TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 6
  • Hôm nay: 1275
  • Tháng: 13879
  • Tổng truy cập: 5159144
Chi tiết bài viết

Những bước tiến trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trong hai ngày 10 và 11-9 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thông báo từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói chuyến thăm "làm sâu sắc hơn" quan hệ song phương, "đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực". Tại Hà Nội, ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Biden dự kiến có cuộc gặp các lãnh đạo chủ chốt khác của Việt Nam.

Chuyến thăm của ông Biden diễn ra sau khi ông dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ từ ngày 7 tới 10-9. Nói với người viết cách đây một tuần, một nhà ngoại giao Mỹ ở TP.HCM thừa nhận việc lựa chọn Việt Nam là điểm đến giữa một loạt hội nghị ở khu vực (có cuộc ông không thể dự) cho thấy rõ thông điệp của Washington. "Điều này cho thấy ưu tiên của chúng tôi là ở đâu", nhà ngoại giao này nói.

Quan hệ thương mại song phương đã có những bước phát triển vượt bậc. Ảnh: Cosmo Sourcing

Quan hệ thương mại song phương đã có những bước phát triển vượt bậc. Ảnh: Cosmo Sourcing

Quan hệ sẽ ở tầm mới?

Hai nước dự kiến sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ song phương đúng theo thông điệp mà lãnh đạo hai bên đã thể hiện trong cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden vào đầu năm nay. 

"Các lãnh đạo sẽ tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế dựa vào công nghệ và sáng tạo của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ kết nối nhân dân qua trao đổi giáo dục, phát triển lực lượng lao động, đối phó với biến đổi khí hậu và tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở khu vực", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói khi thông báo về chuyến thăm.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby thì nói: "Chúng tôi có quan hệ rất tốt với Việt Nam, và mối quan hệ đó đang được cải thiện trên nhiều lĩnh vực - cả về an ninh, đối ngoại và kinh tế, nên chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để phát triển mối quan hệ. Đó là mối quan hệ then chốt ở khu vực rất quan trọng của thế giới".

Trả lời Tuổi Trẻ Cuối Tuần, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đánh giá 10 năm đối tác toàn diện tạo đà phát triển quan hệ Việt - Mỹ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đáng chú ý nhất là về xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết thông qua trao đổi các đoàn cấp cao.

"Vì sao quan hệ này phát triển? Lý do quan trọng là trụ cột về kinh tế thương mại đầu tư đã phát triển mạnh mẽ và không gian để phát triển của trụ cột này còn rất nhiều", ông Vinh phân tích. 

"Khi chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại song phương chưa tới nửa tỉ đô. Khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện 2013, thương mại song phương đạt 35 - 36 tỉ, tăng gần 80 lần. Từ 2013 tới năm ngoái là 123 tỉ USD, tăng gần 4 lần trong 10 năm". 

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường duy nhất có giá trị lớn hơn 100 tỉ USD. Đây là một trong ba thị trường thương mại lớn nhất của Việt Nam cùng với châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.

Theo ông Vinh, thông điệp cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden vào đầu năm nay nói rõ: 10 năm đối tác toàn diện phát triển rất tích cực, phù hợp lợi ích và nguyện vọng của nhân dân; hai bên sẽ tiếp tục làm sâu sắc và nâng lên quan hệ trong thời gian tới. "Quan hệ hai bên có cả tính chiến lược và tính toàn diện để tiếp tục phát triển nâng lên", cựu thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

"Với tốc độ tăng trưởng 17 - 19% mỗi năm trong thương mại song phương thì có thể thấy không gian phát triển còn rất nhiều; đặc biệt các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững hơn", ông nói. "Việt Nam đã đổi mới và nâng cấp nền kinh tế của mình, giờ hướng tới mục tiêu 2030 - 2045 về kinh tế phát triển, thu nhập trung bình cao thì đưa khoa học công nghệ vào chắc chắn là ưu tiên".

Theo ông, thế giới đang có chuyển biến mạnh mẽ về sắp xếp lại để phòng chống các cú sốc cả về chính trị, dịch bệnh lẫn các vấn đề phát sinh như cuộc chiến Ukraine... "Các nước đều có nhu cầu ứng phó với các cú sốc có thể xảy ra. Các nước giờ cũng nhìn lại, đặc biệt trong cạnh tranh nước lớn, để đảm bảo được thương mại bình thường, cũng như đảm bảo về kinh tế và an ninh quốc gia. Có những dịch chuyển để phân hóa rủi ro và an toàn hơn", ông đánh giá.

"Mỹ là một đối tác cực kỳ quan trọng cả về chính trị và kinh tế. Toàn bộ kinh tế thương mại của Việt Nam với thế giới thì thặng dư ngót nghét 12 tỉ, thì riêng phần thặng dư với Mỹ là trên 90 tỉ USD. Như vậy khoảng 80 tỉ USD thặng dư từ Mỹ giúp chúng ta bù đắp nhập siêu ở những chỗ khác. Rõ ràng Mỹ là thị trường đầu ra rất quan trọng của kinh tế Việt Nam".

Chuyến thăm của ông Biden diễn ra giữa bối cảnh nước Mỹ muốn thúc đẩy hơn nữa chiến lược ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là tăng cường các quan hệ đối tác và đồng minh ở khu vực. Trong năm vừa rồi, Mỹ đã công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) với sự tham gia của các nước: Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Fiji, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Singapore.

Ảnh: Reuters

Dịch chuyển quan trọng giữa bối cảnh mới

Trả lời Tuổi Trẻ Cuối Tuần, giáo Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc đánh giá việc làm sâu sắc mối quan hệ lần này là "rất quan trọng" khi hai bên đang điều chỉnh trong bối cảnh thay đổi môi trường chiến lược xung quanh giữa chiến tranh và cạnh tranh nước lớn gay gắt, cũng như tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm.

"Điều này sẽ thiết lập nền tảng cho mối quan hệ dài hạn, ổn định và đôi bên cùng có lợi", ông đánh giá. Theo ông, với 9 trụ cột từng định hình mối quan hệ đối tác toàn diện thiết lập 10 năm trước, việc làm sâu sắc hơn quan hệ lần này sẽ ưu tiên các hợp tác về thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ (chuyển đổi xanh, công nghệ số, ứng phó biến đổi khí hậu), quốc phòng và an ninh (an ninh hàng hải).

Về vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán chi tiết về kế hoạch hành động trong nhiều năm cho quan hệ song phương. Nói cách khác, chi tiết về hợp tác của chuỗi cung ứng bền vững và chắc chắn sẽ được làm rõ sau đó. 

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong chuyến thăm Hà Nội gần đây đã đề xuất "dịch chuyển chuỗi cung ứng" (friend-shoring) để thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, và theo ông Thayer thì các thành phần điện tử khác cũng sẽ được bao gồm trong chính sách này.

"Việt Nam sẽ được lợi từ việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm cũng như việc tăng đầu tư từ các tập đoàn Mỹ", ông đánh giá. Liên quan tới hợp tác về các lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh, xe điện..., ông Thayer nói "rất rõ ràng là các hợp tác liên quan các lĩnh vực này sẽ nằm trong phần lĩnh vực ưu tiên về khoa học và công nghệ" giữa hai bên.

Theo ông Phạm Quang Vinh, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong chuyến thăm Việt Nam nhấn hai ý rõ về chuỗi cung ứng bền vững và dịch chuyển chuỗi cung ứng. Tuyên bố của Nhà Trắng thông báo về chuyến đi cũng nói về cùng hợp tác để thúc đẩy Việt Nam về công nghệ, sáng tạo. 

"Rõ ràng, đón đợi dịch chuyển chuỗi cung ứng là cái chúng ta cần đón, đón từ cả các trung tâm kinh tế phát triển cao của cả Mỹ và châu Âu. Đây là những mục tiêu phù hợp với mục tiêu 2030 - 2045 của chúng ta", ông nói. Theo ông, Việt Nam cần tranh thủ chuyến thăm lần này, tạo động lực đón chuỗi cung ứng; tăng cường tranh thủ tham vấn về IPEF vì "nếu tạo được các khung chính sách hài hòa, càng khiến Việt Nam hấp dẫn hơn".

"Chúng ta cần làm việc với các tập đoàn công ty Mỹ vì thúc đẩy từ chính phủ là tạo môi trường, là phần kích, còn phần đầu tư thật sự là các tập đoàn. Họ muốn sang mình thì mình phải làm được các điều đó. Mình phải soi lại môi trường của mình có đủ sức hấp thụ các sáng kiến mới hay không, trong đó có phần rà lại cả về khung chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực. Nếu nhìn lại thì chúng ta mới đáp ứng được một phần và còn rất nhiều việc phải làm".■

Quan chức phụ trách chính trị của đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội trong cuộc gặp với báo giới hồi tháng 6 nói quan hệ hai nước vẫn sẽ dựa trên 9 trụ cột mà hai bên đã thiết lập cách đây 10 năm khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. "Những mọi thứ giờ sẽ ở tầm khu vực hơn", bà giải thích về góc tiếp cận. Như Đại học Fulbright, một điểm trong hợp tác giáo dục trước là nhắm tới đào tạo sinh viên chất lượng quốc tế ở Việt Nam, thì giờ sẽ nhắm tới là một trường ở tầm khu vực để có thể đào tạo sinh viên quốc tế. Về khoa học công nghệ thì Việt Nam sẽ là một điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng về công nghệ cao... Quan hệ song phương sẽ có tầm nhìn và tác động rộng hơn so với khuôn khổ hợp tác toàn diện trước kia.

THANH TUẤN - Theo Tuổi Trẻ

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness