TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 69
  • Hôm nay: 1380
  • Tháng: 8119
  • Tổng truy cập: 5141438
Chi tiết bài viết

Tàu Donskoi bỏ lại đáy biển tham vọng của Nga

Tin từ Hàn Quốc cho hay công ty Shinil Group nói họ đã tìm thấy xác chiến hạm Dimitrii Donskoi từ thời Nga hoàng bị đắm ngoài khơi đảo Ulleungdo.

Dimitri Donskoi

Tàu Dimitrii Donskoi trên bưu ảnh

Các báo quốc tế tuần này rộ lên tin rằng con tàu bị thủy thủ đoàn bỏ lại sau trận Nga thua Nhật Bản năm 1905, có "những thùng vàng trị giá hàng tỷ USD".

Theo BBC hôm 18/07/2018 thì có tin đồn con tàu chở vàng để trả lương thủy thủ và phí cập cảng cho cả Hạm đội Thái Bình Dương của Đế quốc Nga khi đó.

Nhưng giới nghiên cứu nghi ngờ chuyện một tàu chiến như Donskoi lại chở nhiều vàng, theo BBC News.

Câu chuyện nhắc lại trận đánh năm 1905 đưa Nhật Bản lên vị trí ngang hàng với các cường quốc Âu Mỹ.

Dư luận Việt Nam khi ấy cũng dấy lên niềm hy vọng vào hướng đi cứu nước Đông Du, vì người Nhật 'đồng văn đồng chủng' đã thắng một đế quốc Âu.

Vậy hải chiến Nhật - Nga ở Viễn Đông năm đó để lại bài học gì?

Quan trọng hơn, ngày nay nước Nga của ông Vladimir Putin có còn là cường quốc Thái Bình Dương hay không?

Trận Đối Mã nâng vị thế của Nhật Bản

Con tàu mang tên Đại Công tước Moscow, Dimitrii Donskoi đóng xong năm 1883, thuộc loại tuần dương hạm (dài 93 mét), phục vụ trong Hạm đội Baltic.

Chiến tranh Nga - Nhật bùng nổ khi các đại cường xâu xé Trung Hoa thời nhà Thanh giành quyền thương mại (xem bài về Nhượng địa Trung Quốc).

Nhật Bản, nước châu Á duy nhất công nghiệp hóa thành công, tranh giành vùng Mãn Châu với Nga khi đế quốc này vươn sang Thái Bình Dương.

Ở về phía Đông, Nga đã có Sakhalin và Vladivostok.

Về phía Nam, Nga chiếm tuyến hỏa xa xuyên Mãn Châu xuống cảng Lữ Thuận (Port Arthur) ở bán đảo Liêu Đông để vươn tới Hoàng Hải.

Từ 1898, vua Nicholas II đã cho xây Dalny (nay là Đại Liên), gần quân cảng Lữ Thuận, và muốn chiếm lâu dài vì lý do an ninh, kinh tế.

Sau đàm phán buộc Nga rút đi không thành, đế quốc Nhật đã tuyên chiến và tấn công quân Nga ở cảng Lữ Thuận vào tháng 2/1904.

Đô đốc Wilgelm Vitgeft, và Phó vương Yevgeni Alekseyev đều bị kẹt trong đại bản doanh của Nga ở Lữ Thuận và cuộc bao vây kéo dài sang năm 1905.

Nga điều tàu từ Hạm đội Baltic và Hắc Hải sang vòng qua châu Phi sang Ấn Độ Dương, qua Đông Nam Á lên Viễn Đông để giải cứu Lữ Thuận.

Nhưng chỉ đi đến Madagascar, đoàn tàu Nga cứu viện được tin Lữ Thuận đã thất thủ khi bị quân Nhật tấn công trên bộ.

Các chiến thuyền Nga tại cảng này chỉ còn cách rút ra biển, chờ hợp sức cùng các tàu từ Nga sang để chạy lên Vladivostok nhằm bảo toàn lực lượng.

Nhưng kế hoạch của Nga bị Nhật Bản biết trước và Đô đốc Togo Heihachiro đã chặn đánh đoàn tàu Nga ở eo biển Tsushima (Đối Mã) vào tháng 5/1905.

Đô đốc Zinovy Petrovich Rozhestvensky bị trúng mảnh đạn vào đầu, ngất đi nhưng sống sót.

Commander of Orel's body being buried at sea

Mai táng thuyền trưởng tàu Orel của Nga hy sinh trong trận Đối Mã - tranh vẽ châu Âu

Còn lại hơn 4300 sĩ quan và thủy thủ Nga bị giết tại trận, hơn 6000 bị bắt sống.

Khi một chiến hạm lớp Borodino bị trúng ngư lôi của Nhật, cả tàu bùng cháy và nhanh chóng chìm xuống biển, đem theo toàn bộ thủy thủ đoàn.

Tàu Donskoii mà người ta nói là vừa tìm ra dưới mặt biển hơn 400 mét sau 113 năm thực ra không dự trận chiến.

Nó có nhiệm vụ hỗ trợ cho các tàu vận tải của Nga và sau Trận Đối Mã đã chở Đô đốc Rozhestvensky sang một tàu khác.

Mang theo hàng trăm thương binh, chiếc Dimitrii Donskii tìm đường lách qua vùng biển đầy tàu Nhật trong đêm trốn lên Vladivostok.

Nhưng nó bị một toán sáu tàu Nhật phát hiện và tấn công.

Thoát được ra nhưng Donskoi bị hư hại và thuyền trưởng Lebedev quyết định cho đánh đắm tàu sau khi để các thủy thủ xuống đảo đá Ulleungdo.

Toàn bộ thủy thủ, thương binh Nga bị tàu Nhật bắt sống.

Ngày nay nhìn lại, người ta phát hiện ra nhiều lý do khiến 39 tàu chiến Nga thua Nhật Bản.

Đầu tiên là về tương quan lực lượng.

Quân Nhật có gần 90 tàu chiến và thuyền bắn ngư lôi với các vũ khí mới nhất nên có hỏa lực áp đảo.

Các tàu chiến Nga hoặc đã ở thế chiến bại sau trậnLữ Thuận, hoặc phải đi hàng nghìn dặm từ châu Âu sang Viễn Đông nên quân tướng đều mệt mỏi.

Có chi tiết liên quan đến Việt Nam có thể khiến Nga đã yếu lại càng yếu hơn.

Từ ngày 7 đến 10 tháng 4/1905, Hạm đội Baltic của Nga đã cập cảng Cam Ranh ở Đông Dương thuộc Pháp.

Theo luật quốc tế, tàu chiến Nga chỉ được phép ở một cảng nước ngoài 24 giờ.

Nhưng quân Nga thiếu nửa triệu tấn than cho các lò đốt trên đoàn tàu 50 chiếc nên cần ở lại càng lâu càng tốt để tìm mua than.

Nga - Nhật

Sau khi thua Nhật, Nga phải ký hòa ước Portsmouth ở New Hampshire, Hoa Kỳ để chấm dứt xung đột và rút khỏi Mãn Châu

Là đồng minh của Nga, Pháp đã nhắm mắt làm ngơ dù Nhật phản đối để hạm đội Nga ở thêm mấy ngày.

Cũng theo luật quốc tế, tàu Nga không được phép vào cảng mua than nên họ phải thuê một công ty Áo - Đức mua giúp và nhận hàng trên biển.

Việc này khiến cho hành trình của Hạm đội Nga bị chậm trễ và trên thực tế thì vẫn không đủ than để hoàn tất hành trình.

Lúc vào trận Đối Mã, quân Nga mệt mỏi, thiếu nguồn tiếp liệu và ở vào thế bất lợi so với Nhật Bản vốn luôn gần các nguồn tiếp liệu trong vùng.

Nhưng không chỉ có vậy.

Tài liệu giải mật sau này cho thấy quân Anh đã chuyển nhiều tin tình báo quan trọng cho Nhật Bản.

Điện tín không dây lần đầu tiên được Nhật Bản sử dụng đưa tin nhanh chóng cho hải quân.

Nhật Bản có chuẩn bị tốt hơn cả về tàu thuyền, vũ khí, một phần nhờ khoản vay 200 triệu USD từ Hoa Kỳ.

Yếu tố quốc tế đã góp phần làm Nhật Bản có nhiều ưu thế hơn Nga.

Chiến dịch Thái Bình Dương thất bại làm tan vỡ tham vọng của Nga ở vùng biển xa, hải quân Nga bị thu hẹp lại bằng lực lượng của Áo - Hung.

Uy tín triều đại Romanov bị sút giảm và các sử gia tin rằng thất bại ở Viễn Đông khiến Đức, Áo-Hung và Thổ Nhĩ Kỳ mạnh bạo gây chiến với Nga năm 1914.

Sang Thế Chiến 2, Liên Xô cũng không có hải quân đủ mạnh để đánh Đức ở Đại Tây Dương và Nhật Bản ở Viễn Đông.

Hải quân Nga

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga nay đóng ở Vladivostok

Trong Chiến tranh Lạnh, người Nga xuất hiện ở Thái Bình Dương và sau cuộc chiến Việt Nam, tàu chiến Liên Xô đã đóng thường trực ở quân cảng Cam Ranh vài năm.

Nhưng kể từ 1905 đến nay, Nga không đánh một trận hải chiến nào ở Thái Bình Dương.

Với Nhật Bản, trận Đối Mã còn có tác động mạnh hơn.

Nó giúp Nhật lên ngôi vị thành một trong sáu cường quốc hải quân trên thế giới đầu Thế kỷ 20.

Mặt trái của các chiến thắng này là tạo tiền đề cho chế độ quân phiệt Nhật Bản sinh ra.

Có ý kiến nói trong hải quân, người ta cần ba năm để đóng một chiến hạm nhưng cần 300 năm để có một truyền thống.

Với Nhật Bản, việc hình thành hải quân và chiến thắng liên tiếp xảy ra trong vòng vài năm, đưa tới tâm lý kiêu ngạo, chinh phục mà nước này phải trả giá năm 1945.

Sau hơn 110 năm tình hình có khác trước?

Nước Nga của Vladimir Putin vẫn có tham vọng trở thành cường quốc Thái Bình Dương.

Nhưng ở Đông Á, Nga đang theo đuổi chính sách hai bước song hành: Nga cùng tạo liên minh gần gũi và thông qua Trung Quốc để vào châu Á; cùng lúc Nga lại đa dạng hóa chính sách với các nước khác, từ Hàn Quốc tới Việt Nam.

Riêng với Nhật Bản, Nga vẫn có tranh chấp lãnh thổ ở vùng đảo Kurils, nhưng cũng muốn hợp tác năng lượng với Nhật.

Cũng trong tháng 7 năm nay, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đóng ở Vladivostok có cuộc diễu binh lớn với hơn 40 chiến hạm, tàu vận tải, tàu đổ bộ.

Tại Zolotoj Bay, hải quân Nga đã tập đổ bộ và bắt tàu ngầm địch, đều là các hoạt động trên diện hẹp.

Nhưng nếu Nga muốn chuyển sang tấn công và đánh các trận chiến hạm đối hạm họ sẽ lại gặp phải đối thủ mạnh là Nhật Bản như hồi đầu thế kỷ 20.

Tàu Donskii sẽ được trục vớt?

Donskoi

Công ty Hàn Quốc nói đây chính là xác tàu Donskoi

Dù công ty tìm báu vật công bố ảnh với dòng chữ Donskoi trên vỏ tàu, nước Nga vẫn chưa xác nhận chuyện này.

Họ chỉ nói nếu đúng đó là chiến hạm Nga, Moscow muốn đòi trao trả toàn bộ xác tàu.

Hiện các chuyên gia Hàn, Canada và Anh đang tìm cách nộp đơn xin phép Hàn Quốc cho trục vớt tàu.

Họ cũng hứa sẽ trả cho nước Nga 50% trị giá hiện vật tìm được trên tàu.

Nhưng để có được giấy phép, nhóm tìm cổ vật này phải đặt cọc cho chính quyền Hàn Quốc 10% trị giá tàu sản ước tính trong xác chiếc tàu.

Nếu lời đồn về số vàng trị 130 tỷ USD là đúng, Shinil Group với vốn pháp định dưới 100 nghìn USD sẽ không có đủ tiền cọc để xin khai thác.

Tàu Donskoi có thể sẽ vẫn còn nằm dưới đáy biển một thời gian nữa.

Theo BBC

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness