành các quy định liên quan đến xe bay”, thông báo cho biết.

Khi các công ty Nhật Bản phải bám đuổi các đối thủ toàn cầu trong lĩnh vực xe điện và xe tự lái, chính phủ Nhật Bản muốn khẩn cấp xây dựng khung pháp lý và hạ tầng cho xe bay để giành vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ xe bay. Công nghệ này cũng giống như công nghệ hàng không, cần nhận được sự chấp thuận của nhiều cơ quan quản lý và quy trình này có thể mất nhiều năm. Giấc mơ xe bay chỉ có thể thực hiện khi các tiêu chuẩn an toàn được các cơ quan quản lý thiết lập mà nếu thiếu vắng chúng, người dân đi làm sẽ không đón nhận xe bay.

“Chính phủ nhất thiết phải dẫn dắt và phối hợp về việc thiết lập các tiêu chuẩn an toàn cho xe bay”, Yasuo Hashimoto, nhà nghiên cứu ở tổ chức Nghiên cứu quản lý hàng không Nhật Bản ở Tokyo, nói.

Trao đổi với báo chí trong tháng này, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko nói rằng xe bay có thể giảm tình trạng ách tắc giao thông đô thị, giúp vận chuyển đồ cứu trợ đến các đảo xa và vùng núi hẻo lánh vào những thời điểm thảm họa thiên nhiên xảy ra và cũng có thể sử dụng trong ngành công nghiệp du lịch.

Trong khi các startup và các tập đoàn kỹ thuật lớn đang ráo riết phát triển các công nghệ để hướng đến mục tiêu cuối cùng là sản xuất xe xay, có rất ít tiến triển trong các nỗ lực thiết kế các quy định pháp lý nhằm bảo đảm an toàn cho xe bay.

Các nhà phát triển xe bay cũng đang đối mặt với hàng loạt thách thức trước khi biến giấc mơ xe bay thành hiện thực. Ngoài các khó khăn kỹ thuật như cần phải nâng cao công suất pin và hiệu năng của động cơ tăng cao vài lần so với mức hiện tại, họ cũng cần xây dựng các điểm hạ cánh và cất cánh cũng như cơ sở hạ tầng thông tin dành cho xe bay. Bên cạnh đó, việc phát triển các tiêu chuẩn an toàn và hệ thống điều hành hoạt động xe bay, nâng cao nhận thức của người dùng cũng là một điều kiện tiên quyết để khai thác thương mại xe bay.

Mẫu taxi bay Uber Elevate mà Uber đang phát triển có thể chở được 5 người. Ảnh: Uber

Trình diễn xe bay tại Thế vận hội 2020 ở Tokyo

Cho đến hiện nay, vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng về xe bay nhưng phần lớn các công ty trên thế giới đang phát triển mô hình xe bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng với các cánh quạt hoạt động nhờ động cơ chạy bằng pin. Tốc độ bay của chúng dao động từ 100km đến vài trăm km mỗi giờ và hầu hết đều ứng dụng các công nghệ bay tự động. So với các máy bay trực thăng truyền thống, xe bay được thiết kế đơn giản hơn, ít linh kiện hơn và không cần phi công, nhờ đó, giúp chi phí vận hành có thể rẻ ngang với xe taxi.

Tại Nhật Bản, một dự án khởi nghiệp phát triển xe bay phi lợi nhuận có tên gọi Cartivator đang gấp rút phát triển xe bay với mục tiêu thực hiện chuyến bay trình diễn vào Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020. Cartivator được thành lập vào năm 2012 bởi Tsubasa Nakamura, người giành giải thưởng kinh doanh KoreaRata đầu tiên với mô hình thiết kế xe bay. Cartivator thu hút sự tham gia hợp tác của 100 nhà nghiên cứu tình nguyện bao gồm các kỹ sư trẻ làm việc trong ngành công nghiệp hàng không và ô tô.

Mẫu xe bay mà Cartivator sẽ trình diễn tại Thế vận hội Mùa hè 2020 có tên gọi SkyDrive dài 2,9 mét, rộng 1,3 mét và cao 1,1 mét. Nó được xem là mẫu xe bay một chỗ ngồi nhỏ nhất thế giới hiện nay. SkyDrive có ba bánh, bốn cánh quạt và sử dụng công nghệ máy bay không người lái, cho phép nó có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Nó có thể bay ở độ cao 10 mét và đạt tốc độ bay tối đa 100km/giờ.

“SkyDrive là mô hình xe bay đầu tiên của chúng tôi được thiết kế để chở người sẽ thắp ngọn đuốc Olympic tại Thế vận hội Mùa hè 2020”, Ryutaro Mori, giám đốc kinh doanh của Cartivator, cho biết

Xe bay đang tiến gần hiện thực

Những chiếc xe bay, có thể bay qua các đoạn đường xá tắc nghẽn, đang tiến gần đến với hiện thực hơn kỳ vọng của nhiều người. Các công ty khởi nghiệp trên thế giới đang chạy đua sản xuất những chiếc xe bay nhỏ mà gần đây chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.

Hãng gọi xe Uber đã lên kế hoạch đầu tư 20 triệu euro trong năm năm tới để phát triển các dịch vụ xe bay tại một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Paris. Mẫu xe taxi bay Uber Elevate mà Uber đang phát triển có khả năng chở được 5 người, bao gồm phi công và có thể đạt tốc độ 320 km/giờ. Uber đặt mục tiêu đến 2030, sẽ phát triển hàng ngàn taxi bay tự hành vận chuyển hàng trăm ngàn hành khách mỗi ngày.

Hôm 30-8, hãng Uber chính thức công bố danh sách rút gọn 5 nước ngoài Mỹ được hãng này cân nhắc như là thị trường tương lai cho dịch vụ taxi bay có tên gọi Uber Air bao gồm Nhật Bản, Pháp, Brazil, Úc và Ấn Độ. Uber dự tính khai thác thương mại dịch vụ taxi bay Uber Air vào năm 2023.

Theo Uber, mỗi nước trong danh sách rút gọn đều có các thuận lợi riêng biệt cho kế hoạch taxi bay. Nhật Bản là nước dẫn đầu về vận tải công cộng, công nghệ và sáng tạo trong lĩnh vực ô tô. Ấn Độ là một trong những nước có nhiều thành phố tắc nghẽn nhất thế giới. Úc đã lên tiếng ủng hộ vận tải hàng không đô thị, trong khi đó, Pháp là nơi Uber đang xây dựng trung tâm nghiên cứu xe bay, còn Brazil đã có kinh nghiệm triển khai dịch vụ taxi trực thăng ở nhiều thành phố.

Công ty khởi nghiệp Kitty Hawk, có trụ sở ởthành phố Mountain View, bang California, được sự hỗ trợ tài chính từ người đồng sáng lập Google Larry Page, đã công bố mô hình mẫu xe bay một chỗ ngồi hồi tháng 6.

Hồi đầu năm nay, Airbus đã lần đầu tiên thử nghiệm mô hình mẫu xe bay điện, tự hành, cất cánh và hạ cánh thẳng đứng có tên gọi Vahana. Chiếc xe bay này được thiết kế để có thể chở theo một người. Trong cuộc thử nghiệm, Vahana đã cất cánh bay lên độ cao 5 mét trong vòng 53 giây trước khi hạ cánh an toàn ở một địa điểm ở thành phố Pendleton, bang Oregon, Mỹ. Đội ngũ phát triển Vahana cho biết họ đặt mục tiêu phát triển Vahana có tầm bay 80km nhằm cung cấp cho người đi làm một sự lựa chọn đi lại, có thể cạnh tranh với việc đi tàu hay sử dụng xe cá nhân. Ngoài ra, Airbus cũng dự định khai thác xe bay Vahana cho các mục đích giao hàng, cấp cứu, tìm kiếm và cứu hộ. Airbus cho biết cuộc thử nghiệm giờ đây chuyển đến khả năng đổi hướng của Vahana trong hành trình bay.

Theo TheSaigonTimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness