TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 66
  • Hôm nay: 547
  • Tháng: 7286
  • Tổng truy cập: 5140605
Chi tiết bài viết

Thách thức kiểm soát lạm phát năm 2018

Kiểm soát lạm phát là yếu tố quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2017, kinh tế Việt Nam đạt thắng lợi kép: kiểm soát được lạm phát và tăng trưởng kinh tế vượt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra. Năm 2018, mục tiêu kiểm soát lạm phát đã được Quốc hội thông qua ở mức khoảng 4%. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước luôn biến động.


Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Coop.mart (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HÀ THU

Chịu nhiều áp lực

Năm 2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân ở mức 4%. Dù mục tiêu kiểm soát lạm phát thực hiện trong năm 2017 đã thành công - ở mức 3,53%, song việc kiểm soát lạm phát năm 2018 vẫn đang hiện hữu nhiều thách thức.

Kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,5 đến 6,7%. Theo đó, 6,5% là mức tăng trưởng tối ưu, không gây áp lực lên lạm phát, nếu tăng trưởng hơn 6,7% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018. Bên cạnh đó, nếu các chính sách cải thiện cung phát huy tác dụng thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn.

Giữ lạm phát ở mức 4% cũng là một thách thức không nhỏ, khi các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017, như đẩy nhanh đầu tư, nới tăng trưởng tín dụng có thể tác động trễ tới diễn biến CPI trong năm 2018. Tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát từ năm 2017 sang năm 2018 không lớn do hệ số thâm dụng tín dụng trong năm 2017 ước đạt 2,04 lần, giảm so với mức 2,81 lần của năm 2016, nhưng cung tiền sẽ tác động đến lạm phát, nếu không chú ý kiểm soát chất lượng tăng trưởng tín dụng năm 2018.

Lạm phát năm 2018 sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công và giá thực phẩm. Giá dịch vụ công năm 2018 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016 - 2020 cho nên được dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể tương đương năm 2017, khoảng 2 đến 2,5 điểm %. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc quỹ Bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế cũng sẽ tác động vào CPI.

Bên cạnh đó, giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8% đến 10% trong năm 2018, tác động khoảng 0,3% vào CPI chung của năm nay. Giá điện tăng 6,08% từ ngày 1-12-2017 dự kiến sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1% và sẽ tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào. Dự báo giá dầu thô thế giới bình quân năm 2018 sẽ trong khoảng từ 50 đến 55 USD/thùng, giá xăng dầu thành phẩm sẽ ở mức từ 66 đến 70 USD/thùng, tăng từ 5% đến 10% so với bình quân năm trước, sẽ khiến giá xăng dầu trong nước biến động.

Giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật Phí và lệ phí sẽ tác động nhất định lên mặt bằng giá. Giá lương thực dự kiến tăng do nguồn cung gạo thế giới dự báo giảm. Giá thịt lợn dự kiến tăng trở lại sau khi đã giảm sâu trong năm qua. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở năm 2018 cũng là yếu tố tác động tới CPI.

Bên cạnh những thách thức đó, có những yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong năm nay. Dựa trên sự ổn định của kinh tế vĩ mô, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng, cùng giá nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục ổn định hoặc giảm do sự hội nhập quốc tế sâu rộng, Giá thuốc dự báo giảm do triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc quốc gia cùng việc siết chặt quản lý thuốc bán trong nhà thuốc bệnh viện, tăng cường rà soát giá thuốc kê khai của cơ quan chức năng, riêng các mặt hàng thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền dự kiến giảm sâu, thấp nhất từ 10 đến 15%. Bên cạnh đó, tỷ giá và lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Giải pháp điều hành

Dựa vào những nhân tố nêu trên, lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp, khoảng 4%. Ðể đạt được mục tiêu này, công tác điều hành giá phải bám sát và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra "độ trễ" của lạm phát trong những năm sau. Ðịnh hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính. Các bộ, ngành, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu, chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp lễ, Tết đầu năm và cuối năm để hạn chế tăng giá; có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp...

Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn, mặt hàng kê khai giá… Tất cả những mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước định giá thì trong năm 2018 cần điều chỉnh cho phù hợp, theo từng thời điểm, tránh hiện tượng tăng giá ồ ạt, dẫn đến phản ứng dây chuyền. Theo dõi sát sao thị trường, không để xảy ra biến động.

Ðối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này ảnh hưởng đến CPI chung. Về giá điện, Bộ Công thương nếu tăng giá điện phải chủ động đưa ra các phương án để tính toán các mức độ ảnh hưởng chỉ số CPI, chỉ số giá sản xuất và tăng trưởng GDP.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá trong đó có việc hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ theo lộ trình bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ vào giá. Trường hợp mức giá cao hơn mức phí hiện hành thì cần có lộ trình điều hành phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về chính sách tiền tệ, cần được điều hành linh hoạt, bám sát các diễn biến thị trường tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính vẫn là ưu tiên lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Ðồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô và từng bước phấn đấu giảm hơn nữa lãi suất khi có điều kiện thích hợp. Không bơm tiền ra thị trường ồ ạt dẫn đến tình trạng không hấp thụ được, nếu phát triển kinh tế dựa trên tăng trưởng tín dụng sẽ rất rủi ro về nợ xấu. Ngoài ra, khi cung cấp nguồn vốn phải cân nhắc khả năng hấp thụ của doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả; đồng thời không điều chỉnh tỷ giá đột ngột, gây sốc cho thị trường.

Chính sách tài khóa cũng vô cùng quan trọng, tác động tới kiểm soát lạm phát. Với chính sách tài khóa chặt chẽ được thực thi một cách có hiệu quả cũng như kiểm soát việc chi tiêu của nguồn ngân sách một cách hợp lý thì chắc chắn mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức khoảng 4% là khả thi.

PGS, TS NGÔ TRÍ LONG - Theo Nhandan

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness