TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 61
  • Hôm nay: 1377
  • Tháng: 8116
  • Tổng truy cập: 5141435
Chi tiết bài viết

Tìm giải pháp giảm suy kiệt nguồn nước ở Tây Nguyên (Kỳ 1)

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BÐKH), cộng với sự khai thác quá mức tài nguyên rừng và việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện, đã dẫn đến hiện tượng suy kiệt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên. Việc tìm ra những giải pháp hiệu quả để tái tạo, bảo vệ nguồn nước đang là bài toán nan giải.

Người dân ở huyện Krông Năng (Ðác Lắc) nạo vét giếng lấy nước tưới cà-phê. Ảnh: TRUNG CHUYÊN

Bài 1: Thiên nhiên đang "nổi giận"

Tây Nguyên, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều cánh rừng tự nhiên cũng như khởi nguồn của nhiều hệ thống sông lớn. Vì vậy, nhiều thập kỷ qua, nơi đây đã biến thành "đại công trường". Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, viễn cảnh "sa mạc hóa" đất đai hiện hữu nếu không có những giải pháp khắc phục khẩn cấp ngay từ bây giờ.

Tác động của biến đổi khí hậu

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được xem là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nặng do BÐKH toàn cầu. BÐKH sẽ làm hạn hán xảy ra hằng năm ở hầu hết các khu vực của cả nước… Ðáng chú ý, BÐKH đã và đang làm tăng nhiệt độ và suy giảm nguồn tài nguyên nước ở các tỉnh Tây Nguyên. Quyền Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên Trương Hồng cho biết: Trong những năm El Nino, nhất là các năm 2015 - 2016, dòng chảy năm ở các sông thuộc khu vực Tây Nguyên nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 10% trở lên; cá biệt có nơi hụt tới 50 đến 60%. Lượng dòng chảy tháng nhỏ nhất ở hầu hết các trạm đều nhỏ hơn trị số trung bình nhiều năm và đạt khoảng 60 đến 70%. Dòng chảy mùa lũ trong những năm El Nino thường nhỏ hơn trung bình nhiều năm và chỉ đạt 65 đến 90% dòng chảy năm.

Nguyên nhân dẫn đến suy kiệt nguồn nước ở Tây Nguyên có nhiều; trong đó tác động của BÐKH đã làm cho nguồn tài nguyên nước suy giảm rõ nét trong một thời gian ngắn. Có thể dễ dàng nhận thấy, nguồn nước mặt tại các sông suối điển hình như Sê San, Sê-rê-pốc, sông Ba và Ðồng Nai đã cạn dần, từ lưu lượng 173.863 lít/giây của những năm 2004-2005 xuống còn trên dưới 125.000 lít/giây hiện nay. Nghiêm trọng hơn, những năm gần đây, rừng Tây Nguyên bị chặt phá nghiêm trọng, cộng với những yếu tố bất lợi như mùa khô kéo dài, sự biến đổi thất thường của thời tiết làm cho lũ lụt, hạn hán trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, nơi đây là thượng nguồn của ba hệ thống sông lớn (Sê-rê-pốc, Sê San và Ðồng Nai), người dân khai thác nước ngầm tràn lan ngay tại đầu nguồn để tưới cà-phê, hồ tiêu, hoa màu khiến mực nước dưới lòng đất không ngừng bị hạ thấp, dẫn đến quá trình sản xuất tại các vùng hạ lưu gặp khó khăn.

Theo Quyền Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên Trương Hồng, so với năm 1997, tổng trữ lượng nước ngầm tại Ðác Lắc chỉ còn khoảng 30 đến 35%. Ngoài lượng mưa hằng năm có xu hướng ít đi, mùa khô kéo dài, cùng với tình trạng mất rừng nghiêm trọng đã làm thay đổi nhanh chóng của lớp phủ bề mặt, tăng nguy cơ xói mòn, suy thoái đất và mực nước ngầm sụt giảm. Theo khảo sát của Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì mực nước ngầm tại các huyện Krông Pác, Krông Búc, Lắc (Ðác Lắc); Ðác Min, Ðác Song, Cư Giút (Ðác Nông); Chư Sê (Gia Lai)... đang đứng trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng, giảm 3 đến 5 m so trước đây.

Nguồn nước suy giảm đã gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân nơi đây. Lượng mưa bình quân có xu hướng thay đổi, nhất là từ tháng 4 đến tháng 7, giai đoạn cây cà-phê cần nhiều nước để đáp ứng nhu cầu sinh trưởng và phát triển. Song gần đây, vào các tháng này, lượng mưa có xu hướng thấp, tần suất mưa ít, gây thiếu nước, làm quả cà-phê bị khô và rụng, hoặc nhân nhỏ, gây thiệt hại về năng suất và giảm chất lượng cà-phê nhân. Năm 2015, lượng mưa bình quân năm chỉ bằng 60% so bình quân nhiều năm và là năm có mức độ hạn khốc liệt nhất trong những năm trở lại đây, đã làm cho kích cỡ hạt cà-phê nhân giảm khoảng 30% so năm 2013 ở vùng khô hạn nặng thì giảm đến 45%.

Không còn là "miền đất hứa"

Là địa phương có nhiều diện tích trồng cây công nghiệp, với 103 nghìn ha cao-su, 93 nghìn ha cà-phê, 17 nghìn ha hồ tiêu…, tuy nhiên, tổng năng lực thiết kế các công trình thủy lợi của tỉnh Gia Lai chỉ đáp ứng tưới cho gần 55 nghìn ha cây trồng các loại, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so tổng diện tích canh tác. Số diện tích không dùng nước tưới từ công trình thủy lợi, người nông dân phải tự tìm nguồn nước như đào ao, đào giếng, khoan giếng, bơm, dẫn nước từ sông, suối. Tình trạng nêu trên dẫn đến giá thành sản xuất nông sản tăng cao. Trong khi đó, những năm qua, giá cà-phê, hồ tiêu liên tục sụt giảm đã khiến người trồng lao đao, thua lỗ, không có kinh phí để tiếp tục phát triển sản xuất.

Mang khát vọng làm giàu đến với vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, năm 2011, anh Nguyễn Văn Tuấn rời bỏ quê hương An Giang lên định cư tại làng Trek, xã KDang, huyện Ðác Ðoa (Gia Lai), đầu tư 3,5 ha hồ tiêu. Ban đầu, suất đầu tư trồng hồ tiêu lên tới 800 triệu đồng/ha, đến nay anh giảm xuống chỉ còn 400 triệu đồng/ha. Anh Tuấn cho biết, xác định những khó khăn về nguồn nước nơi đây, anh đã đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm. Tuy nhiên, số tiền đầu tư cho một hệ thống tưới tiết kiệm quá lớn, lên đến 60 triệu đồng/ha, trong khi đó, bản thân anh chưa biết cách tưới tiết kiệm nào mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện tại, gia đình đang sử dụng cả ba cách tưới, đó là tưới nhỏ giọt dưới mặt đất, tưới nhỏ giọt trên gốc tiêu và tưới phun mưa trên đầu trụ.

Một khó khăn nữa đối với người trồng hồ tiêu là hiện nay giá hồ tiêu xuống quá thấp, chỉ còn khoảng 50 nghìn đồng/kg, trong khi đó, với giá bán 70 đến 80 nghìn đồng/kg mới có lãi. Thêm nữa, những người mới đầu tư trồng tiêu, năng suất thường không cao; hiện tại, mỗi trụ tiêu của gia đình anh Tuấn cho thu hoạch chưa đến 1 kg, trong khi những vườn cũ của những gia đình khác cho thu hoạch 7 kg/trụ. Khó khăn chồng chất khó khăn, giá tiêu giảm, chi phí đầu tư, nhất là đầu tư về nguồn nước tưới quá cao. "Không tính tiền làm hệ thống tưới tiết kiệm, chỉ riêng chi phí khoan giếng đã mất 70 triệu đồng đã làm người trồng tiêu thua lỗ nặng. Chắc phải tính chuyện bỏ đất này về lại quê thôi", anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Cũng giống như anh Tuấn, ông Nguyễn Duy Khiêm ở xã Cư Mgar, huyện Cư M’gar (Ðác Lắc) có 4 ha trồng cà-phê. Cứ bốn tiếng lại hút nước từ giếng đào lên tưới vườn, sau đó phải nghỉ chờ mực nước giếng lên cao mới tiếp tục tưới tiếp. Ông Khiêm cho biết, hiện nay giá cà-phê xuống quá thấp, hầu như thua lỗ, cho nên gia đình chưa thể đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Mặc dù biết nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt và sử dụng tưới tiết kiệm là biện pháp tối ưu nhất, nhưng không có tiền để đầu tư. Trong những mùa kiệt nặng như các năm 1998, 2008, mực nước giếng đào nơi đây cũng không tụt giảm sâu như vài năm gần đây, chênh lệch 3 đến 4 m.

Ðối với những người mới đầu tư trồng tiêu thì tác động của BÐKH, thị trường gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế là điều dễ nhận thấy. Còn với người trồng tiêu lâu năm như anh Ngô Văn Tiên, ở thôn 4, xã Nam Yang, huyện Ðác Ðoa (Gia Lai) thì đang bước sang thời kỳ cầm cự. Có kinh nghiệm lâu năm, hiện gia đình anh Tiên đang khai thác 6 ha hồ tiêu và 4 ha cà-phê. Với tổng số 12 nghìn gốc hồ tiêu bắt đầu trồng từ năm 2002, trong bối cảnh giá hồ tiêu sụt giảm như những năm qua, gia đình anh Tiên vẫn có thu nhập từ cây tiêu 1 đến 1,5 tỷ đồng/năm. Với nguồn lực tài chính có được từ những năm giá hồ tiêu lên cao, gia đình anh đã đầu tư mạnh vào hệ thống tưới tiết kiệm. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tiên cho biết, đến thời điểm hiện tại, gia đình đã sử dụng tưới tiết kiệm theo phương pháp phun nhỏ giọt trên gốc được 6.000 trụ tiêu. Qua thời gian tự đánh giá, kiểm nghiệm cho thấy, tưới tiết kiệm cho năng suất cao hơn, ổn định hơn. Không còn tình trạng năm này cho năng suất cao, thì năm sau năng suất sẽ thấp.

Thực tế cho thấy, nguồn nước tưới cho cây công nghiệp ở khu vực Tây Nguyên ngày càng khan hiếm do tác động của BÐKH, mất rừng… Giải pháp trước mắt là phải sử dụng nguồn nước hiệu quả và sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho hệ thống này hiện quá cao, giá nông sản thì ngày càng giảm, dẫn đến thu nhập của người trồng giảm theo, khó có khả năng tái đầu tư. Ðây đang là một bài toán nan giải…

(Còn nữa)

NGỌC HÒA và LÝ TẠO - Theo NhanDan

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness