TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 10
  • Hôm nay: 181
  • Tháng: 3383
  • Tổng truy cập: 5163797
Chi tiết bài viết

SUY NGHĨ NHỎ VỀ PHÁT TRIỂN NGÀNH SẢN XUẤT CHIP (IC) CỦA VIỆT NAM 9-2023

1.Hợp tác Việt – Mỹ trong thời kỳ tới mở ra triển vọng lớn cho ngành sản xuất IC ở Việt Nam.

Các công ty Mỹ, Hàn, Đài chắc chắn sẽ là chủ nhân chính của ngành công nghiệp này (trên đất Việt Nam).

Nhưng liệu các doanh nghiêp Việt Nam có  tận dụng được cơ hội này để tham gia một phần, outsourcing cũng được, dù rất nhỏ cũng được , vào ngành này không?

Việt Nam vẫn thường nói phải có chiến lược “đi tắt, đón đầu” – cả ở tầm quốc gia lẫn tầm doanh nghiệp. 

Cơ hội “đi tắt đón đầu” đang hiển hiện mà không tận dụng thì còn lúc nào có thời cơ tốt hơn? 

2. Kinh nghiệm Đài Loan cũng là nước CNH muộn, kém cạnh tranh trong phát triển các ngành công nghiệp điện tử so với Hàn, Nhật. 

Nhưng họ lại nắm bắt được cơ hội phát triển ngành bán dẫn (SX IC). Đài Loan đã nhanh chóng sau 20 năm trở thành 1 trong những nhà nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới. Thành công của Đài Loan trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã được công nhận rộng rãi. Xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn ở một quốc gia đang phát triển có đặc điểm là a)rất tốn kém, b)rủi ro cao; c) đòi hỏi thơi gian để có sự tích lũy lâu dài về vốn, công nghệ, nhân lực và năng lực sản xuất. 

Xem chừng cả 3 thách thức nêu trên ở VN khó có thể vượt qua khi cả nhà nước và các doanh nghiệp có máu mặt đều chỉ quen ăn xổi ở thì, sợ rủi ro và thích bóc ngắn cắn dài rồi... 

Quá trình phát triển phụ thuộc vào sự tương tác của doanh nghiệp và môi trường, cần được nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện. 

3/ Vneconomy (2021) đã có 3 bài viết dưới đây về khả năng phát triển ngành IC ở Việt Nam:

Bài 1: Việt Nam vẫn chưa có nhà máy sản xuất vi mạch

Ngành công nghiệp bán dẫn (vi mạch) với sản phẩm chủ lực hiện nay là IC là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Chính phủ ta đã xem vi mạch là sản phẩm trọng điểm quốc gia thông qua các chương trình đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm...

Công nghiệp vi mạch điện tử là một trong 9 ngành trọng điểm đã được Chính phủ quan tâm từ rất sớm. 

Nhưng thực tế rất bi đát.

“Nhà máy bán dẫn Việt Nam” (Nhà máy Z181) mà tiền thân là Phân viện Vật lý kỹ thuật - Viện Kỹ thuật quân sự đã được Chính phủ cho thành lập từ năm 1979.

Nhà máy Z181 được đầu tư đồng bộ các dây chuyền công nghệ gồm các thiết bị để nghiên cứu và sản xuất vật liệu, linh kiện bán dẫn điện tử như transitor, diod, thyristor, sensor bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác. Từ năm 1979 - 1989, một số sản phẩm của Nhà máy Z181 đã được xuất khẩu sang các nước các nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Liên Xô, Ba Lan.

Tuy nhiên, do không thể cạnh tranh được với ngay cả các doanh nghiệp thuộc các nước XHCN cũ, cũng như trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sản xuất bán dẫn trên toàn cầu, hoạt động nghiên cứu và sản xuất vật liệu, linh kiện bán dẫn điện tử của Nhà máy Z181 đã “khép” lại.

Thực tế, trong khoảng hơn 10 năm qua đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực điện tử vi mạch như Tập đoàn Intel, Jabil, Sonion, Datalogic, GES... tại Khu công nghệ cao Tp.HCM (SHTP) hay các tập đoàn Microchip, Renesas, Applied Micro (AMCC), Marvell, Arrive Technologies, eSilicon, Sigma Designs, Uniquify... chuyên về gia công thiết kế các sản phẩm vi mạch và phần mềm nhúng trên địa bàn.

Trong nước, tiêu biểu có Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất chip hay Công ty TNHH Nghiên cứu và Triển khai quang lượng tử Việt Mỹ (UVP) đang sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm linh kiện bán dẫn công suất (wafer FRED 200V, wafer Schottky Diode...) cho các đối tác nước ngoài. FPT cũng đã có công ty về nghiên cứu thiết kế và chế tạo IC… 

Được sự cho phép của Ủy ban nhân dân Tp.HCM, Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Tp.HCM (HSIA) được thành lập năm 2013. HSIA hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành vi mạch bán dẫn tại Tp.HCM.

Nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư vào Tp.HCM, tìm kiếm cơ hội kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, HSIA đã tổ chức ký kết nhiều Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với các hiệp hội trên thế giới như Hội Công nghệ Điện tử và Vi mạch bán dẫn Kyushu (SIIQ), Hiệp hội Hỗ trợ thương mại bán dẫn Á châu (ASTSA), Hiệp hội Công nghệ Thiết bị và Vật liệu bán dẫn quốc tế (SEMI), Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Singapore (SSIA), Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Hàn Quốc (KSIA)...

Có thể nói, Tp.HCM là địa phương đi đầu và duy nhất hiện nay có ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch hoàn chỉnh. Ủy ban nhân dân Tp.HCM đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, giai đoạn 2013 – 2020 bao gồm 10 đề án/dự án thành phần tại các Quyết định số 6358/QĐ-UBND ngày 14 /12/2012 và Quyết định số 1780/QĐ-UBND ngày 17/04/2015.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã hết sức quan tâm và ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ cao nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng. Tiêu biểu là một số chính sách như Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”, Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020”. Đặc biệt, Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/04/2012 về phê duyệt “Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”, trong đó xác định và chỉ rõ “vi mạch điện tử” được xem là một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước.

Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg về “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển” và “Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển”, trong đó chỉ rõ các công nghệ thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn và sản phẩm vi mạch bán dẫn thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Ngoài ra, Chính phủ thông qua các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia, các Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đã hỗ trợ nhiều hoạt động nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm vi mạch bán dẫn.

NHƯNG VẪN CHƯA CÓ NHÀ MÁY SẢN XUẤT VI MẠCH 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HSIA, cho rằng ngành sản xuất vi mạch thực sự là bài toán “con gà – quả trứng”. Nếu doanh nghiệp không có thị trường ban đầu thì không có cơ hội để tồn tại, hoàn thiện và phát triển sản phẩm và từ đó mất khả năng cạnh tranh và không thể tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, ngành vi mạch điện tử là ngành yêu cầu rất cao về cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, thiết kế như các phần mềm lõi IP phục vụ thiết kế vi mạch, các phòng thí nghiệm với các máy móc chuyên dùng cho hoạt động sản xuất thử nghiệm đa phần vượt quá khả năng đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, của các trường – viện.

HSIA cũng đã đề xuất Chính phủ và các địa phương một số chính sách để hỗ trợ cho việc phát triển thị trường vi mạch như: các chính sách về đấu thầu, vay tài chính, bảo hiểm, truyền thông... ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có những sản phẩm ứng dụng vi mạch Việt (do Việt Nam tự chủ trong nghiên cứu thiết kế hoặc sản xuất) tham gia vào các dự án sử dụng ngân sách của Nhà nước như chiếu sáng công cộng, vé xe thông minh, điện lực, viễn thông, y tế...

Đối với những dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến yếu tố như an toàn an ninh thông tin (truyền hình, viễn thông), an toàn năng lượng (dầu khí, điện lực) từng bước ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho các thiết bị và tiêu chí bắt buộc ứng dụng các sản phẩm vi mạch Việt. Đây là giải pháp căn cơ tạo cơ sở cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và có tính khả thi cao.

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) đúng nghĩa. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế (outsourcing) vi mạch hoặc láp ráp – kiểm định (back – end) là chính.

Hầu hết các chuyên gia đều nhìn nhận: ngành vi mạch Việt còn một khoảng cách rất xa so với các nước phát triển. Chúng ta khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Qualcomm, Samsung, Sony, Toshiba, STMicroelectronics, NXP, MediaTek... với các dòng chip (vi xử lý, bộ nhớ, đồ họa...) đã có nhiều năm phát triển và ứng dụng trong các sản phẩm cao cấp như máy tính, điện thoại thông minh, ti vi thông minh... mà chỉ nên tập trung vào những sản phẩm vừa sức, có vòng đời sử dụng dài và đáp ứng các nhu cầu bức thiết của xã hội và có thị trường ứng dụng cao.

Hiện nhu cầu trong nước về ứng dụng các sản phẩm vi mạch điện tử là rất lớn trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao (truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quản lý và điều khiển tự động trong tưới tiêu hay nuôi trồng thủy sản...), cơ sở hạ tầng (đặc biệt là xu hướng đô thị thông minh, giao thông thông minh, điện lực, chiếu sáng, viễn thông...), an ninh quốc phòng (hộ chiếu, chứng minh nhân dân điện tử),...

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), xu hướng IoT (Internet of Things) đã dần hình thành nên một thị trường rất lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia. Với hơn 95 triệu dân, nền kinh tế đang phát triển là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

Bài 2: Việt nam có nên đầu tư nhà máy sản xuất IC?

Khi cuộc khủng hoảng bán dẫn (chip) đang diễn ra trên toàn cầu và ảnh hưởng tới hầu hết các quốc gia trong đó có Việt Nam, đã có ý kiến đặt ra: Việt Nam có nên đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn để chủ động nguồn cung chip cho các doanh nghiệp trong nước và đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong tương lai hay không?

Vậy mở nhà máy sản xuất bán dẫn có dễ, chi phí ra sao? Việt Nam liệu có nên và có khả thi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn ở thời điểm hiện nay hay cách tiếp cận với “con đường bán dẫn” của Việt Nam có tính khả thi nhất là như thế nào?

Ba hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay và cũng là ba vùng chủ đạo của bản đồ sản xuất chip toàn cầu, gồm Intel (Mỹ), TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc), chiếm phần lớn trong số vốn đầu tư vào ngành sản xuất chip. 

CUỘC CHƠI TỐN KÉM HÀNG CHỤC TỶ USD

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav, đơn vị đang sản xuất smartphone Bphone – cho biết Bkav cũng là nhà sản xuất điện thoại nên đã tìm cách tiếp cận với hầu hết các hãng chip trên thế giới. 

Theo ông Quảng, từ nhiều số liệu thống kê, hiện trên thế giới, Đài Loan và Hàn Quốc đang chiếm khoảng 70% lượng chip sản xuất trên toàn cầu, trong đó TSMC của Đài Loan chiếm thị phần lớn hơn khá nhiều so với Samsung. Còn lại, 30% là của Mỹ (Intel và một số hãng nhỏ khác) và Trung Quốc. Nhưng công nghệ chip của Trung Quốc, theo ông Quảng, kém hơn so với các hãng chip nổi tiếng trên.

Sản xuất bán dẫn được xem là một trong những ngành công nghiệp phức tạp nhất và rất khó. Toàn bộ máy móc liên quan đến quá trình làm chip phụ thuộc vào số ít các công ty trên thế giới. Giám đốc kinh doanh của một hãng chip Đài Loan tại Việt Nam (đề nghị không nêu tên) cho biết các máy móc làm chip đều phải mua của Mỹ, châu Âu, thậm chí chỉ có một vài công ty làm ra các máy đặc biệt để đúc chip nên rất đắt tiền.

Để đầu tư một nhà máy sản xuất bán dẫn trung bình mất khoảng 2-3 năm và tiêu tốn khoảng 10-20 tỷ USD, tất nhiên tùy thuộc vào quy mô và công nghệ, mức độ đầu tư còn có thể lớn hơn nhiều con số này. 

Không khó để dẫn chứng, mới đây, đầu tháng 4/2021, TSMC công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong ba năm tới để tăng công suất, trong đó riêng năm 2021 số vốn đầu tư để mở rộng lên tới 28 tỷ USD. Hay trước đó, Intel cũng công bố sẽ chi 20 tỷ USD để mở rộng năng lực sản xuất chip tiên tiến của mình. Còn hãng điện tử Samsung từ năm 2019 đã công bố kế hoạch đầu tư 116 tỷ USD đến năm 2030 để xác lập ngôi vị thống lĩnh thị trường chip toàn cầu.

"Vốn đầu tư cho nhà máy này sẽ vô cùng lớn, lên tới vài chục tỷ USD, và theo cá nhân tôi, chỉ riêng số vốn thôi đã không nên đặt vấn đề mở nhà máy sản xuất bán dẫn ở thời điểm hiện tại". Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Technology Trần Hữu Quyền.

Cũng bởi chi phí xây dựng một nhà máy chip quá tốn kém, tới hàng chục tỷ USD cùng công nghệ đi kèm, đồng thời yêu cầu độ chính xác của con chip cũng rất khắt khe, vì vậy, đến nay trên thế giới có rất ít các hãng chip với một số tên tuổi như kể trên chiếm phần lớn trong đầu tư ngành sản xuất chip thế giới.

Với chi phí rất lớn như trên, ngay như những doanh nghiệp giàu có nhất Việt Nam, việc phải bỏ khoản tiền lên tới vài chục tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip và mới chỉ để đảm bảo đầu vào mà chưa biết đầu ra cho sản phẩm có tiêu thụ được hay không, thì chắc chắn đó là việc gần như không bao giờ xảy ra.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Technology Trần Hữu Quyền cho rằng có ba khó khăn lớn với việc đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn. Thứ nhất vốn đầu tư cho nhà máy này sẽ vô cùng lớn, lên tới vài chục tỷ USD, và theo ông, chỉ riêng số vốn thôi đã không nên đặt vấn đề mở nhà máy sản xuất bán dẫn ở thời điểm hiện tại. 

Khó khăn thứ hai là mua máy móc sản xuất/đúc chip cũng không dễ vì trên thế giới chỉ có vài công ty làm, là “nồi cơm” của họ nên có tiền cũng chưa chắc đã mua được.

Và khó khăn, thách thức thứ ba, rất lớn và có yếu tố quyết định, đó là làm ra sản phẩm chip rồi nhưng có ai mua, có thị trường tiêu thụ, có cạnh tranh được hay không. “Khi anh sản xuất bán dẫn với quy mô lớn, sản phẩm phải đạt “đẳng” công nghệ tương đương với một số ít hãng sản xuất chip lớn nhất hiện có trên thế giới, đồng thời giá không được cao hơn thì mới hy vọng bán được. Rất khó. Vì không khó thì thế giới đã có rất nhiều tập đoàn, nhiều quốc gia làm chip rồi”, ông Quyền phân tích và cho biết “Ngay như ngành sản xuất chip của Trung Quốc vẫn còn đang lật đật và hoàn toàn chưa có “đẳng” như các thương hiệu lớn trên”.

Ngoài ra, một loạt các yếu tố khác, như tiêu chuẩn môi trường làm chip, kỹ sư, nhân công... cũng là những khó khăn cho việc gia nhập ngành sản xuất.

CÁCH TIẾP CẬN "CON ĐƯỜNG BÁN DẪN" CỦA VIỆT NAM

Vậy “con đường bán dẫn” của Việt Nam ở thời điểm hiện tại nên được tiếp cận như thế nào? Nhiều chuyên gia trong ngành điện tử - cơ khí cho rằng Việt Nam dù cũng đã có những ý tưởng về đầu tư xây dựng công nghiệp sản xuất chip với mục đích chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp, tuy nhiên với rất nhiều khó khăn và rào cản nên gần như là “không thể đặt chân vào ngành sản xuất bán dẫn”, do vậy, theo các chuyên gia có chăng Việt Nam chỉ nên sản xuất các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ gia tăng của sản phẩm chip.

"Việt Nam có rất nhiều đội thiết kế chip thuê giỏi, có nền tảng khoa học tốt, nên người Việt hoàn toàn có thể thiết kế ra chip nếu có tiền đầu tư". Giám đốc kinh doanh chip Đài Loan với thâm niên hơn 10 năm trong nghề.

Vị giám đốc kinh doanh chip Đài Loan nói trên với thâm niên hơn 10 năm trong nghề đúc rút: “Gần như đứng sau mỗi nhà sản xuất chip trên thế giới đều là hình bóng chính phủ ở quốc gia của nhà sản xuất chip đó”. Và theo ông, chính phủ phải giàu có, rất nhiều tiền, mới có thể theo đuổi lĩnh vực vô cùng tốn kém nhưng lại không dễ tham gia như ngành sản xuất bán dẫn này. 

Ngoài việc phải là “chính phủ giàu” đễ hỗ trợ và đầu tư trực tiếp vào ngành bán dẫn, đồng thời còn phải đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, để sản phẩm có thị trường tiêu thụ, từ đó, theo thời gian, ngành công nghiệp bán dẫn có tích lũy kinh nghiệm, cải tiến sản phẩm và gia tăng cạnh tranh trên thị trường, khi đó ngành sản xuất bán dẫn của quốc gia mới định hình. Ở góc độ tiếp cận này, theo vị Giám đốc kinh doanh chip Đài Loan, thời điểm hiện tại với Việt Nam có lẽ cũng chưa phù hợp và khó thành hiện thực.

Cách thức thứ hai là tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư quốc tế - tương tự theo mô hình trước đây của TSMC – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay. Tức là trở thành nhà gia công, đúc chip theo những đơn hàng của các đơn vị thiết kế chip. Đối với cách tiếp cận này, theo vị kinh doanh chip Đài Loan, tất nhiên Việt Nam phải có chiến lược hấp thụ sản phẩm, không chỉ cho thị trường trong nước mà trên toàn cầu hoặc chí ít ở các quốc gia có thị trường tiêu thụ rất lớn. 

“Con đường tiếp cận này, Việt Nam cũng không thể thực hiện được”, vị này khẳng định.

Cách tiếp cận thứ ba là đầu tư vào thiết kế chip với một chiến lược dài hơi. Bởi, theo vị Giám đốc kinh doanh chip Đài Loan, Việt Nam có rất nhiều đội thiết kế chip thuê giỏi, có nền tảng khoa học tốt, nên người Việt hoàn toàn có thể thiết kế ra chip nếu có tiền đầu tư. Ông lấy ví dụ, ông có người bạn thiết kế chip tại Singapore, là tiến sĩ về thiết kế chip ở Mỹ, và là người nằm ở đầu mũi kim công nghệ, thiết kế ra cao tần và chip 5G, cũng được xem thuộc hàng... siêu đẳng.

Tổng giám đốc Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Technology Trần Hữu Quyền nói: phải khẳng định người Việt có tiềm năng để làm bán dẫn. Thực tế, theo ông Quyền, có rất nhiều người Việt từng giữ những vị trí quan trọng của nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới, trong đó có các công ty trong ngành bán dẫn. Hay thậm chí có người Việt dựng ra doanh nghiệp về chip như SigmaDesign (tại Mỹ)– cũng từng một thời tạo tiếng vang trên thế giới. Hoặc sáng tạo ra công nghệ truyền sóng vô tuyến trong nhà cũng là người Việt (tại Mỹ).

“Cốt lõi để tham gia vào bán dẫn là phải xây dựng con người, chứ không phải “bê” nhà máy về. “Bê” nhà máy về cũng được nhưng thị trường ở đâu”, ông Hữu Quyền nói. Đồng thời ông cũng cho rằng, tất nhiên việc xây dựng con người làm chip không có nghĩa tuần tự thế giới làm thế nào mình làm y như thế, mà giống như ngành viễn thông trước đây mình không đầu tư analog mà “nhảy thẳng” lên digital – một chiến lược đúng đắn.

Theo Chủ tịch VNPT Technology, hiện nay đang là thời thịnh hành của bán dẫn – công nghệ vật liệu, công nghệ bán dẫn. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, ông Quyền đặt câu hỏi tại sao mình không nghĩ đến một công nghệ gì đó khác đi. Chẳng hạn hiện nay, vấn đề truyền số liệu, công nghệ quang (truyền sóng ánh sáng) còn là một công nghệ mới đưa vào truyền dẫn thay vì truyền sóng bình thường (cáp đồng), và  thế giới hiện đang nghĩ đến chuyện không phải làm linh kiện điện tử mà là linh kiện quang (tất nhiên chưa nói đến việc chọn đúng hay sai). 

“Điều đó cần có một chiến lược quốc gia cụ thể thì mới có thể hy vọng 20, 30 năm nữa mới tạo ra một thứ bán dẫn “phẩy” gì đó để phục vụ cho làm sản phẩm cuối cùng”, ông Trần Hữu Quyền nhìn nhận về “con đường bán dẫn” của Việt Nam.

Bài 3: Vì sao chưa có công nghiệp sản xuất IC của Việt Nam?

Chip được ví như “bộ não” của tất cả các hệ thống tự động hóa và thông minh, là “linh hồn” của cuộc cách mạng 4.0. Mặc dù các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế thành công chip, nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trong quy mô phòng thí nghiệm, chưa có nhà máy sản xuất ở quy mô lớn.

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng để phát triển thành công trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải quan tâm đến thiết kế, sản xuất chip và các phần mềm điều khiển chip.

Muốn vậy, trước hết Việt Nam phải quan tâm thúc đẩy phát triển ngành vật liệu điện tử là nguồn đầu vào cho sản xuất chip.

Có thể nói ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam hiện nay mới đang ở giai đoạn bắt đầu và còn rất bé nhỏ. Trong khi đó, nhu cầu cũng như trình độ phát triển về vi mạch trên thế giới đã rất cao.

Từ cách đây hơn 10 năm, Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vi mạch. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình sản phẩm quốc gia và một trong sáu sản phẩm đầu tiên được phê duyệt chính là vi mạch. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phải có các dự án về vi mạch.

Do công nghiệp vật liệu của Việt Nam chưa phát triển, chưa tự chủ được vật liệu nên Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi động bằng dự án thiết kế chip. Dự án được giao cho Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm vi mạch) để thiết kế những vi mạch đầu tiên của Việt Nam. Ở thời điểm đó, dự án của Trung tâm vi mạch đã thiết kế thành công chip 8 bit và sau đó là chip 32 bit.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ký chương trình phối hợp phát triển ngành công nghiệp vi mạch của thành phố. Thành phố đã giao cho Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn nghiên cứu dự án đầu tư nhà máy sản xuất vi mạch với số vốn khoảng 100 triệu USD, nhưng vì nhiều lý do mà đến nay dự án này đã không thực hiện được.

Ngay cả với dự án thiết kế vi mạch của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dù đã thử nghiệm thành công trong quy mô phòng thí nghiệm và hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tế, nhưng Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất các chip vi mạch nên phải thuê chế tạo thử ở nước ngoài. Đến nay dự án đã kết thúc nhưng các thiết kế chip 8 bit và 32 bit vẫn chỉ ở trong quy mô phòng thí nghiệm.

Chúng ta đã nghiên cứu, thiết kế thành công chip 8 bit và 32 bit. Tuy nhiên, thực tế hiện nay yêu cầu với các hệ thống công nghệ tự động đã cao hơn rất nhiều nên nhiều hãng sản xuất chỉ làm những chip 32 bit và 64 bit mà không làm chip 8 bit... Nếu Việt Nam tiếp tục làm chip 8 bit thì sẽ không thương mại hóa được và ngay cả chip 32 bit thì trong vài năm tới cũng trở thành lạc hậu.

Do đó, mặc dù qua các nghiên cứu thiết kế thành công chip 8 bít và 32 bit đã khẳng định năng lực, chất xám của người Việt hoàn toàn có thể làm được chip, đồng thời tích lũy kinh nghiệm, trình độ để làm những chip khác nhanh hơn. Nhưng vì không được đưa vào ứng dụng thực tế sản xuất ở quy mô lớn nên rất lãng phí kết quả nghiên cứu cũng như nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế.

Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất chính là do ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam còn non kém, chưa sản xuất được các vật liệu điện tử, các vật liệu cần thiết cho ngành công nghiệp vi mạch. Ngành vật liệu điện tử Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là con số 0. Ngay cả khi có nhà máy sản xuất chip thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu toàn bộ vật liệu điện tử. Thực tế ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản thì nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp sản xuất chip cũng là một vấn đề khó khăn thách thức rất lớn.

Chính vì thế trước đây, khi cơ cấu lại Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn giữ lại chương trình khoa học công nghệ vật liệu KC-03. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam mới chỉ làm được những loại vật liệu thông thường. Còn những loại vật liệu cơ bản, trọng yếu đóng vai trò chiến lược cho nền kinh tế như: vật liệu điện tử, vật liệu quang, vật liệu hợp kim cao cấp, vật liệu polymer... vẫn chưa làm được.

Theo tôi, nếu Việt Nam phát triển ngành công nghiệp vi mạch thì việc đầu tiên phải làm chính là xây dựng được một số cơ sở sản xuất các vật liệu điện tử chủ yếu. Việt Nam phải tự chủ được những vật liệu mang tính chiến lược để chủ động, không bị ngưng trệ sản xuất nếu khi xảy ra những tình huống xấu như chiến tranh thương mại hoặc dịch bệnh Covid-19... Tất nhiên, nếu tự sản xuất giá thành cao trong lúc giá thị trường thế giới rẻ hơn thì Việt Nam có thể nhập khẩu.

Hiện nay, hầu hết chip phục vụ nhu cầu trong nước đều phải nhập khẩu. Vì vậy, tôi cho rằng Việt Nam phải cân nhắc và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới nếu muốn phát triển một ngành công nghiệp vi mạch nói riêng cũng như công nghiệp điện tử nói chung.

Mấu chốt để giải quyết vấn đề này, để Việt Nam có thể phát triển được ngành công nghiệp vật liệu cũng như ngành công nghiệp vi mạch, đang nằm ở điểm nào, thưa ông?

Theo tôi, chúng ta làm từ gốc ban đầu, trước hết phải thăm dò trữ lượng và đánh giá chất lượng các nguồn tài nguyên, mỏ khoáng sản vật liệu liên quan như đất hiếm, kim loại màu, các nguồn vật liệu polymer. Cùng với đó phải đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khai thác, chế biến, tinh luyện và sản xuất ở quy mô công nghiệp đối với các loại vật liệu chiến lược.

Trên cơ sở đó đầu tư để sớm hình thành một ngành công nghiệp vật liệu chiến lược như vật liệu điện tử, vật liệu quang, vật liệu tinh khiết, hợp kim...; những loại vật liệu phục vụ làm các linh kiện chi tiết cho công nghiệp điện tử. Khi có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp thì Việt Nam mới hình thành được ngành công nghiệp vật liệu trong đó có vật liệu điện tử.

Khi tự chủ được công nghệ và một phần vật liệu thì các nhà máy sản xuất chip mới có thể vận hành, hoạt động ổn định, cung cấp chip, đáp ứng nhu cầu sản xuất từ các thiết bị điện tử dân dụng đến cao cấp trong nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trình độ cao thì các chip điều khiển giữ vai trò đặc biệt quan trọng được ví như “bộ não”, “linh hồn” của tất cả các hệ thống tự động hóa và thông minh.

Việc tự chủ được chip sẽ có ý nghĩa, vai trò thế nào trong bối cảnh Việt Nam hiện đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng các công nghệ tự động hóa, Internet vạn vật (IoT) và các công nghệ của cách mạng 4.0, thưa ông?

Chắc chắn rằng nếu Việt Nam không sản xuất được chip, phải nhập khẩu thì sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài từ sản phẩm cuối cùng là chip cho tới những công nghệ, kể cả các phần mềm điều khiển chip. Mặc dù Việt Nam có thể nhập chip để tự cài đặt phần mềm bằng công nghệ của mình nhưng rất khó loại trừ những tình huống bị cài đặt sẵn các phần mềm ẩn.

Khi tự sản xuất được chip thì Việt Nam hoàn toàn an tâm về bảo mật an toàn thông tin dữ liệu và có thể sản xuất, thiết kế các thiết bị công nghệ theo mục tiêu của chúng ta mà không bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải có vật liệu điện tử thì mới có thể làm được chip đồng bộ đến sản phẩm cuối cùng. Nếu phải nhập khẩu vật liệu thì Việt Nam vẫn có thể phát triển và duy trì được ngành công nghiệp điện tử nhưng vẫn phải phụ thuộc vào nhà cung cấp vật liệu nước ngoài mà không tự chủ động được.

Nếu không tự chủ được ngành sản xuất chip thì Việt Nam sẽ không thể thực hiện được rất nhiều nội dung của chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chip sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các hệ thống thông tin của chuyển đổi số và cuộc cách mạng này.

Ngoài việc đầu tư kinh phí cho các viện, trường đại học, để nghiên cứu vi mạch thì hiện nay cũng có những doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực đã chủ động đầu tư nghiên cứu và sản xuất chip. Ông nhìn nhận thế nào về sự vào cuộc của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc đầu tư cho nghiên cứu thiết kế chip của các doanh nghiệp. Bởi để thiết kế và sản xuất chip cần phải có nguồn vốn đầu tư rất lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế. Đầu tư của Nhà nước cho các viện nghiên cứu, trường đại học cũng rất khó khăn vì bên cạnh nguồn lực không đủ lớn thì cơ chế tài chính phải tuân thủ quy định của Luật Ngân sách rất chặt chẽ và phức tạp nên không dễ để giải ngân.

Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vốn để nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip là một tín hiệu rất đáng mừng.

Người Việt Nam hoàn toàn có năng lực nghiên cứu thiết kế chip. Khâu sản xuất chip cũng không quá khó khi chúng ta nhập khẩu các dây chuyền sản xuất giống như với ngành sản xuất ôtô hoặc điện thoại di động... Các doanh nghiệp có thể đầu tư nguồn vốn rất lớn cho nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip nhưng nếu không tự chủ được nguồn vật liệu điện tử thì sẽ vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài.

Khi các nước dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu vật liệu thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Vì thế nên khuyến khích một số doanh nghiệp nghiên cứu và làm dự án sản xuất vật liệu điện tử như doanh nghiệp phụ trợ cung cấp vật liệu đầu vào cho ngành công nghiệp điện tử.

Với những chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như những kết quả từ các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ của các chuyên gia và sự vào cuộc đầu tư của các doanh nghiệp, theo ông, Việt Nam có cơ sở nền tảng, đủ điều kiện để xây dựng một ngành công nghiệp chip hay không?

Tôi cho rằng khi Việt Nam đã có thể nghiên cứu công nghệ, thiết kế được chip, thì hoàn toàn có thể sản xuất được chip. Công nghiệp sản xuất chip hiện đã rất phát triển ở một số nước trên thế giới. Việt Nam có thể nhập khẩu hoặc mua lại nhà máy, dây chuyền sản xuất chip từ một số nước phát triển.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn đầu vào vật liệu điện tử hiện nay chúng ta chưa phát triển. Nếu nguồn đầu vào vật liệu điện tử bị phụ thuộc nước ngoài thì khi xảy ra những tình huống xấu, sẽ tác động tới sự phát triển của ngành công nghiệp này và thậm chí sụp đổ.

Chính vì vậy, tôi cho rằng Việt Nam vẫn phải chủ động và tự đảm bảo được một số vật liệu mang tính chiến lược để tự chủ sản xuất khi cần thiết.

Với thực trạng phát triển như hiện nay, ông có nhận định thế nào về các cơ hội và tương lai của ngành chip Việt Nam trong thời gian tới?

Ngành chip Việt Nam sẽ phải phát triển nhưng vấn đề là phát triển như thế nào. Nếu không có những quyết sách đột phá để thay đổi tình hình mà vẫn như hiện nay thì Việt Nam vẫn chỉ là người sử dụng chip ở quy mô lớn. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới vào đầu tư sản xuất nên sẽ tiêu thụ một lượng chip rất lớn.

Theo tôi, việc trở thành một cường quốc chip hoàn toàn khác với cường quốc sử dụng chip. Vì vậy, để hoàn toàn chủ động về chip, không bị phụ thuộc vào những biến động của thế giới thì Việt Nam vẫn phải tự chủ từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng.

Tất nhiên, tôi phải nhắc lại, trong bối cảnh thuận lợi chúng ta không cần thiết phải sản xuất chip với chi phí giá thành rất đắt khi quy mô chưa đủ lớn, nhưng trong những tình huống khủng hoảng hoặc để đảm bảo an ninh an toàn thông tin thì phải tự chủ được nguồn cung cấp. Cũng không loại trừ trường hợp khi nhu cầu ứng dụng cao, quy mô đủ lớn thì việc sản xuất chip sẽ rẻ hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu.

Hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những quyết sách quan trọng để phát triển nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất các vật liệu điện tử phục vụ cho ngành công nghiệp chip. Theo tôi, cả hai đối tượng là nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này cần phải được hưởng chính sách ưu đãi cao để khuyến khích.

Đầu tư cho sản xuất vật liệu điện tử và sản xuất chip là lĩnh vực khó, rất tốn kém, có độ mạo hiểm rủi ro rất cao và thời gian hoàn vốn cũng như lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp rất chậm. Do đó, nếu không có các chính sách ưu đãi lớn của Nhà nước thì các doanh nghiệp sẽ rất ngại đầu tư vào lĩnh vực rất quan trọng này của nền kinh tế.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness