TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 65
  • Hôm nay: 926
  • Tháng: 7665
  • Tổng truy cập: 5140984
Chi tiết bài viết

Sự trỗi dậy của làn sóng Hàn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc của nước ta đạt 4,432 tỉ đô la Mỹ, nhưng nhập khẩu từ nước này lên đến 14,374 tỉ đô la Mỹ, tăng 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với thặng dư thương mại đến 9,942 tỉ đô la Mỹ, Hàn Quốc trở thành nước xuất siêu cao nhất của Việt Nam, vượt cả thị trường đã giữ vị trí này trong nhiều năm qua là Trung Quốc (cùng thời gian trên, Trung Quốc xuất siêu vào Việt Nam 8,82 tỉ đô la Mỹ).

Hàng của Hàn Quốc đang “phủ sóng” tại các siêu thị Việt Nam.Ảnh: Quốc Hùng

Hiện tượng Hàn Quốc

Trong bốn tháng đầu năm, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng là nhóm hàng mà Việt Nam chi nhiều tiền nhập khẩu nhất, lên đến 11,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này với 3,79 tỉ đô la, tăng 135% (Trung Quốc đạt 3,4 tỉ đô la, tăng 31%).

Đối với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu xuất khẩu vào Việt Nam với 3,84 tỉ đô la, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ xa vị trí thứ hai của Trung Quốc (2,09 tỉ đô la) và vị trí thứ ba của Đài Loan (1,06 tỉ đô la).

Đối với nhóm hàng điện thoại và linh kiện, dù Trung Quốc là nước cung cấp mặt hàng này nhiều nhất vào Việt Nam, đạt 2,13 tỉ đô la, nhưng mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái chỉ là 6,3%; trong khi mức tăng của Hàn Quốc tới 31,5% (đạt 1,43 tỉ đô la, cao thứ hai). Hàn Quốc cũng tăng giá trị xuất khẩu sắt thép vào Việt Nam đến 38,4% so với cùng kỳ, đạt 383 triệu đô la Mỹ.

Đặc biệt, nhập khẩu xăng dầu từ nước này trong bốn tháng đầu năm lên đến 986.000 tấn, gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường khác đều sụt giảm, như Singapore (giảm 9,5%); Malaysia (giảm 24,1%); Trung Quốc (giảm 16%). Nguyên nhân, theo một số doanh nghiệp đầu mối, hiện Hàn Quốc là thị trường có mức thuế nhập khẩu xăng, dầu ưu đãi nhất nhờ thực hiện Hiệp định Thương mại ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Trong đó, xăng ở mức 10%, thấp hơn 10 điểm phần trăm so với các thị trường khác; dầu diesel ở mức 0%, bằng với mức thuế nhập khẩu từ ASEAN nhưng thấp hơn 5 điểm phần trăm so với thị trường khác...
Theo các chuyên gia, cũng nhờ VKFTA mà giao thương giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ. Hàn Quốc tăng mạnh xuất khẩu khi Việt Nam từng bước dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với 89,9% số sản phẩm nhập từ Hàn Quốc trong giai đoạn 15 năm kể từ khi hiệp định này có hiệu lực vào cuối năm 2015. Cụ thể, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế quan chủ yếu ở các lĩnh vực nguyên phụ liệu dệt may, da giày, động cơ, linh kiện và phụ tùng ô tô, nguyên liệu nhựa và máy móc thiết bị điện... Trong đó, xóa bỏ ngay hoặc trong thời gian ngắn thuế đối với nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất. Chẳng hạn đối với nguyên phụ liệu dệt may, da giày, Việt Nam cam kết đưa hầu hết xuống còn 0% đến năm 2018.

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong bốn năm qua được xem là “hiện tượng” khi số vốn cam kết của các doanh nghiệp nước này luôn đứng đầu nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hàng loạt doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt là những tập đoàn lớn tiếp tục rót thêm vốn vào Việt Nam dẫn đến nhu cầu nhập khẩu máy móc, công nghệ, thiết bị, nguyên phụ liệu... từ nước này tăng cao.

Sự phổ biến của hàng hóa Hàn Quốc tại Việt Nam mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng nhưng là thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Sản phẩm tiêu dùng tràn ngập

VKFTA cắt giảm thuế suất nhập khẩu nhiều loại hàng hóa khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng của Hàn Quốc ngày càng đổ nhiều hơn vào Việt Nam và hiện đã tràn ngập trong các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng.

Tập đoàn Lock&Lock tuần trước vừa mở thêm cửa hàng P&Q (Price & Quality) đầu tiên tại TPHCM sau khi đã phát triển chuỗi cửa hàng đồ gia dụng Lock&Lock ở các tỉnh thành và đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Ông Chun Hae Woo, Tổng giám đốc Lock&Lock Việt Nam, cho biết tập đoàn này sẽ tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng P&Q ở TPHCM và các thành phố lớn khác. P&Q có hàng ngàn sản phẩm tiêu dùng thương hiệu Hàn Quốc thuộc 5 nhóm hàng chính: đồ dùng hàng ngày, văn phòng phẩm, phụ kiện thời trang, đồ chơi và quà lưu niệm. Đáng chú ý, hơn 60% sản phẩm có giá dưới 100.000 đồng, được cho là sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa trong nước sản xuất.

Không những đẩy mạnh chuỗi kinh doanh, Lock&Lock còn thường xuyên tham gia các chương trình triển lãm, hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm và từng bước tiếp cận người tiêu dùng. Đây cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện khi bắt đầu đưa hàng hóa vào Việt Nam. Tại nhiều cuộc triển lãm chuyên ngành về công nghệ, máy móc thiết bị cũng như những hội chợ hàng tiêu dùng, doanh nghiệp từ xứ sở kim chi luôn dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp tham gia và tăng qua từng năm. Các doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu nhiều chủng loại hàng hóa, dịch vụ, từ đồ ăn, thức uống, nông sản, hoa quả tươi... đến vật dụng gia đình, mỹ phẩm, hàng thời trang, vật dụng trang trí, hàng lưu niệm, thiết bị điện tử...

Đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam là một thị trường lớn với dân số trẻ, có nhiều người tiêu dùng ưa thích và tín nhiệm hàng hóa của Hàn Quốc. Ngoài ra, họ có niềm tin sẽ kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam khi nhận thấy văn hóa Việt Nam khá gần gũi với Hàn Quốc. Ông Kim Jung Gwan, đại diện Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc, cho biết mối quan tâm của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với thị trường Việt Nam hiện nay rất lớn. Sức hấp dẫn của Việt Nam không chỉ là nền kinh tế có dân số lớn thứ 13 trên thế giới mà còn là quốc gia quan trọng nối kết các nước ASEAN-Trung Quốc-Ấn Độ.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia vào chương trình K-wave Festival (Làn sóng Hàn Quốc), một trong những chương trình thuộc chuỗi hoạt động nhằm giới thiệu, trưng bày và quảng bá sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc. Các nhà bán lẻ lớn của Hàn Quốc như Lotte, Emart, K&K... cũng nhanh chóng mở rộng hệ thống bán hàng, động thái được xem là “dọn sẵn đường” cho hàng hóa xứ kim chi.

Lý giải nguyên nhân khiến hàng hóa Hàn Quốc ngày càng phổ biến tại thị trường Việt Nam bên cạnh chiều kích VKFTA, ông Pak Chul Ho, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) tại Hà Nội, cho rằng hàng hóa Hàn Quốc có nhiều ưu thế về chất lượng so với mức giá. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) cũng dẫn đến sự gia tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm từ nước này. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, có xu hướng sử dụng các sản phẩm xuất hiện trong phim ảnh, âm nhạc, thời trang và cả ẩm thực Hàn Quốc. Sự gia tăng đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam cũng dẫn đến gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng từ nước này để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động và gia đình của họ khi chuyển sang Việt Nam sinh sống và làm việc...

Sự phổ biến của hàng hóa Hàn Quốc tại Việt Nam mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng nhưng là thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước. 

Theo thesaigontimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness