TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 52
  • Hôm nay: 862
  • Tháng: 7601
  • Tổng truy cập: 5140920
Chi tiết bài viết

Sự trở lại của các cuộc chiến tranh tiền tệ

Quyết định gia tăng phạm vi nới lỏng định lượng của Ngân hàng Quốc gia Nhật Bản (Bank of  Japan- BOJ) gần đây là dấu hiệu cho thấy một vòng chiến tranh tiền tệ khác có lẽ đã sắp sửa bắt đầu. Nỗ lực làm yếu đồng yên của BOJ là một cách tiếp cận lợi mình hại người, gây ra nhiều phản ứng chính sách khắp châu Á và trên thế giới.

20101016_ldp001

Lo sẽ mất đi sức cạnh tranh tương đối so với Nhật, ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đang nới lỏng chính sách tiền tệ của mình, hoặc sẽ sớm tiếp tục nới lỏng thêm. Ngân hàng Trung ương châu Âu và ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ, Thụy Điển, Na Uy và một vài nước khác có khả năng sẽ chấp nhận nới lỏng định lượng hoặc sử dụng các chính sách không chính thống khác để ngăn đồng tiền của họ khỏi tăng giá.

Tất cả những điều này sẽ dẫn tới việc tăng giá đồng đô la Mỹ khi mà tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ đang tăng lên và đã có các dấu hiệu từ Cục dự trữ Liên bang cho thấy tỷ lệ lãi suất sẽ bắt đầu được tăng lên trong năm tới. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn yếu kém và đồng đô la trở nên quá mạnh, Cục cũng có thể quyết định sẽ tăng lãi suất trễ hơn và chậm hơn để tránh việc đồng đô la tăng giá quá mức.

Nguyên nhân của các hỗn loạn tiền tệ gần đây rất rõ ràng: Trong một môi trường mà khu vực công và khu vực tư nhân đang cố gắng giảm nợ, chính sách tiền tệ đã trở thành công cụ hữu hiệu duy nhất để kích thích nhu cầu và tăng trưởng. Chính sách thắt lưng buộc bụng đã làm trầm trọng thêm tác động của việc giảm tỉ lệ nợ khi tạo ra những sự trì trệ trực tiếp hay gián tiếp cho tăng trưởng kinh tế. Chi tiêu công thấp hơn đã khiến cho tổng cầu sụt giảm, trong khi trợ cấp đang giảm sút và mức thuế cao hơn cũng hạn chế thu nhập khả dụng và do đó làm giảm tiêu dùng tư nhân.

Tại khu vực đồng euro, việc đột ngột chấm dứt các dòng vốn đầu tư ra khu vực ngoại biên và việc Liên minh châu Âu, IMF và ECB áp đặt các biện pháp kiềm chế tài khóa (với sự ủng hộ của Đức) đã tạo nên những ngăn trở lớn đối với tăng trưởng. Ở Nhật, sự gia tăng quá mức thuế tiêu dùng với thiệt hại tập trung vào giai đoạn đầu (front-loaded) đã bóp chết sự phục hồi đạt được trong năm nay. Tại Mỹ, việc cắt giảm ngân sách, các chính sách thuế và chi tiêu khác đã gây nên tình trạng trì trệ tài khóa lớn trong giai đoạn 2012- 2014. Còn ở Anh, chính sách củng cố tài khóa tự áp đặt cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nước này cho đến năm nay.

Trên toàn thế giới, sự điều chỉnh bất cân xứng của các nền kinh tế cho vay và đi vay đã làm trầm trọng thêm vòng xoáy suy thoái và giảm phát này. Dưới tác động của thị trường, các nước trước đây từng chi tiếu quá tay, thiếu hụt dữ trữ và thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai đã buộc phải cắt giảm chi tiêu, tăng tích lũy. Và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thâm hụt thương mại của họ đang thu hẹp lại. Nhưng số đông các nước trước đây từng tích lũy quá nhiều và chi tiêu quá ít lại không giảm tích lũy và tăng chi tiêu lên. Thặng dư cán cân tài khoản vãng lai của họ đang gia tăng, làm trầm trọng thêm tình trạng tổng cầu yếu trên toàn thế giới và do đó hủy hoại sự tăng trưởng.

Chính sách tài khóa thắt lưng buộc bụng và sự điều chỉnh bất cân xứng đã gây thiệt hại đến kết quả hoạt động kinh tế, chính sách tiền tệ đã phải chịu gánh nặng phải hỗ trợ một nền kinh tế tăng trưởng loạng choạng thông qua việc hạ giá đồng tiền và tăng xuất khẩu ròng. Nhưng các cuộc chiến tiền tệ xuất phát từ đó phần nào là một trò chơi kẻ thắng- người thua: Nếu đồng tiền này yếu đi, thì một đồng tiền khác sẽ phải mạnh lên; và nếu cán cân thương mại của nước này được cải thiện thì cán cân của một nước khác sẽ phải xấu đi.

Đương nhiên nới lỏng tiền tệ không chỉ đơn thuần là một trò chơi kẻ thắng- người thua. Việc nới lỏng có thể thúc đẩy tăng trưởng bằng cách nâng giá tài sản (cổ phần và nhà đất), hạ thấp chi phí huy động vốn của khu vực công và khu vực tư nhân, cũng như hạn chế nguy cơ suy giảm của lạm phát kì vọng hay thực tế. Trong bối cảnh tài khóa trì trệ và khu vực tư nhân đang giảm tỷ lệ nợ, nếu thiếu những đợt nới lỏng tiền tệ thích hợp trong các năm gần đây có thể đã dẫn tới việc xảy ra hai đến ba đợt suy thoái liên tiếp (double and triple dip recessions) (Ví dụ như những gì đã xảy ra ở khu vực đồng euro).

Tuy nhiên với quá nhiều nỗ lực củng cố tài khóa có thiệt hại tập trung vào giai đoạn đầu cùng quá nhiều những chính sách tiền tệ không theo thông lệ (đang càng ngày càng tỏ ra kém hiệu quả) thì việc kết hợp các chính sách tổng quát lại không đạt được kết quả tối ưu. Một cách tiếp cận tốt hơn đối với các nền kinh tế phát triển cần bao gồm giảm bớt củng cố tài khóa trong ngắn hạn và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kết hợp với một cam kết đáng tin cậy hơn về việc điều chỉnh tài khóa trong trung và dài hạn, đồng thời bớt nới lỏng định lượng thái quá.

Bạn có thể dắt ngựa tới bên cạnh dòng nước nhưng không thể ép nó uống nước được. Trong một thế giới mà tổng cầu khu vực tư nhân rất yếu ớt và thậm chí những chính sách tiền tệ cuối cùng sẽ kém tác dụng (pushing on a string) thì việc giảm củng cố tài khóa và tăng chi tiêu hạ tầng sản xuất là điều buộc phải làm.

Rõ ràng những chi tiêu này tạo ra lợi nhuận cao hơn mức lãi suất thấp mà hiện nay nhiều nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt; và nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển ngày nay đều rất lớn (trừ Trung Quốc vì nước này đã đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng). Hơn nữa, đầu tư công có hiệu quả đối với cả phía cầu và phía cung. Nó không chỉ đẩy mạnh tổng cầu một cách trực tiếp mà còn tăng sản lượng tiềm năng bằng cách tăng tỷ lệ vốn có tác dụng thúc đẩy năng suất.

Thật không may rằng kinh tế chính trị của chính sách thắt lưng buộc bụng đã tạo ra những kết quả không tối ưu. Khi thắt chặt tài chính, những lần cắt giảm chi tiêu đầu tiên thường đánh mạnh vào các khoản đầu tư công dành cho sản xuất. Bởi chính phủ luôn có thiên hướng bảo hộ những khoản chi tiêu hiện tại (thường là kém hiệu quả) dành cho các ngành nghề thuộc khu vực công và chuyển các khoản phải chi trả sang cho khu vực tư nhân. Kết quả là sự phục hồi toàn cầu rất yếu ớt tại phần lớn các nước phát triển (với ngoại lệ một phần là Mỹ và Anh), và hiện nay tình trạng này còn lan sang cả các nền kinh tế mới nổi, nơi mà tỷ lệ tăng trưởng đã bị suy giảm mạnh mẽ trong hai năm gần đây.

Các chính sách đúng đắn – bao gồm nới lỏng thắt chặt chi tiêu trong ngắn hạn, tăng cường chi tiêu công và giảm bớt dựa dẫm vào việc nới lỏng tiền tệ – đối lập với cái mà các nền kinh tế lớn của thế giới đã và đang theo đuổi. Bởi vậy không có gì phải băn khoăn khi mà nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng một cách đáng thất vọng. Nói theo một cách khác, chúng ta hiện nay đều đang như người Nhật Bản.

Nouriel Roubini là giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, chủ tịch của Roubini Global Economics. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và Ngân hàng Thế giới.

Nguồn: Nouriel Roubini, “The Return of Currency Wars”, Project Syndicate, Dec 1, 2014.

Biên dịch: Phạm Thị Thoa | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Theo NghienCuuQuocTe

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness